Wednesday, September 2, 2015

Bảo tàng vắng khách: Nguyên nhân và giải pháp?


Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (TPHCM)
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (TPHCM)
Các nhà bảo tàng ở VN hiện nay cho dù được đầu tư rất lớn, song không thu hút được sự quan tâm của du khách..Nguyên nhân do đâu và cần có các giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
Ở VN, hệ thống các nhà bảo tàng khá phong phú về số lượng, hầu hết ở các tỉnh và thành phố đều có những nhà bảo tàng, tuy vậy các nhà bảo tàng hiện nay vẫn chưa thực sự thu hút khách.
Lạm dụng tuyên truyền trong các bảo tàng
Trao đổi với VnExpress, Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, những ngày trong tuần khách đến xem bảo tàng rất thưa thớt. Trung bình mỗi tháng bảo tàng Lịch sử Quốc gia chỉ đón khoảng 2.000 khách, giảm hơn 10% so với những năm trước.
Nhận xét về hệ thống các nhà bảo tàng ở VN, từ Sài gòn, ông Vũ Hưng một chuyên viên tổ chức Du lịch Văn hóa bày tỏ:
“Du khách vào VN thì chương trình bao giờ cũng có việc viếng thăm một nhà bảo tàng nào đó trong ngày đầu tiên. Tuy vậy do sự đơn điệu cũng như tính chất của các nhà bảo tàng ở VN rất giống nhau, nên du khách không ấn tượng lắm.”
Trả lời câu hỏi, nguyên nhân do đâu các nhà bảo tàng VN hiện không thu hút được du khách? TS. Nguyễn Văn Huy nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN nói với chúng tôi:
“Nguyên nhân trước hết là do trình độ của cán bộ làm công tác bảo tàng còn hạn chế, ít có sự sáng tạo dẫn đến cách trưng bày không hấp dân, hơn nữa cách làm bảo tàng đã quá cũ là kiểu của 50-60 năm trước. Cái thứ 2 là đa phần các nhà bảo tàng có một nguồn kinh phí khá hạn hẹp. Một điểm nữa cũng ảnh hưởng tới chất lượng của bảo tàng là lộ trình và thiết kế trưng bày, thiết kế đồ họa thì họ vẫn làm theo một lối mòn.”
Sự gắn kết giữa bảo tàng và công tác du lịch chưa tốt, hơn nữa tính tuyên truyền bị lạm dụng trong hầu hết các nhà bảo tàng do đó không tạo được ấn tượng cho du khách nước ngoài. Ông Vũ Hưng chia sẻ:
“Khách du lịch họ nói rằng bảo tàng của các bạn thông tin thì ít, hiện vật thì không có tính đặc trưng, đơn điệu và mang tính tuyên truyền, bài trí chưa tốt. Theo tôi muốn tạo nên sự khác biệt để thu hút du khách cần phải có sự thay đổi về tư duy, vì cách trưng bày mang nặng tính tuyên truyền như hiện nay nó sẽ mất đi tính sự thật và khiến cho du khách mệt mỏi.”
Theo VTC News cho biết, trong số hơn 120 bảo tàng của cả nước hiện nay, rất nhiều bảo tàng xây dựng tốn kém với kinh phí rất lớn nhưng hoạt động không hiệu quả. Như Bảo tàng Hà Nội được đầu tư với kinh phí 2.300 tỉ đồng, đáng lẽ phải là một trong những điểm đến của đông đảo người dân. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn ngược lại.

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (TPHCM)
Bên trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (TPHCM)

Nhận xét về thực trạng này, TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ:
“Cái tính chuyên nghiệp của nó chưa tốt, vì thế bảo tàng Hà nội xây dựng tòa nhà xong được 6 năm rồi song vẫn chưa có cái trưng bầy hoàn chỉnh, điều mà lẽ ra người ta phải chuẩn bị trước từ 5-10 năm trước. Điều đó cho thấy cách ứng xử trong việc chuẩn bị nội dung cho các nhà bảo tàng chưa tốt, các nhà quản lý và lãnh đạo chưa hiểu và chưa tôn trọng tính nghề nghiệp trong lĩnh vực này. ”
Tuy vậy, trong thời gian qua, ngành bảo tàng VN cũng có những hoạt động được cho là tích cực, như sự tham gia của các cá nhân kết hợp với các viện bảo tàng của nhà nước trong việc giới thiệu các di vật đến với công chúng. TS Nguyễn Văn Huy nhận định:
“Trong vài ba chục năm gần đây, các di sản văn hóa được lưu trữ trong các bộ sưu tầm của tư nhân, các bảo tàng của tư nhân cũng đã được phép hình thành ở VN. Các bảo tàng của nhà nước cũng thường hay kết hợp với các tư nhân để mượn các bộ sưu tập để trưng bày tại các bảo tàng của mình, tôi nghĩ đó là những điều tốt.”
Những người làm bảo tàng phải kết hợp các hiện vật với nhau thành một chuỗi các câu chuyện bình dị dễ hiểu, vấn đề quan trọng nhất là bảo tàng biết kể những câu chuyện như thế nào với người khách, có như vậy mới hấp dẫn được du khách. TS. Nguyễn Văn Huy ghi nhận:
“Phải chú trọng đến việc hợp tác quốc tế để tạo cơ sở và nhận thức làm thế nào để có một bảo tàng tốt? Thì tôi nghĩ yếu tố con người là yếu tố quan trọng, bên cạnh đó cần coi trọng chất lượng hoạt động, chất lượng trưng bày, chất lượng tổ chức. Vì chỉ có đề cao chất lượng thì các bảo tang mới thu hút được khách thăm quan.”
Khi được hỏi, để công tác của các nhà bảo tàng đạt hiệu quả, theo ông cần phải có các giải pháp cụ thể như thế nào?
Ông Vũ Nguyễn Ngọc Chi, cán bộ Phòng Quản lý bảo tàng, Cục Di sản Văn hóa - Bộ Văn Hóa, TT&DL cho biết:
“Bảo tàng phải thực sự nhìn lại mình và các cấp chính quyền quản lý cũng phải có sự thay đổi trong các mặt. Đã gìn giữ rồi thì phải quan tâm đến việc đưa đến cho công chúng được hưởng thụ và phát huy cái đó đến đâu, đó là một câu chuyện mà các bảo tàng đang nhìn lại mình để điều chỉnh.”
Nói về ý nghĩa của các Viện bảo tàng trong đời sống văn hóa-xã hội hiện nay, TS. Nguyễn Văn Huy nói:
“Các viện bảo tàng giữ một vai trò rất quan trọng trong xã hội, ở đấy vai trò trước hết của bảo tàng là lưu giữ các di sản ở các thể loại khác nhau, có thể là các thể loại liên quan đến lịch sử, những di sản liên quan đến văn hóa, những di sản liên quan đến thiên nhiện và cần phải lưu giữ những cái đấy để cho các thế hệ sau được hiểu và khai thác.“
Hệ thống các nhà bảo tàng là nơi lưu giữ những di sản văn hóa vô giá, đồng thời cũng là điểm du lịch văn hóa. Nếu như chúng ta biết quản lý một cách khoa học thì các công trình văn hóa này sẽ có sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước - những người vốn tò mò và thích tìm hiểu. Điều đó không chỉ góp phần cho công tác giáo dục mà còn nâng cao đời sống văn hóa xã hội cũng như phát triển kinh tế của đất nước.

0 comments:

Powered By Blogger