VRNs (20.07.2013) –
Melbourne, Úc Đại Lợi – Ở Việt Nam, “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý,
nhân dân làm chủ” là khẩu hiệu thường gặp nhất, rồi Trương Tấn Sang hết
sang Tàu lại đi Mỹ, thế thì tại sao tôi dám kết luận Việt Nam không có
lãnh đạo?
Lãnh đạo và quản lý
Chúng ta thường lầm lẫn giữa người lãnh đạo và người quản lý hay người thừa hành.
Người lãnh đạo là người vạch ra con đường và hướng dẫn quốc gia ấy theo con đường đã được vạch ra.
Người lãnh đạo cần có tư tưởng, có tầm nhìn xa (viễn kiến), có khả
năng sáng tạo, khả năng truyền đạt tư tưởng của họ đến với những người
chung quanh để chuyển biến viễn kiến của họ thành một tầm nhìn chung cho
tòan dân tộc.
Người lãnh đạo biết phương cách, biết làm thế nào để thực hiện được ý
tưởng của mình. Họ biết ai là người để giao phó trách nhiệm thực hiện.
Họ có khả năng phân tích và nhận ra mọi rủi ro, vượt qua mọi thách thức,
tạo ra những chuyển biến tích cực để thúc đẩy một quốc gia phát triển.
Trong khi ấy các nhà quản lý hay người thừa hành chủ yếu lo việc tổ
chức hệ thống được ổn định, lên kế họach, đề ra công tác, thu xếp nhân
sự nhằm thực hiện một cách tốt nhất con đường đã được người lãnh đạo
vạch ra.
Trong các họat động ở tầm mức nhỏ như một nhóm, một hãng xưởng, một
hội đòan, một tổ chức người lãnh đạo cũng có thể là người quản lý hay
điều hành. Người lãnh đạo như thế giữ cả hai vai trò. Chính vì thế chúng
ta thừơng lầm lẫn giữa hai vai trò rất khác biệt.
Nhưng ở tầm mức lớn hơn một đại công ty, một quốc gia, muốn phát
triển vai trò lãnh đạo và vai trò quản lý hay điều hành cần phải độc
lập.
Vai trò Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh là nhân vật lịch sử, vẫn luôn được đảng Cộng sản tuyên
truyền đánh bóng là một nhà lãnh đạo tài ba. Đảng Cộng sản cố chứng minh
ông là một nhân vật có tư tưởng, có viễn kiến, có tầm nhìn chiến lược
nhưng lại không tìm ra chứng cớ. Càng tuyên truyền càng đánh bóng thì sự
thực về Hồ Chí Minh càng được phơi bày.
Hồ chí Minh được đào tạo, huấn luyện và tài trợ để đưa tư tưởng cộng
sản về Đông Dương nhằm thực hiện các “viễn kiến” của Lênin, Stalin, Mao
Trạch Đông, các sách lược do Quốc Tế Cộng Sản đề ra. Ông Hồ là một người
thừa hành xuất sắc, ông có một đức tin mãnh liệt vào chủ nghĩa cộng sản
nhờ đó đã nắm được quyền và đã xây dựng được một guồng máy cầm quyền
tồn tại đến ngày nay.
Kế thừa Hồ Chí Minh
Tư tưởng đã không có, con đường lại do Quốc Tế Cộng Sản vạch ra những
người cầm quyền sau nay chỉ giữ vai trò cai trị. Như Hồ chí Minh, họ đã
mất đi khả năng độc lập trong tư tưởng. Họ chỉ giỏi hô hào các khẩu
hiệu hay tuyên truyền đánh bóng chế độ. Họ quản lý đất nước theo kiểu
của Nga, của Tàu, theo phương cách làm, sai, sửa và sử dụng bạo lực để
cầm quyền.
Không có người lãnh đạo khác gì một người không có cái đầu. Bởi thế
chế độ cộng sản phạm sai lầm này sang sai lầm khác. Người cầm quyền gây
biết bao tội ác, họ tiêu diệt mọi tiềm năng đối lập về chính trị, kinh
tế và xã hội. Tội ác lớn nhất là đưa đất nước vào các cuộc chiến tranh
tiêu diệt mọi tiềm năng còn sót lại và gây phân hóa nội lực quốc gia.
Trong chiến tranh đảng Cộng sản đã chiến thắng. Xét cho cùng họ chiếm
được miền Nam là nhờ quân viện của Khối Cộng sản và nhờ đường lối tập
trung tất cả nhân lực, tài lực, tài nguyên đất nước vào một mục tiêu duy
nhất là chiếm được chính quyền. Hồ chí Minh từng tuyên bố “dù có hy sinh đến đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng quyết tâm giành cho được chính quyền trong toàn quốc”.
Trong khi ấy miền Nam vừa phải chống đỡ, vừa phải xây dựng và vừa
phải phát triển quốc gia. Mọi yếu tố quyết định chiến tranh lại đều dựa
trên chiến lược chiến thuật của người Mỹ.
Vừa sao chép thể chế tòan trị Nga Tàu, vừa xuất thân từ một tầng lớp
chỉ biết dùng bạo lực để chiến thắng, người cộng sản tiếp tục sử dụng
bạo lực để nắm độc quyền. Họ cai trị đất nước trên đầu súng và dựa trên
tư tưởng và sự trợ giúp của ngọai nhân.
Khi guồng máy cộng sản Đông Âu và Nga Sô sụp đổ, đảng Cộng sản không
còn con đường nào khác phải nới lỏng, phải mở trói cho nền kinh tế tư
nhân. Nhờ nguồn nhân lực chưa được tận dụng, nguồn tài nguyên còn dồi
dào, thế giới còn sẵn sàng cho vay mượn và đầu tư, và nhất là nguồn
ngọai tệ từ người Việt hải ngọai gởi về, sự “đổi mới” lần ấy đã giúp
đảng Cộng sản thóat “chết” (“đổi mới hay là chết”).
Nhưng thay vì lắng nghe một số đảng viên cấp tiến như ông Trần xuân
Bách, lắng nghe nguyện vọng của người dân, chấp nhận thay đổi cả kinh tế
lẫn chính trị, đảng Cộng sản lại theo Tàu: cởi trói kinh tế nhưng tiếp
tục đàn áp đòi hỏi dân chủ hóa Việt Nam. Từ đó nẩy nở một tầng lớp tư
bản đỏ nắm giữ mọi đặc quyền đặc lợi quốc gia.
Để tiếp tục cầm quyền các phe nhóm tư bản đỏ tìm mọi cách tiêu diệt
những nhân tài có tiềm năng lãnh đạo đất nước. Ông bà ta có dạy “thà làm
tớ kẻ khôn, hơn làm thầy người dại”, đằng này nhân tài Việt Nam phải
“làm tớ một bè lũ vừa điên vừa dại”. Và cứ như thế không ai còn cơ hội
để thăng tiến hay có điều kiện tạo ra những thay đổi tích cực nhằm thúc
đẩy đất nước tiến lên.
Hiện Trạng Xã Hội
Các sai lầm trong quản lý đã đưa đất nước đến tình trạng cạn kiệt tài
nguyên, đất đai và môi trường bị hủy họai, nông nghiệp và kỹ nghệ yếu
kém, nợ nần chồng chất, lạm phát gia tăng. Nợ và nợ xấu trong các ngân
hàng bế đọng, thị trường bất động sản đóng băng, hàng trăm ngàn doanh
nghiệp phải giải thể và phá sản, mọi khu vực kinh tế hầu như đình trệ.
Tình trạng thất nghiệp đang gia tăng trầm trọng nhưng lại thiếu nhân tài
có khả năng cạnh tranh với các quốc gia trong vùng.
Các mặt quân sự, giáo dục, văn hóa, y tế cũng càng ngày càng suy thóai. Nhìn chung Việt Nam thua xa các quốc gia trong vùng.
Kinh tế do nhà nước quản lý đang đi vào vòng bế tắc. Tiền thuế không
thu được, tài nguyên kiệt quệ, dầu thô thì bị Tàu cộng cô lập, đầu tư
ngọai quốc thì không có, vay nợ ngọai quốc thì không được, ngọai tệ hải
ngọai gởi về giảm dần, nhưng ngọai tệ chuyển ra ngọai quốc thì gia tăng,
in tiền thì đồng tiền mất giá kéo theo lạm phát… Không tiền thì lấy đâu
để nhà nước chi trả cho guồng máy “Đảng” và guồng máy “Nhà Nước” khổng
lồ.
Vài năm trước các quốc gia Tây Phương còn tin rằng nhà cầm quyền cộng
sản Hà Nội sẽ biết tôn trọng nhân quyền. Vì đây là một yếu tố cần và đủ
để Việt Nam được chấp thuận tham gia Khối Đối tác Kinh tế xuyên Thái
Bình Dương (TPP) để chia sẻ quyền lợi về kinh tế và chính trị với các
quốc gia trong vùng. Nhưng niềm tin của thế giới, nay đã thành tuyệt
vọng. Đảng Cộng sản càng ngày càng lộ rõ bộ mặt thật, nhân quyền càng
ngày càng trở nên tồi bại.
Khi những người cầm quyền không tôn trọng nhân quyền cho dân họ, thì
họ không còn đáng để các nhà lãnh đạo thế giới tôn trọng, mọi nỗ lực
bang giao quốc tế từ đó xuống cấp.
Để được tiếp tục cầm quyền đảng Cộng sản đã chọn con đường ký kết các
Hiệp Ước và Văn kiện bán dần đất nước cho ngọai bang. Tuyên Bố Chung
2013 giữa hai đảng Cộng sản Việt Hoa, vừa được Trương Tấn Sang ký kết
không khác gì văn bản chính thức xáp nhập Việt Nam vào lãnh thổ Trung
cộng.
Các phe nhóm trong đảng Cộng sản thì càng ngày càng công khai làm
giàu đục khóet quốc gia. Sự cách biệt giữa tầng lớp nghèo bị trị và tầng
lớp tư bản đỏ cai trị càng ngày càng đào sâu. Các thất bại kinh tế và
xã hội càng ngày càng lộ rõ. Việc bán nước càng ngày càng công khai.
Khẩu hiệu “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý” vẫn tiếp tục được hô hào
nhưng thực tế thì khác xa. Đảng và nhà nước đang đùn đẩy trách nhiệm cho
nhau. Tình trạng của đảng Cộng sản như “rắn mất đầu” đang giẫy dụa, máu
me vung vãi khắp nơi trước khi được thảy ra bãi rác.
Ngược lại các phong trào yêu nước chống ngọai xâm, phong trào đòi tự
do dân chủ, phong trào đòi công bình bác ái, mỗi ngày một phát triển,
tất cả đang dẫn đến một cuộc cách mạng xã hội tòan diện.
Lãnh Đạo Phải Xuất Phát Từ Dân
Khi người dân đã thực sự làm chủ đất nước của mình. Khi Việt Nam đã
có một nền dân chủ lành mạnh. Khi ấy các đảng chính trị sẽ chọn những
người lãnh đạo xuất sắc nhất trong đảng mình đưa ra tranh cử.
Những người lãnh đạo các chính đảng sẽ cạnh tranh nhau đưa ra các
viễn kiến, các chiến lược, các chính sách để được dân chúng chọn lựa một
người lãnh đạo quốc gia vừa có tài, vừa có đức.
Một cách chính danh và được sự ủy quyền của người dân, người lãnh đạo
quốc gia sẽ đề ra những chiến lược, những chính sách, để guồng máy hành
chánh độc lập thi hành các chính sách đưa đất nước đi lên và tạo ra
công bằng xã hội.
Như các quốc gia tân tiến khác, tự do chính trị là điều kiện cần và
đủ để Việt Nam có người lãnh đạo quốc gia. Nói một cách khác người lãnh
đạo sẽ xuất phát từ dân.
Nguyễn Quang Duy
0 comments:
Post a Comment