Sunday, July 7, 2013

Nhân Quyền Việt Nam

 rsz_lequocquanTác giả:Trần Khải
Trong vài ngày tới, vụ án Luật Sư Lê Quốc Quân ra tòa về “tội trốn thuế” một lần nữa cho thấy cách dàn dựng của nhà nước Hà Nội khi đối phó với các nhà hoạt động nhân quyền và các luật sư bênh vực nhân quyền. Trước đó, đã từng có trường hợp blogger Điếu Cầy Nguyễn Văn Hải bị đẩy vào tù cũng vì cớ “trốn thuế.”

Nhưng họ có trốn thuế thực sự hay không? Không ai tin như thế. Vì cũng y hệt như trường hợp hai bao cao su đối với hồ sơ của Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ, nghĩa là công an tìm mọi cách để đẩy họ vào tù — một biện pháp bôi xấu tên tuổi và cũng là để làm biến mất một tiếng nói nhân quyền trong một thời gian, và cũng để giữ cái danh hiệu “không có tù nhân lương tâm nào tại Việt Nam.”
Cũng vì những trò như thế, nhiều nhà dân cử quốc tế tin rằng Hà Nội không quá mạnh tay đối với các nhà hoạt động nhân quyền. Thí dụ, chưa có màn ám sát, bắn chết… cụ thể nào, đối với các nhà hoạt động nhân quyền. Trừ trường hợp anh Lê Trí Tuệ biến mất ở Cam Bốt, được nhiều người suy đoán là bị công an CSVN vào xứ Chùa Tháp để thủ tiêu; nghĩa là, không có chứng cớ để quốc tế truy tội Hà Nội. Còn chuyện bắt vài ngày rồi thả, chuyện công an khiêng người biểu tình quăng lên xe hay đạp vào mặt người biểu tình… thì hàng ngày thế giới có rất nhiều.
Với những hình ảnh bưng bít như thế, quốc tế vẫn thấy VN chưa có mức độ nguy hiểm cho sinh mạng người hoạt động nhân quyền; hay đơn giản, chỉ ở mức sử dụng xã hội đen để chận đánh ngoàì phố, đánh cho nhập viện, và tương tự.
Và do vậy, người ta dễ hiểu khi nhìn lại, thấy rằng Mỹ và Liên Âu trừng phạt nhà nước quân phiệt Miến Điện nặng tay hơn đối với VN, và bây giờ vẫn còn giữ vài biện pháp trừng phạt. Với cớ mạng người chưa liên hệ, nhưng còn các trường hợp bị giam trong tù gần như trọn đời, như với người tù chung thân Nguyễn Hữu Cầu, thì quốc tế lại chỉ xem như một vài dòng trong hồ sơ hạch tội nhân quyền. Khó hiểu là vậy.
Một bản Thông cáo chung của Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền & Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam gửi từ Paris hôm 4-7-2013 cho biết: “Bất chấp mọi cam kết, Liên Âu phản bội việc định giá nhân quyền tại Việt Nam trong quan hệ mậu dịch.”
Bản Thông cáo chung về nhân quyền này viết:
“BRUSSELS, Thứ tư 3.7.2013 – Liên Đoàn Quốc tế Nhân Quyền (FIDH) và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (Vietnam Committee on Human Rights) đã viết Thư Ngỏ gửi Liên Âu hôm 30.4.2013 gióng lên tiếng trống về việc Liên Âu không Định giá Tác động nhân quyền gây phương hại trong bối cảnh đang thương thảo Hiệp ước Mậu dịch song phương Liên Âu – Việt Nam.
Hôm nay chúng tôi nhận được thư hồi âm của Hội đồng Châu Âu xác nhận rằng Định giá Tác động Nhân quyền (HRIA, Human Rights Impact Assessement) không được áp dụng. Điều này cho thấy Liên Âu đã không tôn trọng lời cam kết được khẳng định trong Khung Chiến lược và Kế hoạch Hành động cho Nhân quyền và Dân chủ công bố tháng 6 năm 2012 là sẽ “lồng nhân quyền vào trong mọi Định giá”. (Ghi chú của Quê Mẹ: Theo Khung Chiến lược năm 2012, thì trước khi ký kết Hiệp ước Mậu dịch Tự do với nước đối tác, Liên Âu phải thực hiện việc Định giá Tác động Nhân quyền của nước này)
Ngày nay ai cũng biết rằng mậu dịch quốc tế và đầu tư có thể đóng vai trò tác động tích cực cho nhân quyền, nhưng nhiều khi cũng đóng góp làm giảm khinh sự bảo vệ và thực hiện nhân quyền, làm xấu đi tình trạng xã hội, kinh tế, dân sự và chính trị cho người công dân, đặc biệt cho những ai sống trong các nước đang phát triển hay tại các quốc gia mà nạn tham nhũng tràn lan và sự minh bạch thiếu vắng.
Điều làm cho các đối tác mậu dịch tôn trọng những nghĩa vụ quốc tế, và việc Hiệp ước mậu dịch Liên Âu hưởng lợi mà không gây hại cho Nhân quyền là gom góp tư liệu về những khả năng nguy hại cũng như điều chỉnh những cuộc thương thảo để xét lại hay làm giảm nhẹ những nguy hại này. Đây là quan điểm của ông Olivier de Schutter, Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm quyền lương thực, đã tuyên bố từ năm 2010 rằng : “Đã đến lúc phải hành động. Phương pháp chỉ đạo đã có trong Định giá Tác động Nhân quyền. Phải có ý chí chính trị mới quyết định việc thực hiện Định giá Tác động Nhân quyền”.
Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam kêu gọi Quốc hội Châu Âu và Hội đồng Liên Âu thúc đẩy Hội đồng khởi động sự yêu cầu áp dụng việc Định giá Tác động Nhân quyền.
Chủ tịch Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, ông Karim Lahidji nói rằng: “Những thiết chế này cần bảo đảm sự ủy thác việc điều chỉnh trong cuộc thương thảo để giải quyết những vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, mà trong hiệp ước đã chứa đựng các điều khoản hữu hiệu cho việc an toàn và bảo đảm mục tiêu này. Điều thiết yếu cho Hội đồng Châu Âu và Quốc hội Châu Âu là họ phải được thông tin đầy đủ về tình hình nhân quyền trước khi chấp nhận Hiệp ước Mậu dịch Tự do”.
Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, thì nhấn mạnh rằng:
“Liên Âu cho biết không cần thực hiện việc Định giá Tác động Nhân quyền mới, vì đã thực hiện vào năm 2009, và từ đó đến nay chưa có gì thay đổi.
Thế nhưng từ năm 2009 đến nay, có ít nhất 160 nhà hoạt động ôn hòa bị kết án tổng cộng lên tới 1052 năm tù giam qua những cuộc đàn áp tàn bạo của chính quyền, mặc những điều Việt Nam cam kết tại cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Toàn diện tại LHQ trong cùng năm 2009. Chủ trương Định giá Tác động Nhân quyền cần cấp tốc thực hiện để bảo đảm rằng Hội đồng Châu Âu và Quốc hội Châu Âu đã chu toàn mọi sự kiện”…”(hết trích)
Có thực, chưa có gì thay đổi về tình hình nhân quyền Việt Nam kể từ năm 2009? Suy nghĩ của mấy anh Tây mới là lạ.
Như thế, từ năm 2009 tới giờ, nhà nước CSVN kết án ít nhất 106 nhà hoạt động ôn hòa 1052 năm tù giam chỉ là làn sóng gợn rất nhỏ; đúng vậy, đó là làn sóng rất nhỏ so với trận sóng thần khủng hoảng tài chánh mà Liên Âu đang đối diện với và chưa thoát nổi?
Đài RFI kể về trường hợp mới nhất:
“Ngày 09/07/2013, tòa án Việt Nam sẽ đưa luật sư Lê Quốc Quân ra xét xử với tội danh «trốn thuế». Việc tư pháp Việt Nam truy tố ông Lê Quốc Quân bị công luận khắp nơi trong và ngoài nước phản đối. Mới đây có một số thông tin cho thấy vụ án xét xử ông Quân vì tội danh kinh tế chỉ là một dàn dựng của chính quyền nhằm bỏ tù một người đấu tranh dân chủ.
Ngày 01/07, đại diện của hơn 10 tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế viết thư gửi đến đại diện ngành Ngoại giao và An ninh của Liên Hiệp Châu Âu để yêu cầu can thiệp. Ngày hôm qua 03/07, gia đình và thân hữu luật sư Lê Quốc Quân có buổi cầu nguyện tại giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo phận Vinh, với các khẩu hiệu đòi tự do cho ông Lê Quốc Quân. Liên tục trong những ngày gần đây, các cộng đồng Công giáo, cùng thân hữu, khắp nơi trên cả nước tổ chức các buổi hiệp thông hướng về Lê Quốc Quân.
Để chuyển đến quý thính giả thông tin về vụ án, RFI Việt ngữ đặt câu hỏi với ông Lê Quốc Quyết, em trai luật sư Lê Quốc Quân.
RFI: Xin anh cho biết những những suy nghĩ của anh về vụ án xử người anh trai của anh, luật sư Lê Quốc Quân.
Ông Lê Quốc Quyết: Đã có thông báo chính thức là ngày 09/07 tới, sẽ xảy ra phiên xử anh Quân và truy cứu anh Quân ở điều 161, tội trốn thuế… Đây là một điều mà gia đình Quyết thực sự thấy khó chấp nhận. Bởi vì bản thân công ty anh Quân là một công ty thực hiện nhiệm vụ về thuế tốt và chưa bao giờ có một cảnh báo nào từ cơ quan thuế. Thứ hai nữa chính bản thân công ty anh rất nhiều lần bị khám nhà không có mặt anh, tức là cho đến ngày anh Quân bị bắt, đã khám đến 4 lần, mà có lần khám trong đêm, không có sự chứng kiến của anh. Nhà thì khám từ 8 giờ tối đến 1 giờ sáng, rồi hết nhà chuyển sang công ty khám đến 4 giờ sáng…. Khám trong lúc anh đang bị bắt mang đi một chỗ khác. Việc truy cứu anh liên quan đến các hoạt động của công ty là điều khó chấp nhận. Bản thân gia đình Quyết thì không tin điều đó là có thật.
Về cá nhân Quyết, Quyết có biết các hoạt động của công ty anh, và cũng nắm trong tay các hồ sơ liên quan đến các hoạt động, khai báo thuế. Bản thân công ty anh đang được công ty thuế đang còn xếp vào danh mục thưởng bằng khen thuế, đóng thuế thu nhập cá nhân cho nhân viên là cao. Điều đấy không thể kết tội anh là trốn thuế được. Công lý được thực thi có nghĩa là anh phải được trả tự do, không phải là tại tòa, mà trước khi phiên tòa xảy ra, thì đúng hơn, cũng như ba lần bắt trước.
RFI: Phải thả trước phiên tòa cũng có nghĩa là những chứng cớ để buộc tội không phù hợp với ý định ban đầu?
Ông Lê Quốc Quyết: Theo như Quyết biết là đầu tiên họ bắt đầu bắt anh Quân với cái cớ trốn thuế để họ tìm kiếm một cái gì đấy có tính chất chính trị trong công ty anh Quân. Nhưng sau khi họ đã lỡ rồi, những bằng chứng chính trị không có, thì họ vẫn tiếp tục giữ quan điểm và tìm mọi cách để chứng mình rằng anh có trốn thuế. Nhưng mà theo như hồ sơ mà Quyết có trong tay, thì họ không chứng minh được là anh trốn thuế. Mà bản thân nhà nước đang nợ anh đến 172 triệu đồng.
RFI: Đây có phải là điểm cũng tương đối mới trong hiểu biết về vụ án này không ạ?
Ông Lê Quốc Quyết: Vì luật sư cũng bị cản trở tiếp cận hồ sơ và gia đình đến nay cũng chưa được thăm gặp để biết thực hư. Nhưng cách đây khoảng 10 ngày, luật sư được tiếp cận hồ sơ, tiếp cận tương đối nhiều cái mới trong hồ sơ của anh Quân, cụ thể thứ nhất là việc bổ nhiệm các điều tra viên chính trị. Hầu hết là các điều tra viên chính trị, (nhưng lại) làm việc về vấn đề trốn thuế. Thứ hai là, qua những con số chứng minh các chứng cứ, thì luật sư mới tính ra, thì hóa ra là, việc «trốn thuế» của anh Quân là -172 triệu (tức là nhà nước còn thiếu của luật sư Lê Quốc Quân số tiền này)….(hết trích)
Như thế, từ hồ sơ nhân quyền phù phép thành hồ sơ trốn thuế… hình như không phải chuyện Liên Âu quan tâm?
Thấy rõ, những bước đi của các nhà hoạt động nhân quyền VN đã có những bước cực kỳ gian nan mà suy nghĩ từ Phương Tây không nhìn ra nổi.

0 comments:

Powered By Blogger