Tuesday, May 15, 2012

Thích Trí Quang và Những Sự Thật Không Ngờ

Phần Mở Đầu
Hôm nọ mở đoạn ghi âm giọng của một tăng sĩ phát biểu về 'nguyện cầu cho Hòa bình thế giới, An ninh Đông Nam Á, vẹn toàn lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam', đến đoạn liên quan 'cuộc xuống đường không tiền khoáng hậu năm 1963' khiến tác-giả chú ý:
"Dưới thời ngoại thuộc, Phật giáo đã hoàn tất công cuộc Chấn hưng khởi từ những năm 20 thế kỷ trước, bằng cuộc Xuống Đường không tiền khoáng hậu năm 1963, thế kỷ XX, để chấm dứt thời kỳ ngoại thuộc biến một tôn giáo dân tộc thành hội đoàn tư hữu, biến đạo lý truyền thống thành ý lực ngoại bang" (Thích Quảng Độ, 2011).
Tác-giả ngạc nhiên bởi chưa nghe người Quốc-gia nào nói thời kỳ Đệ-nhất Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) là "thời kỳ ngoại thuộc," vị tăng sĩ không phải là CS sao phát biểu một cách khác biệt? Vào thư viện trường mình, tác-giả tìm tài liệu về Tổng Thống Ngô Đình Diệm. May mắn đọc Triumph Forsaken của cựu Cố vấn Quốc Phòng của Ngũ Giác Đài, Mark Moyar. Với nhiều chứng cứ, Tiến sĩ Moyar (2006) đã chứng minh TT Ngô Đình Diệm là một vị tổng thống tự lực tài giỏi. Thật vậy, cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã áp dụng những chính sách hữu hiệu cho tình hình đất nước lúc bấy giờ. Một là chính sách không cho Mỹ đổ quân vào Nam Việt Nam vì đã biết CS sẽ lấy đó tuyên truyền làm cho cuộc chiến của người Quốc gia mất chính nghĩa. Hai là chính sách Ấp Chiến Lược đã vô hiệu hóa được VC nằm vùng. Đặc biệt, chính sách Người Cày Có Ruộng đã giúp người dân có đất canh tác. Điều nghịch lý là tại sao vị tăng sĩ, ở thời điểm của năm 2011, vẫn tỏ ra hài lòng với 'cuộc Xuống Đường không tiền khoáng hậu năm 1963' dẫn đến việc ám sát vị Tổng Thống tài đức đã khai sinh ra nền Dân-chủ hãy còn ban sơ?
Đối với Đệ-nhất VNCH là như thế, vậy còn với Đệ-nhị VNCH thì sao?
Mặc dù thừa nhận thế lực của tăng, ni, và tín đồ đã làm sụp đổ chính thể Đệ-nhất VNCH, nhưng vị tăng sĩ phủ nhận trách nhiệm của nhóm này trong việc làm sụp đổ miền Nam. Sau khi cho rằng VNCH được Hoa Kỳ "đổ ra hàng tỉ đô la nuôi," vị này chất vấn VNCH "đã làm gì để bảo vệ miền Nam?" và rằng các tăng sĩ lãnh đạo GHPGVNTN "tay không khí giới, túi không tiền bạc thì làm sao có thể dâng miền Nam cho Cộng sản?" (Thích Quảng Độ, Thông Tư 18-1-2010). Lập luận này hoàn toàn ngược lại với một số nguồn tài liệu thời đó và bây giờ [Sẽ phân tích trong Phần 1]. Nhóm tăng sĩ lãnh đạo GHPGVNTN tham vọng quá sâu vào chính trị trái hẳn với hoạt động tu hành thuần khiết theo giáo lý Phật. Điều đáng chú ý là họ đã từng thành lập và ra mắt đảng Chính-trị Phật-giáo với Thích Thiện Minh là Chủ tịch đảng và Thích Hộ Giác là Phó Chủ tịch đảng (King, 1996, p. 354). Đảng Chính-trị Phật-giáo này được truyền thông quốc tế gọi là "Buddhist political party" hay "Vietnamese Buddhist Force" nhằm thay thế chính phủ VNCH nhưng bất thành nên chìm luôn. [Thích Hộ Giác hiện nay, 2012, là Phó Tăng Thống của GHPGVNTN].
Rồi tác-giả mở đoạn khác ghi âm lời phát biểu của một cư sĩ, thuộc cấp tín cẩn của vị tăng sĩ hôm nào. Có vài đoạn liên quan chính thể Đệ-nhị VNCH khiến cho tác-giả chú ý: "Các ông lãnh đạo trên [TT Thiệu & P. TT Kỳ] họ đánh nhau chứ họ không có thương dân gì hết cả." Sau một hồi dẫn dắt hàng trăm người nghe tại chùa Điều Ngự, cư sĩ này kết luận rằng "tất cả các bộ não lớn nhất của VNCH đánh nhau, tranh giành nhau chức tước chứ không có một cái sự nào gọi là thương dân, thương dân tộc, mang lại hòa bình và an lạc cho dân tộc như... Phật-giáo" (Võ Văn Ái, 2009). Có phải đây là kết luận "vơ đũa cả nắm" thâm độc, bất nhân và bất nghĩa không?
Và so sánh VNCH với Phật-giáo có phải là so sánh hợp lệ không? Nói đến danh xưng VNCH là nói đến một Chính-thể, còn nói đến danh xưng Phật Giáo là nói đến một Tôn-giáo. Người ta không so sánh một Chính-thể với một Tôn-giáo (Phật-giáo, Thiên-Chúa-giáo, Cao-Đài-giáo...). Chỉ có Cộng Sản mới có lối nói kiểu "lập lờ đánh lận con đen" tuyên truyền đưa tổ-chức của họ lên ngang bằng với Dân-Tộc và Đất-Nước; chẳng hạn, CS đánh đồng Đảng với Dân-Tộc hay yêu CNXH với yêu Nước. Mục đích tuyên truyền này nhằm làm ngu dân để nắm chính quyền. Giống như vị tăng sĩ, vị cư sĩ này cũng chẳng phải là CS; cớ sao lại có chuyện hơn thua với VNCH?
Chung quy, những lời tiêu biểu của hai vị nói trên cho thấy họ không có sự tri ân đối với hai chính thể VNCH, mà đại diện là cố TT Ngô Đình Diệm, cố TT Nguyễn Văn Thiệu, và những vị tướng tá anh hùng chỉ huy các cấp đã hy sinh xương máu để bảo vệ miền Nam. Nếu đã không tri ân mà còn lôi kéo đồng bào đối đầu miệt thị, thì trong mùa Quốc Hận, nhóm tăng sĩ GHPGVNTN xuất hiện ở các đài Tưởng Niệm chiến sĩ Việt Mỹ cũng như các khu vực trọng yếu trong cộng đồng để mà chi? Để vài giờ sau, nhiều videos và hình ảnh "tham dự Quốc Hận" của nhóm này được các "đệ tử" tận tình rãi đầy khắp trên Internet. Cũng may, những phô trương về hình thức không thể nào che giấu được sự thật vào thời đại Internet và Google.
Công việc tìm tài liệu đến đây đã mang lại một số dữ kiện lịch sử mà tác-giả không ngờ.
Sự thật không ngờ thứ nhất, nhóm tăng sĩ lãnh đạo của GHPGVNTN từng thành lập Đảng chính trị Phật-giáo (a Buddhist political party) mang tên "Vietnamese Buddhist Force". Đảng này bao gồm một hỗn hợp người thế tục và các tăng sĩ. Thích Thiện Minh là Chủ-tịch đảng và Thích Hộ Giác là Phó-chủ-tịch đảng. Tại cuộc họp báo ra mắt đảng, dù không ra mặt nắm giữ vị trí quan trọng gì nhưng Trí Quang ngồi trên khán đài trong lúc Thiện Minh tuyên bố sự ra đời của đảng. Một số nhân vật thế tục theo đạo Phật nổi trội khác thì giữ các chức vụ trong Ủy ban Trung ương (King, 1996, p. 354).
Sự thật không ngờ thứ hai, theo một mẫu tin của hãng AP vào năm 1969 cho biết Võ Văn Ái, Tổng thư ký của Hội Phật giáo Việt Nam Hải Ngoại, thông báo vừa mới thành lập thành phần "nội các" cho chính phủ thứ ba (mà hai chính phủ kia là chính phủ VNCH và "chính phủ cách mạng của Việt cộng"). Chính phủ thứ ba này gồm những người theo đạo Phật và một số thành phần khác. Cũng theo vị cư sĩ, tên tuổi những người này chưa tiết lộ được vì lý do an ninh. Mục đích của thành phần thứ ba là "thay thế chính phủ Sài Gòn và sửa soạn một hiệp ước với các đảng [có đảng Cộng-sản] tham gia trong cuộc chiến."
The aim of the government, Vo Van Ai said, is to replace the present Saigon government and to arrange a peace with all parties fighting in the war (Google Newspaper).
3rd government - http://news.google.com/newspapers?nid=1893&dat=19690616&id=H8UfAAAAIBAJ&sjid=n9gEAAAAIBAJ&pg=6582,7938009
**
Tác-giả vừa hoàn tất chương trình học và tốt nghiệp ra trường vào học kỳ Xuân 2012. Nay có thời gian, cô tiếp tục công việc tìm hiểu nguyên nhân của những phát biểu liên quan hai chính thể VNCH. Đó là lý do có bài phân tích này. Mục đích của bài phân-tích là chia sẻ một cái nhìn của một hậu duệ sinh ra sau cuộc chiến Quốc Cộng 1975. Bài phân tích sẽ dựa vào các nguồn tài liệu đa dạng từ thư viện trường đại học, chính phủ, cố vấn Ngũ Giác Đài, giáo sư đại học, cựu phóng viên chiến trường... Trong lúc tìm kiếm tài liệu, tác-giả phát hiện ra một số chi tiết khá thú vị nên sẽ lần lượt chia sẻ đến quý vị quan tâm.
Viết đến đây, nghĩ đến những người thường hay thần tượng hay Phật hóa các tăng sĩ của các vị, tác-giả xin thông cảm. Nếu cảm thấy khó chịu, các vị có quyền không đọc tiếp. Tác-giả chân thành cảm ơn các vị.
**
Washington DC, 9-5-2012
Trucie D.
Tài liệu tham khảo
  1. King,  S., & Queen, C. (Eds.). (1996). Engaged Buddhism: Buddhist Liberation Movements in Asia. New York: State University of New York.
  2. Major, M. (2006). Triump Forsaken: The Vietnam War 1954-1965. New York: Cambridge University Press.
  3. Thích Quảng Độ, 19.11.2011. Thông Điệp. Đại hội GHPGVNTN kỳ IX. Tại: Chùa Điều Ngự, Nam California. Nghe http://youtu.be/wHTQ7ESR2xw hay http://www.queme.net/vie/docs_detail.php?numb=1713
  4. Võ Văn Ái, 10.2009. Nhân quyền, Tôn giáo và hướng GHPGVNTN giải trừ Quốc nạn và Pháp nạn. Ðại hội Khoáng đại kỳ IV. Tại: Chùa Điều Ngự, Nam California. Nghe http://youtu.be/lOW54OrUr00 hay http://www.queme.net/vie/radio_detail.php?numb=1491


Là một hậu duệ của QLVNCH, tác-giả xin mạn phép trích lời của Phu Nhân Tướng Hưng mà cô thấy cô không thể nào diễn đạt tốt hơn, để trả lời những kẻ cơ hội chính trị phản bội hai chính thể VNCH rằng:

"Lời phê bình của những kẻ bất mãn hay những kẻ có tâm địa hạn hẹp, thật chẳng khác nào ếch ngồi đáy giếng. Cho dù có những vị Tướng bê bối, làm cho quân đội bị nhục, thì cũng có những vị Tướng trong sạch đức độ, lỗi lạc, tài ba, đáng cho dân quân khâm phục. Những phần tử bất mãn ấy đã vô tình hay cố ý không thấy việc tối quan hệ của sự hỗ tương, hỗ trợ, giữa các Tướng Lãnh, Sĩ Quan, và Binh Sĩ thật cần thiết cho quân đội và quốc gia như thế nào" (2010).
~~//~~
Hết Phần Mở Đầu

0 comments:

Powered By Blogger