Lê Tuấn Huy - Bài So sánh cải tổ chính trị ở VN và TQ mới
đây của Trình Ánh Hồng đã đem lại những thông tin và nhận định có giá
trị. Từ việc so sánh hiến pháp, tác giả truyền đạt cái nhìn lạc quan hơn
về cải cách chính trị ở Việt Nam so với Trung Quốc. Điều này không sai
nhưng vẫn cần xét thêm.
Như được biết, khởi thủy của hiến pháp Việt Nam
là văn bản được ban hành năm 1946, do Hồ Chí Minh làm trưởng ban soạn
thảo. Nhiều năm sống và hoạt động cách mạng trong chính môi trường của
đất nước có cuộc Đại Cách mạng 1789, lý tưởng tự do – bình đẳng – bái ác
và pháp quyền không thể không đi vào nhận thức của ông. Ngoài ra, nước
Việt Nam mới ra đời trong bối cảnh kết thúc Thế chiến II, mà người Mỹ
đóng vai trò lớn trong việc đánh bại phát xít Nhật, thế lực thực dân
trực tiếp cai trị Việt Nam khi ấy. Và việc đưa ngôn từ chính trị của Hợp
Chúng quốc vào văn kiện của nước mình, từ Tuyên ngôn Độc lập đến Hiến
pháp, là cách mà nhà cách mạng Việt Nam tranh thủ lực lượng quốc tế cho
nền độc lập còn non yếu.
Tinh thần dân chủ và pháp quyền mà Hồ Chí Minh
tiếp thu đó, vốn mang ý nghĩa thời đại và nhân loại, nên việc những câu
chữ mang giá trị phổ quát của Hiếp pháp 1946 được giữ lại hoặc chỉnh lý
và hiện diện ở những hiến pháp ngày càng đậm chất chủ nghĩa xã hội sau
này, là điều chỉ vinh danh thêm chứ không gây hại cho nội dung xã hội
chủ nghĩa, và càng không thể triệt tiêu sợi chỉ đỏ này, nên không nhất
thiết phải bị “phủ định sạch trơn”.
Có thể nói, những yếu tố dân chủ và pháp quyền
(xuất xứ tư bản chủ nghĩa) thể hiện trong hiến pháp Việt Nam (xã hội chủ
nghĩa), dù cũng chính là nguyện vọng về phía người dân, thì về mặt tiến trình và trong điều kiện chủ nghĩa xã hội, chỉ là vấn đề của bối cảnh lịch sử, “phương pháp cách mạng”, và kế thừa ngôn từ.
Trong khi đó, hiến pháp đầu tiên của nước Cộng
hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời sau Hiến pháp 1946 của Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa đến tám năm (1954), khi mà cuộc Chiến tranh lạnh đã định hình
và Trung Quốc kết thúc cuộc nội chiến (1927-1950) chưa lâu, nên ngôn từ
sắt đá kiểu “ai thắng ai” là không thể tránh khỏi. Ngoài ra, sự chi phối
của văn hóa Khổng giáo vai trò của lãnh tụ họ Mao là những nhân tố
không thể bỏ qua.
Trên tinh thần này, các hiến pháp sau (1975,
1978, 1982), trong bối cảnh của chủ nghĩa xã hội đặc trưng Trung Hoa –
từ chủ nghĩa xã hội kiểu nông dân của Mao Trạch Đông đến cải tổ của Đặng
Tiểu Bình, từ Cách mạng Văn hóa đến Thiên An Môn, từ tách khỏi khối xã
hội chủ nghĩa thế giới đến “trỗi dậy hòa bình” – đất nước này luôn mang
sự hãnh tiến của riêng mình, nên sự sắt lạnh của ngôn từ cũng là kết quả
hợp lý.
Bên cạnh yếu tố bối cảnh và kế thừa, tính hiện thực của hiến pháp cũng
là vấn đề không thể bỏ qua. Những hiến pháp thiếu xác thực đã được gọi
bằng nhiều cách, như “hiến pháp hư cấu” (Fictive Constitution), “hiến
pháp (trên) giấy” (Paper Constitution), hay “hiến pháp giả hiệu” (Façade
Constitution), là khái niệm được nhắc đến nhiều hơn về mặt học thuật,
do lý thuyết gia chính trị Giovanni Sartori (1924 –) đưa ra.
Ở các quốc gia toàn trị hoặc dân chủ nửa vời,
bằng nhiều cách, ở nhiều cấp độ và trên nhiều phạm vi, các nội dung dân
chủ trong hiến pháp có thể dễ dàng không được hiện thực hóa. Cả người
Việt Nam và Trung Quốc đều không thiếu kinh nghiệm và trải nghiệm trong
việc này.
Trình Ánh Hồng đã thận trọng một cách xác đáng,
nhấn mạnh “về tiềm năng tương lai” khi cho rằng “thảm cỏ dân chủ” Việt
Nam có phần nhỉnh hơn Trung Quốc. Nhưng vấn đề còn ở chỗ tiềm
năng này có sẽ là hiện thực hay không, và hiện thực đó sẽ là phát triển
tự thân – của hiến pháp và từ hiến pháp – hay phải qua con đường khác.
Như tác giả cũng đã thể hiện, không chỉ ở tiềm
năng hiến pháp, mà trên tổng thể, cả tiềm năng văn hóa và tiềm năng xã
hội, Việt Nam cũng có chút nhỉnh hơn Trung Quốc trong cải cách chính
trị. Tuy nhiên, khi xét thực tế cụ thể, các tiềm năng này dường như cân
bằng lại.
Chính thức, cải tổ tại Trung Quốc bắt đầu từ Hội
nghị Trung ương 3 khóa XI (1978), tại Việt Nam từ Đại hội VI (1986).
Trong văn bản, ngoài cách dùng từ và diễn đạt riêng của mỗi nước, đã có
sự tương đồng trong nhận định về những khuyết tật mà từ đó cần cải cách
chính trị[1].
Ba năm sau sự kiện Thiên An Môn, Đảng Cộng sản
Trung Quốc họp Đại hội XIV (1992). Tại đây, ngoài nền “kinh tế thị
trường xã hội chủ nghĩa”, họ cũng tuyên bố về nền “chính trị dân chủ xã
hội chủ nghĩa”, xác định cải cách thể chế nhưng “không phải là thực hiện
chế độ đa đảng và chế độ nghị viện của phương Tây”[2]. Tuy vậy, chế độ
hợp tác nhiều đảng vẫn tiếp tục được duy trì, theo phương châm được nêu
lên tại Đại hội XV (1997): “chung sống lâu dài, giám sát lẫn nhau, chân
thành với nhau, vinh cùng hưởng, nhục cùng chịu”[3].
Đến thời kỳ của Đại hội XVII (2007), Sách trắng
về Hệ thống chính đảng tại Trung Quốc (White Paper on China’s Political
Party System) đã lần đầu tiên được công bố (15/11/2007)[4], trong đó có
những phần nhấn mạnh đến quan hệ của hệ thống hợp tác đa đảng với việc
xây dựng quyền lực nhà nước và hiện đại hóa.
Như vậy, sau hơn 30 cải tổ, các đảng nhỏ tại
Trung Quốc, dù không thực chất chăng nữa, thì cũng không những không mất
đi mà còn được xác quyết cả về lý luận lẫn thực tiễn.
Trong khi đó, tại Việt Nam, chưa đầy hai năm đổi
mới, dạng “đa nguyên” hình thức nhất đã bị triệt tiêu. Vào lúc mà Đông
Âu chỉ mới bắt đầu có những biến động, Đảng Xã hội và Đảng Dân chủ đều
tuyên bố “kết thúc sứ mạng lịch sử” và giải thể (lần lượt, 07/1988 và
10/1988).
Hệ thống đa đảng tại Trung Quốc được cho là do
truyền thống chung sống và hợp tác lâu dài của Đảng Cộng sản với các
đảng khác. Nhưng phải chăng tại Việt Nam không có một truyền thống tương
tự? Căn cứ vào chính lịch sử cách mạng mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã
lãnh đạo và viết nên, câu trả lời là “không”.
Sự khác biệt về hệ thống đảng phái có thể còn
được biện giải bằng điều kiện cụ thể của mỗi nước, nhưng kỳ thực, tận
cùng thì vấn đề chỉ là “phương pháp cách mạng” mà việc nhận thức, đề ra
và thực hiện phần nhiều xuất phát từ chủ thể.
Cũng với vai trò ấy của chủ thể mà sau vụ Thiên
An Môn, sau sự sụp đổ Đông Âu, và trước (cả) khi Liên Xô tan rã
(12/1991), tại Hội nghị Trung ương 8 khoá VI (03/1990), Đảng Cộng sản
Việt Nam đã đưa ra thuật từ ổn định chính trị. Thực tế, ý niệm này giữ
vai trò chỉ đạo trong toàn bộ tiến trình cải cách chính trị – xã hội ở
Việt Nam, nhưng được hiểu và vận dụng theo hướng bảo thủ.
Dù sao, sau hội nghị ấy, quá trình vẫn tiếp tục,
đi đến chỗ nhìn nhận nhà nước pháp quyền, cả ở văn kiện Đảng[5] và hiến
pháp[6]. Việc đó như một động lực mới tiếp tục thúc đẩy cải cách. Hội
nghị Trung ương 4 khóa X (01/2007) đã đề ra những chủ trương lớn nhằm
tách bạch hơn giữa Đảng và nhà nước, qua việc giảm bộ máy trung ương
Đảng trong lĩnh vực kinh tế và nội chính, đồng thời cải tổ quân đội
trong hoạt động kinh tế.
Tưởng chừng cải tổ sẽ tăng tốc, nhưng sự
khập khễnh quá lâu giữa cải cách chính trị với cải cách kinh tế đã đến
lúc làm biến dạng môi trường cải tổ. Kiểu chính trị quyền-tiền-nhóm, được sự hậu thuẫn của bạo lực và biện minh của giáo điều, đã bóp méo và cản trở tiến trình đổi mới.
Từ sau hội nghị vừa nói, khó mà ghi nhận bước đi nào tạo thay đổi thực
chất. Hai Hội nghị Trung ương 4 (12/2011) và 5 (05/2012) vừa rồi của
khóa XI, dù nhận thức được mức độ nghiêm trọng của những vấn đề nội tại,
nhưng chủ yếu vẫn lặp lại những giải pháp và cơ chế cũ chứ không đưa ra
được cái hữu hiệu để thay đổi.
Nếu nhận định “Kể từ năm 2006, cải tổ chính trị ở
Việt Nam đã được thực hiện theo cách tương tự ở Trung Quốc trong nửa
cuối thập niên 1980 trước khi tàn sát Thiên An Môn năm 1989 làm mọi sự
chựng lại” có hàm ý rằng từ thời điểm của Đại hội X (04/2006), cải cách ở
Việt Nam càng được đẩy mạnh, thì e rằng không đủ cơ sở. Những nỗ lực tự phát của các lực lượng cấp tiến phi định hình hay những biểu hiện tích cực đơn lẻ trong sinh hoạt chính trị, dù không thể không có vai trò nhưng cũng không thể thay thế cho những thay đổi tự giác, có hệ thống, cả trên thực tế, của nhữngchủ thể thực quyền đã định hình .
Về mặt pháp quyền, ở những nơi thiếu vắng cơ chế
thực thi và phúc quyết, thì rốt lại, văn bản hay phát biểu cũng chỉ là
những điều được viết sẵn cho người cầm quyền, nên giữa ngôn từ với ý chí
và việc thực hiện là một khoảng cách không thể vượt qua hoặc không muốn
vượt qua về phía chủ thể.
Chẳng hạn, Việt Nam và Trung Quốc, dù có lý luận
và hiến pháp “dân chủ” hơn Miến Điện, cũng không tạo được bứt phá như
nước này. Thực tế của Miến Điện cho thấy mọi biện minh về lựa chọn lịch
sử, bối cảnh đặc thù, ổn định xã hội… xem ra đều phá sản (và nực cười),
nhường chỗ cho nhân tố chủ thể.
Bởi nhân tố đó mà Trung Quốc đã cải tổ từ năm
1978 còn Việt Nam phải đến năm 1986, trong khi xuất phát lý luận và mô
hình, cũng như thời gian trải nghiệm chủ nghĩa xã hội của hai nước là
gần như nhau. Hơn thế, từ năm 1975, Việt Nam đã có điều kiện khách quan
về chính trị, kinh tế, xã hội thuận tiện hơn Trung Quốc trong việc thay
đổi. Chung quy, cũng từ nhận thức và ý chí của chủ thể quyền lực, trên nền văn hóa truyền thống.
Cái văn hóa đa dạng tư tưởng nhưng cũng lắm
tranh đoạt và xưng hùng xưng bá của phương Bắc đã sinh ra được cái gọi
là Tư tưởng Mao Trạch Đông rồi Lý luận Đặng Tiểu Bình, tự giác từ chủ
thể nó mang tên. Trong khi ở Việt Nam, phải đến cuối những năm 1980, vấn
đề Tư tưởng Hồ Chí Minh mới được đặt ra, nhằm tạo một nền tảng tư tưởng
bổ sung, trước cuộc khủng hoảng lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa xã
hội.
Phương Bắc có thể sinh ra Đặng Tiểu Bình: nhiều
lần bị “trù dập” nặng nề nhưng kiên trì và kiên quyết thay đổi. Phương
Nam, đến nay, chỉ có thể sinh ra Nguyễn Văn Linh: không có thách thức
nội bộ nhưng lại nhất quyết nhường bước khi đổi mới bắt đầu chẳng bao
lâu. Phương Bắc có thể sinh ra Triệu Tử Dương hay Ôn Gia Bảo: dám có
hành động hay quan điểm ngược chiều ngay khi tại vị. Phương Nam, hiện
giờ, chỉ có thể sinh ra Võ Văn Kiệt hay Nguyễn Văn An: lên tiếng mạnh
hơn về chuyển đổi chính trị khi đã về hưu[7].
Trung Quốc dám nhanh chóng thoát khỏi cái bóng
của Liên Xô, tự mình xưng hùng. Việt Nam thì chỉ khi thực thể của cái
bóng thể chế sắp đổ mới (và lại) tìm đến một cái bóng mới. Trung Quốc
tính toán và triển khai chiến lược quốc tế từ rất sớm. Việt Nam thì đến
khi tình thế cấp bách mới nhận ra vấn đề.
Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể dung chấp hình
thức đối với những đảng khác, Đảng Cộng sản Việt Nam thì tuyệt đối
không. Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể cứng rắn nhất trong nội bộ, Đảng
Cộng sản Việt Nam thì không (hoặc chưa). Đảng Cộng sản Trung Quốc dám
thua dân, Đảng Cộng sản Việt Nam thì không (hoặc chưa)[8].
Cải tổ tại Trung Quốc có thể tạo nên “sự bừng nở trí thức”, cải cách tại Việt Nam lại khiến trí thức phải tự thoái lui[9].
Những sự thể đó không phải là ngẫu nhiên, mà
tương quan qua lại với những điều ít nhiều có tính đặc trưng của chủ thể
thực quyền ở hai nơi. Trung Quốc cải cách với tư duy đi trước và tiến
công, Việt Nam cải cách bằng tư tưởng ứng phó và phòng thủ. Người Trung
Quốc nhạy với thay đổi từ vấn đề khách quan, người Việt Nam nhạy với
nguy cơ từ thái độ chủ quan. Đảng Cộng sản ở phương Bắc có cả tự tin và
tự đại, Đảng Cộng sản ở phương Nam thiếu cái trước mà thừa cái sau…
Bởi thế, cho dù bất kỳ yếu tố đột biến nào cũng
có thể tạo thay đổi bước ngoặt ở nước này hay nước kia, nhưng khi xét
vấn đề rộng hơn tiến trình hiến pháp, có thể sẽ thấy tiềm năng của cải
tổ chính trị nghiêng hơn một chút về phía Bắc.
Thật ra, cả ý kiến của tôi và nhận định của
Trình Ánh Hồng đều không ra khỏi quỹ đạo “ai ngưỡng mộ ai” mà trí thức
mỗi nước nhìn sang bên kia, với mong muốn thấy tiến bộ bên đấy để thúc
đẩy tiến bộ bên mình.
Nhưng với giới bảo thủ, có thể ngược lại, thấy
được cái chậm trễ bên kia là cơ hội để kìm hãm cái tiến bước bên này. Ở
những chủ thể thiếu tự tin mà tâm thế chất đầy những diễn biến nguy cơ,
sự “vận dụng” đó có nhiều khả năng hơn.
Gần sáu năm trước, khi những cải tổ tại Trung
Quốc vẫn là niềm khích lệ nóng hổi để giới cấp tiến Việt Nam nhân đó
tiến bước[10], chắc hẳn cả phía bảo thủ lẫn cấp tiến, theo hướng riêng
của mỗi bên, đều cảm thấy “lạnh lưng” khi có thông tin nói rằng cải cách
chính trị tại nước mình đi nhanh hơn Trung Quốc, qua cuộc phỏng vấn của
Trình Ánh Hồng dành cho BBC Việt ngữ.
Ông cho hay rằng vào thời gian đó, nhiều trí
thức Hoa lục đã kêu gọi học tập Việt Nam mở rộng dân chủ, rằng Hồ Cẩm
Đào không hài lòng trước những chuyển biến ở phương Nam. Vị giáo sư này
không nhân đấy cho biết rằng Trung Quốc có một hệ thống “hợp tác đa
đảng”, điều mà đại đa số người đọc và bộ máy ở Việt Nam không biết đến,
mà tiết lộ rằng Trung Quốc có thể chấp nhận Việt Nam phát triển theo mô
hình Singapore, tức cho tồn tại những đảng đối lập cực yếu trước một
đảng cầm quyền cực mạnh.
Vậy mà thời gian qua, trong toan tính của Trung
Quốc, ngay cả cái dự phóng tối thiểu và kiềm tỏa đó cho Việt Nam cũng
không hề có bước đi nào. Ngược lại, những giật lùi lại thấy rõ: việc
luật hóa hóa các định chế dân chủ liên tục bị đình hoãn, đạo đức chính
trị và đạo đức công vụ thoái hóa, bạo lực lên ngôi, báo chí giảm dần uy
lực, trí thức thì lui về với sự phản biện tự phát…
Phải chăng những người bảo thủ đã dùng chiếc
phanh Trung Quốc để phanh đà cải cách Việt Nam, với cái cớ đã đi quá
nhanh? Điều này, cộng hưởng với những tố chất nội tại của nền chính trị
và chủ thể thực quyền, là một thảm họa.
Người nước ngoài nhìn vào Việt Nam ở một khía
cạnh nào đó, có thể lạc quan trước những ngôn từ và diễn biến hình thức,
nhưng chính chúng ta thì cần nhìn vấn đề thấu đáo hơn, để qua đó ghi
nhận đúng với thực tế và thực chất, tránh lạc quan đến ảo tưởng, mà cũng
đừng bi quan đến bế tắc.
Tháng Năm 2012
[1] Xem: Nguyễn Thế Tăng (chủ biên): Trung Quốc
cải cách và mở cửa (1978-1998), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2000, tr.
113-117; Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu Toàn quốc lần
thứ VI, Nxb Sự Thật, 1987, Hà Nội, tr. 109-123.
[2] Nguyễn Thế Tăng: Sđd, tr. 131.
[3] Nguyễn Thế Tăng: Sđd, tr. 135. Cũng xem: Doãn Trung Khanh: Chế độ chính trị Trung Quốc (Nguyễn Mạnh Sơn dịch), Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, TP. HCM, 2012, tr. 115-122.
[4] Xem bài giới thiệu và toàn văn (bản tiếng Anh) tại website của chính quyền trung ương Trung Quốc: http://www.gov.cn/english/2007-11/15/content_806309.htm
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ khoá VII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 56.
[6] Trần Gia Thắng (biên tập): Hiến pháp Việt Nam và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, Nxb Lao động – Xã hội, Hà Nội, 2002, tr. 177.
[7] Trường hợp Trần Xuân Bách không nằm trong tốp cao nhất.
[8] Sự việc tại Ô Khảm, rõ ràng đã có hành động “chống chính quyền nhân dân”, “chống người thi hành công vụ” và “gây rối trật tự công cộng” ở quy mô lớn, có tổ chức, nhưng những người “chống” đó đã vô can. Còn ở Tiên Lãng, nhiều khả năng Đoàn Văn Vươn và những người liên quan khó mà thoát tội trong bối cảnh cần “giữ vững kỉ cương, phép nước”.
[9] Việc tự giải thể của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (09/2009) sau chỉ hơn hai năm thành lập, là lựa chọn không thể khác được.
[10] Xem: Kiệt Minh, Trương Tây Ninh, Trương Thao, Khúc Khắc Mẫn: Mười hai mối quan hệ lớn: Con đường cất cánh của Trung Quốc (nhóm dịch Trần Xuân Nhiễm…), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999; Nguyễn Thế Tăng, Sđd; Bộ biên tập Tạp chí Cầu Thị: Cái gốc để xây dựng Đảng, nền tảng để cầm quyền, ngọn nguồn của sức mạnh (nhóm dịch Lê Toan…), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001; Đỗ Tiến Sâm (chủ biên): Cải cách thể chế chính trị ở Trung Quốc (1978 – 2003), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2003.
[2] Nguyễn Thế Tăng: Sđd, tr. 131.
[3] Nguyễn Thế Tăng: Sđd, tr. 135. Cũng xem: Doãn Trung Khanh: Chế độ chính trị Trung Quốc (Nguyễn Mạnh Sơn dịch), Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, TP. HCM, 2012, tr. 115-122.
[4] Xem bài giới thiệu và toàn văn (bản tiếng Anh) tại website của chính quyền trung ương Trung Quốc: http://www.gov.cn/english/2007-11/15/content_806309.htm
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ khoá VII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 56.
[6] Trần Gia Thắng (biên tập): Hiến pháp Việt Nam và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, Nxb Lao động – Xã hội, Hà Nội, 2002, tr. 177.
[7] Trường hợp Trần Xuân Bách không nằm trong tốp cao nhất.
[8] Sự việc tại Ô Khảm, rõ ràng đã có hành động “chống chính quyền nhân dân”, “chống người thi hành công vụ” và “gây rối trật tự công cộng” ở quy mô lớn, có tổ chức, nhưng những người “chống” đó đã vô can. Còn ở Tiên Lãng, nhiều khả năng Đoàn Văn Vươn và những người liên quan khó mà thoát tội trong bối cảnh cần “giữ vững kỉ cương, phép nước”.
[9] Việc tự giải thể của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (09/2009) sau chỉ hơn hai năm thành lập, là lựa chọn không thể khác được.
[10] Xem: Kiệt Minh, Trương Tây Ninh, Trương Thao, Khúc Khắc Mẫn: Mười hai mối quan hệ lớn: Con đường cất cánh của Trung Quốc (nhóm dịch Trần Xuân Nhiễm…), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999; Nguyễn Thế Tăng, Sđd; Bộ biên tập Tạp chí Cầu Thị: Cái gốc để xây dựng Đảng, nền tảng để cầm quyền, ngọn nguồn của sức mạnh (nhóm dịch Lê Toan…), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001; Đỗ Tiến Sâm (chủ biên): Cải cách thể chế chính trị ở Trung Quốc (1978 – 2003), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2003.
Nguồn: Pro&Contra
0 comments:
Post a Comment