Nữ họa sĩ Nguyễn Hồng Phi viết bài chỉ trích đảng Cộng sản Việt Nam, tham gia biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội, bị công an đánh đập, hạch sách, hăm doạ, đã phải trốn qua Bangkok.
AFP photo
Phụ nữ trong cuộc biểu tình 24 tháng 7 tại Hà Nội
Từ chỉ trích ĐCS đến biểu tình
Trong bài phỏng vấn do Thanh Trúc thực hiện, họa sĩ Nguyễn Hồng Phi trình bày lý do chị trốn đi là vì tính mạng bị đe dọa mà không biết kêu vào đâu:
A: Công an Việt Nam, cụ thể là công an phường Ngọc Thụy, lấy cớ tôi tham gia biểu tình chống Trung Quốc và cho người đánh đập tôi, bắt chủ nhà đuổi tôi ra khỏi nơi cư trú khiến tôi phải lang thang ở ngoài đường một ngày một đêm, sau đó còn cắt đường điện thoại liên lạc của tôi, thậm chí còn cho vợ chồng tên Lê Anh Minh đe dọa, đánh đập và lớn tiếng trước mọi người rằng sẽ giết tôi và những người thân của tôi. Vì vậy tôi phải bỏ đất nước ra đi.
Q: Người tên Lê Anh Minh là công an hay người thường, thời điểm công an cho người đánh đập gây thương tích cho chị xảy ra vào lúc nào?
A: Sự việc xảy ra vào 10 giờ sáng ngày 30 tháng Chín. Khi tôi đi đổ rác thì tên Lê Anh Minh tuy không phải là công an nhưng được sự bao che và chỉ đạo mật của công an phường Ngọc Thụy.
công an phường Ngọc Thụy đã ép chủ nhà đuổi tôi ra khỏi nơi cư trú rất nhiều lần. Họ còn tịch thu hộ chiếu của tôi và dọa dẫm
nữ hoạ sĩ Nguyễn Hồng Phi
Q: Chị xác quyết chị chính là đối tượng của công an phường Ngọc Thụy vì chị tham gia biểu tình chống Trung Quốc?
A:Chính xác! Thực ra tôi cũng là người bất đồng chính kiến từ lâu rồi, tôi từng viết báo về việc xuống cấp tư cách đạo đức của đảng cộng sản Việt Nam. Từ năm 94 tôi suýt bị mất việc, và sau đó thì tôi rất ủng hộ tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ trong các bài báo và các kiến nghị của anh, và cụ thể là qua phong trào biểu tình chống Trung Quốc vừa qua tại Hà Nội thì công an phường Ngọc Thụy đã ép chủ nhà đuổi tôi ra khỏi nơi cư trú rất nhiều lần.
Họ còn tịch thu hộ chiếu của tôi và dọa dẫm. Khi không đe dọa không khủng bố được tinh thần của tôi và biết tôi vẫn tiếp tục tham gia biểu tình ngày 21 tháng Tám, tức cuộc biểu tình sau khi đã có văn bản cấm biểu tình của ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, họ biết không uy hiếp được tôi mà tôi vẫn xuống đường, và hôm đó tôi cũng bị công an phường Mỹ Đình bắt giam một ngày, lấy dấu vân tay và chụp ảnh nhận dạng như tội phạm vậy. Biết không làm gì được tôi thì họ mới chỉ đạo ngầm cho vợ chồng tên Lê Anh Minh uy hiếp tinh thần tôi thậm chí đánh đập tôi., đe dọa đến cả tính mạng tôi và người thân của tôi.
Không phải riêng mình
Q: Nếu như không tìm cách trốn đi thì chị nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra cho chị?
công an để cho một tên côn đồ, đã đánh tôi đã cướp tiền của tôi, mà lại còn tuyên bố (doạ giết) trước trụ sở của đồn công an nữa thì…
cô Nguyễn Hồng Phi
A: Thực ra tôi không hế có ý định bỏ nước ra đi, nhất là khi tôi đang có điều kiện tham gia biểu tình xuống đường với anh em để chống Trung Quốc xâm lược. Nhưng bởi vì tính mạng của tôi bị đe dọa. Họ đã cho vợ chồng Lê Anh Minh đứng giữa trụ sở công an phường Ngọc Thụy, lớn tiếng đe dọa tôi và người thân của tôi rằng “chúng mày sẽ chết nếu ra khỏi đồn công an” trước mặt bao nhiều người khác. Công an không làm một việc gì thì chứng tỏ điều đó một minh chứng hùng hồn rằng công an chỉ đạo vợ chồng anh ta đe dọa tình mạng chúng tôi.
Công an là lực lượng của nhà nước Việt Nam để bảo vệ tính mạng bảo vệ quyền lợi cho nhân dân mà công an để cho một tên côn đồ, đã đánh tôi đã cướp tiền của tôi, mà lại còn tuyên bố trước trụ sở của đồn công an nữa thì những người dân như chúng tôi lấy cơ sở gì để tìn vào luật tin vào chính quyền khi còn sống ở trong nước mà tính mạng của mình bị đe dọa quyền sống của mình bị đe dọa như vậy? Bởi vì thế tôi quyết định tôi phải ra đi.
Q: Chỉ nói riêng Hà Nội ngoài chị ra thì theo như chị biết có còn nhiều người lâm vào hoàn cảnh như chị không?
A: Rất nhiều. Nói chung là những người dám tranh đấu dân chủ công khai, lên tiếng ôn hòa bằng hình thức viết bài, hoặc phản biện bằng mọi hình thức… đều bị đàn áp không hình thức nọ thì hình thức kia. Cụ thể những người tham gia biểu tình ví dụ như tôi được biết Bùi Thị Minh Hằng cũng bị côn đồ theo sát từng bước đi, gần đây nhất cũng bị bắt giam ở Hỏa Lò và mới được thả ra do dư luận lên tiếng quá gay gắt.
Nguyễn Tiến Nam, như tôi đã viết nhiều lần, là mất tích vô cớ một ngày, thế rối Đặng Bích Phượng cũng bị công an đến nhà sách nhiễu rất nhiều lần. Rồi anh Phan Trọng Khang, chỉ là người đi tiếp tế nước uống bánh mì cho những người tham gia biểu tình trong đồn Mỹ Đình hôm 21 tháng Tám, nhưng bị công an phường Mỹ Đình cạo trọc đầu, bắt mặc áo tù nhân, giam trong đồn và thậm chí bị đánh đập.
Buộc lòng ra đi vì tự do
Q: Có lẽ chị ý thức rõ một lần bỏ nước ra đi là một lần khó có thể quay về, cũng không dể dàng tìm kiếm sự giúp đỡ, không dễ dàng hợp thức hóa tình trạng của chị ở Thái Lan. Nguyện vọng của chị như thế nào?
A: Tôi đã xác định rất rõ, tôi hiểu rất rõ, khi bỏ nước ra đi bằng con đường bất đắc dĩ, phải qua rất nhiều khó khăn mạo hiểm, thậm chí nguy hiểm đến cả tính mạng, và khi đến nơi thì cuộc sống của mình không có gì lấy làm đảm bảo. Nhưng tôi vẫn quyết ra đi bởi vì tôi thấy sống ở trong nước mình không thể nói được cái chính kiến của mình, người dân không có quyền tự do ngôn luận, không có quyền nói lên tiếng nói thực của mình. Thậm chí nếu nói một cách ôn hòa để góp ý với nhà nước, hoặc là viết bài để phản ánh lại hiện trạng thực của đất nước của người dân Việt Nam thì đều bị đảng và nhà nước, cụ thể là lực lượng công an, đàn áp một cách thô bạo.
Chúng tôi cảm thấy sống trong nước không có nhân quyền không có tự do thì chi bằng chúng tôi sống ở một nơi khác. Khó khăn vất vả về vật chất về điều kiện nơi ăn chốn ở nhưng đổi lại chúng tôi có quyền tự do nói lên chính kiến của mình, nói lên tiếng nói tự do cái lời nói thực của mình mà không sợ bị ai cản trở, không bị bưng bít thông tin. Cái quí nhất của chúng tôi là tự do.
Thanh Trúc: Cảm ơn họa sĩ Nguyễn Hồng Phi, cầu chúc mọi điều lành đến với chị.
0 comments:
Post a Comment