Quân đội Nhật Bản hoạt động cứu trợ nhân đạo. Reuters
Theo báo chí Nhật Bản và Việt Nam hôm nay 25/10/2011, tại Tokyo hôm qua 24/10, nhân chuyến viếng thăm Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã ký với Bộ trưởng Quốc phòng Yasuo Ichikawa một Bản ghi nhớ về hợp tác và trao đổi quốc phòng song phương.
Theo tờ Quân đội Nhân dân, bản ghi nhớ nêu rõ là Việt Nam và Nhật Bản sẽ tăng cường trao đổi các đoàn cao cấp, tiến hành đối thoại định kỳ ở cấp Thứ trưởng, đào tạo nhân lực, trao đổi thông tin, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, cũng như hợp tác tại các diễn đàn quốc phòng và quốc tế khu vực.
Theo hãng tin Kyodo, trích lời các giới chức Nhật Bản, hai bộ trưởng Phùng Quang Thanh và Yasuo Ichikawa đã đồng ý với nhau về tầm quan trọng của việc thắt chặt quan hệ song phương Việt – Nhật, trong bối cảnh mà hai quốc gia đều phải đối phó với Trung Quốc, với việc Bắc Kinh cản trở các hoạt động trên biển của các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Hãng tin Kyodo nhận định, thỏa thuận nói trên phản ánh mong muốn của hai nước kềm chế thái độ xác quyết chủ quyền ngày càng cứng rắn của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như biển Hoa Đông, nơi mà Tokyo vẫn tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Tuyên bố sau cuộc gặp gỡ với đồng nhiệm Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Ichikawa khẳng định Bản ghi nhớ vừa được ký kết có tầm quan trọng rất lớn, vì nó là cơ sở cho Nhật Bản tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng và trao đổi với Việt Nam, một quốc gia lớn ở Đông Nam Á.
Đây là lần đầu tiên từ 13 năm qua, một Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam viếng thăm Nhật Bản.
~~~~~
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam thăm Nhật Bản
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh hiện đang có mặt tại Nhật Bản trong chuyến công du 5 ngày.
AFP. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda (trái) tại Tokyo ngày 24 tháng 10, 2011
Ngày 23-28/10/2011, sau khi cùng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc, Đại Tướng Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh hướng dẫn phái đoàn quân sự cao cấp CSVN viếng thăm Nhật Bản. Ngày 23/10, phái đoàn đã có buổi sinh hoạt tại Toà Đại Sứ CSVN tại quận Shibuya, Tokyo. Ngày 24/10, ông Phùng Quang Thanh gặp Bộ Trưởng Phòng Vệ Nhật Bản Yasuo Ichikawa và được tiếp đón bằng hàng quân danh dự tại bản doanh bộ này.
Chúng tôi có cuộc trao đổi với Thông tín viên Đỗ Thông Minh từ Tokyo về sự kiện này như sau:
Nhật tăng cường hợp tác với Việt Nam
Mặc Lâm: Xin anh cho biết sự đón tiếp của chính phủ Nhật đối với Bộ trưởng Phùng Quang Thanh như thế nào?
Đỗ Thông Minh: Tại cuộc hội đàm, ông Ichikawa bày tỏ vui mừng khi lại được đón tiếp Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam sau chuyến thăm Nhật Bản 13 năm trước cảm tạ sự giúp đỡ và chia sẻ của nhân dân và Bộ Quốc Phòng Việt Nam dành cho Nhật Bản trong thảm họa sóng thần, động đất vừa qua. Ông nói: “Việt Nam là nước lớn trong khu vực Đông Nam Á. Đối với Nhật Bản, Việt Nam là đối tác chiến lược vì hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á. Nhật Bản đánh giá cao việc Việt Nam thể hiện tốt vai trò lãnh đạo, trên cương vị Chủ tịch ASEAN và tổ chức thành công Hội nghị Quốc phòng mở rộng lần thứ nhất, vào năm 2010. Đại cương kế hoạch phòng vệ mới của Nhật Bản đã ghi rõ, sẽ tăng cường hợp tác an ninh với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Do đó, Nhật Bản mong muốn nắm bắt mọi cơ hội để tăng cường hợp tác với Việt Nam.”.
Ông Phùng Quang Thanh khẳng định, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản là mối quan hệ đối tác chiến lược quan trọng và mong muốn 2 bên trao đổi thẳng thắn về tình hình khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa 2 nước.
Mặc Lâm: Báo chí Nhật Bản có loan tải những gì đã được hai bên ký kết hay không?
Đỗ Thông Minh: Sau cuộc hội đàm, Bộ Trưởng 2 nước đã ký kết Bản Ghi Nhớ về hợp tác quốc phòng song phương, việc ký kết Bản Ghi Nhớ có ý nghĩa quan trọng, sẽ định hướng và trở thành khuôn khổ cho việc tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Trong thời gian qua, hàng năm tàu chiến NB đều có ghé thăm VN. Tuy vậy, NB do hậu chứng Thế Chiến Thứ 2, chỉ trang bị để tự vệ chứ không tấn công và không tham gia liên minh quân sự trừ với Hoa Kỳ.
Buổi chiều, BTQP Phùng Quang Thanh đến tiếp kiến Thủ Tướng Noda, hai bên cũng lập lại những điều cơ bản trên.
Mối lo chung
Mặc Lâm: Giữa những mối lo chung trước sức mạnh của Trung Quốc thì hai bên đã chia sẻ thế nào về kinh nghiệm của mình trong vần đề tranh chấp thưa anh?
Đỗ Thông Minh: Nhật Bản và Việt Nam có mối lo chung về sự bành trướng của Trung Quốc. Nhật Bản tranh chấp với Trung Quốc về đảo Tiêm Các mà Trung Quốc gọi là Điều Ngư, vùng có nhiều mỏ hơi đốt, còn VN tranh chấp với Trung Quốc về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa… nơi có nhiều dầu hỏa, hơi đốt và khoáng sản cũng như cá.
Vì vậy, NB luôn theo dõi kỹ những động thái của Trung Quốc và phản ứng của VN dể rút kinh nghiệm cho chính mình. VN một mặt thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, một mặt mở rộng ngoại giao đa phương nhằm giải tỏa bớt áp lực của Trung Quốc. Tuy nhiên, quan hệ VN-TQ, đặc biệt là về mặt hợp tác quân sự vẫn là điều bí mật. Trong khi Nhật Bản cũng như Hoa Kỳ và các nước ASEAN chủ trương giải quyết vần đề biển Đông bằng giải pháp quốc tế thì Trung Quốc và thường là cả VN cũng nói là giải quyết song phương như ký kết của TBT Nguyễn Phú Trọng trong chuyến đi Trung Quốc vừa rồi.
Tài nguyên là nguồn gốc chính của sự tranh chấp ở Biển Đông, các quốc gia liên hệ đặc biệt là Trung Quốc và VN đều ráo riết tăng cường vũ trang. VN vào đầu tháng 10 mới đây, lần đầu tiên cho biết đã đóng tàu chiến tuần tra TT400TP loại 480 tấn với những thiết bị chính và vũ khí mua từ bên ngoài. Nên dù các bên liên hệ trên bình diện chính thức thì đều dùng ngôn ngữ ngoại giao là “hòa bình” nhưng điều ấy cho thấy vẫn có thể dẫn đến nguy cơ xung đột.
Mặc Lâm: Truyền thông Nhật Bản đánh giá ra sao về chuyến công du này của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh?
Đỗ Thông Minh: Nói về vấn đề truyền thông thì chúng tôi nghĩ rằng báo chị Nhật Bản chỉ đăng ở mức độ vừa phải mặc dù họ quan tâm nhiều tới tình hình Việt Nam nhưng đây chỉ mới là một bước nhỏ trong sự hợp tác của hai nước. Nhật Bản vốn chỉ là một quốc gia trang bị để mà tự vệ thôi cho nên về mặt chính thức thì chắc chắn Nhật sẽ không có can dự nhiều vào tình hình ở Biển Đông.
Mặc Lâm: Riêng về Việt Kiều tại Nhật thì phản ứng của họ ra sao?
Đỗ Thông Minh: Chỉ có một buổi sinh hoạt chính thức là ngày 23 tháng 10 khi ông Phùng Quang Thanh tới tòa Đại sứ để nói chuyện, một mặt nghe tòa đại sứ trình bày tình hình Nhật Bản và tình hình Việt kiều ở đây tất cả chỉ là giao lưu mà thôi.
Mặc Lâm: Xin cám ơn anh.
0 comments:
Post a Comment