Sunday, October 23, 2011

Ấn Độ dính vào, Trung Quốc lo


Ngô Nhân Dụng

Tháng Tám năm 2011, báo chí của nhà nước Trung Quốc tự nhiên đánh phá lung tung, đả kích các nước Ấn Độ, Phi Luật Tân, Việt Nam, Nhật Bản và Mỹ.

Bắc Kinh làm ồn ào để phản đối việc Công ty Ấn Độ ONGC Videsh Limited’s (OVL) định mở cuộc thăm dò dầu lửa trong hai khu vực (block) ngoài khơi Việt Nam, dọa sẽ gây rắc rối về ngoại giao. Tháng trước, Bắc Kinh đã từng cho chiến hạm đuổi chiếc tàu INS Airavat trong khi chiếc tàu Ấn Độ này mới rời hải cảng Việt Nam. Chắc cũng vì lúc đó họ biết Việt Nam và Ấn Độ đang đàm phán chuyện khai thác dầu cho nên gây hấn thử coi có ai sợ không. Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã chính thức phản đối vụ dọa nạt đó, nhân danh quyền lưu thông tự do trên mặt biển thuộc một nước Việt Nam có chủ quyền.

OVL đã từng hợp tác với Petro Việt Nam từ năm 1988 và khám phá thấy dầu ở hai blocks 127 và 128 thuộc vũng Phú Khánh từ những năm 1992, 1993. OVL cùng với BP tìm dầu ở vùng Lan Do và Lan Tây từ năm 2006; gồm cả hai blocks trên nhưng 127 không có đủ dầu và khí để khai thác. Từ năm 2010, Trung Quốc chuyển hướng ngoại giao với một thái độ mới, coi vùng Biển Đông nước ta thuộc “quyền lợi cốt lõi” của họ cho nên nay họ tỏ phản đối một cách dữ dội.

Ngày 16 tháng Chín 2011, trong lúc Ngoại trưởng Ấn Độ sang Hà Nội họp, Tân Hoa xã viết, “Trung Quốc cảnh cáo các công ty Ấn Độ hãy tránh xa vùng Nam Hải… trong vùng mà Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi được, làm nhiễm độc mối bang giao hai nước vốn đã căng thẳng”. Những dòng cuối cùng cứng rắn hơn: “Các nước muốn thử thách nên biết rằng Trung Quốc sẽ không nhượng bộ một tấc nào trước áp lực khi đụng tới chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ. Chính phủ Ấn Độ hãy suy nghĩ kỹ và nên tránh đừng làm gì để họ chỉ được lợi rất ít mà mất mát rất nhiều!”. Giữa tháng Mười, nhật báo Nhân dân ở Bắc Kinh lại cảnh cáo Ấn Độ thêm: “Thách thức ‘quyền lợi cốt lõi’ của một cường quốc đang lên để tìm những mỏ dầu chưa biết có hay không dưới đáy biển, sẽ gây tai hại cho cả sự an toàn về năng lượng của Ấn Độ”. Lời cảnh cáo này cũng nhắm vào ông Nguyễn Phú Trọng, lúc đó đang thăm Bắc Kinh.

Một bài quan điểm trên tạp chí Hoàn Cầu thời báo ngày 14 tháng Mười viết với giọng hăm dọa: “Trung Quốc đang tính sẽ có hành động chứng tỏ lập trường của mình và ngăn chặn những mưu đồ khiêu khích trong vùng này… Ấn Độ cố ý thừa nước đục thả câu ở Nam Hải để lấy thế mặc cả với Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp khác… Có âm mưu chính trị hiển nhiên đằng sau các dự án thăm dò dầu khí… Khi Ấn Độ và Việt Nam khởi sự việc thăm dò, Trung Quốc có thể đưa tới đó những lực lượng phi quân sự để quấy nhiễu công tác của họ, sẽ gây ra tranh cãi và chia rẽ để công việc thăm dò của hai nước đó phải chấm dứt. Nói cách khác, Trung Quốc phải cho họ biết rằng những lợi lộc kinh tế trong việc hợp tác của họ sẽ không thể nào bù lại được với những rủi ro”.

Nhiều công ty dầu khí quốc tế của Mỹ, Anh, Hòa Lan, trước đây đã lập tức rút lui khỏi vùng biển Việt Nam khi bị Bắc Kinh đe dọa. Các Công ty Chevron và BP đều có những vụ hợp tác làm ăn lớn ở bên Tàu cho nên sợ mất con cá sộp bèn bỏ Việt Nam ngay; thái độ này khiến mấy anh ở Bắc Kinh tưởng dọa ai cũng được. Bây giờ, Chính phủ Ấn Độ dứt khoát không chịu thua, tuyên bố việc cộng tác tìm và khai thác dầu ngoài khơi Việt Nam là một quyền được luật lệ quốc tế bảo vệ. Đụng với ONGC Videsh, Trung Quốc mới thấy không phải ai cũng sợ.

Trước thái độ cương quyết này, Bắc Kinh cho các báo, đài công kích Ấn Độ đang tranh giành ảnh hưởng với họ ở Việt Nam và vùng Đông Nam Á. Đồng thời, họ công kích Việt Nam và Phi Luật Tân cùng chống nước Tàu. Không những thế, báo chí ở Bắc Kinh còn lôi kéo cả Mỹ, Nhật Bản vào coi như đồng lõa. Đó là tình trạng một người tâm thần bất ổn, nhìn đâu cũng thấy những “thế lực thù địch”; cũng thấy người khác đang âm mưu hại mình. Hoặc đó là thái độ một ông “Con Trời” nghĩ rằng cả thiên hạ phải quy phục mình, ai làm trái ý mình là làm phản!

Việc Ấn Độ dự định bán cả hỏa tiễn Brahmos cho Việt Nam, càng chọc tức hơn nữa! Việc bán loại tên lửa chưa bao giờ xuất cảng này cho Việt Nam, cùng sản xuất với Nga, ghép tên hai con sông Brahmaputra và Moskva, đã được Nga đồng ý.

Một nhà phân tích chính trị Trung Quốc đã diễn tả tâm trạng giới lãnh đạo Trung Nam Hải. Ông Mã Gia Lệ (Ma Jiali 马嘉丽) được hãng thông tấn IANS (Indo-Asian News Service)phỏng vấn đã nói rằng vụ đi tìm dầu lửa khiến ông cảm thấy Ấn Độ đang muốn phát triển “những quan hệ chiến lược với Việt Nam để đương đầu với Trung Quốc”. Không hiểu ông ta quen nhìn Việt Nam như một nước phụ thuộc hay sao mà chỉ được giữ những quan hệ “đồng chí, anh em, chiến lược, toàn diện” với nước Trung Hoa mà thôi? Mã Gia Lệ nói: “Chính phủ Mỹ muốn ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc. Nhiều nước đang muốn liên minh chống Trung Quốc. Nếu Ấn Độ cũng theo con đường đó, sẽ không tốt. Cuộc “đối thoại tay ba” đang mở ra giữa Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ có vẻ phần nào nhằm ngăn chặn Trung Quốc”.

Cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Yuriko Koike mới viết trên nhật báo Japan Times vào tháng Sáu năm nay, nói rằng người ta không cần phải “ngăn chặn” Trung Quốc, như chiến lược “ngăn chặn” mà Mỹ đã theo trong thời chiến tranh lạnh nhắm vào Nga Xô. Bà Koike vạch ra rằng “Chi phí quân sự của Trung Quốc không mạnh hơn Nhật Bản, Ấn Độ hay Nga và quá thấp so với ba nước trên cộng lại. Một nửa trong số 1 tỷ 300 triệu người Trung Hoa còn sống trong cảnh nghèo”, cho nên Trung Quốc cần bảo vệ quan hệ kinh tế với các nước khác. Bà Yuriko Koike (Tiểu Trì Bách Hợp Tử 小池百合子) nói thái độ hung hăng của Trung Quốc sẽ chỉ thúc đẩy các nước Á châu khác phải tìm cách liên minh, với hậu thuẫn của Mỹ, thay vì để họ bị rơi vào một hệ thống do Trung Quốc đứng đầu. Nhật Bản cần coi việc liên kết với các quốc gia tự do dân chủ trong vùng, như Ấn Độ, Nam Hàn, Indonesia là ưu tiên số một trong chính sách ngoại giao. Trong tháng Mười 2011, Ngoại trưởng Nhật đã sang Jakarta cùng với Ngoại trưởng Indonesia bàn việc giải quyết các tranh chấp trong vùng biển Đông Nam Á trong một diễn đàn quốc tế, trước kỳ họp của ASEAN ở Jakarta mà Indonesia đang đóng vai chủ tọa.

Trong thực tế, các nước Á Đông và Đông Nam Á phát triển phồn thịnh được trong ba thập niên cuối thế kỷ XX là nhờ có sự hiện diện của quân lực Mỹ trong vùng này, giữ một tình trạng cân bằng về an ninh trong khu vực. Cho tới nay Australia, Nhật Bản, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Ấn Độ, Indonesia, Singapore, Malaysia, Tân Tây Lan, Việt Nam, và ngay cả Mông Cổ đều vẫn muốn giữ thế cân bằng ổn định đó. Một quốc gia nhỏ như Singapore cũng ký hiệp ước tự do mậu dịch và hợp tác quân sự với Mỹ. Số hải cảng trong vùng sẵn sàng cho phép tàu chiến Mỹ ghé bến đã nhiều hơn, các cuộc thao diễn hải quân chung với Mỹ cũng gia tăng. Đúng như bà Koike nói, không nước nào coi việc ngăn chặn Trung Quốc là cần thiết, bởi vì Trung Quốc không giống Liên Xô đời xưa. Nhưng không ai muốn bị áp đảo.

Nguyên nhân chính cũng vì trong mươi năm gần đây Bắc Kinh đã bỏ không theo chiến lược Đặng Tiểu Bình, là hãy lo phát triển kinh tế cho bằng người ta, còn về ngoại giao phải “thao quang dưỡng hối” (稻光养晦,Tao guang yang hui), tức là che bớt cái hay cái giỏi của mình và cúi xuống, chớ cái ngoi đầu lên. Mua một cái hàng không mẫu hạm cũ về, lúc đầu nói sẽ sửa chữa để làm tàu giải trí, sòng bài; rồi một ngày đem làm lễ hạ thủy, cho dân chúng kéo tới xem như xem hội, hoan nghênh chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của nước mình. Chưa có gì mà đã khoe khoang rồi. Một hàng không mẫu hạm mà không có đoàn tàu chiến đi theo bảo vệ, không có một đội tàu tiếp liệu, chưa bao giờ thao diễn như một hạm đội, nếu đụng trận thì chỉ làm mục tiêu cho máy bay địch oanh kích. Như vậy mà diễu võ dương oai để làm gì? Chỉ có một lý do là họ cần phô trương để kích thích tự ái dân tộc của một tỷ dân Trung Hoa. Họ cần đám dân này quên cảnh tham nhũng, bất công xã hội, và thiếu tự do; tất cả hãy chịu đựng ủng hộ nhà nước! Chính nỗi sợ ngọn núi lửa bất mãn trong lòng dân sẵn sàng bùng nổ khiến cho giới lãnh đạo Bắc Kinh phải tỏ ra hung hăng đối với bên ngoài.

Nhưng khi tỏ ra lo sợ những đe dọa tưởng tượng từ bên ngoài, Bắc Kinh cho thấy là họ đang sợ, vì tự nhìn bản thân bên trong còn yếu quá.

Vụ Công ty Ấn Độ ONGC Videsh cứ tiếp tục tìm dầu, không sợ dọa nạt, đã kích thích nỗi sợ hãi của Bắc Kinh. Lần đầu tiên, miếng võ đe dọa của họ mất hiệu lực. Tai sao các Công ty Chevron, BP nhượng bộ ngay mà OVL không sợ? Chỉ vì quyền lợi của Chevron ở Trung Quốc lớn quá, họ không muốn gây chuyện làm hỏng việc làm ăn. Cũng vì quyền lợi kinh tế, Chính phủ Mỹ hùa theo Chevron, tuyên bố không can dự vào những hòn đảo trong vùng biển đang tranh chấp. Khác với Chevron, công ty OVL không có quyền lợi nào đáng kể ở Trung Quốc mà lo bị mất. Vì thế Chính phủ Ấn Độ mới làm cứng.

Bắc Kinh hoảng hốt khi miếng võ đe dọa mất hiệu lực. Vì vậy, họ vẫn tiếp tục tham dự cuộc họp Hợp tác Chiến lược kinh tế đầu tiên với Ấn Độ. Và ngay sau cuộc gặp mặt giữa hai Thủ tướng Manmohan Singh và Ôn Gia Bảo, họ quyết định trong 6 tháng sẽ họp lần nữa, không đợi tới một năm như dự trù. Năm 2009, hai nước đã đứng trên cùng một lập trường khi đối diện với các nước Tây phương trong hội nghị Copenhagen về bảo vệ khí quyển, vì cả hai đều là những quốc gia đang phát triển. Trong mấy năm gần đây, Ấn Độ đang cải thiện bang giao với những nước Á Châu khác, từ Afghanistan, Iran, Bangladesh, đặt chân lên cả những nơi mà Trung Quốc từng coi là phiên thuộc như Mông Cổ và Việt Nam.

Một lần nữa, chúng ta lại thấy trong việc ngoại giao không có nước nào là bạn, cũng không coi ai là kẻ thù. Tất cả hoàn toàn đặt trên quyền lợi quốc gia. Trung Quốc không chỉ lo ngại một công ty Ấn Độ dám chống họ, mà họ còn lo xa hơn. Mai mốt, nếu công ty OVL thành công, bắt đầu khai thác dầu ở ngoài khơi Việt Nam và có lợi, các công ty quốc tế khác sẽ cứ theo tiền lệ của họ mà làm theo! Ở Na Uy, Mexico, Venezuella, thiếu gì những công ty dầu khí không có quyền lợi nào ở Trung Quốc để bị ràng buộc; ngăn cản họ làm sao được? Theo quyền lợi của Bắc Kinh thì tốt nhất Việt Nam chỉ hợp tác với Trung Quốc mà thôi! Trong quá khứ, năm 2008 Trung Quốc đã đe dọa Công ty ExxonMobil không được tìm dầu trong vùng biển Đông nước ta. Năm 2010, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố ở Singapore rằng Chính phủ Mỹ phản đối những lời đe dọa đối với các công ty năng lượng của nước họ. Năm nay 2011, vào tháng Tư ExxonMobil đã bắt đầu khoan đáy biển trong Block số 119 ngoài khơi Đà Nẵng, chưa thấy Trung Quốc phản đối!

Nguyên nhân gây ra nỗi sợ của Bắc Kinh trong vụ công ty OVL bướng bỉnh không phải vì họ lo sẽ xảy ra chiến tranh với Ấn Độ. Hai nước đã đánh nhau nhiều lần về chuyện biên giới từ những năm 1962; cho tới nay vẫn không bên nào chịu thỏa hiệp ký một hiệp ước chia đôi nhanh chóng như vụ chia đôi vùng tranh chấp ở biên giới Việt-Trung. Ấn Độ và Trung Quốc đều coi phát triển kinh tế là ưu tiên số một, tạm gác các tranh chấp khác một bên. Hiện nay nước mua bán với Ấn Độ nhiều nhất là Trung Quốc. Trung Quốc càng muốn giữ một bộ mặt hòa bình trong khi cần đi làm ăn nơi khác nữa! Trung Quốc mới khai trương một hàng không mẫu hạm còn Ấn Độ đã có một chiếc mẫu hạm từ lâu rồi, và đang làm thêm 3 mẫu hạm khác trong mười năm tới. Hải quân Ấn Độ đứng hàng thứ 5 trên thế giới, cho nên chiến tranh khó xảy ra chỉ vì Biển Đông.

Nỗi sợ của Trung Quốc chính vì họ lo Ấn Độ và Việt Nam phải hợp lực chống lại nếu đem tàu hải giám tới phá công việc tìm dầu của OVL tại một vùng ngoài khơi Quy Nhơn. Súng không thể nổ, nhưng bang giao Ấn – Trung – Việt sẽ căng thẳng, các nước ven biển vùng Đông Nam Á sẽ báo động, cả thế giới sẽ nhảy vào can gián.

Khi can gián, người ta phải đặt một câu hỏi căn bản, là Quần đảo Hoàng Sa thực sự thuộc nước nào? Các nước Đông Nam Á đều muốn đặt câu hỏi đó, đối với tất cả các hòn đảo đang tranh chấp. Nếu chưa thể quyết định chủ quyền trên mỗi đảo, người ta vẫn có thể đặt vấn đề giới hạn vùng lãnh hải đối với mỗi hòn đảo; nhờ một tòa án quốc tế hay một hội nghị quốc tế phân xử; các bằng chứng lịch sử và pháp lý phải được trưng bày. Ngay cả khi Trung Quốc muốn tỏ ra hòa hoãn, yêu cầu chỉ bàn việc cộng tác khai thác và chia sẻ lợi ích, thì vấn đề ai là chủ của những hòn đảo nào vẫn phải được đem ra giải quyết trước mặt thế giới.

Đây sẽ là một cơ hội cho Việt Nam quốc tế hóa vấn đề nước nào nắm chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Lúc đó, Trung Quốc biết họ sẽ đuối lý. Trung Quốc tấn công chiếm Hoàng Sa năm 1974, mới hơn một phần tư thế kỷ. Một hành động xâm lăng rất khó xóa bỏ. Tại sao anh phải đem quân tới giết người để chiếm những hòn đảo này, nếu đó là đất nước của anh? Có những chiến sĩ Hải quân Việt Nam còn sống sẽ ra làm chứng quân trú phòng Việt Nam bị bắn, giết, họ bị bắt rồi được trả về như tù binh. Cuối cùng, thế giới sẽ thấy chỉ có một giải pháp là mọi tranh chấp chủ quyền ở Hoàng Sa cần được đưa ra cho một hội đồng hay một phiên tòa quốc tế phân giải. Khi đó, các bằng chứng lịch sử cho thấy Việt Nam là chủ nhân của quần đảo Hoàng Sa sẽ hiển nhiên quá, Bắc Kinh không thể nào cãi lại được! Việt Nam có thể chứng minh chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách dễ dàng. Giữa thế kỷ trước, trong một hội nghị quốc tế ở San Francisco, chính phủ Bảo Đại đã công bố các quần đảo đó thuộc quyền nước Việt Nam; phái đoàn Nga đề nghị Nhật Bản trao trả vùng đó cho Chính phủ Tưởng Giới Thạch nhưng không ai được ủng hộ.

Trung Quốc đang có nhiều mối lo ngoại giao khác, không mong bị thêm rắc rối. Chính phủ Obama vẫn cứ bán thêm máy bay cho Đài Loan, mặc dù Bắc Kinh phản đối. Thượng viện Mỹ đang làm một dự luật “trừng phạt kinh tế” Trung Quốc với tội cố ý giữ đồng tiền nước họ thấp quá so với mỹ kim để có lợi bán hàng sang Mỹ rẻ. Năm tới dân Mỹ sắp bỏ phiếu, cả Quốc hội lẫn ông Tổng thống đều muốn tỏ ra cứng rắn để kiếm lá phiếu của dân! Đúng lúc đó thì một công ty dầu khí và chính quyền Ấn Độ lại gây thêm chuyện mới, không ngoan ngoãn làm “láng giềng hữu nghị” với Trung Quốc! Trung Quốc là nước đứng hàng đầu trong nền ngoại thương của Ấn Độ; quyền lợi đó không dễ bỏ qua chỉ vì một vụ tranh chấp nhỏ của công ty OVL. Thay vì gây thêm căng thẳng, cách tốt nhất cho Trung Quốc là bắt nạt được ai thì cứ bắt nạt nhưng cứ tham dự để chia phần, trong khi vẫn lớn tiếng để làm áp lực. Một tạp chí của Quân đội Trung Quốc đã cảnh cáo nếu Trung Quốc dùng vũ lực ở Nam Hải thì chẳng khác gì một người tự bắn vào chân mình!

Vì vậy trong cuộc thăm viếng của Nguyễn Phú Trọng, tân Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, bản thông cáo chung đã nói đến việc hai nước sẽ hợp tác nhiều hơn trong việc tìm và khai thác dầu, khí ngoài khơi. Trong cuộc hợp tác này, làm sao để không bị lép vế khi chia phần, người Việt Nam có thể lấy những bản hợp đồng ký với các nước khác làm thí dụ để tự bảo vệ quyền lợi.

N.N.D.

0 comments:

Powered By Blogger