VIỆT NAM CỘNG HOÀ

RA ĐỜI TRONG HOÀN CẢNH NÀO?




Di ảnh Cố Tổng Thống NGÔ ĐÌNH DIỆM


Hàng năm cứ đến khoảng cuối tháng 10 qua đầu tháng 11 Dương Lịch một số người lại vận động tổ chức ngày tưởng niệm để ghi nhớ công ơn của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đã thành lập nước VIỆT NAM CỘNG HOÀ tại miền Nam Việt Nam sau khi hoàn tất việc thi hành Hiệp định đình chiến do Pháp và Việt Minh ký tại Genève ngày 21-7-1954.

Nhiều Bạn Trẻ thắc mắc muốn biết hoàn cảnh nào đã đưa đẩy khiến cho ông Ngô Đình Diệm có được cơ hội thành lập nước Việt Nam Cộng Hoà theo khuôn mẫu Tổng Thống Chế của Hiệp chủng Quốc Hoa Kỳ và lên làm Tổng Thống tại miền Nam Việt Nam, nhưng lại không có thì giờ ngồi sưu tập các tài liệu ghi chép các sự kiện lịch sử đã xẩy ra tại Việt Nam trong những năm thuộc Thế kỷ 20, nên trăn trở chẳng biết phải làm sao.

Do đó, Tôi xin ghi lại dưới đây một số những sự kiện trọng yếu đã xẩy ra tại Việt Nam trong những năm thuộc Thế kỷ 20, và hoàn cảnh nào đã giúp cho ông Ngô Đình Diệm có thời cơ trở thành người Anh Hùng tạo dựng ra nước Việt Nam Cộng Hoà vào năm 1956 tại miền Nam Việt Nam.

Nhưng vì tuổi tác đã cao trên 80, trí nhớ cũng suy giảm do ảnh hưởng sau 13 năm chịu cảnh đọa đầy trong các trại tập trung cải tạo lao động khổ sai của chính phủ nước Cộng Hoà xã hội chủ nghiã Việt Nam sau ngày Quốc Hận 30-4-1975, toàn thể đất nước Việt Nam bị đặt dưới quyền thống trị độc tài chuyên chính độc đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam, nên những ghi nhận và suy luận được trình bầy có thể là Chủ quan theo hiểu biết nông cạn của Tôi, cũng có thể phiến diện hoặc thiếu xót, xin Quý Vị còn minh mẫn vui lòng miễn chấp và bổ túc giúp cho, Tôi cám ơn vô cùng.

1.- CHIẾN CUỘC TẠI ĐÔNG DƯƠNG XOAY CHIỀU, CHÍNH PHỦ PHÁP PHẢI RÚT QUÂN RA KHỎI VIỆT NAM.


Giữa năm 1949, Trung Cộng thắng thế ở Trung Hoa Lục địa, do đó tình hình chiến trận tại Đông Dương giữa Pháp và Việt Minh, đặc biệt là tại Bắc Việt trở nên rất sôi động. Tháng 5 năm 1949, Chính phủ Pháp phải cử Tướng Revers sang thanh sát tình hình và nghiên cứu trình Kế hoạch đối phó. Sau khi công cán về nước, Tướng Revers đề nghị rút bỏ Cao Bằng (biên giới Việt Nam-Trung Hoa) để:

1.- Gom quân giữ Quốc lộ 4 từ Lạng Sơn đến Tiên Yên;

2.- Củng cố bình định vùng đồng bằng Bắc Việt;

3.- Lấn chiếm cô lập khu Việt Bắc của Chủ lực Việt Minh gồm các tỉnh Thái Nguyên, Lào Kay, Tuyên Quang, và Yên Bái.


Chủ định thâm sâu của Pháp là tái lập Thuộc địa Đông Dương dưới hình thức mới, nên không được sự hỗ trợ của Hoa Kỳ.

Do đó Pháp e ngại Trung Cộng (chủ nhân ông mới của Trung Hoa Lục địa) xua quân can thiệp hỗ trợ cho Việt Minh Cộng sản, nên phải thun về thủ vùng đồng bằng để bảo toàn lực lượng, và tìm phương kế mới.

Kế hoạch của Tướng Revers đề nghị, được Chính phủ Pháp chấp thuận cho thi hành vào cuối năm 1949. Nhưng vì tại Đông Dương lúc đó, đang có sự bất đồng ý kiến giữa Tướng Carpentier (Tổng Tư lệnh quân Viễn chinh Pháp) tại Saigon và Tướng Alexandri (Tư lệnh đoàn quân tại Bắc Việt), nên mãi tới cuối tháng 8 năm 1950 mới thực hiện, mặc dù qua tin tức tình báo, Chính phủ Pháp, Cao ủy Đông Dương Pignon, và Tướng Carpentier, đều biết rằng Kế hoạch Revers đã bị tiết lộ.

Phiá Việt Minh, không biết bằng cách nào đã dò biết được Kế hoạch Revers, nên Tướng Võ Nguyên Giáp với sự trợ giúp trang bị vũ khí đạn dược, huấn luyện quân sĩ, và cố vấn hành quân của Trung Cộng, đã ráo riết chuẩn bị mở màn thử thách khả năng chiến đấu của bộ đội Việt Minh.

Ngày 18-9-1950, các đơn vị Việt Minh được sự yểm trợ của Pháo binh và súng cao xạ bắn máy bay, đã khởi tấn công và chiếm được đồn Đông Khê, rồi bao vây cô lập Cao Bằng. Sau đó thừa thế tiếp tục khai triển mặt trận Cao Bằng-Lạng Sơn, kéo dài cho tới ngày 7-10-1950. Pháp thất bại nặng nề, phải rút bỏ Cao Bằng, Thất Khê, Na Chầm, Đồng Đăng, Lạng Sơn, và Lao Kay.

Trận đánh này đã làm tăng uy thế cho Việt Minh, rúng động tinh thần quân sĩ Pháp tại Đông Dương, cũng như các giới Chính trị Pháp và Hoa Kỳ. Dân chúng Pháp bắt đầu gọi cuộc chiến tại Đông Dương là “Chiến tranh sa lầy”, các Đảng phái chính trị Pháp cấu kết với nhau làm áp lực chính trị, khiến các Chính phủ Pháp thay phiên nhau xụp đổ liên tục, làm cho tình hình tại cả bên chính quốc lẫn tại Đông Dương ngày một rối rắm thêm.

Để gỡ rối, Chính phủ Pháp cố gắng tìm một Tướng làm Tổng Tư lệnh mới thay thế Tướng Carpentier tại Đông Dương.

Các Tướng Juin và Tướng Koenig được tham khảo, nhưng 2 ông này từ khước vì Chính phủ Pháp không thể thoả mãn được những điều kiện các ông ấy đòi hỏi. Sau cùng, Tướng Jean Marie Gabriel De Lattre De Tassigny được lựa chọn. Ông này nhận lời ngay với một điều kiện duy nhất là phải cho ông ta rộng quyền chỉ huy.

Ngày 7-10-1950, Đại tướng De Lattre được đề cử làm Cao ủy kiêm Tổng Tư lệnh quân Viễn chinh Pháp tại Đông Dương.

Đúng 10 ngày sau, Tướng De Lattre lên đường nhậm chức, mang theo cả một Bộ Tham Mưu hùng hậu để làm trụ cột giúp ông ta hoàn thành sứ mạng lớn lao đã nhận lãnh.

Trong suốt 9 tháng trời ròng rã tiếp theo, ông ta đã chứng tỏ tài lãnh đạo chỉ huy và hành quân táo bạo của mình, qua các trận Vĩnh Yên giữa tháng 1-1951 (chết mất người con trai duy nhất là Trung úy Bernard), trận Mạo Khê cuối tháng 3-1951, trận “Bờ Sông Đáy” cuối tháng 5-1951, và đặc biệt là kế hoạch xây dựng “Phòng tuyến Bê tông De Lattre” để bảo vệ đồng bằng Bắc Việt trong Vùng Tam Giác: Moncay, Việt Trì, Ninh Bình, và “Phòng Lũy Hải Phòng”.

Tướng De Lattre đã làm cho tinh thần Quân Sĩ được phục hồi, đồng thời tạo được sự tin tưởng của Chính phủ Pháp và các Đồng minh Hoa Kỳ, Anh Cát Lợi,…

Giữa tháng 9-1951, Tướng De Lattre được Chính phủ Pháp cho đi công cán sang Hoa Kỳ xin viện trợ. Có lẽ nhờ trận Việt Minh tấn công quân Pháp tại vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, có sự hiện của quân Trung Cộng trong hàng ngũ quân Việt Minh, y như trận Bắc Hàn tấn công Nam Hàn mà Mỹ và Đồng minh phải can thiệp cũng có sự hiện diện của quân Trung Cộng trong hàng ngũ quân Bắc Hàn, nên Hoa Kỳ thay đổi thái độ đối với Pháp.

Nhờ thế, Tướng De Lattre đã xin được Mỹ viện trợ cho Pháp tiếp tục cuộc chiến tại Đông Dương, dưới nhiệm vụ mới là “Ngăn chặn sự bành trướng của Quốc tế Cộng sản ở vùng Đông Nam Á Châu”, mà Việt Minh là tay sai tiền phương của Liên Sô và Trung Cộng.

Viện trợ chỉ được chấp thuận với một điều kiện tiên quyết kèm theo là: “Pháp phải thành thực trao trả quyền Độc Lập, Tự do, cho các Chính phủ Quốc gia không Cộng sản tại Đông Dương, và xúc tiến nhanh chóng việc thành lập, huấn luyện, và trang bị quân sự cho các Quốc gia này có đủ khả năng tự vệ, tiêu diệt Cộng sản địa phương, bảo đảm an ninh cho dân chúng phát triển kinh tế.

Đặc biệt phải để cho các Quốc gia này có quyền Tự do Giao thương trực tiếp với tất cả các nước Tư bản, ngoài khối Liên Hiệp Pháp, không phải qua trung gian của Pháp.”

Ngày 28-9-1951, hai ngày sau chuyến công du của Tướng De Lattre chấm dứt, chiếc tầu biển Eartham Bay của Hoa Kỳ đã từ Manilla chở tới Saigon, rất nhiều vũ khí nhẹ và đạn dược đủ loại.

Đồng thời, một đoàn 30 Phóng pháo cơ B-26 do phi công Hoa Kỳ lái từ Phi Luật Tân qua, đáp xuống phi trường Cát Bi (Hải Phòng), trao cho Pháp trong âm thầm không kèn không trống.

Mười hai (12) chiếc trong số phi cơ này đã được Hoa Kỳ biến cải thành loại máy bay soi sáng (Luciole), dùng để thả hoả châu soi sáng chiến trường ban đêm, trong thời gian liên tục 1 tiếng đồng hồ cho mỗi phi cơ.

Cũng nhờ thế nên ngày 1 tháng 10 năm 1951, ông Trần văn Hữu Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng Chính phủ Quốc Gia Việt Nam mới chính thức công bố việc thành lập Quân đội Quốc gia Việt Nam (QĐQGVN) chống Cộng sản (gồm 8 Sư đoàn nhẹ trong 5 năm, riêng năm 1951 dự trù thành lập Sư đoàn 1 ở miền Nam, Sư Đoàn 2 ở miền Trung, Sư đoàn 3 ở miền Bắc, và Sư đoàn 4 ở vùng Cao Nguyên Trung phần Việt Nam).


Ngày 16-10-1951 ban hành Lệnh Tổng Động Viên khoảng 15.000 thanh niên có bằng cấp từ Trung học trở lên vào học các khoá đào tạo Sĩ quan Trừ bị cấp tốc tại Thủ Đức và Nam Định.

Rồi lần lần sau đó, thành lập Bộ Tổng Tham Mưu QĐQGVN, Trường Quân Y, và các Trường Võ bị Địa phương (Ecole Militaire Régionale) đào tạo các Chuẩn úy Trung đội trưởng, ngoài số Thiếu úy Hiện dịch do Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt đã và đang đào tạo (Trường VBLQ ĐàLạt được thành lập từ năm 1948).

Các Trung tâm Huấn luyện Tân binh và Hạ sĩ quan cũng lần lượt được thành lập, và hoạt động náo nhiệt để thành lập các đơn vị cấp Tiểu đoàn, Trung đoàn Bộ Binh và các đơn vị Binh chủng, Nha, Sở chuyên môn.

(Thời gian này, Tôi là Trung Úy mới mãn khóa Sĩ quan Truyền Tin tại Trường Truyền Tin Montargis bên Pháp về vào đầu tháng 7-1951, được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Mật Mã thuộc văn phòng Đổng lý Bộ Quốc Phòng do Thiếu Tá Nguyễn văn Vận làm Đổng Lý. Sau này Thiếu Tá Vận rời Bộ Quốc Phòng ra Hà Nội được thăng cấp lần lần tới Thiếu Tướng Tư lệnh Quân Khu 3 vào năm 1954)

Được sự yểm trợ của Hoa Kỳ, Quân đội Viễn chinh Pháp ồ ạt xây dựng các doanh trại và cơ sở rất lớn rộng cho các Cơ quan Chỉ huy và Đơn vị Hành chánh Tiếp vận Trung Ương tại các vùng Tân Sơn Nhứt, Gò Vấp, Bình Lợi, Cát Lái (Gia Định), Khánh Hội (Saigon), và Biên Hoà… Theo dự tính của Tướng De Lattre, các Cơ sở này phải đủ tầm vóc có thể biến thành các Cơ sở Chỉ huy và Tiếp vận cho các Lực lượng Liên Hiệp Quốc xử dụng khi cần phải đến Việt Nam để điều khiển chiến tranh ngăn cản Cộng sản Quốc tế xâm lăng các nước thuộc Đông Nam Á Châu, như họ đã đến tham gia cuộc chiến tại bán đảo Triều Tiên.

Vào tháng 12 năm 1951, Tướng De Lattre qua đời, Tướng Raoul Salan được cử thay thế làm Tổng Tư lệnh, để tiếp tục giải quyết cuộc “Chiến tranh sa lầy” không lối thoát của Pháp tại Đông Dương. Nội tình nước Pháp tiếp tục lục đục, chính phủ Queuille bị đổ vào tháng 2-1952. Tại Bắc Việt, Tướng Salan rút bỏ Hoà Bình vào cuối tháng 3-1952. Thủ tướng mới của Chính phủ Pháp là Pinay vẫn giữ chính sách cũ đối với Đông Dương. Ông Letourneau được bổ nhiệm làm Bộ trưởng các Quốc gia Liên kết, kiêm nhiệm chức Cao Ủy Đông Dương kể từ tháng 4-1952, và Tướng Salan được chỉ định làm Tổng Tư lệnh Quân đội Viễn chinh Pháp tại Đông Dương. Bộ trưởng Letourneau phải thường xuyên hoạt động tại chính quốc, làm gì có thời giờ chạy qua chạy lại giữa Pháp và Đông Dương, nên Tướng Salan vô hình chung có được toàn quyền quyết định y như cố Đại tướng De Lattre thuở còn sinh thời.

Sở dĩ Tướng Salan được lựa chám chỗ chống của De Lattre, vì ông ta đã từng ở Việt Nam lâu năm, tham dự nhiều trận chiến với Việt Minh từ hồi 1947, đã cộng tác mật thiết với Tướng De Lattre trước khi ông này qua đời, nên thông thạo lối đánh của Việt Minh.

Ngoài ra, ông ta còn có được cái trí khôn của người Á Đông vì lấy vợ người Việt Nam, hút thuốc phiện, theo vợ đi lễ các Đền, Chùa, am tường các phong tục tập quán của các Sắc dân Đông Dương.

Chiến công của Tướng Salan từ sau ngày thay thế De Lattre, chỉ là cuộc hành quân rút lui khỏi Hoà Bình trong an toàn không bị sứt mẻ, và xây dựng “Pháo lũy Na Sản” giữ được mặt trận vùng Bắc Thái (phiá Tây, Bắc Việt) vững vàng trong suốt 3 tháng (10, 11, và 12-1952).

Còn tình hình toàn diện Đông Dương chẳng có gì khả quan hơn.

Qua tháng 5-1953, Tướng Navarre được cử thay thế Tướng Salan làm Tổng Tư lệnh Quân Liên Hiệp Pháp tại Đông Dương.

Ông này xào xáo lại các kế hoạch của các Tướng tiền nhiệm, rút tiả các kinh nghiệm, để hệ thống hoá thành kế hoạch chiến thuật mới của mình là:

1.- Phòng thủ miền Bắc;

2.- Bình định miền Nam;

3.- Lập một Binh đoàn Chủ lực lưu động, để có thể đánh ở bất cứ nơi nào có sự tập trung quân của Địch (Việt Minh).


Kế hoạch được mở màn bằng cuộc hành quân “Castor” vào cuối tháng 11-1953, để hỗ trợ việc xây dựng “Tập đoàn Cứ điểm Điện Biên Phủ” với mục đích:

a.- Buộc Việt Minh phải chấp nhận một trận công kiên chiến, mà Pháp tin rằng họ sẽ thắng vì có ưu thế hơn về Không quân và Tiếp liệu.

b.- Cầm chân Chủ lực quân Việt Minh tại miền Bắc để chúng không thể tiếp sức cho miền Nam, nhờ thế Pháp sẽ bình định Liên Khu V gồm các Tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, tại miền trung tâm của Trung Việt Nam một cách dễ dàng.

c.- Dùng Điện Biên Phủ làm “Căn cứ Bàn đạp” đánh vào Hậu tuyến Việt Bắc, nếu Việt Minh di quân khỏi nơi này để tấn công vùng đồng bằng sông Hồng.

Tiếc thay, Bộ tham mưu của Tướng Navarre ước tính sai lệch quá nhiều.

Việt Minh đã tập trung được quanh Điện Biên Phủ, một lực lượng nhiều tới 100,000 quân. Với sự yểm trợ của Trung Cộng, Việt Minh còn kéo được cả súng Đại pháo qua đỉnh núi, đào hầm bố trí ngay trên sườn núi nhìn thẳng xuống thung lũng Điện Biên Phủ.

Thế mà Pháp cho rằng, Việt Minh chỉ có thể tập trung quanh Điện Biên Phủ khoảng 20,000 quân là tối đa, và lòng chảo Điện Biên Phủ không thể bị uy hiếp bằng Pháo binh, vì các Đại pháo chỉ có thể bố trí phiá bên kia các dẫy núi quanh lòng chảo, xa quá tầm tác xạ của súng.

Cuối tháng 11-1953, tình hình chiến sự bỗng chuyển biến đột ngột. Bốn (4) Sư đoàn Việt Minh kéo lên áp lực miền Bắc Thái (Tây Bắc, Bắc Việt). Qua tháng 12-1953, Tướng Navarre phải cho lệnh rút quân bỏ Lai Châu và toàn vùng Bắc Thái, để tập trung về Điện Biên Phủ, đồng thời mở nhiều cuộc hành quân ở vùng thượng lưu sông MêKông để củng cố phòng thủ miền Bắc Lào (nước Ai Lao).

Đầu năm 1954, tình hình lắng dịu tại khắp các chiến trường phụ trên toàn cõi Đông Dương. Riêng tại Điện Biên Phủ tình hình coi như đang có nhiều điều thuận lợi cho quân Pháp.

Nhưng, vào trung tuần tháng 2-1954, Hội nghị Bá Linh (Berlin, Đức) được mở ra để thảo luận về việc thành lập một Hội nghị chính thức tại Genève để tìm giải pháp cho vấn đề đình chiến tại Đông Dương, đã khiến tình hình chiến sự trở nên bất lợi cho quân Pháp, và làm cho Tướng Navarre bị ngỡ ngàng.

Đầu tháng 3-1954, Việt Minh rút Sư đoàn 308 đang uy hiếp Luang-Prabang (Lào), đem về tăng cường bao vây Điện Biên Phủ. Đến ngày 13-3-1954, Việt Minh mở đầu các cuộc tấn công trên khắp các mặt trận Đông Dương (kể cả Điện Biên Phủ), nhằm mục đích phô trương khả năng quân sự mới để áp đảo tinh thần quân Liên Hiệp Pháp và các Quốc gia Liên kết Đông Dương, đồng thời tạo điều kiện thượng phong tại Hội nghị Genève. Quân Pháp bị cầm chân tại tất cả mọi nơi, nên không còn quân số tiếp ứng cho nhau, nhất là cho “Tập đoàn Cứ điểm Điện Biên Phủ”.

Đến cuối tháng 4-1954, Bộ Tư lệnh Pháp cho mở cuộc hành quân “Atlante” đánh vào Quân khu V của Việt Minh tại trung Việt, nhưng chẳng đem lại kết quả gì, nếu không muốn nói là uổng công vô ích.

Ngày 7 tháng 5-1954, sau 55 ngày đêm tự lực cầm cự, “Tập đoàn Cứ điểm Điện Biên Phủ” đã phải xin đầu hàng vô điều kiện.

Dư luận Pháp rất hoang mang, chia rẽ, tranh cãi trầm trọng, khiến Chính phủ Pháp phải đưa Tướng Paul Ely Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Pháp sang Đông Dương thay thế Tướng Navarre, với quyền hạn rộng rãi là Cao Ủy kiêm Tổng Tư lệnh quân đội viễn chinh tại Đông Dương, như đã dành cho Tướng De Lattre hồi trước. Nhưng, Tướng Ely cũng chẳng làm được gì hơn, là tiếp tục nhận lãnh những thất bại chua cay, trong âm mưu tái lập thuộc địa lỗi thời của Pháp tại Đông Dương sau Thế chiến II.

Mấy tuần lễ sau vụ Pháp thất trận Điện Biên Phủ, chiến cuộc Đông Dương được giải quyết ngã ngũ, chấm dứt bằng giải pháp chính trị tại Hội nghị Genève với một Hiệp Định đình chiến, ký kết vào lúc 0100 giờ ngày 21 tháng 7 năm 1954 tại Genève giữa Pháp và Việt Minh.

Đại diện Hoa Kỳ và Đại diện Chính phủ Quốc gia Việt Nam khước từ không ký vào bản Hiệp định. Theo Hiệp định này, nước Việt Nam bị phân làm 2 phần Nam, Bắc. Vĩ tuyến 17 và dòng sông Bến Hải được dùng làm ranh giới giữa 2 miền.

Từ giữa lòng con sông trở lên phiá Bắc thuộc quyền kiểm soát cai trị của Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh cầm đầu.

Phần từ giữa lòng con sông trở xuống phiá Nam thuộc trách nhiệm của Chính quyền Pháp và Chính phủ Quốc gia Việt Nam do Quốc trưởng Bảo Đại lãnh đạo.



Thi hành Hiệp định Genève, Bộ Tư lệnh quân Viễn chinh Pháp của Tướng Ely phối hợp cùng Chính phủ Quốc gia Việt Nam do ông Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng, tổ chức một cuộc di tản vĩ đại ngoạn mục trong vòng 300 ngày, cho hơn một triệu Dân Quân Cán chính không thích sống dưới Chế độ Cộng sản rời miền Bắc vào Nam tái lập nghiệp, và hàng chục ngàn Cán Binh Cộng sản từ miền Nam buộc phải tập kết ra Bắc.

Thời hạn triệt thoái quân Pháp và quân Quốc gia ra khỏi Bắc Việt theo lối cuốn chiếu quy định như sau: phải ra hết khỏi HàNội trong thời hạn 80 ngày kể từ ngày ký Hiệp Định Genève, do đó ngày chót được ấn định cho Hà Nội là ngày 11-10-1954; 100 ngày cho Hải Dương do đó ngày chót được ấn định là ngày 1-11-1954; và 300 ngày cho Hải Phòng do đó ngày chót được ấn định là ngày 19-5-1955.

(còn tiếp)