Saturday, October 15, 2011

Một ông cụ quyết tìm kho vàng 4,000 tấn ở Bình Thuận

PHAN THIẾT 14-10 (TH) – Một ông cụ ở Sài Gòn đang ôm một hồ sơ mà cụ nói là toàn bộ hồ sơ liên quan đến một kho tàng 4,000 tấn vàng hiện đang còn chôn giấu ở một khu vực gọi là núi Tàu thuộc tỉnh Bình Thuận.
Ông Trần Văn Tiệp và xấp hồ sơ “kho báu” núi Tàu. (Hình: Báo Thanh Niên)

Qua bản tin báo Thanh Niên ngày Thứ Sáu 14 tháng 10 năm 2011, ông cụ Trần Văn Tiệp đã chuẩn bị tất cả nhân sự gồm 30 người và các máy móc, xe ủi để đến núi Tàu, một khu vực thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Cụ Tiệp, nay đã 96 tuổi, đã theo đuổi hơn nửa thế kỷ qua việc săn tìm kho tàng được mô tả là do một tướng Nhật Bản chôn giấu hồi Ðệ Nhị Thế Chiến từ vàng bạc châu báu thu gom tại nhiều nước trước khi quân Nhật phải buông súng đầu hàng Ðồng Minh.

Cụ Tiệp dự tính vào ngày Thứ Hai 17 tháng 10, 2011 sẽ nộp cho nhà cầm quyền tỉnh số tiền 500 triệu đồng (khoảng gần $25,000 USD) tiền ký quỹ để được phép đào xới tìm kiếm kho tàng mà cụ cầm trong tay các tài liệu từ bản đồ, dữ kiện khảo sát bằng máy đo từ trường, các tài liệu lịch sử, gia phả và các hiện vật mà cụ từng đào được qua lần đào sơ khởi trước đây. Lần đó, không tìm thấy kho tàng nhưng cụ đào được thanh kiếm Nhật và một số hiện vật.

Nhà cầm quyền chỉ cho phép cụ tìm kiếm nội trong 270 ngày (9 tháng) kể từ ngày 10 tháng 10, 2011. Hết hạn, nếu không tìm thấy gì thì sẽ không được phép gia hạn.

Các dữ kiện mà công ty CP thiết bị địa lý Hà Nội khảo sát hồi năm ngoái bằng máy phân tích đo từ trường thấy “dãy dị thường hẹp (chiều ngang khoảng 5m, chiều dài khoảng 100m); có sự tập trung điển hình dị thường với độ thăng giáng từ 5000 nT đến 7000 nT so với trường bình thường; dị thường này có thể là các khối quặng kim loại mang từ tính tự nhiên hoặc nhân tạo”.

Công ty khảo sát địa chất của công ty vừa kể bằng phương pháp phân kim so sánh với 2 phương pháp đo độc lập Từ và Ðiện trước đó “có thể nhận định như sau: Dị thường trùng lặp ở cả 3 phương pháp, độ rộng và độ lớn. Ðể đánh giá vùng dị thường này bắt buộc phải khoan thăm dò với các mũi khoan sâu tới 50m. Theo kế hoạch này, sẽ có 5 mũi khoan trên sườn phía Ðông núi Tàu để xác định vị trí “kho vàng”, theo bản tin tờ Thanh Niên thì điều này càng làm cho cụ Tiệp thêm tin tưởng kho vàng có thật.

Ước lượng kho tàng gồm khoảng 4,000 tấn vàng và các loại châu báu trị giá… không dưới $100 tỉ Mỹ kim.

Theo lời cụ kể với ký giả báo Pháp Luật và Xã Hội ngày 10 tháng 2 năm 1010, ngay từ năm 1957 cụ đã có thông tin về kho tàng. Tuy nhiên “trong thời kỳ chiến tranh phải âm thầm giữ bí mật” cho tới khi cụ gặp người “đồng chí hướng” là Lê Văn Hiền, nguyên bí thư tỉnh ủy tỉnh Thuận Hải. Ông Hiền đã chết năm ngoái.

Cư dân địa phương ở xã Phước Thể thì cho biết ngọn núi ở địa phương gọi là núi Tàu vì núi này gần vùng biển xưa có tàu của hải quân Nhật bị chìm.

Theo lời cụ kể trên báo PLXH trong tay cụ “…Có rất nhiều hồ sơ cho biết vào cuối thế chiến thứ II, sau khi Nhật đầu hàng quân đồng minh, vị tướng Yamashita đã đưa một hạm đội gồm 84 tàu chiến chở đầy vàng đến vịnh Cà Ná (giáp ranh tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận) trú ẩn. Tuy nhiên, sau đó lực lượng không quân của quân đồng minh đã đánh chìm 66 tàu của quân đội Nhật xuống khu vực này. Còn lại 18 tàu khác kịp thời chạy thoát và sau đó chính quân đội Nhật đã đưa số vàng khoảng 4,000 tấn vàng xuống một hòn núi sát với vùng biển này. Sau này mới biết đây là núi Tàu. Sau Thế Chiến Thứ II, nhiều lần người Nhật đã đến Việt Nam để tìm tung tích kho vàng cực lớn này nhưng đều thất bại.”

Trong những ngày tháng săn tìm kho tàng, cụ Tiệp tìm kiếm được một thanh gươm cùng với vỏ bao gươm của Nhật đã cũ; đồng tiền 10,000 yen; một ống điếu bằng kim loại đã vỡ một phần; hai phù hiệu Hắc Long bằng kim loại… Những di vật Nhật Bản này càng làm cho cụ tin tưởng “kho vàng vẫn quanh quẩn đâu đây”.

Rồi vào năm 1992 cụ được một người ở huyện Tuy Phong xung phong… chỉ điểm vị trí của kho vàng ở núi Tàu. Từ đó, cụ bắt đầu công cuộc khai quật, tìm kiếm. Ước tính, cụ đã tốn khoảng 100 lượng vàng cho các chi phí đào xới nhiều đợt suốt hai chục năm qua mà vẫn chưa tìm được.


Những “báu vật” của ông Tiệp thu từ núi Tàu. (Hình: Báo Pháp Luật-Xã Hội)

Cuối năm ngoái, cụ đã gửi thư cho lãnh đạo Bộ Công An tố cáo chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có âm mưu chiếm đoạt kho tàng của cụ khi “cấp phép cho khai thác đá xây dựng ở núi Tàu”.

Nhà cầm quyền địa phương ép cụ từ bỏ tìm kiếm nhưng, theo bản tin báo Thanh Niên ngày 10 tháng 2, 2011 “do niềm tin vào ‘kho vàng’ không bao giờ tắt nên ông Tiệp liên tục gửi nhiều văn bản đến các đồng chí lãnh đạo cao cấp kiến nghị can thiệp cho tiếp tục tìm kiếm kho vàng”.

Theo báo Thanh Niên ngày 14 tháng 10 năm 2011, ông cụ hiện đang sống ở đường Nguyễn Trọng Tuyển, Phú Nhuận, Sài Gòn, nói rằng cụ chỉ cần từ 3 tới tháng là có thể “lấy kho vàng lên”.

0 comments:

Powered By Blogger