Tuesday, October 25, 2011

Cái chết của Thế hệ Qaddafi


(Thời đại của các Thủ lĩnh độc tài Ả-rập đã cáo chung)
Mohamad Bazzi, Foreign Affairs Trần Ngọc Cư dịch
Tinh thần dân tộc bao giờ cũng là một sức mạnh vô giá để một dân tộc cố kết bền vững, đủ sức đua chen giữa năm châu bốn biển, không bị đào thải trong cuộc cạnh tranh trường kỳ và khốc liệt của đủ mọi sắc tộc từ nghìn xưa đến tận hôm nay.
Chính tinh thần dân tộc bất diệt đã giúp giống người Lạc Việt – tức đại gia đình dân tộc Việt Nam chúng ta – đứng vững trước phong ba bão táp trong hàng nghìn năm, đánh lui mọi cuộc xâm lăng man rợ của bất kỳ đội quân Hán, Mông, Mãn... nào đến từ phương Bắc.
Nhưng một chủ nghĩa sô vanh thì lại là chuyện khác. Đó là hiểm họa ghê gớm cho dân tộc và nhân loại. Một chủ nghĩa sô vanh cộng thêm với một thứ tôn giáo cực đoan thì càng là đại họa. Và một chủ nghĩa sô vanh được trang sức màu mè bằng một thứ lý thuyết đại đồng giả dối mà thực chất là ảo tưởng điên khùng của dăm ba đầu óc bất bình thường nào đấy đưa đến cái chết cho hàng trăm triệu con người ở thế kỷ XX, thì không chỉ là đại họa mà chính là báo hiệu sự tận diệt của những dân tộc bị cuốn vào vòng xoáy của nó.
Lối ra của nhân loại chỉ có một: tiến trình dân chủ hóa đất nước. Việt Nam cũng không thể khác. Còn nhớ vào năm 1925, ngay sau khi từ Pháp trở về nước, nhà chí sĩ Phan Châu Trinh trong các bài diễn thuyết của mình đã nói đến nguy cơ của một chính quyền độc tài dày đạp lên nhân dân khiến chính người dân – nhất là nông dân – không cần biết đến cái gọi là độc lập của xã tắc là thiêng liêng nữa mà sẵn sàng đón nhận bất cứ thế lực ngoại bang nào miễn họ đem lại cho người ta chút quyền được sống.
Dân tộc Việt Nam hiện nay đang vô cùng bức thiết trước yêu cầu tự do dân chủ, nhưng một khi thế lực bành trướng Bắc Kinh âm mưu xâm lấn thì muôn người như một sẵn sàng xuống đường, sẵn sàng chết cho Tổ quốc. Thiết tưởng những ai ngu muội nhất cũng nên biết rằng đấy vẫn còn là một đại hạnh phúc.
Bauxite Việt Nam
Tháng Ba 2008, Muammar al-Qaddafi đăng đàn tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên đoàn các nước Ả Rập tại Damascus [thủ đô của Syria] để đọc một trong những bài diễn văn vòng vo nổi tiếng của ông. Vào khoảng giữa bài diễn văn, ông đưa ra một cảnh báo có vẻ tiên tri, khiển trách các vị nguyên thủ quốc gia trong phòng họp về tội đã khứng chịu việc lật đổ và sau đó hành quyết Saddam Hussein của Iraq. “Một cường quốc nước ngoài đến chiếm một nước Ả Rập và treo cổ nhà lãnh đạo của nó trong khi tất cả chúng ta chỉ đứng ngắm xem và cười cợt”, Qaddafi hò hét. “Phiên của quý ngài cũng gần tới rồi đó!”.
Tất cả cử tọa đều bật cười thành tiếng. Máy thu hình TV quay qua phía bên kia phòng họp, cho thấy vị chủ nhà của cuộc họp thượng đỉnh, Tổng thống Bashar al-Assad của Syria đang cười khúc khích. Không mảy may ngại ngùng, Qaddafi nói tiếp: “Kể cả quý ngài, những người bạn của Mỹ. Không, tôi muốn nói chúng ta – chúng ta, những người bạn của Mỹ. Có thể rồi một ngày nào đó Mỹ cũng sẽ chấp thuận việc treo cổ chúng ta”. Tiếng cười trong phòng họp lại càng to hơn.
Bây giờ thì họ hết cười được rồi. Qaddafi là nhân vật cuối cùng trong những thủ lĩnh độc tài dân tộc chủ nghĩa kiểu cũ của thế giới Ả Rập, và cái chết của ông hôm thứ Năm đã đánh dấu sự chấm dứt của một thời đại. Những người đồng thời với ông là những nhân vật như Saddam Hussein, cha và người tiền nhiệm của đương kim Tổng thống Assad, Hafer al-Assad – những quân nhân xuất thân từ những gia đình nghèo khó và những làng mạc khô cằn, đã phấn đấu vươn tới địa vị chóp bu, cỡi lên làn sóng của khí thế cách mạng đang tràn ngập Trung Đông trong những năm 1960 và những năm 1970. Nguồn khích lệ của họ đến từ một sĩ quan có sức thu hút kỳ lạ của Ai Cập, đó là Gamal Abdel Nasser, người đã lật đổ Vua Farouk, một vị vua thân Anh quốc, năm 1952. Những bài diễn văn kích động của Nasser, được nghe khắp khu vực qua chiếc radio bán dẫn vừa mới được phát minh, đã nhen nhúm viễn ảnh về một khối Ả Rập thống nhất. Đấy là một thời kỳ đầy biến động, trong đó giới lãnh đạo chóp bu thương gia và phong kiến – đồng minh của các cường quốc thuộc địa châu Âu cũ – đang mất dần quyền lực. Thoạt đầu, Saddam, Qaddafi, và Assad tỏ ra là hiện thân của một thời đại mới đầy hứa hẹn, trong đó sự cải tổ hướng về người dân là chính (populist reform).
Chủ nghĩa dân tộc Ả Rập bắt đầu suy yếu sau cuộc thất bại nhục nhã của các nước Ả Rập trong trận Chiến tranh 1967 với Israel, một sự thất bại đã khiến nhiều người Ả Rập cảm thấy bị giới lãnh đạo của họ phản bội. Với việc Nasser qua đời 3 năm sau đó, niềm hy vọng cao cả về một khối Ả Rập thống nhất bị dập tắt. Người dân bắt đầu nhận ra rằng các vị anh hùng của họ đã trở thành những nhà độc tài chỉ biết đàn áp đối lập, hành quyết người chỉ trích, và phung phí tài nguyên quốc gia. Khoảng thập niên 1980, những phong trào Hồi giáo đang giành được lợi thế khắp khu vực, được khích lệ bởi Cuộc Cách mạng Hồi giáo của Iran và cuộc thánh chiến Hồi giáo chống lại sự chiếm đóng của Liên Xô tại Afghanistan. Các xã hội Ả Rập ngày càng trở nên bảo thủ, và các phong trào Hồi giáo bắt đầu thay thế các đảng liên-Ả Rập và các đảng thế tục, tạo ảnh hưởng đáng kể lên văn hóa và đời sống cá nhân. Trong một nỗ lực nhằm đàn áp bất cứ sự thách thức nào đối với quyền lãnh đạo của họ, các nhà độc tài trong khu vực đã xây dựng những guồng máy an ninh tinh vi nhắm vào các nhà lãnh đạo Hồi giáo và các đối thủ chính trị thế tục. Phong trào giải phóng Ả Rập sẽ đi đến kết thúc bằng bội phản, lưu đày, và chém giết.
Hiện nay, lần lượt theo nhau, các thủ lĩnh độc tài Ả Rập bắt đầu chao đảo và sụp đổ. Một thế hệ mới gồm các nhà cách mạng đã và đang nuôi dưỡng một ý thức vừa được hồi sinh về bản sắc liên-Ả Rập (a revitalized sense of pan-Arab indentity), đoàn kết chung quanh những đòi hỏi liên quan các quyền chính trị và xã hội rộng rãi. Khi các cuộc biểu tình vốn bắt đầu tại Tunisia lan dần sang Ai Cập, Libya, Yemen, Bahrain, và Syria, mỗi một cuộc nổi dậy như vậy lại được các cuộc nổi dậy khác kích động. Một đội ngũ tiên phong gồm các nhà lãnh đạo dân sự bắt đầu xuất hiện từ các cuộc nổi dậy này, và mặc dù họ còn dựa vào một số học thuyết dân tộc chủ nghĩa Ả Rập cũ, như sự tuyên truyền chống thực dân và cuộc kháng chiến chống Israel, nhưng họ đã ý thức rõ ràng về những thất bại của thế hệ Qaddafi.
Ở cao điểm của nhiệt tình dân tộc chủ nghĩa Ả Rập và liên-Ả Rập, những nhà lãnh đạo như Nasser đã tìm cách huy động hậu thuẫn chính trị xuyên biên giới – bằng cách vận dụng tư duy cho rằng nhân dân Ả Rập được gắn bó bằng một ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, và bản sắc chính trị chung. Những nhà cách mạng hiện nay cũng đang sử dụng cùng một luận điệu trong cuộc đấu tranh chống độc tài của họ. Chẳng phải tình cờ mà các đám đông biểu tình tại Tunisia, Ai Cập, Syria, Yemen, Bahrain, và các nơi khác phần lớn đã tỏ ra ôn hòa và lặp lại cùng một khẩu hiệu bằng tiếng Ả Rập: Al-shaab yurid isqat al-nizam (“Nhân dân muốn thấy sự sụp đổ của chế độ”). Người Ả Rập được khích lệ bằng các phương pháp đấu tranh và mục tiêu của nhau; họ không còn chấp nhận một khế ước xã hội (social contract) trong đó họ đã thực sự thỏa hiệp với sự đàn áp của Chính phủ, với các luật lệ độc đoán, với các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát, với chế độ kiểm duyệt, và với quyền cai trị độc đảng, để đổi lấy an ninh xã hội và ổn định chính trị. Thay vào đó, họ đòi hỏi công lý, tự do, và nhân phẩm. “Nhân dân không nên sợ Chính phủ. Chính phủ phải sợ nhân dân”, một biểu ngữ được nhiều người ưa thích đã viết như vậy tại Quảng trường Tahir [Giải phóng] của thủ đô Cairo vào đầu năm nay.
Những cuộc cách mạng Ả Rập hiện nay khác với những cuộc cách mạng của khu vực này vào giữa thế kỷ XX trong một cách thế rất quan trọng: Chúng không phải là những phong trào được điều khiển từ trên xuống dưới (top-down movements) như những phong trào đã đưa những thủ lĩnh độc tài lên cầm quyền trước đây. Những phong trào hiện nay không được lãnh đạo bởi các quân nhân hay những nhân vật có sức thu hút quần chúng. Thời đại của các thủ lĩnh độc tài Ả Rập đã qua rồi, và mặc dù vẫn chưa rõ ràng ai hoặc thế lực nào cuối cùng sẽ thay thế họ, các nhà cách mạng hôm nay đang định nghĩa lại chủ nghĩa dân tộc Ả Rập bằng cách làm cho chủ nghĩa này hợp với người dân bình thường hơn (more populist and grassroots).
Những người nổi dậy Ả Rập ngày nay phải duyệt xét lại di sản của Qaddafi và tránh những cạm bẫy của những phong trào dân tộc chủ nghĩa trước đây. Khi Qaddafi lên cầm quyền, ông tiêu biểu cho một sự dứt khoát của nhân dân Ả Rập đối với tàn tích của chế độ thực dân. Là con của một cặp vợ chồng trẻ thuộc bộ tộc Bedouin, ông lớn lên ở một nơi gần khu định cư Sirte nằm trong sa mạc. Trong tuổi thiếu thời, ngay cả trước khi đăng ký vào học Trường võ bị Libya năm ông 19 tuổi, ông thường nghe chương trình “Tiếng nói của người Ả Rập” và học thuộc các bài diễn văn của Nasser. Năm 1969, luận điệu tuyên truyền chống đế quốc của nhà lãnh đạo Ai Cập đã thôi thúc Qaddafi, lúc bấy giờ là một đại úy 27 tuổi, lãnh đạo cuộc đảo chính lật đổ Vua Idris, một người đã giao tài nguyên dầu lửa mới được khám phá của Libya cho các công ty phương Tây, nhưng những công ty này đã chia lại phần lời ít ỏi cho Libya.
Thoạt đầu, cuộc đảo chính đã mang lại thịnh vượng cho người dân Libya bình thường. Chế độ Qaddafi buộc các công ty dầu lửa nước ngoài phải từ bỏ các cổ phần chính trong các vùng dầu lửa của Libya và giao cho Libya những phần lợi nhuận nhiều hơn. Các nhà lãnh đạo khác trong khu vực noi gương Qaddafi và nhân danh chủ nghĩa dân tộc Ả Rập để đòi các nhượng bộ từ các đại công ty dầu lửa. Một trong những nhà lãnh đạo này là Saddam Hussein: Vào đầu thập niên 1970, Saddam trông coi việc chiếm hữu các tài sản dầu lửa từ các công ty nước ngoài đúng vào lúc giá dầu đang bắt đầu tăng vọt. Nguồn lợi bất ngờ này đã giúp ông hiện đại hóa vùng nông thôn Iraq, phân phối đất cho nông dân và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Iraq sẽ trở thành một trong những nước giàu nhất thế giới Ả Rập – và một trong những chế độ đàn áp nhất.
Trong cùng một cách thế, Qaddafi đã xây trường học, nhà ở cho dân nghèo, bệnh viện, đường sá, và các xa lộ chính. Ông lãnh đạo một chiến dịch mở rộng giáo dục và y tế miễn phí và cố gắng tạo ra các công nghiệp mới. Năm 1969, tuổi thọ trung bình tại Libya là 51; ngày nay, là 77. Và mặc dù mức thu nhập đầu người hàng năm – khoảng 14.000 Mỹ kim năm 2010 – còn thấp hơn tại các quốc gia [Trung Đông] sản xuất dầu lửa khác, nhưng nó vẫn cao hơn các nước láng giềng Algeria, Ai Cập, và Tunisia một cách đáng kể.
Mặc dù có sự phồn thịnh bộc phát buổi đầu, phần lớn tiền dầu lửa của Libya, cũng như của Iraq, bị phung phí và biển thủ bởi nhà độc tài và giới thân cận ông ta. Cũng như các lãnh đạo Ả Rập khác cùng thế hệ với ông, Qaddafi nhanh chóng trở thành một thủ lĩnh độc tài. Ông đàn áp mọi hình thức đối lập bằng thanh trừng, xử án công khai, tra tấn, và hành quyết. Bọn gián điệp của ông đã ám sát các nhà bất đồng chính kiến tại các thủ đô châu Âu, và ông đã lôi kéo Libya vào một cuộc xung đột tàn khốc với Chad, một nước láng giềng ở phía Nam. Qaddafi cũng tạo ra nhiều kẻ thù nghiêm trọng ở phương Tây trong thập niên 1970 và thập niên 1980 bằng hành động hậu thuẫn các nhóm và các tay khủng bố như Quân Cộng hòa Ái Nhĩ Lan, Phái Hồng quân của Đức (Germany’s Red Army Faction), Abu Nidal [người sáng lập nhóm Fatah], và Carlos the Jackal [tên khủng bố từ Venezuela]. Sau khi các gián điệp của Libya liên can vào vụ làm nổ chuyến bay 103 của Hãng Pan Am vào năm 1983 trên vùng trời Lockerbie, Scotland, Liên Hiệp Quốc đã áp dụng biện pháp trừng phạt đối với Libya, và Qaddafi trở thành một kẻ bị quốc tế cô lập (an international pariah).
Nhưng trong suốt thời gian này, Qaddafi lại mang cái hoang tưởng rằng chính mình là chiến sĩ của nhân dân và cũng là một chính khách kiêm nhà minh triết (statesman-philosopher). Ông đúc kết đan xen nhau những tư tưởng kỳ quặc và những ý nghĩ tầm thường đến kinh ngạc của ông vào trong cuốn Sách Xanh, gồm ba bộ chứa đựng những suy niệm của ông về chính trị, kinh tế, tổ chức xã hội, và nhiều đề tài khác. Năm 1975, Qaddafi cho xuất bản bộ đầu tiên (huênh hoang với nhan đề Giải pháp cho Vấn đề dân chủ) và chủ quan cho rằng cuốn sách này sẽ có chức năng của một bản thiết kế (blueprint) nhằm cứu vãn cả hệ thống tư bản lẫn hệ thống cộng sản của thế giới khỏi thất bại. Với cuốn Sách Xanh trong tay, Qaddafi hứa hẹn chỉ cho thế giới thấy một con đường khác: “Lý thuyết phổ quát thứ ba” của ông sẽ mang lại một kỷ nguyên dân chủ đại chúng trong đó người dân sẽ trực tiếp cai trị chính mình.
Như thể để chứng minh những lý thuyết của mình là đúng, Qaddafi đã rời khỏi các chức vụ chính thức năm 1977 và tự tuyên bố mình là “người dẫn đường đến kỷ nguyên đại chúng”. Ông rêu rao, từ đấy người Libya sẽ tự cai trị lấy mình, thay thế chính phủ trung ương bằng các “ủy ban nhân dân” và “đại hội nhân dân” trong một thế giới không tưởng (utopia) mà ông gọi là Nước Cộng hòa Ả Rập nhân dân xã hội chủ nghĩa Libya vĩ đại (the Great Socialist People’s Libyan Arab Jamahiriya). (Từ “Jamahiriya” là một trong những từ mới nổi tiếng của Qaddafi, một lối chơi chữ dựa vào một từ Ả Rập có nghĩa “cộng hòa” để mang ý nghĩa đại khái là “nước cộng hòa đại chúng”). Tất nhiên, Qaddafi và đám thuộc hạ của ông vẫn duy trì một bàn tay sắt kiểm soát hết mọi sinh hoạt người dân; bất cứ khi nào các đại hội nhân dân được triệu tập, chúng cũng chỉ tái khẳng định các ý muốn của vị lãnh tụ mà thôi.
Cho đến cuối cùng, Qaddafi vẫn duy trì cái vẻ như là, ông ta chỉ là một người hướng dẫn đất nước mà thôi. Trong một bài diễn văn được truyền hình vào cuối tháng Hai năm nay, ngay sau khi cuộc nổi dậy của người Libya bắt đầu, ông nói về ông ta trong ngôi thứ ba, cương quyết giữ vững lập trường của mình. “Muammar Qaddafi không có một địa vị chính thức để ông ta có thể từ nhiệm hay vất bỏ nó đi, như các vị Tổng thống các nước khác đã làm! Muammar Qaddafi không phải là một Tổng thống! Ông ta là nhà lãnh đạo của cuộc cách mạng này đến ngày tận thế!” ông rống lên, tay đấm bục. Rồi lại trở về ngôi thứ nhất: “Tôi còn vĩ đại hơn các địa vị được nắm giữ bởi những ông Tổng thống và những bậc trứ danh. Tôi là một chiến sĩ. Một người tham dự thánh chiến. Một tay cách mạng xuất thân từ chiếc lều”. Thật bất hạnh cho ông và cho cả Libya, ông đã phản bội cuộc cách mạng của chính mình, cũng như các thủ lĩnh độc tài khác thuộc thế hệ ông đã phản bội. Với cái chết của Qaddafi, những nhà cách mạng của thế hệ mới nhất phải nhận lãnh trách nhiệm làm tốt hơn để đảm bảo những nguyện vọng của người dân Ả Rập
MOHAMAD BAZZI là một Phó Hội viên thâm niên nghiên cứu tình hình Trung Đông tại Hội đồng về Quan hệ đối ngoại và là Phó giáo sư ngành Báo chí tại Đại học New York.
T.N.C. dịch từ http://www.foreignaffairs.com

0 comments:

Powered By Blogger