Wednesday, September 7, 2011

Việt Nam bị tố cáo tra tấn, cưỡng bức lao động trong các trại cai nghiện

Ban đêm, những người cai nghiện đều bị nhốt lại trong phòng ngủ có chấn song sắt kiên cố. © 2011 Private
Ban đêm, những người cai nghiện đều bị nhốt lại trong phòng ngủ có chấn song sắt kiên cố. © 2011 Private
Human Rights Watch

Trong báo cáo “Quần đảo cai nghiện : Cưỡng bức lao động và những lạm dụng khác trong các trung tâm cai nghiện ở miền Nam Việt Nam”, công bố hôm nay 07/09/2011, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch đã tố cáo tình trạng tra tấn và cưỡng bức lao động trong các trung tâm cai nghiện ở Việt Nam. Theo HRW, trên nguyên tắc, đây là những nơi có chức năng “ chữa trị “ và “cai nghiện” ma túy, nhưng trong thực tế, các trung tâm này chẳng khác gì trại lao động cưỡng bức.

Hôm nay, tổ chức bảo vệ nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch vừa công bố một báo cáo về việc các trung tâm cai nghiện ở Việt Nam tra tấn và cưỡng bức lao động các trại viên. Theo Human Rights Watch, những trung tâm do chính quyền quản lý có chức năng “ chữa trị “ và “cai nghiện” ma túy, nhưng thật ra chẳng hơn gì các trại lao động cưỡng bức, nơi mà các trại viên phải làm việc 6 ngày trên 7, với các công việc như: chế biến hạt điều, sản xuất hàng may mặc hay các hàng hóa khác.

Báo cáo có tựa đề “Quần đảo cai nghiện: Cưỡng bức lao động và những lạm dụng khác trong các trung tâm cai nghiện ở miền Nam Việt Nam”, ghi lại trải nghiệm của những người từng bị quản chế trong 14 trung tâm cai nghiện thuộc quyền quản lý của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh. Những người nào từ chối lao động hoặc không tuân thủ nội quy trại đều bị kỷ luật và trong một số trường hợp, bị tra tấn.

Giám đốc đặc trách Y tế và Nhân quyền của Human Rights Watch Joe Amon tuyên bố : “Hàng chục ngàn người, nam, nữ và trẻ em bị giam giữ trái với ý muốn của họ trong các trung tâm cưỡng bức lao động. Đó không phải là điều trị cai nghiện, cần đóng cửa những trung tâm này và trả tự do cho những người đó”.

Theo bản báo cáo, các cựu trại viên cho biết họ bị đưa vào trung tâm mà không qua một quy trình tư pháp nào và cũng không được tiếp xúc với luật sư hoặc thẩm phán. Nhiều trại viên làm việc không công suốt nhiều năm Những người khác thì được trả lương thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu theo luật định ở Việt Nam.

Theo Human Rights Watch, sự hỗ trợ của các nhà tài trợ cho những trung tâm cai nghiện và cho Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội Việt Nam, cơ quan chủ quản các trung tâm này, có thể có tác động ngược lại, vì tạo điều kiện cho chính phủ tiếp tục giam giữ những người nghiện bị nhiễm HIV. Theo luật pháp Việt Nam, những người bị quản chế nhiễm HIV phải được phóng thích nếu trung tâm cai nghiện không có đủ điều kiện chữa trị, chăm sóc cho họ.

Các cơ quan Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam hôm qua cũng đã vừa yêu cầu Việt Nam khẩn cấp sửa đổi các nguyên tắc về việc giam giữ bắt buộc gái mại dâm và người nghiện ma túy, đồng thời kêu gọi Hà Nội phải tôn trọng quyền của những người mà cho tới nay vẫn bị xếp là “tệ nạn xã hội”.

Theo các số liệu chính thức, ở Việt Nam hiện có khoảng 150.000 người nghiện ma túy và 30.000 gái mãi dâm. Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh rằng, tỷ lệ tái phạm rất cao nơi những người hành nghề mãi dâm bị giam, rồi được thả ra.

Theo Liên Hiệp Quốc, “những trung tâm giam giữ gái mãi dâm và người nghiện ma tuý không chữa trị được gì và không cai nghiện được ai, cho nên Liên Hiệp Quốc không ủng hộ những trung tâm đó”.

0 comments:

Powered By Blogger