Chế độ của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã đe dọa cắt đứt hoàn toàn Iran khỏi Internet. Nhưng các nhà hoạt động của nước này có nhiều kinh nghiệm để phá vỡ kiểm duyệt chính thức. Trong một cuộc nói chuyện với SPIEGEL, chuyên gia Internet Philup Howard giải thích họ làm như thế nào và nói rằng cách ly hoàn toàn công nghệ số là điều hầu như không thể.
SPIEGEL: Iran đã loan báo ý định của nó cắt đứt hoàn toàn Internet. Một sự việc như thế có hiện thực không?
Howard: Chính phủ ở Tehran đã chứng tỏ nó có thể làm những việc như thế. Tiếp theo sau cuộc bầu cử lại gây tranh cãi của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad hồi tháng Sáu 2009, đất nước này đã cắt đứt Internet trong khoảng 24 giờ. Nhưng khi một chế độ đóng Internet, thì đó cũng thường là biện pháp tuyệt vọng, cuối cùng.
SPIEGEL: Ngay cả năm 2009, đất nước này cũng không bị đứt mạng hoàn toàn.
Howard: Chính phủ Iran yêu cầu ba nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất đóng lại, nhưng họ không thèm tính đến những nhà cung cấp nhỏ hơn. Điều mà nhiều nhà nước không biết là các mạng lưới số hóa về thực chất là các mạng lưới. Khi họ cắt bỏ hai hay ba nút, các nút khác phục hồi ngay lại lưu thông. Và luôn luôn có một vài nhà hoạt động được chuẩn bị sẵn sàng và họ có điện thoại vệ tinh. Họ lập các kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ Internet ở châu Âu và họ soạn ra các phương pháp khác để cho thoát ra một ít thông tin.
SPIEGEL: Thay vì dùng các đường dây mặt đất, một số bolgger Iran đã quyết định sử dụng các chảo vệ tinh để truy cập Internet.
Howard: Tuy nhiên điều đó tương đối khó khăn về phương diện kỹ thuật. Không dễ dàng lắp những anten chảo vệ tinh …
SPIEGEL: …vốn bị các đơn vị cảnh sát phá hỏng ngày càng nhiều…
Howard:.. và truy cập mạng thông qua các nhà cung cấp ở Dubai hay Cyprus. Khó mà nói rằng đường truyền này còn giữ mở được không khi chế độ áp đặt sự tẩy chay hoàn toàn của nó.
SPIEGEL: Một cuộc tẩy chay hoàn toàn có thể bị đánh lạc hướng bằng cách nào khác không?
Howard: Các trường đại học thường có những mối liên kết riêng với nhau. Các nhà buôn lớn hay các trung tâm tài chính chủ yếu cũng có những mối liên kết dự phòng. Đó là các mạng điện tử có thể khác với các mạng bị chế độ cắt.
SPIEGEL: Vậ không có cách nào để Tehran quay trở lại thời kỳ trước khi có WWW (mạng toàn cầu)?
Howard: Một sự ngăn chặn hoàn toàn là không thể. Chừng nào còn một vài đường truyền để mở, các nhà hoạt động sẽ tìm cách sử dụng chúng. Hoa Kỳ đang tiến hành phát triển khả năng gửi các gói thông tin số hóa vô hình và chỉ những máy móc khác mà bạn đặt trên mạng đó mới đọc được, và chúng biết cần phải tìm gì. Nó có tên là cơ sở Mạng tối và bạn có thể dùng nó để tận dụng các mạng lưới thuộc các trường đại học hay các công ty mà bình thường chúng ta không nghĩ là một phần của Internet.
SPIEGEL: Từ một điểm nhìn kỹ thuật, một âm mưu cắt đứt đất nước khỏi Internet thì trông nó như thế nào?
Howard: Người ta phải cố gắng định dạng lại mọi vật sao cho tất cả các nhà cung cấp dịch vụ Internet đi qua một “điểm trao đổi Internet.” Vào thời điểm có bất ổn ở Iran, có một it điểm trao đổi Internet. Bây giờ có vẻ như chế độ đã tìm ra những điềm nhỏ hơn và đóng chúng lại và đưa tất cả lưu thông vào một mối. Sau đó nó có thể đóng cái điểm trao đổi Internet đó lại.
SPIEGEL: Nếu Tehran đi một bước như vậy, nó phải trả giá đắt. Đất nước sẽ trở nên cô lập hơn.
Howard: Và cái giá không chỉ ở chính trị. Nếu Iran cắt đứt các ngành dầu mỏ của nó khỏi những luồng thông tin toàn cầu, thì tác động lên khả năng bán ra của ngành công nghiệp này sẽ là khổng lồ. Khi Hosni Mubarack cắt đứt Internet ở Ai Cập trong thời gian có những cuộc biểu tình chống đối ở đó, tác động là thảm họa. Năm ngày không nối mạng khiến nền kinh tế Ai Cập mất khoảng 250 triệu €.
SPIEGEL: Tổng thống Ahmadinejad đã cho biết ông muốn cung cấp một hệ thống thay thế, cái gọi là intranet cho phép người Iran liên lạc nội bộ với nhau.
Howard: Điều này thì chắn chắn là có thể. Trung Hoa là một thí dụ rõ nhất về một mạng lưới quốc gia đã cắt đứt tương đối khỏi phần còn lại của mạng thông tin toàn cầu. Người Trung Hoa đã chế tạo những phần mềm về cơ bản bắt chước tất cả những gì chúng ta làm ra ở phương Tây và gắn những thuật toán theo dõi giám sát vào sâu trong chúng. Nhưng tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu người Iran có khả năng làm tất cả chuyện này.
SPIEGEL: Như vậy tất cả câu chuyện về một mạng intranet khổng lồ chỉ là tuyên truyền?
Howard: Nó gần như là một mối đe dọa chính trị. Mục đích của nó có lẽ không phải là cắt đứt hoàn toàn. Cái ý tưởng về khả năng làm chậm lại lưu thông Internet đến mức người ta có thể dùng một chương trình để kiểm soát từng mẩu thông tin đã đến rồi đi. Đó là cách hết sức vô hiệu để thực hiện kiểm duyệt, nhưng nó là cái phù hợp nhất.
SPIEGEL: Blogger Iran được coi là những người đặc biệt giỏi trong việc né kiểm duyệt
Howard: Không có nhiều nước Hồi giáo mà dân cư có nhiều người nối mạng như ở Iran. Mười triệu người Iran thương xuyên sử dụng Internet. Đặc biệt là giới trẻ dấn thân chính trị biết lướt web và biết những bí quyết.
SPIEGEL: Những bí quyết để tránh dùng những máy chủ bị nhà nước kiểm soát, ý ông muốn nói?
Howard: Proxy là một trong những thứ mà các nhà hoạt động đưa vào phục vụ cho họ. Bởi vậy khi nhà nước cố gắng cắt đứt Internet hoặc khi bạn biết rằng một chế độ chuyên quyền đang theo dõi những site đặc biệt hay cố gắng làm tê liệt YouTube hay Twitter, các máy chủ proxy rất hữu ích để tránh những sự theo dõi ấy. Họ mở những cánh cửa khi mà các cánh cửa khác đóng lại. Chúng tôi cũng nghe nói những máy trò chơi như PlayStation hay Xboxes có thể được biến thành những công cụ để gửi thông tin mà không phải đi qua các điểm trao đổi Internet.
SPIEGEL: Nhưng chế độ cũng có khá nhiều bí quyết
Howard: Chúng ta biết rằng người Iran có những chương trình kiểm duyệt cao cấp. Một số hệ thống đến từ những công ty như Nokia – Siemens. Và phần mềm kiểm duyệt hạng thương mại là từ Thung lũng Silicon mà ra. Chính cái phần mềm mà chúng ta dùng để đề phòng con cái chúng ta xem phim sex trên Internet cũng là phần mềm được bán cho các chế độ, nhưng thay vì đưa vào các thuật ngữ liên quan đến sex người ta đặt những thuật ngữ như liên đoàn sinh viên, phản đối, hay dân chủ hóa.
SPIEGEL: Chính phủ Hoa Kỳ đã thông qua khoảng 70 triệu $ để lập nên cái gọi là các mạng bóng tối để giúp những người bất đồng chính kiến liên lạc độc lập với Internet.
Howard: Bạn đừng nghĩ bạn có thể đọc điều đó để nói rằng Hoa Kỳ quan tâm đến việc giúp đỡ những người bất đồng chính kiến trên khắp thế giới. Tôi nghĩ bạn có thể đọc nó để thấy rằng Hoa Kỳ thích có khả năng kiểm soát cái phần mềm ấy và có thể tắt nó đi khi cần thiết.
SPIEGEL: Hơn nữa, thậm chí nếu người Iran có giỏi Internet, thì nó cũng không giúp họ được nhiều. Cuộc cách mạng Xanh đã bị dập tắt một cách dã man.
Howard: Nhưng các giáo sĩ Hồi giáo chưa bao chia rẽ như bây giờ. Và thế giới thấy những người Persia chiếm các đường phố và sẵn sàng đối đầu với hơi cay và đạn cao su, đúng như ở Ai Cập và Tunisia. Internet có ích ở chỗ nó khiến các nhà báo có thể đăng ở hải ngoại những câu chuyện mà họ không thể đăng trong nước. Chúng ta đang thấy một tình hình tương tự ở Libya, Syria và Yemen, mặc dầu tôi không nghĩ Internet có cùng chức năng hậu thuẫn trong các nước này như nó từng có ở Tunisia và Ai Cập.
SPIEGEL: Và Iran, dường như đã có cơ hội nhưng không hoàn toàn có khả năng thắng cuộc
Howard: Tôi không nghĩ nó là một cuộc cách mạng thất bại. Tôi nghĩ nó như một cuộc cách mạng đã xảy ra. Những cố gắng dân chủ hóa chưa thắng thế, nhưng hệ thống truyền thông chính trị trong nước này đã thay đổi cơ bản đến mức nếu lần sau họ làm một cuộc bầu cử gian lận nữa, sẽ rất khó giành thắng lợi một cách hòa bình.
Philip Howard, 40 tuổi, là một giáo sư về truyền thông tại Đại học Washington ở Seatle. Ông là tác giả cuốn sách “Các nguồn gốc kỹ thuật số của Độc tài và Dân chủ” xuất bản năm 2010, trong đó ông tiên đoán đúng về cơ bản tầm quan trọng của Internet trong những cuộc nổi dậy của thế giới A Rập trong năm nay.
Dieter Bednarz và Hilmar Schmundt thực hiện cuộc phỏng vấn này
Nguồn: http://www.spiegel.de
© Hiếu Tân (Bản tiếng Việt)
0 comments:
Post a Comment