Saturday, September 3, 2011

Thái độ quyết đoán trên biển của Bắc Kinh thúc đẩy hợp tác tay ba Mỹ – Ấn – Nhật

Các viên chức hải quân Mỹ, Nhật và Ấn gặp nhau để trao đổi về hợp tác hồi cuối năm 2010 (AFP)
Các viên chức hải quân Mỹ, Nhật và Ấn gặp nhau để trao đổi về hợp tác hồi cuối năm 2010 (AFP)

Vào lúc Bắc Kinh liên tiếp có những hành động hù dọa các láng giềng của mình, từ Việt Nam, Philippines, cho đến Nhật Bản và mới đây là Ấn Độ, ba cường quốc khu vực là Ấn, Mỹ và Nhật đã quyết định hình thành một cơ chế đối thoại an ninh tay ba. Nguồn tin này vừa được một tờ báo Ấn Độ tiết lộ ngày 1/9/2011.

Theo nguồn tin đăng trên trang web của báo Hindustan Times, cuộc họp đầu tiên của cơ chế tay ba này sẽ mở ra vào khoảng ngày mồng 7 tháng 10 tới đây tại Tokyo, ở cấp quan chức cao cấp. Đại diện Mỹ sẽ là ông Kurt Campbell, trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương.

Đây là lần đầu tiên mà Ấn Độ, Hoa Kỳ và Nhật Bản có một cuộc đối thoại chính thức như vậy về « các vấn đề khu vực và toàn cầu mà các bên cùng quan tâm ». Trong số các mối quan ngại, có thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông nói riêng và trên toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung.

Một số nguồn tin chính phủ New Delhi xác định là sáng kiến đối thoại tay ba được ngoại trưởng Nirupama Rao loan báo trong chuyến thăm Nhật Bản vào ngày 07/04 vừa qua. Nội dung các vấn đề sẽ bàn bạc bao hàm việc thẳng thắn trao đổi quan điểm giữa các tác nhân quan trọng trong vùng Ấn Độ Dương và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như cách thức tăng cường hợp tác an ninh hàng hải.

Trên danh nghĩa, cơ chế đối thoại an ninh tay ba này hoàn toàn không nhằm mục tiêu chống lại Trung Quốc. Sáng kiến được đưa ra để các nước có dịp thảo luận về các vấn đề chung, từ việc bảo đảm an toàn cho các tuyến đường biển chống lại các mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống như cướp biển ở Ấn Độ Dương và Biển Đông, đặc biệt tại vùng eo biển Malacca, cho tới việc phối hợp hỗ trợ nhân đạo trong trường hợp thiên tai.

Thế nhưng, sáng kiến này lại được thúc đẩy vào lúc Trung Quốc càng lúc càng biểu lộ tham vọng kiểm soát Ấn Độ Dương, tranh giành chủ quyền với Nhật Bản tại biển Hoa Đông và biến Biển Đông thành một vùng nội thủy của họ. Các hành động quyết đoán của Bắc Kinh đối với các nước đang tranh chấp với Trung Quốc càng lúc càng nhiều.

Danh mục các hành động buộc các nước khác phải tuân thủ luật lệ của Trung Quốc càng ngày càng dài. Gần đây nhất là vụ Bắc Kinh điều một chiếc tàu ngư chính cỡ lớn xuống tuần tra tại vùng Hoàng Sa, trực tiếp đe dọa các ngư dân Việt Nam quen đánh bắt tại vùng ngư trường truyền thống của mình. Đó là chưa kể đến một loạt hành động hung hăng nhắm vào tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam và Philippines sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của hai nước này, nhưng bị Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền lịch sử của họ.

Riêng đối với ba nước tham gia cơ chế đối thoại an ninh đang trên đường hình thành, đều được xem là cường quốc, Bắc Kinh cũng không ngần ngại có thái độ khiêu khích. Vụ tàu đánh cá Trung Quốc cản đường quân hạm Mỹ Impeccable vào năm 2009 ở Biển Đông, vẫn còn nằm trong ký ức của mọi người, tiếp theo đó là vụ cũng tàu đánh cá của Trung Quốc đâm vào tàu tuần duyên Nhật Bản tại vùng Senkaku/Điếu Ngư vào năm ngoái, làm cho quan hệ Bắc Kinh Tokyo căng thẳng rõ rệt.

Ấn Độ là nước không có bờ biển chung với Trung Quốc nhưng cũng bị Trung Quốc lôi kéo vào cuộc, do những quan hệ được tăng cường giữa New Delhi với các quốc gia Đông Nam Á. Hành động phát tín hiệu cảnh cáo tàu đổ bộ INS Airavat của Ấn Độ, nhân dịp chiến hạm này ghé cảng Việt Nam hạ tuần tháng Bẩy vừa qua, đã được giới phân tích cho là nhằm lưu ý New Delhi là không nên can thiệp vào hồ sơ Biển Đông.

Tuy nhiên, các động thái nói trên của Trung Quốc đã tạo cớ cho các nước như Nhật Bản, Hoa Kỳ hay Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác với nhau nhân danh việc bảo vệ quyền tự do hàng hải, đặc biệt là trong vùng Biển Đông mà Trung Quốc đòi chủ quyền trên hơn 80% diện tích.

Trong thời gian qua, giới quan sát đã gợi lên một chiến lược của Hoa Kỳ, hình thành một vòng cung dân chủ để cân bằng thế lực đang lên của Bắc Kinh. Vòng cung này bao gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, và Úc. Nếu cơ chế đối thoại tay ba Mỹ-Ấn-Nhật vận hành tốt, thì khả năng Úc tham gia thêm là điều hoàn toàn có thể xẩy ra.

Nguyên nhân cũng là tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Tháng Sáu vừa qua, Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Lowy của Úc đã cảnh báo về nguy cơ chiến tranh gia tăng do các hành động quyết đoán ngày càng nhiều của Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp.

0 comments:

Powered By Blogger