Thursday, September 15, 2011

Quyền và bổn phận

Nguyễn Hưng Quốc

Xã hội nào cũng được xây dựng trên hai trụ cột chính: quyền và bổn phận. Tuy nhiên, sự phân phối giữa hai yếu tố này hầu như chưa bao giờ thực sự quân bình và hợp lý. Lúc nào chúng cũng ở trạng thái tranh chấp. Chính những sự tranh chấp ấy đã vẽ nên tấm bản đồ và cũng là lịch sử của các nền chính trị trên thế giới.
world's map

Nói một cách tóm tắt, đặc điểm nổi bật nhất của các chế độ chuyên chế là giành phần quyền về phía giới thống trị và đổ hết phần bổn phận xuống cho những người bị trị. Ví dụ, ngày xưa, vua chúa, nhất là vua, hầu như nắm trong tay mọi thứ quyền. Quyền được coi tài sản của cả nước là tài sản của mình.
Quyền được hưởng thụ, kể cả hưởng thụ một cách trụy lạc, bất chấp mọi nguyên tắc luân lý được chính họ truyền dạy. Quyền được ra lệnh, dù là những mệnh lệnh cực kỳ ngu dốt. Quyền sinh sát đối với mọi người. Không ai dám đòi hỏi bổn phận gì từ vua cả. Bổn phận được xem là chuyện của dân chúng. Bổn phận phải đóng thuế, phải phục dịch và phải vâng lời. Vâng lời trong mọi trường hợp, kể cả lúc nhà vua, trong một cơn say rượu nào đó, ra lệnh mình…tự thắt cổ chết: “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung”.

Chế độ dân chủ, ngược lại, nhấn mạnh vào quyền. Không phải quyền của những người cai trị mà là của những người bị trị. Không phải ngẫu nhiên mà các chế độ dân chủ đầu tiên trên thế giới hầu như ra đời cùng lúc với các bản tuyên ngôn về nhân quyền, trong đó, những quyền được xem là căn bản nhất là: quyền sống một cách tự do và bình đẳng. Những quyền căn bản này cũng là những quyền tối thượng: chúng thuộc về con người trước khi là công dân, do đó, chúng có tính chất phổ quát và bất khả xâm phạm. Chúng được áp dụng cho mọi người bất kể màu da, tôn giáo, đẳng cấp và phái tính. Chúng trở thành nền tảng của mọi thứ quyền khác và cũng là nền tảng để xây dựng một chế độ thực sự dân chủ. Càng ngày các thứ quyền ấy càng được cụ thể hóa và thiết chế hóa, bao gồm nhiều lãnh vực khác nhau, từ chính trị đến kinh tế, văn hóa và xã hội. Nhìn vào các thứ quyền ấy, điều nổi bật và dễ thấy nhất là phần lớn chúng đều gắn liền với ý niệm tự do: tự do phát biểu, tự do tụ tập, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do ứng cử, tự do làm ăn buôn bán, v.v…

Dĩ nhiên, quyền đi liền với bổn phận. Các bổn phận thường được nhắc nhở nhất là bổn phận đối với đất nước, với xã hội, với gia đình, bao gồm cả bổn phận nuôi dạy con cái ở tuổi vị thành niên (độ tuổi thay đổi theo từng nước). Bao trùm lên tất cả là bổn phận tuân thủ luật pháp: Có thu nhập thì phải đóng thuế; đi ra đường (kể cả đi bộ!) thì phải giữ đúng luật đi đường; đến ngã tư, thấy đèn đỏ thì phải dừng xe lại cho dù có cảnh sát hay không, v.v…

Điều cần chú ý là, ở Tây phương, hai khái niệm quyền và bổn phận thường có quan hệ mật thiết với nhau. Không có quyền nào lại không gắn liền với một bổn phận nhất định. Ví dụ: quyền tự do tụ tập. Ở Tây phương, ai cũng có thể rủ bà con, anh em, bạn bè về nhà mình ăn nhậu, hát hò thoải mái thâu đêm suốt sáng. Chẳng cần phải xin phép công an khu vực như ở Việt Nam ngày trước. Tuy nhiên, ở đây, người ta phải có bổn phận với người khác: sau 10 giờ tối thì mọi âm thanh đều phải điều chỉnh lại cho… vừa đủ nghe để không làm phiền đến giấc ngủ của hàng xóm. Ồn quá, người ta có thể gọi cảnh sát. Ngay cả việc biểu tình cũng vậy. Muốn chống ai thì cứ việc xuống đường biểu tình. Tự do. Nhưng mọi người lại có bổn phận không gây trở ngại cho việc giao thông của người khác. Để hòa giải giữa hai thứ quyền này (quyền biểu tình và quyền giao thông), cảnh sát thường đòi hỏi những người tổ chức biểu tình phải đăng ký trước là vì thế. Để họ có thể tái phối trí các hướng giao thông hầu bảo đảm trật tự và an ninh cho mọi người. Vậy thôi.

Nói đến bổn phận mà không nói đến quyền là độc tài. Nói đến quyền mà không nói đến bổn phận là ích kỷ về phương diện đạo đức, vô chính phủ về phương diện chính trị, và thật ra, vô nghĩa cả về phương diện luận lý lẫn phương diện thực tiễn.

Một xã hội lành mạnh là xã hội kết hợp cả quyền lẫn bổn phận. Giữa xã hội này và xã hội khác chỉ khác nhau ở sự cân đối. Có một số xã hội nhấn mạnh vào khía cạnh bổn phận (duty-centred society) và có một số xã hội nhấn mạnh vào quyền (right-centred society). Phần lớn các quốc gia phát triển nhất ở Tây phương hiện nay, đứng đầu là Mỹ, đều là những xã hội nhấn mạnh vào quyền. Không phải ai cũng hài lòng về điều đó. Người ta nhận thấy việc quá nhấn mạnh vào quyền cũng gây khá nhiều vấn đề: ở đâu cũng có kiện cáo và ý thức trách nhiện với cộng đồng bị sút giảm nghiêm trọng.

Đó là những chuyện trên lý thuyết và đặc biệt ở Tây phương. Còn ở Việt Nam thì sao?

Thì quyền vẫn là chuyện của giới lãnh đạo.

Và bổn phận vẫn là chuyện của quần chúng.

So với thời vua chúa ngày xưa, trên rất nhiều phương diện, quan hệ giữa quyền và bổn phận cũng chẳng có thay đổi bao nhiêu. Trừ trên giấy tờ.

0 comments:

Powered By Blogger