Thursday, September 1, 2011

Nhóm hỗ trợ Libya họp tại Paris

Nhóm hỗ trợ Libya họp tại Paris

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và các giới chức của khoảng 50 quốc gia khác họp tại Paris trong ngày hôm nay để thảo luận về thời kỳ chuyển tiếp của Libya qua chế độ dân chủ hậu-Gadhafi. Người đứng đầu Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya, ông Mustafa Abdel Jalil, dự trù sẽ phác thảo các nhu cầu cấp thiết của NTC.


Phần trình bày của người đứng đầu Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya sẽ là phần chủ chốt của hội nghị.


.Pháp triệu tập cuộc họp cách đây một tuần vào lúc các lực lượng NTC tiến vào Tripoli. Nay, trong tình hình chế độ Moammar Gadhafi đến hồi cáo chung, hội nghị sẽ tập trung vào việc làm thế nào để giúp Libya thiết lập một chính quyền dân chủ ổn định.

Danh sách các nước tham dự hội nghị “Bạn bè của Libya” đã gia tăng đáng kể trong mấy ngày vừa qua và bao gồm các nước chính như Nga và Trung Quốc, là những nước chưa thừa nhận NTC là chính quyền mới của Libya.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Clinton, người đã tạm ngưng kỳ nghỉ hè để đi phó hội, nói rằng những tuần lễ sắp tới sẽ “rất quan trọng” đối với Libya và rằng cộng đồng quốc tế cần phải hành động “quyết liệt” để giúp NTC. Nhưng bà nói công cuộc chuyển tiếp phải do Libya đứng đầu.

Nữ phát phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland nói phần trình bầy của người đứng đầu NTC Jalil tại cuộc họp sẽ là chủ chốt.

Bà Nuland nói: “Một trong những điều chúng tôi trông đợi nghe được tại cuộc họp này là một báo cáo của Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia về cách nhìn của hội đồng về hướng đi tới, những gì mà hội đồng muốn cộng đồng quốc tế – kể cả việc họ mong muốn hợp tác ra sao với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về việc tháo gỡ đúng cách các nghị quyết 1970 và 1973 của Liên Hiệp Quốc .”

Các nghị quyết đó của Liên Hiệp Quốc áp đặt các biện pháp chế tài chống lại chính phủ của ông Moammar Gadhafi và cho phép tiến hành chiến dịch không kích do NATO lãnh đạo đã góp phần lật đổ nhà độc tài cai trị đã lâu năm này.

Hoa Kỳ và các nước khác đã bắt đầu tiến trình giải tỏa các tài sản bị phong tỏa của Libya thông qua Ủy ban Chế tài của Liên Hiệp Quốc.

Nhưng một số thành viên hàng đầu trong Quốc Hội Hoa Kỳ muốn Ngoại trưởng Clinton giữ lại khoản tiền này trừ phi NTC đồng ý giao nộp Abdel Baset al-Megrahi, người Libya bị cáo buộc trong vụ đánh bom một máy bay phản lực của hãng hàng không PAN AM của Hoa Kỳ trên không phận Scotland.

NTC đã nói với Hoa Kỳ rằng họ sẽ xét lại vụ án kiện Megrahi, đã được Scotland giao trả cho Libya vào năm 2009 vì lý do nhân đạo và nghe nói ở trong tình trạng nguy kịch ở Tripoli vì bệnh ung thư.

Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland nói NTC có những ưu tiên cấp thiết hơn là vụ Megrahi.

Bà Nuland nói tiếp: “Chúng ta cần dành cho NTC một cơ hội để làm công tác số 1, đó là kết thúc việc lật đổ Gadhafi và chế độ của ông ta, bắt đầu công xây dựng Libya trên một con đường dân chủ. Và chúng ta rất biết ơn sự kiện là họ đã khẳng định họ sẵn sàng cứu xét việc này.”

Một vấn đề chủ chốt tại Paris sẽ là vấn đề về một sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình ở Libya.

Ông Ian Martin, cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon về kế hoạch hậu xung đột, nói rằng sự quan tâm của Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia hướng vào cố vấn nước ngoài chứ không phải là binh sĩ nước ngoài.

Ông Martin cho biết trong các cuộc thảo luận với NTC, điều rất rõ ràng là phía Libya muốn tránh bất kỳ một sự bố trí quân sự nào của Liên Hiệp Quốc hay các nước khác. Họ rất quan tâm đến sự trợ giúp về cảnh sát để kiểm soát tình hình an ninh công cộng, và dần dà phát triển một lực lượng an ninh một cách dân chủ.

Các tổ chức nhân quyền cho rằng những nước dự hội nghị ở Paris phải hối thức NTC tránh những vụ trả thù nhắm vào các phần tử trung thành với ông Gadhafi, trong khi mưu tìm trách nhiệm về những vụ vi phâm nhân quyền nghiêm trọng dưới chế độ Gadhafi.

Bà Sarah Leah Whitson, Giám đốc Trung Đông và Bắc Phi của tổ chức Human Rights Watch, nói rằng các trách nhiệm chính đi kèm với việc NTC được thừa nhận về mặt chính trị.

Bà Whitson nói: “Đứng số 1 trong các trách nhiệm này sẽ là tránh việc trả thù và giết hại để trả thù nhắm vào lực lượng Gadhafi, hoặc nhắm vào những người bị cáo giác hoặc bị e là ủng hộ viên của Gadhafi. Bởi vì điều chắc chắn mà ta có thể tưởng tượng được là sẽ có rất nhiều sự phẫn nộ và tức giận dồn lại trong nhiều tháng vừa qua và trong 40 năm qua.”

Bà Whitson nói nhà cựu lãnh đạo Libya và các đồng minh chính của ông ta, đang bị truy tố về các tội ác chiến tranh quốc tế và vẫn còn tại đào, phải được đối xử theo đúng thủ tục và phù hợp với luật quốc tế. Bà nói những người này có thể bị đưa ra tòa ở Libya, nhưng chỉ với sự ưng thuận của Tòa án Tội phạm Quốc tế.

VOA

Các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận về vấn đề Libya hậu Gadhafi


Cuộc họp ở Paris qui tụ các giới chức của 60 quốc gia.


.Các nhà ngoại giao và lãnh tụ chính trị thế giới hôm nay có mặt ở Pháp để bàn về tương lai Libya hậu Gadhafi.

Các giới chức của 60 quốc gia đang dự hội nghị ở Paris. Trước khi cuộc họp khai mạc, Ngoại trưởng Anh William Hague cho báo chí biết rằng Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp của Libya, gọi tắt là NTC, đã bắt đầu tiến trình thành lập một quốc gia dân chủ và bao gồm nhiều thành phần.

Các giới chức dự kiến lãnh đạo NTC, ông Mustafa Abdel Jalil, sẽ trình bày lộ đồ 18 tháng để soạn hiến pháp mới và tổ chức bầu cử.

Trong khi đó, chính quyền lâm thời Libya dành thêm một tuần cho những người trung thành với ông Gadhafi ở thành phố quê nhà Sirte của ông ra đầu hàng. Thoạt đầu NTC đề ra thời hạn chót là thứ 7 và nói rằng họ sẽ có hành động quân sự nếu những người đó không đáp ứng thời hạn chót. Hôm nay các giới chức NTC nói rằng có tiến bộ trong cuộc điều đình với những người cố thủ ở Sirte.

Nga trở thành nước mới nhất thừa nhận NTC là thẩm quyền hợp pháp của Libya. Algeria cho biết họ sẽ thừa nhận thẩm quyền lâm thời này khi NTC thực hiện cam kết thành lập một chính phủ bao gồm nhiều thành phần.

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nằm trong số các nhân vật lãnh đạo tham dự hộï nghị nằm dưới sự chủ tọa của Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.

Trung Quốc và Nga đã phái đại biểu đến dự hội nghị, tuy cả hai từng chỉ trích những vụ không kích mà NATO thực hiện ở Libya trong vài tháng qua. Liên minh này nói rằng những vụ không kích là chính đáng vì dựa theo một nhiệm quyền của Liên Hiệp Quốc để bảo vệ thường dân trước sự đàn áp của chế độ cũ ở Tripoli của ông Gadhafi.

Pháp hôm nay cho biết họ được phép giải ngân hơn 2 tỉ đô la tài sản Libya bị phong tỏa sau khi xin phép ủy ban chế tài của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ủy ban này đã chấp thuận những yêu cầu tương tự của Anh và Hoa Kỳ nhằm giải tỏa hơn 3 tỉ đô la tài sản Libya để giải quyết các nhu cầu nhân đạo cấp bách.

Cũng trong ngày hôm nay Liên hiệp Âu châu loan báo dỡ bỏ các biện pháp chế tài đối với 28 thực thể Libya, trong đó có hải cảng, ngân hàng và các công ty năng lượng. Ủy viên chính sách đối ngoại Liên hiệp Âu châu, bà Catherine Ashton, nói rằng mục tiêu của việc giải tỏa những tài sản bị phong tỏa này là cung cấp các nguồn lực cho chính phủ lâm thời và nhân dân Libya.

VOA

Trung Quốc gửi đặc sứ tới dự cuộc họp của nhóm “Bạn bè Libya” tại Paris

Trung Quốc tham gia cuộc họp hôm nay tại Paris của nhóm “Bạn bè Libya”, mặc dù Bắc Kinh vẫn chưa thừa nhận Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia là chính phủ hợp pháp của nước này



Đặc sứ của Trung Quốc có thứ bậc thấp hơn về mặt ngoại giao so với các tham dự viên khác của cuộc họp, trong đó có Tổng thống Pháp và Thủ tướng Anh.



Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triêu Húc xác nhận rằng Bắc Kinh gửi một đặc sứ đến Paris dự cuộc họp thượng đỉnh 60 quốc gia để bàn về tương lai của Libya.

Ông Mã cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Zhai Jun sẽ đại diện chính phủ Trung Quốc tại cuộc họp, trong tư cách một quan sát viên.

Tại cuộc họp, Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia dự trù phác thảo một lộ đồ 18 tháng cho việc thiết lập một hiến pháp mới và tổ chức các cuộc bầu cử.

Đặc sứ của Trung Quốc có thứ bậc thấp hơn về mặt ngoại giao so với các tham dự viên khác của cuộc họp, trong đó có Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton.

Hôm nay, Nga thừa nhận Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia là “thẩm quyền cai trị” của Libya. Thông báo này khiến cho Trung Quốc là nước duy nhất trong số 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chưa chính thức thừa nhận NTC là các nhà lãnh đạo mới của Libya.

Khi được hỏi liệu Bắc Kinh có lo ngại rằng việc họ chưa thừa nhận NTC sẽ đề ra một vấn đề cho việc Trung Quốc tham gia các nỗ lực tái thiết trong tương lai hay không, ông Mã chỉ nói rằng chính phủ của ông coi NTC là đóng một vai trò “đáng kể” trong việc giải quyết vụ khủng hoảng ở Libya.

Ông Mã nói Trung Quốc vẫn duy trì liên lạc với NTC và sẽ tiếp tục liên lạc để các quan hệ song phương được xúc tiến một cách được ông mô tả là “lành mạnh.”

Khi được hỏi vì sao Trung Quốc chưa thừa nhận NTC, ông Mã không trả lời thẳng vào câu hỏi. Nhưng ông nhiều lần bầy tỏ sự tôn trọng đối với lựa chọn của nhân dân Libya, ngụ ý rằng Bắc Kinh coi sự chuyển tiếp chính trị của Libya còn đang diễn tiến.

Một bài xã luận đăng trên báo China Daily gọi Libya là “một gương xấu cho sự can thiệp của Tây phương vào các nước đang phát triển” và cáo buộc NATO cùng các nước tây phương ủng hộ NATO là đã kéo dài vụ xung đột một cách bất công và bất cẩn.

Một bài xã luận khác đăng trên một nhật báo hàng đầu khác là tờ People’s Daily, hối thúc cộng đồng quốc tế để cho Liên Hiệp Quốc đứng đầu công cuộc tái thiết thời hậu chiến ở Libya. Bài xã luận cũng nói Bắc Kinh sẽ tìm cách bảo vệ các quyền lợi kinh tế của mình ở Libya sau khi ông Moammar Gadhafi bị lật đổ.

Trước đây trong năm, Trung Quốc và Nga đã không bỏ phiếu khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc biểu quyết về một nghị quyết cho phép NATO thực hiện các cuộc oanh kích để bảo vệ thường dân Libya. Nhưng sau đó, Trung Quốc lại kêu gọi ngưng bắn và nói rằng hành động của NATO vượt quá nhiệm quyền Liên Hiệp Quốc.

Các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc nói Trung Quốc can dự vào các dự án trị giá tới 20 tỷ đôla ở Libya, trong đó có xây dựng đường sá, nhà cửa và cơ sở hạ tầng. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn thứ nhì trên thế giới và năm ngoái nhận khoảng 3 phần trăm lượng dầu thô nhập từ Libya

VOA


0 comments:

Powered By Blogger