Với độ tuổi trung bình: 27,8 tuổi, Việt Nam bước vào giai đoạn cơ cấu dân số vàng từ năm 2007 và dự kiến kéo dài đến năm 2040. Khả quan hơn, có dự báo cho rằng: trong giai đoạn 2010 – 2020, cứ 3 người bước vào độ tuổi lao động mới có 1 người bước ra tuổi lao động. Nếu bỏ qua những vấn đề như: chất lượng dân số và lao động, khả năng tạo ra việc làm mỗi năm… thì đây là một sự phát triển tốt đẹp về mặt dân số. Đồng thời đến năm 2011, Việt Nam cũng bước vào giai đoạn dân số đang già hóa, tức tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt 10% (1). Do khoảng thời gian để chuyển đổi từ cơ cấu dân số đang già hóa sang cơ cấu dân số già quá ngắn: chỉ khoảng 15 – 20 năm, nên Việt Nam cũng là quốc gia có dân số già hóa nhanh nhất thế giới.
Hiện tượng dân số già đi, cho thấy trong tương lai sẽ có nhiều công dân cao tuổi cần được chăm sóc và giúp đỡ hơn, đồng thời có những tác động nhất định đến tốc độ tăng trưởng dài hạn của quốc gia. Trong những so sánh giữa Ấn Độ và Trung Quốc, người ta thấy về mặt xã hội, dân số Trung Quốc già hơn Ấn Độ, nên Ấn Độ có thể phát triển với tốc độ nhanh hơn dù nền kinh tế Trung Quốc có sức nặng gấp 3,5 lần. Riêng trường hợp Việt Nam, tình trạng dân số già hóa có ảnh hưởng lớn đến vấn đề “bẫy thu nhập trung bình” mà Việt Nam đang đối mặt. Tuy nhiên tình hình Việt Nam có trầm trọng hơn, bởi hầu như chưa có sự chuẩn bị đối phó với vấn đề già hóa dân số.
Các chủ trương xã hội thực dụng của nhà nước đang nuốt trộng quyền lợi nhân dân. Trong khi ra sức chứng tỏ vai trò lãnh đạo độc tôn, hàng loạt vấn đề xã hội bị đẩy vào khoảng chân không pháp lý, trong đó có tương lai của người già Việt Nam. Cùng các trường hợp thụ hưởng khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động… trường hợp thụ hưởng hưu trí đang được gọi là “chế độ hưu trí” bị đặt nằm lộn xộn trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) có hiệu lực từ tháng 1/2007. Việt Nam hiện nay chưa có Luật Hưu trí. Với định nghĩa về hưu trí tù mù, khiến người ta chóng mặt: tuổi nghỉ hưu là quyền hay lợi ích? Nếu nghỉ hưu là đến tuổi sao lại còn có kiểu nghỉ hưu tự nguyện? Tại sao có nhiều người đã đến tuổi hưu mà chẳng bao giờ tự nguyện nghỉ? Và văn bản pháp luật nào quy định cụ thể thế nào là bảo hiểm hưu trí?… Và tại sao tính đến tháng 3/2011, số người nghỉ hưu trước tuổi lại chiếm đến 60% tổng số hưu trí?…
Dân ta vật vã già đi
Theo Luật Người cao tuổi có hiệu lực từ 1/7/2010: công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên (được gọi là người cao tuổi) sẽ được đảm bảo các nhu cầu về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe; được ưu tiên khi sử dụng các dịch vụ công, khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; được tạo điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, giáo dục, thể thao, giải trí và nghỉ ngơi; miễn các khoản đóng góp xã hội; được phụng dưỡng, kính trọng và giúp đỡ… Lý thuyết thì bóng bẩy như vậy còn thực trạng là khoảng 70% người già lại sống ở khu vực nông thôn, không có lương hưu và phải phụ thuộc vào con cái. Tình trạng thất nghiệp ở nông thôn chưa bao giờ có một văn bản dứt khoát để phân định giữa thất nghiệp và thiếu việc làm. Huống chi, một giải pháp cho vấn đề an sinh của nhóm người cao tuổi (NCT) ở khu vực nông thôn – càng trở nên xa lạ với chính quyền đương nhiệm.
Để giải thích cho nguyên nhân Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ dân số già hóa nhanh nhất thế giới, các thông tin nhà nước đổ dồn vào việc ca ngợi thành tích phát triển hệ thống y tế, đời sống vật chất nâng cao… nên NCT ở Việt Nam sống lâu. Trong khi thực tại xã hội là dân ta vật vã già đi. Tính đến năm 2011, tuổi thọ bình quân của Việt Nam cao 72,8 năm nhưng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh lại chỉ có 66 năm, xếp thứ 116/164. Trong đó có tới 70% NCT không có tích luỹ vật chất, số người có hoàn cảnh khó khăn chiếm trên 60%, trung bình 37%, dư dả 1%. Về đời sống tinh thần, hiện có 13% các cụ gặp trắc trở, 60% thấy bình thường và chỉ có 20% cảm thấy thoải mái về tinh thần. Khoảng 95% NCT chịu gánh nặng về bệnh tật kép, chủ yếu là mạn tính (2). Cùng sự tồn tại của chế độ, vấn đề hưu bổng được bao cấp cách chắc chắn đối với tầng lớp trên. Mọi lợi lộc được mặc định đón đợi các quan chức về già, đủ nhiều đến mức để họ có một thái độ hời hợt về tương lai của tầng lớp dân đen. Âu đây cũng là một hệ quả của thế chế đảng cử dân bầu hiện nay. Với thói quen luôn muốn nắm quyền lực mà không đi kèm với trách nhiệm, nhà cầm quyền đã không xem trọng tinh thần phân công trách nhiệm giữa các thế hệ trong xã hội. Các nhiệm vụ như chi trả nợ công, cân bằng môi trường sinh thái bị tàn phá, khẳng định chủ quyền đất biển… được “nhường lại” cho các thế hệ sau. Và phản ứng của các thế hệ sau: để tránh đi viễn cảnh đen tối của đất nước, họ – các thế hệ sau – chẳng thèm ra đời. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ dân số già hóa nhanh nhất thế giới.
Một quỹ có quỷ
Quy mô của các quỹ Hưu trí thực sự trong một quốc gia thường rất lớn. Tính trung bình, tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tổng giá trị tài sản mà các quỹ Hưu trí nắm giữ chiếm đến 79,1% GDP. Ở Việt Nam, quỹ Hưu trí là một phần thuộc quỹ BHXH. Năm 2010, kết dư của quỹ BHXH bắt buộc là 127.000 tỉ đồng, trong đó quỹ hưu trí – tử tuất có 112.000 tỉ đồng. Tổng số kết dư của quỹ BHXH tính đến tháng 4/2011 là khoảng 140.000 tỷ đồng. Về quy mô, quỹ BHXH Việt Nam lớn thứ hai sau quỹ quốc gia dự trữ ngoại tệ.
Hiện nay quỹ Hưu trí duy trì bằng Việt Nam đồng (VND) trong bối cảnh không thể đưa VND vào danh mục đầu tư trú ẩn an toàn. Chính mô hình kinh tế Việt Nam đã khống chế khả năng VND tiếp cận tự do, không giới hạn với các thị trường nội địa có lợi nhuận cố định. Tuy nhiên nếu có nới rộng được khả năng tiếp cận của VND thì đây cũng chỉ là một lập luận thuần túy lý thuyết; bởi trong thực tế, Việt Nam không có các thị trường nội địa ổn định và lớn để đầu tư quỹ Hưu trí. Những lỗi hệ thống này còn nằm ở chỗ: một hệ thống kinh tế khép kín không đủ khả năng đối phó với tình huống các quỹ đầu tư nước ngoài gây ảnh hưởng lên giá cả tài sản. Thực ra nguy cơ phá sản của quỹ BHXH chẳng phải đợi đến bây giờ mới được nhìn nhận. Trong suốt 4 năm (2006 – 2010) qua nhiều đợt bàn thảo cũng mới đưa ra được giải pháp thực hiện duy nhất là tăng tỷ lệ đóng BHXH cả từ phía người lao động và chủ sử dụng lao động kể từ đầu năm 2010 và liên tục tăng trong các năm tiếp theo. Những biến động của quỹ Hưu trí diễn đạt gần như trọn vẹn cái viễn cảnh đầy bế tắc của nền kinh tế thị trường có “định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Ngoài tình huống bế tắc về mặt hệ thống, hoạt động của quỹ BHXH trong nhiều năm liền được giữ ở tình trạng nghiệp dư. Lĩnh vực đầu tư tập trung chủ yếu là cho ngân hàng và ngân sách nhà nước vay; mua trái phiếu và công trái. Riêng khoản cho ngân hàng thương mại nhà nước vay chiếm gần 50% danh mục đầu tư của quỹ này, điều đáng nói là chúng đều không qua đấu thầu. Các hình thức đầu tư gián tiếp này dẫn đến tỷ lệ lãi trên vốn là 11,76% (năm 2008) và 9,10% (năm 2009). Với mức lạm phát trên 20%/năm hiện nay, tỷ lệ sinh lời từ đầu tư của quỹ Hưu trí là âm. Giá trị tài sản hiện tại của quỹ Hưu trí đang giảm dần. Mặt khác, số tồn của Quỹ BHXH là khá cao nhưng trong thực tế số tiền này chưa được sử dụng tối đa cho mục đích sinh lời.
Nguy cơ quỹ BHXH bị phá sản còn xuất phát từ nguyên nhân quản lý. Bên cạnh các báo cáo bội chi liên tục lên đến hàng ngàn tỷ đồng bắt từ năm 2005, kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước tháng 7/2009 cho thấy chỉ riêng tiền lãi phải thu mà quỹ BHXH hạch toán thiếu đã gần bằng con số bội chi: thiếu tới 1.205 tỷ đồng; đồng thời trích thừa nguồn kinh phí đầu tư xây dựng tới trên 1.136 tỷ đồng. Quả thật, các hoạt động của quỹ BHXH Việt Nam không bình thường; mới nhất là vụ cho một công ty con của Ngân hàng Nông nghiệp năm 2011 vay vượt mức bảo lãnh, dẫn đến nguy cơ mất 610 tỷ đồng. Quản lý quỹ BHXH Việt Nam là một hội đồng gồm lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Tài chính, Nội vụ, Y tế… Xã hội Việt Nam bị phân hóa mãnh liệt bởi chủ trương phân biệt chính trị của thể chế cộng sản. Nhân dân bị liệt vào thành phần bị trị và những kẻ thống trị là các quan chức nhà nước cùng phương tiện cai trị là các lực lượng vũ trang. Phân biệt chính trị đã đẩy mạnh phân hóa xã hội, các giá trị như thành quả lao động của nhân dân và sự tăng trưởng quốc gia liên tục bị đem ra che đậy lòng tham vô đáy của chính quyền. Là tương lai nhưng cũng là thực tại của những thế hệ bị hất hủi. Những người trẻ hôm nay chắc chắn biết rằng, chẳng ai có thể kịp lo dùm cho tương lai của ai cả. Bảo đảm cuộc sống người già là vun giữ cái gốc của đất nước.
Cuối cùng, vì tầm mức quan trọng về an sinh xã hội, quỹ Hưu trí phải được duy trì như một quỹ hoạt động độc lập; trong thực tế quỹ này được xử dụng như một nguồn cung ứng dự phòng. Theo thông tin từ BHXH Việt Nam, năm 2009, quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) tiếp tục thâm hụt xấp xỉ 2 ngàn tỷ đồng. Trước đó, quỹ BHYT từng bội chi 1,8 ngàn tỷ (năm 2007) và 1,4 ngàn tỷ (năm 2008). Sau khi tiêu hết hơn 3.000 tỷ kết dư từ năm 1994 đến 2004, tình trạng vỡ quỹ BHYT triền miên diễn ra suốt 3 năm trở lại đây. Để đảm bảo hoạt động, BHXH Việt Nam đang phải mượn tiền từ quỹ Hưu trí vì ở thời điểm này, không thể vay tiền từ Chính phủ.
Bế tắc về giải pháp
Quỹ Hưu trí Việt Nam hiện nay hoạt động trên cơ chế tài chính đóng đến đâu hưởng đến đó. Với kiểu thiết kế này xét về lý thuyết, quỹ Hưu trí sẽ hoàn toàn bế tắc khi số người lao động trong tương lai ít hơn số người cao tuổi hiện tại. Chứng tỏ tình trạng an toàn tài chính của quỹ Hưu trí bị xem thường ngay từ khâu thiết kế (3).
Bên cạnh tình trạng nhà nước không có kế hoạch hưu trí quốc gia, thị trường Việt Nam cũng không có các quỹ hưu trí tư nhân. Tuy nhiên, khả năng đa dạng hoá loại hình bảo hiểm nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của các nhóm dân số, thúc đẩy các hình thức hoạt động kinh tế cho NCT tỏ ra không khả thi trước thực tế siêu lạm phát hiện nay.
Chi phí trung bình chăm sóc một NCT gấp khoảng 7 – 8 lần chi phí trung bình chăm sóc một trẻ em, điều này có nghĩa là nguồn lực xã hội cần huy động sẽ nhiều hơn. Trong hoàn cảnh Việt Nam đang là nước có thu nhập trung bình thấp, tình trạng già hóa dân số thể hiện một bi kịch xã hội: đã nghèo lại còn già. Theo thống kê của Bộ LĐTB – XH, tỷ lệ đóng BHXH/người hưởng lương hưu ngày càng giảm nhanh. Cụ thể, năm 1996 có 217 người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu, năm 2000 giảm xuống còn 34 người và đến năm 2010 chỉ có 10,7 người (4). Trong viễn cảnh tăng trưởng kinh tế không ổn định, việc giảm lợi ích hưu trí thành một hệ quả tất yếu xảy ra. Nếu không có những chấn chỉnh dứt khoát, nhóm NCT Việt Nam sẽ tương hợp với nhóm người nghèo nhất trong xã hội.
Coi chừng tiền mất tật mang
Kiểu làm việc của các cơ quan nhà nước hiện nay hay mang dáng dấp hoạt động của một đội chữa lửa. Khi còi báo động vang lên, mọi người cập rập lao vào dập lửa. Thói bê tha kỷ luật phòng cháy, coi thường các nguyên tắc an toàn hỏa hoạn – nguyên nhân gây cháy – cố tình bị quên lãng; thay vào đó là sự vồ vập ca ngợi thành tích của những người chữa cháy. Vấn đề hưu trí là một chính sách có ảnh hưởng lớn trong xã hội, không thể xem xét cách tùy tiện được. Một sự thiếu chuẩn bị về chiến lược của nhà cầm quyền trong vấn đề biến động cơ cấu dân số đã bào mòn đi các cơ hội phát triển, làm gia tăng thêm rủi ro cho tương lai đất nước. Chính thể chế chính trị hiện nay đã bóp chết các cơ hội cải thiện tình trạng già hóa dân số có tính tất yếu của quốc gia. Nguyên tắc “độc quyền lãnh đạo” đã từ chối sự hợp tác giữa nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng và cá nhân trong việc thực hiện các giải pháp khả thi và tổng thể đối với vấn đề già hóa dân số. Cảnh tượng đã nghèo lại còn già sẽ gây rất nhiều khó khăn lên đa số nhân dân. Thực tế, vấn đề lương hưu tại Việt Nam không thể hiện quyền lợi của mọi tầng lớp xã hội. Ước tính trong số những người trên 60 tuổi, chỉ khoảng 16 – 17% được lãnh lương hưu. Và 83% NCT còn lại thì cứ việc già đi chớ chẳng mong hưu hiếc gì cả. Song có lẽ dễ xoay xở hơn đối với người lao động thuộc khu vực nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ, hành nghề tự do… bởi dầu sao thì ngay từ đầu họ đã tự lực cánh sinh và chính họ quyết định được phần giá trị tài sản dành cho hưu trí của mình.
Câu chuyện đối phó với nguy cơ vỡ quỹ BHXH vào 15 – 20 năm xem ra rất gần đối với một chiến lược phát triển quốc gia nhưng cũng khá xa so với thời gian một kỳ đương nhiệm. Song vấn đề lương hưu sẽ trở nên rất nghiêm túc ở Việt Nam sau 4 năm nữa – vào khoảng năm 2015 – khi một số lượng lớn lao động hiện nay đến tuổi về hưu… Đối mặt với việc chi trả một lượng tiền lương hưu lớn, quỹ Hưu trí Việt Nam sẽ bùng nổ nguy cơ phá sản. Tình trạng trắng tay khi tuổi xế chiều trở nên rất bi đát đối với khối công nhân viên chức làm việc trong khu vực doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, quân nhân trong các lực lượng quân đội và công an hiện nay. Khả năng phá sản tất yếu của quỹ Hưu trí Việt Nam sẽ tác động trực tiếp đến bộ phận lao động này. Nên chăng, những người đang công tác thuộc khu vực công cần có những quyết định dứt khoát về vấn đề mưu sinh của mình – ngay từ bây giờ – kẻo trước khi quá muộn.
Bangkok, ngày 26/09/2011
© Nguyễn Việt
—————————————————–
Chú thích:
(1) Một số nhận định lấy mốc năm 2017, theo tính toán của NV – người viết thì mốc này nghiêng về năm 2011. Với năm 2009, số người cao tuổi từ 60 trở lên là 9%; năm 2010, con số này là 9,4% (tăng 0,4%). Từ điểm thấp 0,4%, tốc độ già hóa sẽ tăng dần lên 0,5% – 0,6%.
Cơ cấu dân số vàng: tỷ lệ người trong độ tuổi lao động gấp đôi tỷ lệ người già và trẻ em phụ thuộc.
(2) http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/552408/Dan-Viet-Nam-gia-truoc-khi-giau-tpp.html
(3) Hệ thống hưu trí VN là một hệ thống thực thanh thực chi với mức hưởng được xác định trước (Pay–As–You–Go Defined Benefit – PAYG DB). Theo cơ chế tài chính PAYG, số tiền đóng góp của người lao động đưa chung vào quỹ Hưu trí và quỹ này xử dụng để thanh toán cho người về hưu. Sau đó, khi người lao động hiện nay (người đang đóng góp) về hưu, họ sẽ được hưởng lương hưu từ tiền đóng góp của thế hệ lao động tiếp theo.
(4) http://www.sggp.org.vn/xahoi/2011/4/254737/
0 comments:
Post a Comment