Theo Tổ chức Y tế Thế giới, năm nay đã có trên 42.000 trẻ em Việt Nam là nạn nhân của bệnh dịch tay chân miệng, trong đó có 98 em đã tử vong. Có đến ba phần tư các trường hợp tử vong là trẻ em từ ba tuổi trở xuống.
Dịch tay chân miệng năm nay tại Việt Nam đã tăng cao hẳn so với những năm trước. Kể từ năm 2008, hàng năm có từ 10.000 đến 15.000 ca bệnh tay chân miệng được phát hiện ở Việt Nam, với khoảng 20 đến 30 trẻ em nhiễm bệnh bị chết. Bản báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới trích cảnh báo của Bộ Y tế Việt Nam là các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng sẽ còn tăng cao trong những tháng tới, khi trẻ em mẫu giáo và nhà trẻ đi học trở lại sau kỳ nghỉ hè.
Báo chí trong nước cho biết, tuy đang có xu hướng giảm tại các tỉnh phía Nam, nhưng dịch bệnh này có nguy cơ bùng phát trong tháng 10 tới. Tính đến nay chỉ riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có trên 8.300 ca bệnh tay chân miệng, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, và có số ca tử vong cao nhất nước với 24 trường hợp. Dư luận cũng thắc mắc về việc tuy dịch tay chân miệng đã xuất hiện tại 52 tỉnh thành, nhưng chính quyền vẫn ngần ngại chính thức công bố dịch bệnh truyền nhiễm này.
Được biết, bệnh tay chân miệng lây lan qua việc ho, hắt hơi, tiếp xúc với các dịch tiết từ bọng nước hay phân của người bệnh. Hiện không có vắc-xin phòng ngừa bệnh này, nhưng hầu hết trẻ em bị nhiễm thường khỏi bệnh nhanh chóng.
Liên minh châu Âu vừa qua đã viện trợ cho Việt Nam 60.000 euro để tuyên truyền phòng chống dịch tay chân miệng. Ngân khoản này được dành cho việc tuyên truyền đối với người chăm sóc trẻ, học sinh tiểu học và giáo viên mầm non tại 5 tỉnh thành là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ngãi và Thanh Hóa.
0 comments:
Post a Comment