Friday, September 9, 2011

Đã đến lúc Việt Nam phải lựa chọn

Lê Ngọc Thống – Với tinh thần “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước” từ ngày 22-28 tháng 8 năm 2010 Đoàn đại biểu quân sự Việt Nam sang thăm và làm việc với Bộ Quốc Phòng Trung Quốc. Tại lần này, trong tình hình mà mối quan hệ quốc phòng với Trung Quốc được coi là “Tốt đẹp”,
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh tuyên bố chính sách “3 không” của quốc phòng Việt Nam. Một lần nữa Việt Nam thể hiện sự yêu chuộng hòa bình, thể hiện tính hòa hiếu tự ngàn đời của ông cha để lại, thể hiện sự tôn trọng với một láng giềng hùng mạnh.

Và đây là hành xử của Trung Quốc:

Gần một năm sau sự đánh giá “tốt đẹp”, Trung Quốc trắng trợn gây hấn trong khu vực Đặc quyền kinh tế của vùng biển Việt Nam, cố tình biến khu vực không tranh chấp thành khu vực tranh chấp để ép Việt Nam “cùng khai thác”. Đòi yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý, ngang ngược. Họ vừa ăn cướp vừa la làng vu cáo Việt Nam “xâm lược” và giở giọng côn đồ “dạy cho Việt Nam bài học”. Họ nghênh ngang diễu võ dương oai tập trận hết đợt này đến đợt khác. Họ “bật đèn xanh” cho bọn lâu la trên báo, mạng khua môi múa mép xúc phạm dân tộc Việt Nam, đe dọa chiến tranh thôn tính Việt Nam…

Vẫn biết bản chất của nhà cầm quyền ở Trung Quốc là thế nào. Vẫn biết không phải một năm sau khi Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông mà ít nhất là từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đến giờ không có khi nào, không có nơi nào Việt Nam được yên với Trung Quốc. Hết cản Việt Nam đánh Mỹ, chỉ cần có vùng đệm an toàn thôi vì sợ Mỹ, lại đến cản Việt Nam thống nhất vì sợ Việt Nam hùng mạnh. Cướp đảo Hoàng Sa xong còn tiếp tục cướp đảo Trường Sa…Vẫn biết thế, nhưng chúng ta muốn hòa bình, muốn thân thiện, hữu nghị với các nước láng giềng và khi còn cơ hội hòa bình dù là mỏng manh thì cũng phải tận dụng. Đó là cách hành xử của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, cách hành xử của một dân tộc mà lịch sử luôn gắn liền với những cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm và nghệ thuật bang giao với cái “ông hàng xóm phương Bắc” mà Tổ tiên để lại.

Ngày 29/8/2011 cuộc đối thoại cấp thứ trưởng quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc lần thứ 2. Tình hình có vẻ như hai bên đã hiểu nhau và lắng dịu… Những chuyện vừa qua coi như gác lại, lấy quan hệ đại cục làm trọng…

Và đây là hành xử của Trung Quốc:

Chưa, mới vừa nói xong, ít ra cũng chứng tỏ “miệng quan (Trung Quốc) không giống…”

Nhưng hãy cẩn thận. Thực tế đã chứng minh nhiều lần rằng trong mối quan hệ với Trung Quốc, mỗi khi lãnh đạo hau nước có những ngôn từ tốt đẹp về nhau, khi Việt Nam có vẻ như cảm thấy yên tâm, tin tưởng vào những lời “Hảo, hảo” là y như rằng không sớm thì muộn Trung Quốc bất ngờ hành động. Và dĩ nhiên khi Việt Nam lên tiếng tố cáo, hành động đó thì… việc đã rồi.

Tại sao họ luôn hành xử như vậy với ta? Quá ngây thơ khi cho rằng Trung Quốc tráo trở. Chính quan điểm này vô tình làm Việt Nam mất cảnh giác. Vì bản chất, dã tâm của họ đối với ta không bao giờ thay đổi, cho nên hành xử này có tính logic. Trung Quốc tùy theo những lúc mạnh yếu khác nhau, yếu thì thực hiện mưu mô thâm độc, xảo quyệt; mạnh thì chèn ép ngang ngược, trắng trợn, đe dọa dùng vũ lực… Có thể nói Thôn tính Việt Nam là lời trăng trối truyền đời chết mà không nhắm mắt của những thế hệ cầm quyền Trung Quốc từ xưa tới nay.

Trung Quốc đang trỗi dậy. Tốc độ phát triển kinh tế nhanh, họ tăng cường tiềm lực quân sự vượt ngoài giới hạn phòng thủ. Họ coi Việt Nam là trở ngại lớn nhất cần phải dẹp bỏ đầu tiên trong chiến lược độc chiếm Biển Đông của mình. Vì vậy, không còn con đường nào khác, chúng ta phải cảnh giác cao độ, phải chuẩn bị toàn bộ để đối phó với nguy cơ này.

Chúng ta còn nhớ gần đây nhất trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, dân tộc ta hầu như từ hai bàn tay trắng mà phải đối đầu với xe tăng, đại bác. Không nói cũng biết khó khăn gian khổ như nào, tuy dành được độc lập, thống nhất đất nước nhưng xương chất thành núi, máu chảy thành sông, thời gian chiến tranh dài như vô tận, ba thế hệ con người Việt Nam lên đường ra trận.

Mấy năm qua, nhờ vào công cuộc đổi mới, đất nước có “của ăn, của để”, Đảng, Nhà nước đã không ngừng tăng cường khả năng quốc phòng. Với quyết định “đưa thẳng lực lượng không quân, hải quân… lên chính quy, hiện đại” (thay vì trước đây chỉ là “tiến dần lên chính quy, hiện đại”) nó làm tăng thêm khả năng phòng thủ và răn đe, đồng thời tạo thế cho dân tộc ta “năm nay đánh giặc nhàn” như câu nói của Trần Quốc Tuấn với các tướng lĩnh nhà Trần trong lần quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ 3.

Tuy nhiên chỉ chuẩn bị vũ khí, trang bị thôi chưa đủ. Để bảo vệ Tổ Quốc trước một kẻ thù đông người lắm của, chúng ta ngoài phải tự lực cánh sinh, dựa vào sức mạnh dân tộc là chính thì chúng ta cũng phải tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, dựa vào sự ủng hộ chí tình chí nghĩa của các nước bạn bè. Việc Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam tuyên bố chính sách “ba không”(với Trung Quốc) có nghĩa là: “Nếu Việt Nam không bị nước nào tấn công xâm lược hoặc đe dọa xâm lược thì quốc phòng Việt Nam thực hiện theo chính sách “ba không”. Còn nếu như anh (Trung Quốc?) mà tấn công xâm lược hoặc đe dọa xâm lược Việt Nam thì… chẳng lẽ Việt Nam tự trói tay, trói chân, trùm chăn lại cho anh đánh? Việt Nam sẽ làm tất cả để bảo vệ Tổ quốc mình.

Thực tế trong hai cuộc chống Pháp và Mỹ thì Việt Nam, Lào và Campuchia đã từng liên minh quân sự để chống kẻ thù chung (nhưng liên minh mang tính phòng thủ, không tấn công nước nào) đã phát huy hiệu quả to lớn. Năm 1979 nếu không có Hải quân Liên Xô ở Cam Ranh thì chắc gì Hải quân Trung Quốc đã không tham chiến? Trung Quốc từng cảnh báo Việt Nam nào là “nước xa không cứu được lửa gần”; nào là “Mỹ có lợi ích với Trung Quốc nhiều hơn với Việt Nam, nếu khi Trung Quốc tấn công Việt Nam thì Mỹ sẽ bỏ mặc Việt Nam” vân vân và vân vân. Nghĩa là đừng có “thân Mỹ, không lợi lộc gì đâu; đừng có thân Nga, xa lắm, lửa gần không cứu được đâu. Việt Nam chỉ còn cách thuần phục Trung Quốc mà thôi”(!). Rõ ràng là Trung quốc không muốn Việt Nam là bạn với những quốc gia này. Ngày trước chỉ có Liên Xô giúp đỡ hạn chế, Trung Quốc thì giúp một phá ba, mà Việt Nam vẫn thống nhất được hai miền thì ngày nay nếu Nga giúp đỡ tận tình, Ân Độ tận nghĩa, Mỹ, Nhật Bản giúp đỡ cứ cho là hạn chế đi thì Việt Nam như “hổ mọc thêm cánh”, liệu Trung Quốc có thôn tính nổi không?

Hiện nay tình hình Biển Đông ngày càng nóng, sức ép của Trung Quốc vào Việt Nam càng gia tăng đã khiến cho Việt Nam vào một tình thế buộc phải phải đột phá, buộc phải lựa chọn, không thể “lởn vởn” như ngày xưa. Biển Đông không phải là cái hồ của Trung Quốc, nó là nơi gắn liền “lợi ích quốc gia” của rất nhiều nước. Vì thế không đời nào các quốc gia liên quan chịu để yên cho Trung Quốc làm gì thì làm hòng nuốt trọn Biển Đông. Đây là cơ hội cho Việt Nam “chọn bạn mà chơi”, là cơ hội để “dứt tình vướng víu” không thương tiếc, để xây dựng lại mới mối quan hệ đối ngoại với Trung Quốc một cách sòng phẳng, minh bạch trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.

Công tác đối ngoại của Đảng nói chung và của quốc phòng nói riêng phải dựa trên nguyên tắc: Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải là bất khả xâm phạm. Đã là nguyên tắc là bất di bất dịch. Tuy nhiên sách lược thì phải mềm dẻo như Bác Hồ dạy “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Thời gian gần đây theo dõi mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ, Nga, Ân Độ và Nhật Bản, đặc biệt là Nga càng thấy rõ sách lược của Hà Nội là tuyệt vời, có những bước đi bài bản đầy bản lĩnh. Xử lý rất khôn khéo, linh hoạt mang đậm bản sắc Việt Nam trong vấn đề Vịnh Cam Ranh.

Nhưng tại sao Việt Nam không liên minh với những quốc gia mà họ cũng có những nguy cơ giống Việt Nam?
Thực ra “liên minh” cũng chỉ là cách gọi. Giả sử ta có với Nga hay Mỹ một hiệp ước phòng thủ chung nào đó thì khi Việt Nam bị xâm lược hoặc bị đe dọa xâm lược thì khuôn khổ hiệp ước cũng chỉ giới hạn là phía đối tác sẽ hỗ trợ ta về kinh tế, quân sự (bao gồm vũ khí trang bị, chia xẻ tin tức tình báo…) mà thôi. Không thể hơn và không nên hơn. Cho nên với tình hình ngày nay thì không liên minh quân sự với quốc gia nào như tuyên bố của tướng Vịnh là đắc sách. Nhưng hợp tác, đối tác chiến lược…song phương là một nhu cầu tất yếu và bức thiết. Nga, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản là những đối tác rất quan trọng, là ưu tiên hàng đầu của chúng ta. Hợp tác chiến lược; đối tác chiến lược khi đã được 2 nước “nâng lên tầm cao mới” thì so với “liên minh quân sự” cũng chỉ là cách gọi.

Một khi kẻ thù đã xuất đầu lộ diện nghênh ngang, không e dè, trắng trợn đe dọa dùng vũ lực thì Việt Nam chỉ có thể là Cảnh giác, cảnh giác và chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng đối phó thích đáng vì quyền lợi, tự do của Dân tộc.

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 6-9-11

http://viet-studies.info/kinhte/LeNgocThong_DaDenLuc.htm

0 comments:

Powered By Blogger