Trần Khải
Nhu cầu khẩn cấp hiện nay là phải cứu ngư dân, bởi vì Biển Đông đang trở nên hung hiểm hơn bao giờ hết đối với đồng bào mình. Nếu chính phủ VN không ra sức trên mọi phương diện, rồi sẽ tiếp tục xoay vòng mãi chu kỳ làm khổ ngư dân: bị tàu Trung Quốc bắt, bị tịch thu ngư cụ và tàu thuyền, bị ép gia đình nộp tiền chuộc, và gia đình lại mang nợ với chính ngân hàng nhà nước khi vay tiền để chuộc người thân.
Những cuộc nói chuyện cấp cao về ngoại giao và quân sự giữa VN và TQ mà không đề cập cụ thể các vấn đề ngư dân đều sẽ là vô ích, đều chỉ là trình diễn, khi các lời hứa trong những buổi họp báo không bảo đảm được đời sống hàng ngày của ngư dân, khi tàu cá dân Việt liên tục bị bắt giữ — đặc biệt là khi phần Biển Đông của VN, nơi quanh Trường Sa, lại đang bị hơn 500 tàu cá TQ vào vơ vét, và TQ không giấu giếm gì về chiến dịch vét cá này.
Bản tin hôm 13-9-2011 trên Blog Xuân Diện Hán Nôm (http://xuandienhannom.blogspot.com) ghi lại bàn tin từ báo Thanh Niên:
“Khoảng 500 tàu cá Trung Quốc đang ngang nhiên hoạt động lâu dài ở khu vực Trường Sa của Việt Nam. Thông tin trên được Cục trưởng Cục Ngư chính Nam Hải (cách Trung Quốc gọi biển Đông) Ngô Tráng tiết lộ trên Tân Hoa xã. Ông này nói rằng sở dĩ có nhiều tàu đến vậy bởi chính quyền Trung Quốc đã tổ chức cho ngư dân phát triển dự án nuôi cá lồng tại đầm nhiệt đới khu vực Mỹ Tế (tức Đá Vành Khăn thuộc Trường Sa).
Con tàu đa chức năng Quỳnh Phú Hoa Ngư – 01 vừa được tung đến Trường Sa từ ngày 10.9 từ cảng Tam Á, tỉnh Hải Nam trực thuộc Công ty TNHH phát triển ngư nghiệp Quỳnh Phú Hoa Ngư. Công ty này mới thành lập vào tháng 3.2010. Với trọng tải 1.200 tấn, đây là con tàu lớn nhất trong số 500 tàu cá trên, có trang thiết bị hiện đại. Khi thông tin về tàu Quỳnh Phú Hoa Ngư-01 vừa được công bố, trên không ít các diễn đàn quân sự Trung Quốc như Wenhui.ch, T.qq.com, Xfjs.org, Picaes.com/topic… đã nảy sinh tranh luận sôi nổi. Nhiều ý kiến nghi ngờ con tàu này được trang bị vũ khí và có thể có cả tên lửa.”
Không phải là chính phủ VN không biết. Thực ra, biết rất là rõ. Báo Hải Quan Online hôm 15-9-2011 có bản tin nói cụ thể vấn đề này:
“Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải liên quan đến việc ngư dân và tàu cá Việt Nam vẫn bị nước ngoài bắt giữ trong thời gian qua.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo về việc thực hiện Chỉ thị số 689/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nêu rõ các vướng mắc trong quá trình thực hiện, các vấn đề cần rút kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp tiếp tục thực hiện.”(hết trích)
Nhưng tại sao chỉ thị cho Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn? Tại sao “cần nêu rõ vướng mắc” hay phải “cần rút kinh nghiệm”? Bởi vì thấy rõ là, Bộ Nông Nghiệp đã bó tay rồi. Vướng mắc nào bên phía Bộ Nông Nghiệp và bên phía ngư dân? Hay đây là lời khuyên ngư dân cần tránh xa Biển Đông, rằng ngư dân cần lên ao hồ Trường Sơn để đánh cá, để khỏi bị tàu Trung Quốc bắt giữ?
Không chỉ thiệt hại cho ngư dân. Thực tế là các mỏ dầu Biển Đông đang trở thành nơi tranh chấp. Theo báo Hindustan Times hôm Thứ Tư 14-9-2011, Trung Quốc đã áp lực Ấn Để để ngăn cản công ty dầu Ấn Độ ONGC Videsh Ltd. đừng tham dự đấu thầu 2 lô dầu khí ngoài khơi VN.
Bộ Ngoại Giao Ấn Độ đã nói rằng chuyện TQ đòi hỏi là “không có căn bản pháp lý,” vì các lô dầu ngoài Biển Đông là của trong vùng biển Việt Nam theo Công Ước LHQ về Luật Biển 1982.
Hai lô dầu đó là Lô 127 và 128, và TQ nói rằng nếu Ấn Độ tranh thầu ở 2 lô naỳ mà không cho sư cho phép của TQ thì là “bất hợp pháp.”
Bộ Ngoại Giao Ấn Độ đã chính thức bác bỏ đòi hỏi đó của TQ, và nói chuyện 2 lô dầu sẽ được thảo luận trong khi Ngoại Trưởng Ấn Độ SM Krishna viếng thăm VN vào ngày 16-9-2011.
Bản tin báo Ấn Độ cũng nhắc rằng, vào tháng 6-2007, hãng dầu Anh BP đã hủy bỏ các kế hoạch thăm dò ở một lô dầu giữa VN và Đảỏ Trường Sa, vì tranh chấp chủ quyền giữa VN và TQ.
Như thế, không chỉ đời sống ngư dân thiệt hại, nếu VN liên tục nhượng bộ các đòi hỏi phi lý của TQ, mà kinh tế VN về lâu dài sẽ bị xiết cổ vì nguồn dầu Biển Đông không bảo vệ được.
Nhà nước TQ không hề giấu các âm mưu chiếm gọn Biển Đông này.
Bản tin báo Thanh Niên nhan đề “Đằng sau các dự án nghiên cứu trên biển Đông” hôm 15-9-2011 cho biết nhà nước TQ đang tăng tốc khai thác quy mô Biển Đông:
“Giới chuyên gia đánh giá nhiều bên đang sử dụng các kế hoạch môi trường, nghiên cứu khoa học để củng cố tuyên bố chủ quyền tại biển Đông.
Tờ China Daily ngày 14.9 dẫn lời Chủ tịch Viện Khảo sát và bản đồ Trung Quốc Trương Kế Tiên cho hay nước này sẽ tăng tốc trong việc vẽ bản đồ, đo đạc địa hình đáy biển. “Trong tương lai gần, ngành khoa học bản đồ của Trung Quốc sẽ mở rộng phạm vi từ đất liền đến 3 triệu km2 lãnh hải thuộc chủ quyền của mình”, ông này tuyên bố. Vẫn chưa rõ khi nhắc đến phạm vi 3 triệu km2 này, ông Trương muốn nhắc đến vùng biển nào. Theo tính toán, cả biển Đông có diện tích gần 3,5 triệu km2…”(hết trích)
Xin đọc kỹ lời ông Trương Kế Tiên vừa nói: TQ có chủ quyền 3 triệu km2 trên toàn bộ Biển Đông rộng 3,5 triệu km2. Khi bạn làm bài toán chia, sẽ thấy rằng Trung Quốc tự nhận chủ quyền tới 85.71% diện tích Biển Đông. Bài toán chỉnh xác là lấy 3 chia cho 3,5, sẽ ra đáp số:
0.857142857.
Như thế là nhiều hơn con số 80% mà báo chí VN thường nói.
Nhiều báo vừa loan tin buổi họp giữa các tướng lãnh VN và TQ. Nhưng cũng không thấy nói cụ thể gì về ngư dân, không thấy nói cụ thể gì về tình hình 500 taù cá TQ ở Biển Đông, không thấy đặt vấn đề con số 85.7% diện tích Biển Đông trong chủ quyền TQ.
Báo Xã Luận ngày 16-9-2011 đặt nhan đề bản tin là “Hội đàm cán bộ chính trị quân sự cấp cao Việt-Trung,” trong đó, tường thuật ý định hiếu hòa của VN, và tấm lòng anh em xã hội giữa 2 nước:
“Tại hội đàm, Trung tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định lãnh đạo quân đội Việt Nam mong muốn các bên không xung đột vũ trang trên Biển Đông…
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam mong muốn các bên không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, không để xảy ra xung đột vũ trang, Trung tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định.
Trung tướng Ngô Xuân Lịch tin tưởng hai bên hoàn toàn có thể đưa ra những quyết sách đúng đắn để giải quyết tranh chấp. Quân đội hai nước cần thể hiện vai trò gương mẫu và là trụ cột để thực hiện thỏa thuận cấp cao hai nước. Vấn đề tranh chấp giữa hai nước thì do hai nước giải quyết, vấn đề liên quan đến lợi ích nhiều nước thì do các bên cùng bàn bạc giải quyết.
Về phía Trung Quốc, Thượng tướng Lý Kế Nại, Trưởng đoàn Trung Quốc, nhấn mạnh hiện nay, trên thế giới chỉ còn một số nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Việc thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc và Việt Nam theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt là góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước.”(hết trích)
Báo Quân Đội Nhân Dân khi tường thuật còn ám chỉ tới chuyện hải quân Mỹ lấp ló Biển Đông, với nhan đề bản tin nêu rõ, “Việt Nam không lôi kéo nước này chống nước khác.” Bởi vì thực tế, không hải quân Mỹ dám vào Biển Đông kình với TQ, thì nước nào khác tự ý vào một mình được…
Cũng hôm Thứ Năm 15-9-2011, nhà văn Mẹ Nấm, trong bài viết nhan đề “Ai đang bảo vệ ngư dân Lý Sơn,” đăng trên blog Trần Đông Đức ở RFA, kể chuyện “Mẹ Nấm và những người bạn trong nhóm đã đến tận đảo Lý Sơn để làm một chương trình phóng sự về ngư dân đã từng sống nhờ vào ngư trường trên quần đảo Hoàng Sa nay đang bị Trung Quốc xâm chiếm.”
Mẹ Nấm ghi lại, có những đoạn như sau:
“… với những ngư dân này, họ yêu biển, yêu ngư trường bởi ngoài ý nghĩa quê hương, đó còn là máu thịt, là cuộc sống của họ. Họ ra biển, đối mặt với thử thách thiên tai bằng kinh nghiệm đi biển. Và day dứt bởi rất cần “sự bảo lãnh” từ phía chính quyền để “vô tư đi làm” và đối mặt với những “rủi ro vì bị bắt”…
…Theo chị Võ Thị Tam, vợ anh Lê Văn Huy cho biết, khi anh bị bắt giam, chị đã phải vất vả thuê xe lên tận thành phố Quảng Ngãi, để tìm “người môi giới” ở đây tiến hành “đàm phán thả người” giúp chị. Mỗi lần đi lại như thế rất tốn kém, vì phải mời cơm nước và “lót tay” cho họ. Người môi giới ở đây có thể là người biết tiếng Trung Quốc ở Quảng Ngãi, nhưng cũng có thể là người có kinh nghiệm và nắm rõ các trình tự “chuộc người” ở Đà Nẵng.
Tất cả những việc này đều do gia đình những người bị nạn tự lo, theo đúng con đường “ngoại giao nhân dân” với hải quân Trung Quốc (nhưng hoàn toàn vắng bóng nhân viên Bộ ngoại giao), để chuộc lấy người thân của mình về.
Ngư trường truyền thống và đường lưỡi bò:
Chúng ta – những người có điều kiện tiếp cận với báo chí với Internet hàng ngày, được nghe, được thấy nhiều về cái gọi là “yêu sách đường lưỡi bò” trên bản đồ hải giới của Trung Quốc. Nhưng với những ngư dân bám biển, họ khó có thể hình dung được việc này. Với họ, ngư trường truyền thống là vùng biển mà nơi bao thế hệ người Việt xưa này đã đến và khai thác ở đó. Thử lắng nghe bạn nhé.
Theo lời anh Võ Văn Tư, em vợ của ngư dân Lê Văn Huy:
“Vùng biển Việt Nam mình đây rất là rộng lớn chứ không phải hẹp đâu. Nhưng mà bây giờ thằng Trung Quốc nó xâm chiếm nhiều quá. Trên tuyến đường mình đi ra, Việt Nam gọi đó là đảo Tri Tôn đó, khi mình muốn chạy qua vùng biển của Trung Quốc đó, thì mình phải đi dưới đảo của nó rất là xa mình mới đi qua được. Đó là những chiếc tàu lớn đi thẳng ra Trung Sa để làm, còn những chiếc tàu nhỏ thì phải đi trong vùng biển Hoàng Sa để khai thác, chứ tàu nhỏ quá không thể đi ra Trung Sa thì không được sẽ nguy hiểm đến tài sản và tính mạng.
Việt Nam mình nói vùng đảo Hoàng Sa là của Việt Nam thì ngư dân mình cứ ra đó khai thác mà khai thác thì cuối cùng cứ bị tàu của Trung Quốc nó bắt miết. Hễ mà nó bắt thì anh nào có tiền nộp thì về, anh nào không có thì nó bắt nhốt ở bển. Nên đời nó có những cái đặc biệt như vậy”….”(hết trích)
Chúng ta không nghe báo Quân Đội Nhân Dân nói gì về tình hình ngư dân, cũng không nghe chuyện Hải Quân VN phải bảo vệ ngư trường VN.
Nơi ngư dân đang sống chết với ngư trường Việt, không nghe nhà nước VN nói gì. Tại sao như thế? Và tại sao ngư dân phải nộp tiền chuộc mạng, mà hoàn toàn không có hỗ trợ nào từ nhà nước?
Khi chúng ta nhớ rằng, chính cựu Tổng Thống Bill Clinton đã sang Bắc Hàn để xin cứu 2 phóng viên Mỹ bị quân đội Bắc Hàn bắt cóc ở thị trấn giáp biên giới Trung Quốc và Bắc Hàn, tại sao Bộ Ngoại Giao Việt Nam cũng không có được một viên chức, dù thấp cỡ nào, sang Trung Quốc để xin cứu ngư dân Việt về nước?
Và khi giới trí thức quốc nội đặt lên những cầu hỏi tương tự về Biển Đông, bằng những cuộc biểu tình những ngày Chủ Nhật, tại sao họ lại bị chính nhà nước VN đàn áp dữ dội?
Câu hỏi vẫn còn lơ lửng đó: Ai bảo vệ ngư dân Lý Sơn…
0 comments:
Post a Comment