Bằng nhiều lý do khác nhau, cho đến hôm nay, người Việt đã có mặt khắp nơi trên thế giới. Với tấm lòng nhận đạo, nhiều quốc gia đã dang tay đón nhận người Việt định cư trên xứ sở của họ.
Hội ngộ và Tri ân
Nhìn lại đoạn đường đã qua, thương cảm và biết ơn những người đã cưu mang mình, hôm 06 tháng 09 năm 2011 cộng đồng người Việt ở Đức đã tổ chức một buổi hội ngộ để nói lên lời cám ơn của mình đến với quốc gia đã đón tiếp và nuôi dưỡng họ. Thông tín viên Tường An gửi về bài tường trình qua cuộc phỏng vấn với những người tham dự buổi tổ chức với chủ đề “Hội Ngộ và Tri Ân nước Đức” sau đây:
Với con số khoảng 125 ngàn người Việt định cư tại đây, người Việt trên nước Đức đã tạo thành một cộng đồng vững mạnh với những đóng góp đáng kể cho quốc gia này. Theo thống kê 2009 - 2011 63% con em của người Việt Nam đi vào trường đại học hàng năm, là một thành quả đáng kể hơn cả người bản xứ.
Cộng đồng người Việt tại đây bao gồm nhiều thành phần khác nhau; thuyền nhân, tường nhân sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, bộ nhân: đến Đức bằng đường bộ và diện đoàn tụ gia đình.
Trong quá trình sống ở Đức chúng tôi đã được giúp đỡ rất nhiều, thì đó là lý do tại sao những người Việt ở đây nên cám ơn người Đức.
Ô. Đặng Tú Dũng
Dù đến Đức dưới bất cứ hình thức nào, người Việt tại đây cũng không quên ơn của quốc gia đã đón nhận và cưu mang mình, do đó tại Berlin, vào ngày 3 tháng 9 vừa qua, một số hội đoàn đã tổ chức một ngày lễ mang tên “Danke Deutschland” tức “Cám ơn nước Đức” để nói lên lòng biết ơn đến với công hòa Liên bang Đức nói chung và những cá nhân đã tham gia trực tiếp vào các công tác cứu giúp thuyền nhân nói riêng.
Ông Đặng Tú Dũng, đến Đức năm 1979 lúc 11 tuổi, là thành viên ban tổ chức trình bày lý do của ngày lễ đặc biệt này:
“Lý do buổi lễ Tri Ân nước Đức là ước nguyện của tôi và của mọi người Việt, mọi thuyền nhân khi mà rời Việt Nam ra đi vượt biên có rất nhiều người được nước Đức này cứu vớt. Con tàu Cap Anamur là do một vị Tiến sĩ Đức, ông ta tên là Dr. Rupert Neudeck, ông ta đã thành lập ra ‘Ủy ban Bác sĩ Không Biên Giới’. Ông ta đã tổ chức 1 chiếc tàu để đi vớt thuyền nhân trên biển đông, số lượng mà ông ta cứu được là trên 10 ngàn người. Có một số trong lúc bị hải tặc cướp thì chiếc tàu Cap Anamur đã xuất hiện như một vị cứu tinh cứu họ ra khỏi bàn tay của hải tặc, hoặc là những con thuyền lênh đênh trên biển cả mấy tháng trời, tàu Cap Anamur đã vớt họ. Khi mà vớt họ rồi thì Neudeck đã vận động với chính quyền Đức để đưa những người Việt này về định cư ở Đức. Trong quá trình sống ở Đức chúng tôi đã được giúp đỡ rất nhiều, thì đó là lý do tại sao những người Việt ở đây nên cám ơn người Đức là như vậy!”
Tại sao lại phải đợi đến ngày hôm nay, sau hơn 30 năm sống trên xứ sở này, mới nói lên lời cám ơn? ông Dũng nêu hai lý do:
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Ban Tổ chức cho biêt buổi lễ được gọi là thành công với trên 500 người hiện diện, ngoài ra có rất nhiều người Đức đã và đang phụ trách những công tác liên quan đến việc định cư, giúp đỡ cho người Việt tị nạn cũng như chính giới Đức tại Berlin đến tham dự. Ông Günter Piening, Ủy Nhiệm đặt trách Tỵ Nạn và Hội Nhập người nước ngoài tại Thủ đô Berlin cho biết cảm tưởng của ông qua lời thông dịch của ông Nguyễn Thanh Hải, trưởng ban tổ chức:
Nhóm người tị nạn đã hội nhập rất nhanh và hướng dẫn con cháu đi vào hướng học hành, thành đạt rất hiệu quả và đã đi vào trong chính quyền hay là các cơ quan nhà nước.
Ô. Günter Piening
“Theo ông nhận thấy và ông làm việc thì có hai nhóm người tại Berlin: Nhóm người ở Đông Berlin và ở Tây Berlin. Nhóm người tị nạn thì đã hội nhập rất nhanh và hướng dẫn con cháu đi vào hướng học hành, thành đạt rất hiệu quả - mà ông dùng chữ là rất, rất hiệu quả - và đã đi vào trong chính quyền hay là các cơ quan nhà nước. Đối với những người Việt Nam tại Đông Berlin thì sau khi mà các anh chị đó có những cửa hàng, tuy là những cửa hành nhỏ, thu nhập thấp nhưng mà cả hai nhóm đều có một tấm lòng là tự mình vươn lên và thành đạt tại nước Đức. Đây là cái mà ông vui lòng đón nhận người Việt Nam tại Berlin.”
Mặc dù có những khó khăn ban đầu, thế hệ thứ hai đã nối bước và tạo thành một cộng đồng được coi là thành công trên nước Đức, Anh Đinh Thế Truyền, đến Đức lúc mới 13 tuổi theo diện đoàn tụ gia đình ghi nhận:
“Theo cái nhìn của em thì buổi đó rất là thành công. Đã lâu lắm rồi, người Việt tị nạn tại thành phố Bá Linh không tổ chức những buổi gặp gỡ lớn và có ý nghĩa nữa. Mình cũng phải nói là cám ơn người Đức là mình được đến cái nước tự do để mình sinh sống. Cám ơn thì em nghĩ là tùy mỗi người: Thuyền nhân thì cũng cám ơn, còn như em đến đoàn tụ gia đình thì cũng cám ơn. Theo cái nhìn của em, mình cám ơn không chỉ là chính phủ mà người dân, người Đức nữa.”
Ông Nguyễn Tuấn Kiệt, một thuyền nhân đã được tàu Cap Anamur cứu và đến Đức định cư năm 1981 nói lên cảm xúc của ông khi nhìn lại những ân nhân 30 năm sau:
“Riêng bản thân tôi rất là cảm động dầu rằng con tàu Cap Anamur cứu vớt chúng tôi nhưng mà nếu người Đức không mở rộng vòng tay đón nhận chúng tôi vào thì chúng tôi sẽ không có cuộc sống bình yên như ngày hôm nay. Tôi rất là cảm động với những người Đức mà họ phải đấu tranh giúp đỡ chúng tôi khi chúng tôi phôi thai bước vào thành phố Bá Linh này. Sau 30 năm nhìn lại, tôi ngồi đấy, với những lời phát biểu của họ, phải nói thật tôi rất cảm động, phải nói là tôi không tưởng tượng họ có ý tưởng như vậy để làm được những công việc như vậy.”
Trên con tàu Cap Anamur đó đã có một đứa bé chào đời giữa đại dương mênh mông, ông Kiệt đã đặt tên cho cô con gái đầu lòng của mình là Amur Nguyễn để nhớ và biết ơn con tàu định mệnh ấy, ông Kiệt hồi tưởng lại:
‘Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ người đào giếng’, Người Việt mình là như vậy, luôn luôn biết ơn.
Cô Anmur Nguyễn
“Đối với bản thân gia đình chúng tôi đã có một sự cám ơn người Đức từ bước đầu. Trong chuyến vượt biên của gia đình chúng tôi thì cũng có một sự may mắn, tức là đi nhanh. Tôi cũng không nghĩ là vợ tôi sinh sớm như thế, lúc sinh cháu ra thì cháu chỉ có 7 tháng 16 ngày. Chúng tôi được tàu Cap Anamur vớt, hôm đấy thì vợ tôi đã chuyển bụng. Đoàn y sĩ Đức trên tàu Cap Anamur tận tình giúp đỡ cho vợ tôi, cháu bé lúc đó chỉ có 1,6 kg thôi. Người Đức có hỏi chúng tôi nhưng chúng tôi nói là dù chúng tôi có thân nhân ở bất cứ nước nào đi chăng nữa, nhưng mà chúng tôi đi đến nước Đức này tại vì nếu không có con tàu hoặc không có những người Đức thì chắc có lẽ là vợ và con tôi sẽ không còn.”
Cô Amur Nguyễn năm nay đã 31 tuổi, đã có gia đình và 1 con gái, cô đang tiếp tục theo học luật tại Berlin, cô cũng là 1 trong hai MC (người điều khiển chương trình) của buổi lễ, cô nói lên nổi xúc động của mình với những người ân nhân Đức:
“Ông trại trưởng ngày xưa mà Ba Mẹ cháu ở đó! Ổng mới bảo là cái cô mà điều khiển chương trình đó! Tức là lần đầu tiên mà ổng trong đời ổng mua cái xe đẩy con nít là mua cho cháu. Lúc mà cháu nghe câu chuyện đó thì cháu cũng xúc động lắm!”
Sống trên đời cần có cái tâm, đó là quan niệm sống của cô Amur Nguyễn, cái tâm để biết ơn con người và cuộc đời đã cho ta cuộc sống hôm nay. Cái tâm sẽ cho chúng ta ý chí để đạt được những gì mình mong muốn. Xin ghi lại lời của cô Anmur Nguyễn về lòng biết ơn của người Việt để kết thúc buổi phỏng vấn về ngày ‘Hội ngộ và Tri ân nước Đức’ tại Berlin:
0 comments:
Post a Comment