Tuesday, September 27, 2011

Biểu tình và sau biểu tình

Một cảnh biểu tình tại VN

Trước thời kỳ “đổi mới” về kinh tế, chỉ có một hình thức tập trung quần chúng nơi công cộng: đó là “mít tinh”, do chính quyền hay các tổ chức của đảng CS tổ chức và huy động quần chúng tham gia. Kể từ khi có “đổi mới” và Viêt Nam mở cửa ra với thế giới tự do, ngoài hình thức mít tinh, vẫn còn, bắt đầu có thêm những hình thức tập trung quần chúng mới.

Từ 1990 đến nay, cho đến khi có biểu tình chống bành trướng Trung quốc, đã xuất hiện 4 hình thức quần chúng tự động tập trung đông đảo nơi công cộng. Một là các cuộc tập trung của dân oan đòi đất đòi nhà bị cán bộ và các cơ quan chính quyền chiếm đoạt vì nhiều lý do khác nhau, dù có đền bù cũng không đáng kể. Hai là công nhân đình công tại các hãng xưởng vì lương quá thấp và bị ngược đãi, bóc lột. Ba là các cuộc tập trung, tuần hành của tín đồ các tôn giáo như Hòa Hảo, Phật Giáo, Công Giáo để đòi chính quyền không can thiệp vào công việc nội bộ của các Giáo hội, trả lại tài sản, đất đai của các Giáo hội đã bị nhà nước chiếm đọat… Bốn là quần chúng tập trung bao vây các cơ sở chính quyền và công an tại một số địa phương để phản đối những hành vi bạo ngược, hà hiếp nhân dân của các cường hào ác bá mới. Có vài trường hợp đã xẩy ra bạo lọan, nhân dân chiếm đóng các công sở, bắt giữ nhân viên chính quyền sở tại. Nhà nước phải đưa quân đội đến để đàn áp, gây tử vong và thương tật cho nhiều người. Nghiêm trọng nhất là cuộc nổi dậy của đồng bào Thượng tại Cao nguyên Trung phần đầu năm 2001. Đây là 4 hình thức phản kháng mới đã xuất hiện tại Việt Nam từ 1990 đến nay mà trước đó, kể từ khi toàn bộ đất nước nằm dưới sự cai trị độc đoán của đảng CS, không thể có được. Những hình thức phản kháng này thường được nhà nước CS gọi là những cuộc “tập trung đông người”, không được nhà nước cho phép, để phân biệt với “mít tinh” do đảng và nhà nước tổ chức.

Hai danh từ “mít tinh” và “tập trung đông người” nói lên hai hình thức huy động quần chúng khác nhau. Nếu “mít tinh” là do đảng và nhà nước CS tổ chức, và quần chúng phải tham gia một cách miễn cưỡng, thì “tập trung đông người” lại do chính người dân tự động tổ chức và tập trung, không cần và không chờ nhà nước cho phép. Có một vài trường hợp nhà nước đã cho phép, đến phút chót lại định ngăn cản, nhưng những người tổ chức vẫn tiến hành, và nhà nước phải nhượng bộ – như các buổi sinh hoạt Tin Lành ngoài trời tại Hà Nội và Saigon trong vài năm qua, thu hút hàng ngàn người tham dự. Bốn hình thức “tập trung đông người” nói trên cho thấy nhân dân đang từng bứơc chủ động giành lại quyền bày tỏ ý kiến của mình với cơ quan công quyền bằng những hình thức tập hợp nơi công cộng, thay vì trông đợi kết quả khiếu kiện hay đi qua các thủ tục hợp pháp.

Điều đáng nói là, trong các hình thức “tập trung đông người”, “biểu tình” chỉ chính thức xuất hiện trở lại rất gần đây tại Việt Nam, xét cả về khía cạnh từ ngữ lẫn nội dung. Trước 1975, danh từ “biểu tình” đã trở thành phổ cập để diễn tả một sinh họat dân chủ đã khá thông dụng trong chế độ dân chủ tại VNCH ở miền Nam Việt Nam. Từ khi đất nước bị đặt dưới chế độ CS thì hiện tượng cũng như danh từ “biểu tình” đã không thể xuất hiện trong thực tế cũng như trong ngôn ngữ tại CHXHCNVN. Nhà nước và các cơ quan truyền thông “lề phải” chỉ sử dụng từ “tập trung đông người” khi đề cập đến các cuộc tập trung ngoài đường phố do dân chúng tự động tổ chức, kể cả với những cuộc biểu tình chống Trung quốc vừa qua. Trong khi đó thì hệ thống thông tin “lề trái” của cộng đồng mạng tự do, và của những người tổ chức và tham gia biểu tình chống Trung quốc ngoài đường phố, tại Hà Nội, Saigon và, tất nhiên, tại khắp các thành phố trên toàn thế giới, nơi có người Việt định cư, đã sử dụng danh từ “biểu tình” môt cách tự nhiên và thống nhất.

Tại sao nhà nước CS và các cơ quan truyền thông của họ không dùng, hay nói đúng hơn, không dám chính thức dùng từ “biểu tình”? Có lẽ đơn giản vì nó dễ làm mọi người nhớ đến các cuộc biểu tình rầm rộ của quần chúng đã và đang xẩy ra trong các cuộc cách mạng dân chủ tại nhiều nước trên thế giới – những cuộc biểu tình đã làm sụp đổ nhiều chính quyền độc tài, tham nhũng, thối nát, đàn áp nhân dân. “Tập trung đông người” chỉ nói lên hình thức là có nhiều người tập trung tại một địa điểm, còn nội dung hay mục đích để làm gì thì không rõ: nghe một buổi trình diễn âm nhạc, xem đá bóng, tham dự một buổi lễ (do nhà nước tổ chức, “mít tinh”) đều có thể được gọi là ‘tập trung đông người”. Biểu tình, ngược lại, có ít nhất hai tính chất khác biệt rõ ràng: một là bày tỏ nguyện vọng của nhân dân về một vấn đề trọng đại của đất nước, và hai là do người dân tự động tổ chức, một cách độc lập và khác biệt với, nếu chưa hẳn là chống đối lại, giới đương quyền. “Biểu tình” do đó mang một ý nghĩa chính trị rõ ràng.

Cả hai tính chất nói trên đều hiển hiện trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc vừa qua tại Việt Nam cũng như trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Các cuộc biểu tình ở cả hai cộng đồng trong và ngoài nước đều có chung một mục tiêu và nhằm chung một đối tượng: đó là quyết tâm bảo vệ tổ quốc chống lại bành trướng Trung Quốc. Chỉ có khác biệt về mức độ trong thái độ đối với một đối tượng khác: giới cầm quyền Việt Nam hiện nay. Hải ngọai thì chống đối công khai nhà cầm quyền Hà Nội, vừa vì thái độ yếu hèn của họ với Trung Quốc, nhưng chính cũng vì từ trước đến nay không bao giờ chấp nhận chính quyền này, không coi họ đại diện chính đáng cho nguyện vọng của người Việt và quyền lợi của Tổ quốc. Những người biểu tình tại Việt Nam thì bày tỏ sự độc lập với nhà cầm quyền Hà Nội, nhưng chỉ chống lại sự đàn áp những người biểu tình, chứ chưa chống lại hay bác bỏ vai trò cầm quyền của chính quyền Hà Nội. Sự khác biệt này giữa bên trong và bên ngoài theo tôi là đương nhiên, hợp lý và hiểu được, trong bối cảnh khác biệt giữa hai môi trường và điều kiện sống và sinh họat khác nhau giữa hai cộng đồng người Việt. Đó là sự khác biệt giữa một bên, trong tư thế của những công dân bị trói buộc bởi luật pháp và cơ chế chính trị-xã hội, còn một bên, trong tư thế của những người Việt sống ngoài vòng cương tỏa của chế độ và chính quyền CS.

Trong tư thế của những công dân, những nhân sĩ, trí thức và thanh niên, sinh viên tại Hà Nội vừa qua đã phải tham gia đối thọai với chính quyền Hà Nội. Đây là sự kiện mới trong tiến trình chuyển hóa dân chủ tại Việt Nam. Nó cho thấy, về phía chính quyền, họ đang tìm các phương thức mới để ứng phó với tình hình mới. Điều mới trong quan hệ với Trung Quốc là ngoài đảng và nhà nước, đã xuất hiện thêm yếu tố nhân dân, ở đây là thành phần trí thức, nhân sĩ và thanh niên, sinh viên thành thị, và với phương thức đấu tranh mới là “biểu tình”. Một mặt đảng và nhà nước không thể không để cho thành phần này bày tỏ lòng yêu nước, chống lại Trung Quốc. Mặt khác chính quyền cũng phải vừa vận dụng vừa kiềm tỏa được thành phần này cho phù hợp tính chất quan hệ “anh em” với Trung Quốc. “Đối thoại” là một thủ thuật mới của nhà cầm quyền để vừa “trần tình”, vừa “vuốt”, lại vừa răn đe những người biểu tình. Và rõ ràng là họ không muốn có các cuộc biểu tình chống Trung Quốc nữa, ít nhất là trong lúc này, vì sợ phản ứng từ phía Trung Quốc. Thủ thuật “đối thọai” nhằm làm “nguội” đi cơn sốt biểu tình, và do đó, đạt được mục đích “hai mặt” của Hà Nội: sử dụng đúng đô (dose) các cuộc biểu tình trong các cuộc đối thọai với TQ, đồng thời làm nguội nó đi khi không cần thiết nữa, để không cho đụng đến các lãnh vực và vấn đề nhậy cảm.

Ngoài ra, nhà nước CS đã toan tính kỹ khi “cho phép” biểu tình ở Hà Nội và cấm triệt để ở Saigon. Ở Hà Nội nhà cầm quyền dễ kiểm soát được tình hình, còn ở Saigon, biểu tình dễ chuyển sang các khu vực “cấm” nhanh hơn. Dân Saigon vốn quen với biểu tình chống chính quyền từ trước 1975 rồi. Ngay tại Hà Nội, khi biểu tình đã trở thành “một món ăn tinh thần ngon miệng” vào mỗi chủ nhật của giới trí thức, thanh niên thành thị, thì cần kiềm tỏa lại, cần hạ nhiệt bằng biện pháp vừa cấm vừa “đối thoại”.

Các nhân sĩ và thanh niên Hà Nội làm sao “gây lại” biểu tình sau thủ thuật “hạ nhiệt” vừa qua của chính quyền? Đây là một bài toán khó. Căng với chính quyền thì không đuợc. “Nhịn” đi biểu tình thì “ấm ức”. Làm sao giải tỏa ấm ức này? Ngược lại, chính quyền Hà Nội có thể mua thêm được thời gian để tìm một giải pháp, nhưng giải pháp nào thì cũng không có nền tảng bền vững nếu không chấp nhận tự do, dân chủ, và dứt khóat thái độ với bành trướng Trung Quốc. Nhưng một chế độ và chính quyền độc tài đảng trị thì làm sao có được hai điều kiện này?

Do đó, cuộc chiến đấu chống độc tài vì dân chủ phải tiếp tục và đang chuyển vào một khúc quanh mới, vào một thời kỳ mới – thời kỳ sau biểu tình. Cuộc chiến dân chủ chống độc tài diễn ra trong bối cảnh chính trị đặc thù của VN: vừa phải chống bành trướng Tầu, vừa phải chống độc tài đảng trị, lại vẫn phải sống chung với cơ chế độc tài tham những diễn ra hàng ngày chung quanh mọi người, như dân miền tây nam bộ phải sống chung với lũ. Cuộc chiến giữa hai bên lại tiếp tục, sau đối thọai, và sau biểu tình, trong một quan hệ đặc thù Việt Nam: quan hệ “vừa đối lập vừa thống nhất”, và luôn biến chuyển, giữa bên phản kháng và bên cầm quyền, trong mối nguy bành trướng Đại Hán “đỏ” TQ. Bành trướng TQ tự nhiên trở thành một yếu tố thứ ba, bên ngoài hai yếu tố đối lập kia. Yếu tố ngọai tại này làm cho hai yếu tố nội tại (tại VN) trở nên vừa đối lập vừa thống nhất. Và cuộc diện chính trị tại VN đang và sẽ tiếp tục diễn tiến trong mối tương quan đặc biệt này. Và cũng chính vì thế mà nó mang tính chuyển hóa (transformation), nhưng là một chuyển hóa mang tính Việt Nam: vừa đấu tranh, vùa chuyển hóa, chuyển hóa trong đấu tranh, và chuyển hóa ở cả hai bên, đối kháng và cầm quyền. Bên nào chuyển hóa kịp thời và đúng tình thế, bên đó sẽ nắm ưu thế hơn. Chuyển hóa nào cũng dẫn đến “đột biến”, đó là qui luật, nhưng ở VN, đột biến êm thắm hay đổ vỡ, tùy thuộc rất nhiều vào kết quả “tự chuyển hóa” của giới cầm quyền.

Tôi đề nghị chúng ta, những người dân chủ hải ngọai, hãy áp dụng cách nhìn này như một khung sườn tham khảo (frame of reference), một lý thuyết để làm việc (working theory), để vừa theo dõi vừa tìm ra các kế hoạch và phương cách tác động thích hợp và hữu hiệu vào tiến trình biến chuyển tại VN trong thời gian tới — thời gian sau biểu tình chống Trung quốc.

Nguồn: Chuyển Hoá

0 comments:

Powered By Blogger