Monday, June 20, 2011

Nông Dân Việt Nam Ngày Càng Nghèo Khổ Và Lao Lực

nong

Việt Nam: Sự lao lực trên đồng ruộng gấp hai lần mới đủ ăn, đã khiến cho đa số nông dân Việt Nam trở nên ốm yếu và mắc nhiều chứng bệnh, vốn trước đây nhiều thập niên chưa bao giờ có. Theo thông tin từ Ủy ban phòng chống lao quốc gia, hiện nay có tới 76% bệnh nhân lao ở Việt Nam là nông dân. Kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, người sống ở các khu vực nông thôn, trại giam và nơi đông dân cư có nguy cơ nhiễm lao cao nhất. Những tỉnh có tỷ lệ nông dân mắc lao cao là Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hải Phòng.

Nguyên nhân khiến nhiều nông dân mắc lao là do mức sống thấp, nhiều người vào diện nghèo và cận nghèo. Môi trường sống ở nông thôn bị ô nhiễm, độ ẩm cao, công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu lại lạc hậu nên bệnh đã không được phát hiện sớm. Cuộc sống với thu nhập thấp trước đây, nay lại rơi vào cùng cực do lạm phát gia tăng, gạo lại mất giá, hạn hán và tình trạng thay đổi khí hậu làm ảnh hướng nặng nề đến việc canh tác.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 12 trong tổng số 22 nước có tỷ lệ mắc lao cao nhất thế giới. Trao đổi với thông tín viên của SBTN tại mền Tây Nam Bộ Việt Nam, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn là Chánh văn phòng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu cho biết rằng tình trạng khó khăn này sẽ còn nặng nề hơn với việc biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh.

Hai vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất, đặc biệt đồng bằng sông Cửu Long, là những tỉnh thành ven biển, do có địa hình thấp và hiện tượng nước biển lấn sâu vào đất liền. Nếu như sắp tới nước biển dâng 1 thước, 10 tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng. Theo đó, hệ lụy giảm diện tích sản xuất nông nghiệp, giảm năng suất, sản lượng và kéo theo thu nhập người dân giảm; tác động tiêu cực tới đất đai suy thoái, nạn thất nghiệp, di dân.

Dựa vào các mô hình toán học và các kịch bản của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc IPCC, các nhà khoa học phỏng đoán, vùng đồng bằng sông Cửu Long và các đồng bằng khác đối mặt khá nhiều vấn đề. Cụ thể hàng năm, từ tháng 1 đến tháng 4 xảy ra hiện tượng khô nóng, thiếu nước, gió chướng, nhiễm mặn, hạn phèn đầu vụ, sấm sét, từ tháng 5 đến tháng 6 hạn hán, tháng 7, tháng 8 lũ sớm, tháng 9, tháng 10 lũ, sạt lở, mưa, thủy triều dâng, tháng 11, tháng 12 bão lạnh. Và với tình trạng này, nông dân Việt Nam khó có thể dư ăn dư mặc như trước năm 1975, thậm chí vượt qua đói nghèo cũng phải mất khoảng 5 đến 10 năm nữa.

Nguồn: SBTN

0 comments:

Powered By Blogger