Friday, June 17, 2011

Hải Sản VN Cạn Vì TQ Vơ Vét, Heo, Gỗ, Sắt... Cũng Sang Tàu

alt
Hải Sản VN Cạn Vì TQ Vơ Vét, Heo, Gỗ, Sắt... Cũng Sang Tàu; 147 doanh nghiệp VN ngưng chế biến hải sản vì TQ đã vào vét hết

HANOI (VB) -- Trung Quốc đang tung ra nhiều độc chiêu lạ: vơ vét đủ thứ hàng của VN... tới nổi Việt Nam khủng hoảng thiếu nhiều mặt hàng.
Bản tin báo Dân Việt hôm Thứ Năm 16-6-2011 cho biết mấy ngày gần đây, giá thịt heo trên đột ngột tăng mạnh trở lại, vượt qua “đỉnh” hồi tháng 4.2011, do nguồn cung ở các tỉnh phía Bắc thiếu hụt nặng, đặc biệt là do thương lái Trung Quốc đang gom hàng ồ ạt.
Bản tin viết:
“...Theo các thương lái và doanh nghiệp, đang có hiện tượng thương nhân Trung Quốc qua gom heo của Việt Nam, “với số lượng bao nhiêu cũng mua và giá nào cũng mua” – ông Nguyễn Văn Thản - Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Vissan thông tin.”
Đặc biệt, ông nói, “Họ thu gom không chỉ heo thịt mà còn “tận thu” cả heo nái, heo sữa, heo con”....”
Không chỉ thịt heo, TQ cũng thu gom ào ạt nông sản, theo lời báo Sài Gòn Tiếp Thị. Báo này viết:
“Trước sức cầu Trung Quốc quá lớn, nhiều loại nguyên liệu trong nước không chỉ tăng giá mà còn khan hiếm.
Mùa bánh trung thu cận kề, nhiều doanh nghiệp đang chạy đua tìm nguyên liệu sản xuất. Nhu cầu từ Trung Quốc đẩy một số loại nguyên liệu chính như trứng muối tăng giá gần 40%, trứng lạt tăng hơn 30%, đậu xanh tăng 15%, nước cốt dừa tăng gấp đôi so với năm ngoái…
...Mặt hàng thức ăn chăn nuôi, từ đầu năm đến nay tăng giá hơn mười lần, tổng cộng 25%, và sẽ còn tiếp tục tăng thêm vào các tháng tới. Việt Nam vẫn nhập 60 – 70% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, nhưng ít ai biết mỗi năm chúng ta “nhượng” cho Trung Quốc 1,5 – 2 triệu tấn khoai mì lát với giá rẻ. Khoai mì lát sử dụng 20% trong thức ăn chăn nuôi và đây là mặt hàng có lợi thế duy nhất mà Việt Nam tự sản xuất được. Ba tháng trước, ông Chamnan, phó tổng giám đốc công ty C.P nói rằng, nguồn cung khoai mì lát nội địa vốn dồi dào nhưng gần đây trở nên khan hiếm. Kiểm tra nguồn cung cấp ông mới vỡ lẽ có thêm nhiều ông chủ Trung Quốc vào thu gom, đẩy giá lên 6.700 – 7.000 đồng/kg, trong khi cùng thời điểm này năm ngoái có 1.500 – 2.000 đồng. Giá cao mà vẫn khó mua, nên không chỉ C.P mà nhiều doanh nghiệp khác phải tìm đến nguồn lúa mì nhập từ Ấn Độ để thay thế.”
Báo Tuổi Trẻ hôm Thứ Năm cũng nói về nạn “Dăm gỗ, quặng sắt chảy sang Trung Quốc.”
Nghịch lý là, theo báo này:
“Rất nhiều mặt hàng thuộc nhóm quặng, khoáng sản và nguyên liệu thô đang được xuất khẩu ồ ạt, trong đó chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong nước sử dụng các loại nguyên liệu trên lại phải nhập khẩu để phục vụ sản xuất.
Tình trạng “chảy máu” khoáng sản, nguyên liệu thô đang dần dẫn tới nguy cơ cạn kiệt tài nguyên và phải nhập khẩu trong tương lai...”
Như thê thảm là mặt hàng thủy sản.
Đài BBC hôm Thứ Năm 16-6-2011 loan tin rằng, báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn từ một cuộc họp của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết "nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản của Việt Nam đang phải tạm ngưng sản xuất mặt hàng này hoặc hoạt động cầm chừng do không đủ nguyên liệu sản xuất".
"Nguyên nhân do các thương nhân Trung Quốc sang tận nơi mua hải sản mà ngư dân đánh bắt về."
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, được báo này dẫn lời nói từ đầu năm đến nay đã có 147 doanh nghiệp ngưng chế biến và xuất khẩu hải sản để chuyển sang sản xuất các mặt hàng khác.
Bản tin nói: “VASEP nói đang có tình trạng thương nhân Trung Quốc "tranh giành, đón mua" tại các cảng cá hoặc thậm chí ngay tận ngoài biển.
Một lý do khác khiến lượng hải sản đánh bắt được ít đi, là do Trung Quốc đang áp dụng lệnh cấm đánh bắt cho tới tận 01/08 tại các vùng biển mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền, trong có nhiều vùng biển mà Việt Nam cũng nói là của mình...
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc cũng nói trên báo Tuổi Trẻ rằng "nhiều vùng đánh bắt đang có dấu hiệu cạn kiệt nguồn hải sản"...”

0 comments:

Powered By Blogger