50.000 Vũ Khí Bí Mật của Trung Cộng tại Biển Đông
Đang có lối ngoại giao “cần câu”?
Harry J. Kazianis/PBD dịch
Bản tin này nêu chi tiết về chiến lược đa diện của Trung Cộng để cương quyết giành cho được các đòi hỏi hải dương của mình bằng cách cho tàu đến đánh cá tại nhiều vùng đang tranh chấp trong Biển Đông—không phải áp dụng phương pháp “ngoại giao bằng roi” mà là bằng cách chúng ta có thể gọi là “ngoại giao cần câu.” Không có gì cho thấy được “chủ quyền” hơn là làm những việc thông thường mà một nước vẫn làm trong lãnh thổ của mình, chẳng hạn như chỉ việc đi đánh cá. Chiến lược của Trung Cộng xét ra thì có tài tình phần nào, nhưng cũng dễ đưa đến các cuộc đối đầu vũ lực có thể xảy ra với các quốc gia láng giềng của họ ở Biển Đông trong tương lai không xa. Dĩ nhiên, ngoài chiến thuật này ra thì Trung Cộng còn phát hành bản đồ vẽ chín hoặc mười đoạn cắt quãng xung quanh khu vực này và tuyên bố là thuộc hẳn chủ quyền của họ, đưa các giàn khoan dầu đến gần bờ biển của những nước khác cũng đang tranh chấp chủ quyền với họ, cũng như thành lập một lực lượng quân sự hùng hậu cùng với khả năng chống đến gần/ngăn xâm nhập (A2/AD) để một đối thủ hùng mạnh hơn nhiều phải e ngại mà không dám can thiệp vào vùng này nếu xảy ra khủng hoảng.
Theo bản tin này:
Trên Đảo Hải Nam ở miền nam Trung Cộng, thuyền trưởng của một tàu đánh cá đưa phóng viên của Reuters đi xem chiếc tàu đánh cá cũ kỹ của ông ta. Tuy nhiên, ông ta có một bộ phận kỹ thuật cao: đó là hệ thống hải hành nối với vệ tinh để ông ta liên lạc trực tiếp với lực lượng tuần duyên của Trung Cộng nếu gặp thời tiết xấu hoặc gặp tàu tuần của Phi Luật Tân hoặc Việt Nam khi đang đánh cá tại vùng Biển Đông đang tranh chấp.
Theo giới truyền thông báo chí chính thức thì vào cuối năm ngoái, hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu do Trung Cộng phát triển đã được lắp trên hơn 50.000 tàu đánh cá của nước này. Trên Đảo Hải Nam, cửa ngõ của Trung Cộng hướng ra Biển đông, các thuyền trưởng tàu đánh cá chỉ trả tối đa là 10 phần trăm giá bán hệ thống này. Chính quyền tài trợ phần còn lại.
Chuyện này thật đáng lưu ý vì ngư dân nước này không những đã được chính quyền ra mặt cho phép và yểm trợ đánh cá tại các vùng biển tranh chấp, mà họ còn có một đường dây liên lạc trực tiếp với Bắc Kinh để kêu cứu nếu gặp phải rắc rối và chỉ phải trả một giá rất rẻ cho kỹ thuật này. Thật vậy, theo một bài khác của tờ Quartz thì Trung Cộng có 695.555 tàu đánh cá, và tuy rõ ràng không phải tất cả số tàu này sẽ ra các vùng biển tranh chấp nhưng có thể thấy được là trong tương lai không xa sẽ có thêm các tàu đánh cá này vào các vùng biển đó.
Bài này nói tiếp:
Đây là dấu hiệu cho thấy Trung Cộng càng ngày càng trợ cấp tài chánh nhiều hơn cho ngư dân của họ để các tàu đánh cá này tiến sâu hơn vào các vùng biển Đông Nam Á tìm các ngư trường mới vì không còn nhiều cá gần biển nhà nữa.
Viên thuyền trưởng này và nhiều ngư dân khác cho Reuters biết trong những cuộc phỏng vấn tại cảng Khai Thủy hiu hắt là nhà cầm quyền Hải Nam khuyến khích ngư dân vào những vùng biển tranh chấp. Họ nói rằng chính quyền tài trợ nhiên liệu để có thể đi xa như vậy.
Chiến lược này đã đưa tàu đánh cá của Trung Cộng – từ tàu của tư nhân cho đến các tàu đánh cá thương mại lớn của các công ty có cổ phần mua bán trên thị trường chứng khoán – ra tiền tuyến của một trong những điểm dễ bùng nổ tại Á Châu.
Cũng đáng để ý đến chuyện lượng cá càng ngày càng hiếm đi. Tuy các vấn đề như chủ nghĩa quốc gia, các tuyến đường biển chuyên chở hàng ngàn tỷ Mỹ kim hàng hóa, cũng như vấn đề dầu khí thường được cho là gây ra căng thẳng, nhiều khi lượng cá quý giá bị lãng quên nhưng lại rõ ràng đã thúc đẩy Trung Cộng cũng như các quốc gia khác giành chủ quyền lãnh thổ lãnh hải. Bài viết này có đề cập đến một cuộc nghiên cứu của Cơ Quan Hải Dương Quốc Gia của Trung Cộng nói rằng lượng cá quanh bờ biển Trung Cộng đang suy sụp.
Những chuyện này không có gì ngạc nhiên đối với những ai vẫn theo dõi các biến chuyển mới nhất trong quyển sách Asia’s Cauldron (4). Trong nhiều năm qua, Trung Cộng đã sử dụng nhiều phương tiện không phải hải quân và quân sự để đòi chủ quyền tại những vùng tranh chấp. Nhưng điểm đáng chú ý trong bản tin trên đây là mức độ Trung Cộng ra mặt yểm trợ thẳng thừng cho kỹ nghệ đánh cá của họ thay mặt chính quyền đi giành chủ quyền, và có thể giành đến tận nơi đâu:
Nhiều ngư dân trên các tàu khác nhau nói rằng nhà cầm quyền Hải Nam khuyến khích họ đi xuống phía nam khoảng 1.100 cây số đến tận Trường Sa để đánh cá.
Viên thuyền trưởng này nói rằng tàu ông ta sẽ xuống đó ngay sau khi sửa chữa tàu xong.
Ông này nói: “Tôi đã xuống đó nhiều lần,” và cũng như các ngư dân khác, ông ta không muốn cho biết danh tính vì sợ có các hậu quả không hay vì đã nói chuyện với một phóng viên ngoại quốc về các vấn đề hải dương tế nhị.
Một ngư dân khác, đang nằm vắt vẻo trên võng trên một chiếc tàu đầy vỏ sò thật lớn từ Trường Sa, nói rằng các thuyền trưởng tàu đánh cá được tài trợ nhiên liệu cho mỗi chuyến đi. Ông ta cho biết với máy tàu 500 mã lực, một thuyền trưởng có thể được tài trợ 2,000-3,000 đồng Nguyên ($320-$480) mỗi ngày.
Ngư dân này nói: “Chính quyền chỉ định nơi đánh cá cho chúng tôi và họ tài trợ nhiên liệu tùy theo cỡ máy tàu”.
Một thuyền trưởng khác có vẻ dày dạn sương gió nói tiếp: “Nhà cầm quyền yểm trợ việc đánh cá ở Biển Đông để bảo vệ chủ quyền của Trung Cộng.”
Liệu lối ngoại giao “cần câu” của Trung Cộng có chiếm được Biển Đông hay không? Có lẽ rồi chúng ta sẽ biết câu trả lời.
Source: http://nationalinterest.org/feature/china%E2%80%99s-50000-secret-weapons-the-south-china-sea-10973
___________________________________
(1) Có nghĩa là gặm nhấm từ từ, lấn dần cho đến khi chiếm hết.
(2) Đọc tin này ở đây:http://www.reuters.com/article/2014/07/28/us-southchinasea-china-fishing-insight-idUSKBN0FW0QP20140728
(3) Đọc bài này ở đây: http://qz.com/241201/china-is-using-its-immense-commercial-fishing-fleet-as-a-surrogate-navy/
(4) Asia’s Cauldron, tác giả: Robert D. Kaplan
0 comments:
Post a Comment