Niềm
tin là một giá trị vô hình, nhưng lại hiện hữu trong con người như một
bản năng định sẵn. Tuy vô hình, nhưng niềm tin được tạo nên bằng những
hành động và giá trị vật chất hữu hình, nó có vai trò không thể thiếu
trong cuộc sống của chúng ta. Do vậy mà niềm tin quan trọng lắm, thiêng
liêng và đáng kính nữa. Vì rằng nó được tạo ra bằng lòng chân thành và
những nỗ lực tốt đẹp không mệt mỏi. Để có được điều đó không dễ dàng
chút nào, phải trả giá bằng trí tuệ, máu và nước mắt của con người. Niềm
tin được chứng thực và thử thách qua thời gian, vì thời gian là công lý
vĩnh hằng nhất. Bởi vậy mà người ta không thể được đánh mất niềm tin,
mà ngày càng phải nỗ lực vun đắp cho nó. Một khi niềm tin đã bị đánh mất thì không bao giờ có thể lấy lại được, mất niềm tin là mất tất cả.
Một xã hội mà niềm tin nơi con người đã bị đánh mất thì thử hỏi sẽ
như thế nào? Quả thực đó là một bi kịch lớn không thể cứu vãn, người ta
sẽ sống trong sự nghi kỵ và day dứt triền miên. Người dân không tin ở
nhà nước và dối trá lẫn nhau, và rồi không còn tin cả chính bản thân
mình nữa. Dân tộc chúng ta lâm vào tình cảnh thê thảm đó là do đâu?
Nguyên nhân nào đã đưa xã hội Việt Nam đến bên bờ vực thẳm của sự khủng
hoảng niềm tin này? Xin thưa rằng, đó không phải là ai khác ngoài Đảng
Cộng Sản “vĩ đại và quang vinh”. Sau mấy chục năm dưới chế độ Cộng Sản,
người dân Việt Nam trở nên nghi ngờ đố kỵ lẫn nhau, luôn có tư tưởng
định kiến và thù hằn thường trực.
Chuyện rằng, một vị cán bộ Cộng sản đi công tác ở Đức Quốc. Nước Đức
lúc này đã thống nhất sau mấy chục năm chia cách đông – tây bởi chế độ
độc tài Cộng Sản cuồng tín. Tại một nhà chờ xe buýt, vị cán bộ nọ thấy
có một chiếc cặp không có chủ nhân. Vì nhiễm cái thói văn minh của dân
sở tại, cũng muốn chứng tỏ mình là người tốt nên ông ta mang cái cặp đến
đồn cảnh sát trình báo để họ tìm trả lại chủ nhân đã đánh mất. Nhưng
trái với suy nghĩ của anh ta, mấy người cảnh sát lại mang chiếc cặp để
lại chỗ cũ. Nghĩ là những người cảnh sát không hiểu ý mình, vị cán bộ nọ
lại mang chiếc cặp đến đồn cảnh sát giao nạp lần nữa. Nhưng vẫn như
trước, lần này những người cảnh sát lại mang chiếc cặp trả về chỗ cũ với
vẻ mặt bình thản. Bứt rứt vì không thể hiểu nổi cách hành xử của họ,
anh ta quyết định nấp vào một chỗ gần đó để chờ mà tìm hiểu nguyên nhân.
Mấy phút sau, một người phụ nữ đi qua và nhận lấy chiếc cặp mang đi.
Nhìn vẻ mặt tự nhiên của người phụ nữ, anh hiểu bà ta là chủ nhân của
chiếc cặp. Vừa ngạc nhiên, vừa ngượng ngùng, anh ta nghĩ thầm: “Thì
ra ở đây đồ vật ai bỏ quên thì cứ để nguyên chỗ cũ, đến lúc chủ nhân nhớ
ra thì đến lấy. Cũng có nghĩa là ở đây không có nạn trộm cắp”.
Rồi anh ta lầm lũi bước đi, dấu mặt vào cổ áo bành tô, cứ sợ người ta
nhận ra mình là người Việt Nam. Vì đất nước Việt Nam Cộng Sản, nơi anh
ta sinh ra, đã dạy cho anh những thói quen nghi ngờ và dối trá người
khác. Niềm tin vào đồng loại đã bị khủng hoảng đến độ không còn ai tin
tưởng được ai. Một đất nước vô pháp luật, dối trá lan tràn, trộm cướp
như rươi. Vừa xấu hổ, vừa buồn cười, anh ta lại nghĩ thầm: “Thực là
chỉ muốn chui xuống đất cho khỏi ngượng, thì ra mình đã suy bụng ta ra
bụng người, cứ nghĩ ở đây cũng giống như ở nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam mình”. Và anh cứ thở dài thườn thượt, không biết bao
giờ đất nước Việt Nam mới được văn minh như đất nước người ta, dù chỉ
trong cách suy nghĩ và hành xử.
Quả thực, niềm tin một khi đã mất đi thì khó mà lấy lại được. Sau mấy
chục năm cầm quyền, đảng Cộng Sản đã tạo cho người dân thói quen nghi
kỵ và dối gian. Lối hành xử đó đã ăn sâu vào bao thế hệ, trong cả cách
suy nghĩ của con người. Vì thế không dễ gì một sớm một chiều mà thay đổi
ngay được. Mới hay, môi trường sống tạo nên con người, xã hội tốt thì
con người tốt, xã hội xấu thì con người xấu vậy.
Truyện xưa kể rằng, khi Thừa tướng nước Tề là Án Anh đi sứ nước Sở,
Sở Vương muốn làm mất mặt nước Tề nên đã bày trò để hạ nhục. Một lần, Sở
Vương đang tiếp Án Anh thì có mấy tên lính dắt một tù binh đi ngang
qua. Sở Vương liền kêu lại hỏi người kia người nước nào, bị tội gì? Một
tên lính đáp:
- Tâu bệ hạ, tên này nguyên là người nước Tề, bị bắt vì tội ăn trộm ngựa.
Sở Vương liền quay sang hỏi Án Anh:
- Người nước Tề hay trộm cắp vậy sao?
Án Anh ung dung đáp:
- Cây quýt trồng ở phương Bắc thì thường cho quả ngọt, trái sai,
nhưng khi đem trồng ở phương Nam thì quả đã chua, lại còn ít nữa. Tại
sao thế? Đó là do phong thổ vậy. Người nước Tề pháp kỷ nghiêm minh, xưa
nay vốn không trộm cắp, nhưng khi sang làm dân nước Sở lại sinh tật xấu.
Tại sao thế? Âu cũng là do phong thổ vậy.
Có lẽ chúng ta không phải bình luận gì thêm nữa, vì những câu chuyện
trên đã sâu sắc quá rồi. Nhưng mọi người hãy tin tưởng vào chân lý rằng:
Một chế độ xã hội được được tạo nên bằng sự dối trá thì sự thật sẽ tiêu diệt nó để lấy lại niềm tin đã bị đánh mất.
Minh Văn
0 comments:
Post a Comment