Tuesday, July 9, 2013

Nhật Bản công khai lên án hành vi nguy hiểm của Trung Quốc

Tàu hải giám Trung Quốc số 66 (G) bị tàu tuần duyên Nhật Bản chặn đường xâm nhập vào lãnh hải quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, 24/09/2012
Tàu hải giám Trung Quốc số 66 (G) bị tàu tuần duyên Nhật Bản chặn đường xâm nhập vào lãnh hải quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, 24/09/2012
REUTERS
Ngày 09/07/2013, Tokyo một lần nữa lên tiếng tố cáo các hành vi bị coi là « nguy hiểm » của Bắc Kinh ngoài Biển Hoa Đông. Trong quyển Sách trắng quốc phòng thường niên, chính quyền Nhật Bản ghi nhận rằng « Trung Quốc đã có những hành động uy hiếp đã dẫn đến những hành vi nguy hiểm », có nguy cơ tạo nên sự cố tại vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư dưới quyền kiểm soát của Tokyo nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền.
Tài liệu dày 450 trang đặc biệt nêu lên các hoạt động của Trung Quốc như « xâm nhập lãnh hải Nhật Bản, vi phạm không phận Nhật Bản và cả những hành động nguy hiểm có thể gây ra sự cố với hậu quả khôn lường. »
Tokyo đã đề cập đến trường hợp xảy ra vào cuối tháng Giêng, khi một chiến hạm Trung Quốc đã « khóa » radar điều khiển đường bắn trên một chiến hạm Nhật Bản ngoài khơi quần đảo Senkaku. Hành động chốt radar được cho là bước chuẩn bị cho hành động tấn công thực thụ.
Sách trắng Nhật Bản nói rõ : « Các hành vi đó (của Trung Quốc) rất đáng tiếc, Trung Quốc phải chấp nhận và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế ».
Bắc Kinh luôn luôn phủ nhận cáo buộc trên đây của Tokyo, và tố cáo ngược lại rằng Nhật Bản đã phóng đại « cái gọi là mối đe dọa Trung Quốc » để « bôi nhọ hình ảnh của Trung Quốc » trong dư luận quốc tế.
Đây là lần đầu tiên Nhật Bản công bố Sách trắng về quốc phòng kể từ tháng 9/2012, khi chính quyền Nhật Bản đã quốc hữu hóa ba trong số năm hòn đảo thuộc nhóm đảo Senkaku bằng cách mua lại từ chủ sở hữu tư nhân. Hành động của chính quyền Tokyo khi ấy đã làm dấy lên các cuộc biểu tình chống Nhật, đôi khi rất dữ dội, tại nhiều thành phố của Trung Quốc.
Đây cũng là quyển sách trắng quốc phòng đầu tiên được công bố từ khi ông Shinzo Abe, một nhân vật nổi tiếng là dân tộc chủ nghĩa lên làm Thủ tướng vào tháng 12/2012.
Chỉ ít lâu sau khi nhậm chức, ông Abe đã nói rõ là ông sẽ không ngần ngại sử dụng vũ lực nếu Trung Quốc đổ bộ lên quần đảo Senkaku, cách bờ biển phía đông Đài Loan 200 km, và cách đảo Okinawa của Nhật Bản 400 km về phía tây. Ngoài vị trí chiến lược, đáy biển trong khu vực quần đảo này được cho có tài nguyên dầu khí dồi dào.
Phải nói là nguy cơ xung đột đã lộ rõ tại khu vực Senkaku/Điếu Ngư, với việc Bắc Kinh liên tục cho tàu lượn ra, lượn vào bên trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo, khiêu khích lực lượng Tuần duyên Nhật Bản được trang bị hiện đại luôn tuần tra trong khu vực.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản hiện đang tăng cường các biện pháp đẩy mạnh phối hợp giữa quân đội Nhật với lực lượng cảnh sát biển trong công tác tuần tra các vùng biển của Nhật Bản, sử dụng đến cả phi cơ và các loại phương tiện khác.
Cho đến tháng 3/2013, chiến đấu cơ Nhật Bản đã thực hiện 300 phi vụ đã sẵn sàng đối phó với các máy bay Trung Quốc áp sát không phận Nhật Bản.
Sách trắng quốc phòng được Tokyo loan báo hôm nay còn nhấn mạnh đến nhu cầu siết chặt liên minh quân sự với Washington để đối phó với các động thái ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh.
Ngoài Hoa Kỳ, chính quyền Abe còn đẩy mạnh tiến trình xích lại gần Đông Nam Á, trợ giúp phương tiện cho các nước nào cần, để hạn chế đà bành trướng của Trung Quốc. Thủ tướng Abe đã hai lần công du các nước Đông Nam Á. Trong tháng này, có thể sẽ thực hiện chuyến đi thăm thứ ba, đặc biệt là ghé Philippines, nước đi đầu trong việc phản đối các hành vi lấn lướt của Trung Quốc.

0 comments:

Powered By Blogger