Đùa chơi với tảo tại bãi biển Thanh Đảo – Sơn Đông hôm 03/07/2013.
REUTERS/Stringer
Hàng năm, các bãi biển của khu vực với hơn 8 triệu dân này bị tảo xanh tấn công. Cơ quan quản lý các vấn đề đại dương cho biết, tính từ lúc họ bắt đầu theo dõi tình hình tảo xanh lấn biển từ năm 2007 cho đến tháng 7/2013, đây là lần đầu tiên, lượng tảo trải dài kỷ lục, gần 28 900 km2. « Thủy triều bèo » đang là tiêu đề nóng bỏng trên các nhật báo Trung Quốc. Nếu tin theo các cơ quan chức năng, hiện tượng này không có chút nguy hiểm gì cho người bơi lội tại đây. Tuy nhiên, nó gây ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế, vì rất nhiều chặng du lịch hay kỳ nghỉ ở đây bị hủy hoặc rút ngắn lại.
Hơn nữa, tảo xanh cũng gây ảnh hưởng xấu tới môi trường. Một giáo sư sinh học người Canada hiện đang cộng tác với nhóm nghiên cứu địa phương giải thích cho phóng viên báo Le Monde : « Năm 2008, khoảng gần 2 triệu tấn tảo tràn ra biển. Quá trình phân hủy của nó ngốn rất nhiều khí oxy và làm nghẹt lớp trầm tích, nơi sinh sống của các loại côn trùng ».
Để ngăn chặn hậu quả do tảo gây ra, Trung Quốc cần có thông tin chắc chắn về nguồn gốc của nó. Song, cho tới nay, ý kiến về vấn đề này rất trái ngược nhau. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, hiện tượng nói trên liên quan tới việc nuôi trồng tảo Porphyra (được biết dưới tên tảo nori), dùng trong việc chế biến maki của Nhật Bản. Để tăng năng suất, các nhà nuôi trồng sử dụng các chất dinh dưỡng và các chất này làm nảy sinh tảo Ulva prolifera, chính là loại tảo xanh nêu trên.
Một số ý kiến khác cho hiện tượng này có liên quan tới việc nuôi tôm nước ngọt đang thu hút số lượng lớn người tiêu dùng Trung Quốc. Các nhà sản xuất sử dụng một lượng lớn cám bột thịt lên men, có thể lên tới 50 000 tấn, để cho tôm ăn trong giai đoạn trưởng thành, từ tháng 3 tới tháng 5 hàng năm. Nhờ các thành phần trên, tảo xanh phát triển mạnh và đổ ra biển. Ngoài ra, cũng phải kể tới lượng phân bón do nông dân địa phương sử dụng.
Điều quan trọng nhất phải làm hiện nay là kiểm soát lượng chất thải do nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp. Nhưng, quá trình tiến hành có vẻ phức tạp về mặt chính trị, vì nguồn gốc của hiện tượng xảy ra ở tỉnh Giang Tô nhưng hậu quả đã được ghi nhận ở cả tỉnh Sơn Đông lân cận.
Báo Le Monde cũng thông tin thêm sông Hợp Giang (tại tỉnh Quảng Tây) cũng bị ô nhiễm do chất cadmi, cao gấp 5,6 lần mức cho phép và trải dài trên khoảng 100 km. Cơ quan chức năng ở đây bị nhân dân chỉ trích gay gắt vì đã không thông báo cho họ biết mức độ nguy hiểm. Nhà nước đã đóng cửa 112 mỏ khai thác mangan, đất hiếm và vonfam bất hợp pháp tại đây vì đã thải kim loại nặng ra sông suối. Với lượng mưa lớn, các chất thải đó đã làm nguồn nước bị ô nhiễm nặng.
Các nhà đầu tư phương Tây cưng nựng khách hàng Trung Quốc
Cũng tại Trung Quốc, chuyên mục « Kinh tế » của các nhật báo Le Monde và Le Figaro đề cập tới chiến lược phát triển của các nhà đầu tư phương Tây tại thị trường đông dân nhất thế giới này, dưới tiêu đề : “Các nhà đầu tư phương Tây cưng nựng khách hàng Trung Quốc”.
Từ Vũ Hán và Thượng Hải, đặc phái viên báo Le Monde cho biết khách hàng Trung Quốc được các nhà sản xuất ô tô nâng niu như những thượng đế. Khoảng 70% khách hàng là những người lần đầu tiên mua xe, vì thế phải chăm sóc họ, và tạo cảm giác hài lòng ngay lần mua đầu tiên. Phóng viên cho biết thêm về thói quen mua của người Trung Quốc, ví dụ người miền Trung thích mua bằng tiền mặt, còn người miền Nam, nơi thị trường phát triển hơn, thì thích mua theo kiểu tín dụng. Với thủ tục hành chính « một cửa », khách hàng có thể thanh toán, mua bảo hiểm và đăng kí xe trong vòng một ngày.
Dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng ô tô cũng rất được chú trọng. Khách hàng được đón tiếp tại một phòng lớn và có thể được cấp phiếu ăn nếu quá trình sửa chữa diễn ra quá lâu. Thậm chí, một số nhà phân phối còn sẵn sàng tặng khách hàng của mình dịch vụ mát-xa miễn phí. Một số nhà phân phối xe thương hiệu lớn khác, như Audi, để nâng tầm quan trọng của khách, dành cho họ chỗ đậu xe riêng tại các sân bay. Về dịch vụ chăm sóc khách hàng tại đây, đứng đầu là nhà sản xuất Audi, tiếp theo là Nissan. Hai nhà sản xuất Pháp, Citroën đứng thứ 3, và Peugeot đứng thứ 5.
Sau các nhà sản xuất ô tô, hay sữa Danone chinh phục thị trường tiềm năng nhất thế giới này, chuyên mục « Kinh tế » của các báo Le Figaro và Les Echos cho biết ngân hàng BNP Paribas của Pháp bắt đầu chinh phục thị trường bảo hiểm nhân thọ tại đây. Với 24,3 tỉ euros doanh thu, trong đó hơn 56% doanh thu là từ nước ngoài, chi nhánh bảo hiểm của ngân hàng BNP Paribas Cardif đã mua lại thị phần của ngân hàng Hà Lan, ING (chiếm 50%), trong công ty liên doanh với Ngân hàng Bắc Kinh, được thành lập năm 2002 và có hơn 10 triệu khách hàng trên toàn quốc.
Các nhà sản xuất điện Nhật Bản nhắm tới việc phục hồi điện hạt nhân
Mặc dù hơn một nửa dân số Nhật Bản không đồng tình với việc phát triển điện hạt nhân, mà gần đây nhất là sự phản đối của người dân tỉnh Niigata, chính phủ Nhật Bản vẫn tìm mọi cách chinh phục lòng tin của dân vào ngành năng lượng này. Chuyên trang « Kinh tế » của nhật báo Le Monde quan tâm đến đề tài đó qua bài viết đề tựa “Các nhà sản xuất điện NHật Bản nhắm tới việc phục hồi điện hạt nhân“.
Ngày 08/07, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một loạt các tiêu chuẩn mới về an toàn sản xuất nguyên tử và điện hạt nhân. Bản tiêu chuẩn này được Cơ quan quản lý hạt nhân soạn, tập trung vào các vấn đề : tăng cường các biện pháp chống động đất và bảo vệ chống sóng thần ; các biện pháp chống mọi nguy cơ ngừng quá trình làm lạnh của các lò phản ứng ; hay bảo vệ trung tâm của các lò phản ứng khỏi các hiểm họa khủng bố hay nổ máy bay.
Ngành năng lượng nguyên tử cung cấp 28% điện cho đất nước. Từ sau thảm họa Fukushima, hiện nay chỉ có hai lò phản ứng hoạt động trở lại. Việc khởi động 48 lò còn lại sẽ được Cơ quan quản lý hạt nhân giám sát, song phải được các địa phương và chính phủ đồng ý. Chính phủ đã công bố ủng hộ việc tái khởi động các lò phản ứng.
70 thương hiệu may mặc châu Âu hướng về Bangladesh
Sau vụ sập khu xưởng may mặc ở ngoại ô Dacca (Bangladesh) tháng tư vừa qua, các thương hiệu may mặc thế giới, chủ yếu là châu Âu, đang nỗ lực để các nhà thầu địa phương tôn trọng các tiêu chuẩn an toàn lao động. Phóng viên báo Les Echos thông tin về vấn đề này trong bài : «70 thương hiệu may mặc châu Âu hướng về Bangladesh ».
Để cải thiện điều kiện và an toàn lao động, Bangladesh đã chấp thuận đề xuất của Liên hiệp châu Âu yêu cầu đảm bảo các quyền nghiệp đoàn và tăng số lượng thanh tra lao động thêm 200 người từ nay tới cuối năm để đạt tới tổng số là 800 thanh tra. Trong khi đó, phần lớn các chuỗi sản xuất đồ may mặc của Mỹ lại tránh xa điều khoản này vì cho rằng, như vậy, nghiệp đoàn sẽ có quá nhiều quyền hạn.
Cải thiện tình hình lao động có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế của Bangladesh vì nước này là công xưởng lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. 60% hàng xuất khẩu được xuất sang thị trường châu Âu. Gần 3,6 triệu lao động trong 4 500 nhà máy may mặc, với mức lương trung bình hàng tháng khoảng 38 đô la.
Ai Cập vẫn trên đỉnh điểm căng thẳng
Tình hình chia rẽ nội bộ Ai Cập vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhật báo Pháp. Nhật báo Le Monde cho biết « Trong pháo đài Fayoum, các « Huynh đệ Hồi giáo », nơi 80% dân số ủng hộ cựu tổng thống Morsi, vẫn tin rằng tổng thống vừa bị lật đổ sẽ lấy lại quyền lực. Đồng thời, họ kêu gọi « nổi dậy » sau các cuộc đụng độ đẫm máu tại thủ đô Cairo.
Phóng viên của Le Monde tại Jérusalem thì cho biết « Isarel âm thầm vui mừng trước thất bại của đảng cầm quyền vì cuộc lật đổ tổng thống Morsi làm tiêu tan những tham vọng chính trị của phe « Huynh đệ Hồi giáo » và nó gây ra thất bại nặng nề cho chính phủ Hamas ở dải Gaza. Từ giờ trở đi, Hamas bị cô lập hơn bao giờ hết.
Cũng chia sẻ những thông tin trên, phóng viên của các nhật báo Le Figaro và La Croix từ Cairo cho biết : « Ai Cập chìm trong bạo loạn » và « Tại Ai Cập, « Huynh đệ Hồi giáo » kêu gọi nổi dậy » để phản đối cuộc đàn áp đẫm máu của cảnh sát với lý do tấn công vào một nhóm khủng bố, khiến hơn 50 người chết. Họ tuyên bố tiếp tục xuống đường dù có phải thực hiện lễ ramadan ngoài phố cho tới khi tổng thống của mình quay lại. Giáo sĩ Al-Azhar quyết định đứng ngoài mọi chuyện cho tới khi bạo động kết thúc.
Nhật báo kinh tế Les Echos cũng không bỏ qua thông tin này và nhận định : « Những người Hồi giáo Ai Cập bị đẩy tới cực đoan hóa ». Phóng viên tờ báo cho hay tổng thống lâm thời Adly Mansour sẽ rất vất vả để thành lập được chính phủ lâm thời trong khi chờ tiến hành bầu cử vào trước năm 2014. Trong khi đó, Qatar, nhà hỗ trợ tài chính quan trọng nhất từ khi phe « Huynh đệ Hồi giáo » lên cầm quyền, bắt đầu tỏ ra lo lắng trước các vụ đụng độ chết người vừa qua và lên tiếng kêu gọi hai bên kiềm chế và ngồi vào bàn đàm phán.
Ngoài thông tin chung về cuộc đụng độ, nhật báo Libération còn bổ sung thêm « Giữa hai phe, hố ngăn cách ngày càng sâu ». Phía quân đội khẳng định sẽ không cho phép một ai đe dọa an ninh quốc gia. Trong khi đó, những người ủng hộ cựu tổng thống Morsi kiên quyết không lùi bước, sẵn sàng tử vì đạo.
Cuối cùng, nhật báo L’Humanité lo lắng « Thời gian càng trôi, chia rẽ càng bị đào sâu ». Tờ báo nhận xét quân đội đang đùa với lửa. Tổng thống lâm thời Ai Cập quyết định mở một cuộc điều tra về vụ tàn sát này.
Đàm phán tự do trao đổi mậu dịch Mỹ-Liên hiệp châu Âu
Một chủ đề khác được các nhật báo Pháp quan tâm ngày hôm nay là cuộc đàm phán tự do trao đổi mậu dịch giữa Mỹ và Liên hiệp châu Âu đang diễn ra tại Washington. Với tiêu đề « Châu Âu và Mỹ, những xích mích giữa đồng minh », báo Le Monde đưa tin cuộc thương lượng đang diễn ra tại Washington trong sự căng thẳng của vụ xì căng đan nghe lén thông tin. Các chủ đề mâu thuẫn tập trung vào các lĩnh vực văn hóa, nông nghiệp, thị trường công.
Nhật báo La Croix cho rằng « Hoa Kỳ sẽ hưởng lợi nhiều một khi tthỏa thuận tự do trao đổi mậu dịch được thông qua ». Theo một nghiên cứu của Đại học Munich, nếu trường hợp này xảy ra, thu nhập của người dân Mỹ sẽ tăng thêm khoảng 13,4%. Trong khi đó, đối với dân của 28 nước thành viên châu Âu, con số này chỉ đạt 5%. Có lẽ vì thế, một số đại biểu quốc hội châu Âu lên tiếng phản đối cuộc thương lượng này. Trong số báo ra ngày hôm nay, L’Humanité phỏng vấn ba đại biểu trong số họ dưới tiêu đề : « Họ nói không với thị trường xuyên Đại Tây Dương »
0 comments:
Post a Comment