Khi nói đến Việt kiều, hay rõ hơn là
Việt kiều Tây Âu, người ta chỉ thường nghĩ đến chuyện thuyền nhân vượt
biển sang nhiều nhất là Malaysia rồi đến Hồng Kông và các nước đông
nam Á rồi sau một thời gian là đậu phỏng vấn, được tiếp nhận sang nước
thứ ba, hoặc rớt thanh lọc và bị trả về Việt Nam. Tất cả hầu như đều
lãng quên về thân phận của những con người bị mắc kẹt ở lại đó cả chục
năm, đủ để những đứa trẻ kịp sinh ra và lớn lên đến tuổi trưởng thành.
Hàng chục hay hàng trăm người như vậy ở Thái Lan, hàng ngàn người ở
Philippines, và có thể lên đến hàng chục ngàn ở Hồng Kông, như trong các
nghiên cứu mới nhất được trình bày trong tập sách của PGS Chan Yuk Wah
từ ĐH City của Hồng Kông, do NXB Routledge ở London phát hành năm 2011
[1].
Thống kê cho thấy 75% người Việt
ở Hồng Kông là phụ nữ, phần nào là những cô dâu mới cưới sau này để
tìm cuộc sống mới ở nước ngoài, nhưng cũng có nhiều phụ nữ từ trại tị
nạn quyết định nhắm mắt lấy chồng để không bị trả về nước. “Lúc đầu tôi
ngốc đến nỗi không chịu cưới một người Việt Nam lặn lội từ bên Mỹ sang
làm phiên dịch trong trại, quá tự tin rằng với lý lịch tốt sẽ được phép ở
lại Hồng Kông. Nhưng khi thấy các cô bạn trong trại ngày càng ít ít đi
vì bỏ hết ra ngoài lấy chồng thì tôi bắt đầu thấy bất ổn, nhất là đến
năm 1997 thì trại ngày càng vắng, tất cả người quen đều đi hết. Có
người bạn giới thiệu tôi với một người đàn ông, và tôi giả vờ hiểu hết
ông ấy nói gì. Hoàn toàn không biết ông ấy nói gì, tôi trả lời bằng
những câu đã viết ra và học thuộc lòng từ trước…,” một phụ nữ đã kể lại
như vậy với nhóm nghiên cứu. Một người từng sống ở trại Đầu bạc ước tính
“mỗi trại có khoảng 1.000 phụ nữ trong tình trạng có thể kết hôn”. Nhóm
nghiên cứu nhận thấy mô hình thuyền nhân tị nạn dần được thay thế bằng
công thức xuất cảnh bằng kết hôn mà các phụ nữ Việt Nam thuộc nhóm khởi
đầu, sẵn sàng cưới những người đàn ông nhiều tuổi hơn mình nhiều, thành
phần lao động trong xã hội, để có được quốc tịch và tiếp tục giới
thiệu thêm các đám tương tự cho bà con họ hàng ở Việt Nam. Giấc mơ “đổi
đời” của thuyền nhân được tiếp nối với các cô dâu Việt Nam.
Một thống kê ghi nhận trong số
45.000 thuyền nhân ở Hồng Kông năm 1990 có 35% là trẻ em. Ra ngoài thì
bị miệt thị với cái tên Yuht Naahm Jai, bên trong trại thì đầy cạm bẫy
ma túy và băng đảng, các em phải tự tìm cách tồn tại và trưởng thành,
tạo dựng nhân cách và bản sắc từ tất cả những gì có được. Có em nhìn
cuộc đời trong tù lạc quan đến nỗi người thầy của em Ocean Chan phải bật
khóc: “Thầy đừng lo cho em, trong tù em có bạn, cũng không khác gì hồi
sống trong trại cấm, mà lại có thể chọn việc để làm, hút bụi, giặt đồ
hay nấu ăn. Có cả hệ thống giáo dục theo tiêu chuẩn Hồng Kông cùng
giảng viên Hồng Kông… Trong tù có đủ mọi tiện nghi cuộc sống như cho
người bình thường, có thể thi tốt nghiệp, và không có ma túy”. Hồi các
em còn sống trên trại đảo Tai Ah Chau, cuộc sống có thể coi là thiên
đường vì có thể chạy đi bơi lội kiếm cá dưới biển và trèo cây tìm quả
dại trên bờ, và có lần thậm chí còn bắt được và làm thịt một con trâu đi
lạc. Thế nhưng chưa có ai thực sự nghiên cứu xem các em hiện giờ ở độ
tuổi trưởng thành bị di chứng tâm lý như thế nào khi phải lớn lên trong
một khu trại kín mà như Erving Goffman từng mô tả là nơi giam những
người điên như vậy.
Và
vẫn còn đó câu hỏi về mâu thuẫn giữa những người Việt và người Việt gốc
Hoa trong trại, sau những trận nổi loạn kinh hoàng, phụ nữ gốc Hoa bị
hãm hiếp, người gốc Hoa bị tra tấn tìm vàng, để lại cảm giác sợ hãi
vĩnh viễn trong những con người hết bị chính quyền Việt Nam xua đuổi
lại đến những người đồng hương Việt Nam làm hại. Có thể thấy nghiên cứu
của nhóm PGS Chan Yuk Wah mới chỉ là điểm khởi đầu để những người Việt
chúng ta tiếp tục tự vấn bản thân.
0 comments:
Post a Comment