Wednesday, May 23, 2012

Giành Chống Tham Nhũng

 
Một số diễn biến mới đây, cho thấy chế độ Hà Nội vẫn tuyên bố kiên trung với cái gọi là “chủ nghĩa xã hội” trong khi như dường đang có tranh chấp trong một số chức vụ có nhiều quyền lực nội bộ.
Cụ thể, mới hồi cuối tháng 4/2012, ông Nguyễn Tấn Dũng, trong cương vị Thủ Tướng kiêm chức Trưởng Ban Chỉ Đạo Trung Ương Về Phòng Chống Tham Nhũng mở hội nghị đánh giá công tác phòng chống tham nhũng. Kết thúc hội nghị, ông Dũng công bố kế hoạch Chiến Lược Quốc Gia Phòng Chống Tham Nhũng cho tới năm 2020. Nghĩa là ông vẽ ra kế hoạch chống tham nhũng cho tới 8 năm nữa.
Đùng một cái, qua gần 3 tuần sau, ông Nguyễn Tấn Dũng bị lột chức Trưởng Ban Chỉ Đạo Trung Ương Về Phòng Chống Tham Nhũng. Ai dám lột chức béo bở này của ông Dũng? Hội nghị Trung ương 5 đã trao chức trùm chống tham nhũng về cho ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại sao như thế? Có phải vì Hội nghị Trung ương thấy rõ ông Dũng dắt dìu đàn con vào nắm quá nhiều vai trò đầy quyền lực và lợi ích kinh tế, nghĩa là móc nối những đường dây tham nhũng chằng chịt, và nói là chống tham nhũng nhưng thực sự chỉ là bảo vệ tham nhũng?
Hay phải chăng, ông Nguyễn Phú Trọng thuộc một phe khác đang trổi dậy và muốn ghìm chặt các chuyển biến theo hướng bảo thủ hơn? Đặc biệt, bản văn trong Hội nghị loan báo trên thông tấn TTXVN ngày 16/5/2012 lộ rõ ngôn ngữ nghiêm khắc chỉ trích Nguyễn Tấn Dũng, cho thấy có sự tranh chấp nội bộ trong Đảng CSVN.
Thêm một chi tiết để quan sát nữa: Ban Nội Chính Đảng bị xóa sổ từ năm 2007, bây giờ chính thức cho thành lập trở lại, và mang thêm trách nhiệm phòng chống tham nhũng.
Có phải phe ông Nguyễn Tấn Dũng đang bị lấy bớt quyền lực? Có vẻ là như thế.
Bản tin trên Cổng thông tin điện tử Chính Phủ nhan đề “Phòng, chống tham nhũng phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả,” được đăng lại trên báo Thanh Niên ngày 25/4/2012 ghi nhận, trích:
“Sáng 25/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó trưởng Ban Chỉ đạo đồng chủ trì Phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo nhằm đánh giá kết quả công tác phòng, chống tham nhũng quý I; phương hướng, nhiệm vụ quý II năm 2012 và thảo luận những nội dung công việc liên quan trong đó có nội dung về mô hình tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo…
Liên quan đến mô hình tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo bày tỏ nhất trí với đề xuất về việc việc giữ nguyên mô hình tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo như hiện nay cũng như việc bổ sung một số chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và bổ sung một số thành viên kiêm nhiệm của Ban Chỉ đạo và chuyển Văn phòng Ban Chỉ đạo thành cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, tăng thẩm quyền cho cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo…
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thời gian qua các giải pháp đề ra trên cả 2 mặt là phòng và chống tham nhũng đã tiếp tục được triển khai thực hiệu quả và đạt được những kết quả tích cực bước đầu…” (hết trích)
Qua bản tin trích dẫn trên, ông Nguyễn Tấn Dũng tự khen đã phòng chống tham nhũng “kết quả tích cực bước đầu” và “nhất trí với đề xuất… giữ nguyên mô hình tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo như hiện nay…” Nghĩa là, ông Dũng tin rằng, chức vụ Trưởng Ban Chỉ Đạo Trung Ương về Phòng Chống Tham Nhũng của ông là bền vững, không ai bứng nổi.
Vậy mà, 3 tuần sau, ông bị bứng mất chức này. Chức vụ Trưởng Ban Chỉ Đạo Trung Ương về Phòng Chống Tham Nhũng là quyền lực lắm, hét ra đôla, chứ đâu ai giỡn mặt được.
Còn như lời ông Dũng tự khen phòng chống tham nhũng thì một Hội nghị trung ương lập tức vùi dập liền, đã nặng lời lên án “tham nhũng, lãng phí tinh vi, phức tạp hơn,” và nói rằng chính quyền và người đứng đầu chưa quyết tâm và chưa gương mẫu về phòng chống tham nhũng. Nói là “người đứng đầu” thì hoặc là ám chỉ ông Dũng, hoặc là ohe cánh ông Dũng.
Bản tin TTXVN đăng ngày 16/5/2012, tức là 3 tuần sau khi ông Dũng tự khen với cương vị trùm chống tham nhũng, cho thấy cuộc tranh chấp nôị bộ căng thẳng hơn, và ông Nguyễn Phú Trọng đang tước bớt quyền lực của ông Dũng.
Bản tin nhan đề “Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương Đảng lần 5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn!” trích một số đoạn từ báo Thanh Niên như sau:
“Tổng bí thư làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, từ ngày 7 đến ngày 15.5.2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã họp Hội nghị lần 5 để thảo luận, cho ý kiến và ban hành kết luận, nghị quyết về các vấn đề…
Sau 9 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã kết thúc. Phát biểu tại phiên bế mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát lại những kết quả nổi bật của hội nghị…” (hết trích)
Trong bài phát biểu, ông Trọng đã bày tỏ lập trường kiên quyết xã hội chủ nghĩa… Nhưng nơi đây chúng ta chỉ nêu vấn đề lột chức Trưởng Ban Chỉ Đạo Trung Ương Phòng Chống Tham Nhũng. Lời ông Trọng như sau:
“…Sau 9 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trong không khí dân chủ, đổi mới, hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra. Các đồng chí Ủy viên Trung ương và các đồng chí tham dự hội nghị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phát huy trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc vào các đề án, báo cáo, tờ trình. Đã có hơn 750 lượt ý kiến phát biểu ở tổ và hội trường; nhiều đồng chí gửi ý kiến bằng văn bản hoặc sửa trực tiếp vào các dự thảo nghị quyết, kết luận…
3- Về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Hội nghị nhất trí cho rằng, từ khi Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) được ban hành, các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và cả hệ thống chính trị đã chủ động, tích cực vào cuộc. Đã tập trung nhiều công sức xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các cơ chế, chính sách có liên quan; ban hành và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; phê chuẩn tham gia Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng; phê duyệt và chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình hành động thi hành Công ước… Nhờ vậy, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, nhất là trong phòng ngừa, công khai, minh bạch hóa hoạt động của bộ máy nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, quản lý tài sản công; trên một số lĩnh vực, tham nhũng, lãng phí đã từng bước được kiềm chế.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt được yêu cầu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng”. Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trong các lĩnh vực và hoạt động liên quan đến đất đai, khoáng sản; đầu tư công; xây dựng cơ bản; quản lý vốn và tài sản của doanh nghiệp nhà nước; tín dụng, ngân hàng; thu chi ngân sách, mua sắm tài sản công; công tác cán bộ; quan hệ giữa cơ quan, cán bộ nhà nước với người dân, doanh nghiệp…
Những hạn chế, yếu kém nêu trên có những nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân cơ bản là: Một số cấp ủy Đảng, chính quyền và người đứng đầu chưa quyết tâm lãnh đạo và gương mẫu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; những bất cập về thể chế, nhất là trong việc ban hành, thực thi luật pháp, cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế – xã hội; trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập, thiếu công khai, minh bạch và nhất quán; vẫn còn tình trạng “xin – cho”. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm…
… Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị; lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa thực hiện chức năng một ban đảng, đồng thời là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Quyết định này một lần nữa thể hiện quyết tâm cao của Trung ương trong việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với mong muốn đạt kết quả cao hơn, tốt hơn…” (hết trích)
Ông Trọng giành chức Trưởng Ban Chỉ Đaọ Phòng Chống Tham Nhũng của ông Dũng thì dễ hiểu. Nhưng tại sao lại cần cho đầu thai Ban Nội chính?
Ghi nhận, Ban Nội chính Trung ương đã bị xóa sổ theo QĐ45-QĐ/TW của Bộ Chính trị để hợp nhất các ban của đảng từ tháng 4/2007:
Lúc đó, “Ban Kinh tế Trung ương + Ban Nội chính Trung ương + Ban Tài chính Quản trị Trung ương + Văn phòng Trung ương Đảng = Văn phòng Trung ương Đảng.”
Bây giờ lại tách ra. Để lập lại Ban Nội chính.
Trong bài viết trên mạng Bauxite VN ngày 18/05/2012, nhan đề “Tôi đi guốc trong bụng quý vị,” nhà văn Bùi Công Tự ghi nhận như sau về Hội nghị Trung ương 5 mấy hôm trước, trích:
“…Bây giờ tôi xin hỏi: Vì sao sau gần chục ngày khai hội các quý vị không đưa ra được điều gì mới mẻ mà nhân dân mong đợi?
Có phải vì các quý vị đầu óc bảo thủ không tiếp thu được cái mới chăng?
Xin thưa, không phải! Các vị đều học hành cao, đi Tây đi Tàu như đi chợ, con cái gửi học ở Mỹ ở Anh. Các vị biết hết các nước văn minh ấy hiến pháp, luật pháp của họ ra sao, chính quyền của họ tổ chức thế nào, người dân của họ hưởng những quyền gì? Các vị biết hết! Nhưng các vị không muốn là như người ta. Vì nếu nước mình cũng làm như nước người ta thì các vị ăn gì! Bao lợi quyền ắt sẽ vuột khỏi tay các vị, đúng không?
Tôi đi guốc trong bụng các quý vị!”
Bài viết của Bùi Công Tự gửi từ Sài Gòn, đề ngày 16/05/2012, đúng vào ngày bản tin kết quả Hội nghị 5 đăng trên các báo VN.
Một điểm cũng sẽ thấy, bất kể ông Trọng giữ chức trùm chống tham nhũng, và bất kể tái lập Ban Nội Chính Trung Ương, dòng họ ông Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ kinh tế thịnh vượng không ngừng.
Trần Khải

0 comments:

Powered By Blogger