Monday, September 26, 2011

Trung Quốc : Chính quyền ngày càng mất lòng dân

Hàng trăm nông dân tỉnh Quảng Đông phá hủy tường bao một khu đất trồng trọt bị nhà nước tước đoạt, trong cuộc bạo động cuối tháng 10/2011.
Hàng trăm nông dân tỉnh Quảng Đông phá hủy tường bao một khu đất trồng trọt bị nhà nước tước đoạt, trong cuộc bạo động cuối tháng 10/2011. - REUTERS/Staff

Lê Phước

Gần đây, báo giới liên tiếp phản ánh về những bất ổn trong xã hội Trung Quốc với việc ngày càng có nhiều cuộc biểu tình phản đối của người dân do cảnh tức nước vỡ bờ. Tiêu cực hoành hành, quan liêu trầm trọng. Hệ quả kéo theo là cả hệ thống chính trị Trung Quốc ngày càng bị mất lòng dân. Không chỉ báo chí phương Tây, mà ngay báo chí chính thống của nước này cũng không còn ngần ngại phanh phui tiêu cực.

Tạp chí Courrier International số ra tuần này dẫn lại bài của tờ Hoàn Cầu Thời báo Trung Quốc với hàng tựa cảnh báo : «Tín nhiệm dành cho giới lãnh đạo đang bị lật nhào ».Tờ báo cho biết, hầu như toàn thể thống điều có liên quan, từ các tổ chức phi lợi nhuận, quan chức chính phủ, các chuyên gia và các phương tiện truyền thông đại chúng.

Đối với các tổ chức phi lợi nhuận, Hoàn Cầu Thời báo nêu lại vụ việc hồi tháng sáu rồi, một thiếu nữ 20 tuổi đăng tải trên trang blog của mình thông tin về lối sống hết sức xa hoa của cô, đồng thời khẳng định đang điều hành cho một công ty liên kết với Hội Chữ Thập Đỏ quốc gia Trung Quốc. Trong bối cảnh vật giá leo thang, đời sống đắt đỏ, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng tại Trung Quốc, thì sự kiện trên gây sốc nặng đối với mọi người. Đặc biệt thông tin cô làm việc cho Hội Chữ Thập Đỏ quốc gia đã khiến tổ chức phi lợi nhuận này mất uy tín nghiêm trọng,

Bên cạnh đó, Hoàn Cầu Thời báo còn dẫn một số minh chứng khác về tiêu cực liên quan đến các tổ chức phi lợi nhuận ở Trung Quốc. Tờ báo cho biết, mọi người bắt đầu ngần ngại góp tiền từ thiện và mức đóng góp đã giảm đi đáng kể. Cụ thể là, kể từ sau vụ cô gái nói trên, mức quyên góp đã giảm từ 6,26 tỷ nhân dân tệ cho giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5 xuống còn 840 triệu cho hai tháng 6 và tháng 8, tức giảm đến 86,6%.

Sự mất tín nhiệm của người dân được thấy rõ nhất đối với chính quyền. Các bộ ngành và chính quyền địa phương thường hay có ý bưng bít thông tin và công luận mỗi khi xảy ra xì căng đan. Thế nhưng, theo tờ báo, hễ càng bưng bít, thì sự bất mãn trong dân càng cao, kéo theo là dân ngày càng nghi ngờ thông tin từ phía chính quyền.

Trong khi đó, một số người được cho là « chuyên gia » đã can thiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng với mục tiêu mà tờ báo cho là để « làm dịu sự nghi ngờ ». Bởi thế lập luận họ hoàn toàn không khách quan, và thường kéo theo kết quả không mong muốn, đó là làm cho mối nghi ngờ của người dân thêm trầm trọng.

Chỉ cách đây ít lâu, các lãnh đạo chính phủ, chuyên gia và các phương tiện truyền thông đại chúng còn được người dân tin tưởng. Thế mà tại sao giờ đây họ lại mất lòng tin ? Hoàn Cầu Thời báo cho rằng, đấy là do sự không cân xứng giữa « cung » và « cầu » trong xã hội.

Cung ở đây tức là đáp ứng của chính phủ đối về sự tín nhiệm của người dân. Tờ báo cho rằng, sự đáp ứng này còn chưa đúng mức. Một chuyên gia thuộc Trường hành chính quốc gia Trung Quốc nhận định : « Một vài cơ quan chính phủ đã không làm việc hết mình, và đã không có phản ứng đúng đắn ». Theo ông này, đấy là do họ vẫn còn mang nặng tâm lí « phụ mẫu chi dân ». Vì thế, họ vẫn đặt trọng quyền lợi và ưu tiên dành cho chức vụ của họ, nói nhiều mà làm ít, thậm chí còn có quan chức luôn phản ứng bằng cách bưng bít sự việc. Từ đó, những gì cần công khai thì lại không được công khai, và hậu quả là làm dấy lên những tin đồn.

Trong khi cung từ phía chính quyền không đủ, thì cầu của người dân lại mỗi ngày một lớn. Xã hội thay đổi mau chóng, người dân cũng ngày càng đòi hỏi nhiều hơn về quyền được tham gia vào công việc chung, về sự minh bạch. Do thông tin thường bị chính quyền bưng bít, nên họ buộc phải tự đi tìm sự thật và thể hiện mong ước trên mạng Internet. Với Internet, tin đồn cũng như sự bất mãn được lan truyền nhanh chóng và không ngừng lớn lên, tính trung thực và sự công minh của các tổ chức chính quyền bị đặt vấn đề, và thế là chính quyền bị giảm tín nhiệm đáng kể trong dân.

Nói về các chuyên gia, tờ báo cho rằng, có nhiều người vì chạy theo lợi ích vật chất mà quên đi sự công minh của khoa học. Còn các phương tiện thông tin đại chúng thì không còn đấu tranh vì sự thật nữa mà đang dần trở thành cơ quan phát ngôn của các nhóm lợi ích. Khi các nhà khoa học và các phương tiện truyền thông không còn giữ được óc khách quan và vô tư, do vậy họ cũng mất lòng tin của dân chúng.

0 comments:

Powered By Blogger