Thursday, September 1, 2011

Những lần chạy án (phần 1)

Kính gởi Dân Làm Báo

Vụ án tham nhũng tày đình Huỳnh Ngọc Sĩ cuối cùng thì cũng kết cục rất là nhẹ nhàng: ông Huỳnh Ngọc Sĩ được hạ từ án chung thân thành 20 năm. Tức là từ vô thời hạn thành án có thời hạn. Nhìn qua ai cũng dễ ngộ nhận là thích đáng với một tên phạm tội tham nhũng, 20 năm còn gì? Nhưng dưới cái nhìn của một người từng đi chạy án tôi biết chắc chắn rằng: vụ án này đã được CHẠY. Với bản án này thì ông Huỳnh Ngọc Sỹ chỉ đi tù 6 năm là vui thú điền viên. Giờ đây tôi không im lặng nữa mà lên tiếng. Tôi xin gởi đến Dân Làm Báo những sự thật trong các lần chạy án của tôi. Nó liên quan đến nhiều người và nhiều vụ khác nhau. Tôi xin kể lại dưới dạng nhiều bài viết mà Dân Làm Báo có thể coi là nhiều phóng sự cũng được. Vì sự an ninh tính mạng cho cá nhân tôi và nhiều nhân chứng khác đang sống ngay giữa Sài Gòn và Hà Nội chúng tôi chỉ viết thật tên những quan tòa hay cán bộ VKS Tối cao từng nhận tiền của tôi, còn những nhân vật khác tạm thời chúng tôi xin được thay tên đổi họ.

Rất mong Dân Làm Báo quan tâm và hiểu rõ tâm trạng của tôi. Hoàn toàn không phải "chỉ đường hươu chạy" mà qua đây tôi muốn vạch mặt những tên quan tòa thối nát, những cán bộ VKSTC tham nhũng. Chính vì những con người này mà nhiều gia đình tiêu tán. Kẻ ác thì lọt tội và người ngay thẳng bị hại.

Tôi kể những kinh nghiệm chạy án này như một lời sám hối. Nói ra cho nhẹ nhàng. Có nhắm mắt thì cũng ra đi thảnh thơi.

Trân trọng


*

Vụ thứ nhất : Ngân hàng G.

Thời điểm cuối thập niên 80 thế kỷ trước các HTX tín dụng thay nhau phá sản do ảnh hưởng nhiều vụ như là nước hoa Thanh Hương. Ngân hàng thương mại G. ra đời trong bối cảnh nâng khống số tiền vốn pháp định mà cũng do "chạy" mới nâng cấp lên thành ngân hàng. Thời điểm này số ngân hàng trên địa bàn thành phố đếm trên đầu ngón tay. Chúng tôi bỏ qua những chuyện liên quan đến kinh doanh ngân hàng giai đoạn này mà chỉ nói đến việc liên quan đến chạy án. Số tiền thất thoát vào giai đoạn này trên nhiều tỷ đồng. Đổ vỡ của ngân hàng G ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động tài chính không chỉ trên địa bàn thành phố mà cả nước thời bấy giờ. Dĩ nhiên là tất cả các nhân sự của ngân hàng G. phải vào tù. Vụ án này xử đến xử lui nhiều lần gây tốn kém nhiều bút mực của báo giới cái thời báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên mỗi tuần chỉ có 1 số rồi lên 2 số. Có một án tử hình và nhiều án chung thân trong vụ này. Chúng tôi tham gia chạy án cho một người bị kết tội chung thân.

Khi người nhà chúng tôi bị bắt thì đương nhiên cả dòng họ vào cuộc chạy án. Giai đoạn điều tra thì chạy cho công an kinh tế từ Bộ Nội Vụ (lúc này chưa tách công an và quốc phòng thành 2 bộ). Phải nói là giai đoạn này là tốn tiền nhiều nhất do chưa biết đường đi nước bước và chưa có các mối liên hệ. Mọi giao dịch của chúng tôi thông qua nhân vật tên là Dũng. Anh ta là con rể của một người họ hàng bên vợ của ông Lê Đức Anh. Chính ông Dũng này giới thiệu cho gia đình chúng tôi biết ông Việt hiện làm tổng biên tập tạp chí kiểm sát thuộc VKSTC có trụ sở ở 44 Lý Thường Kiệt- Hà Nội. Những đường đi nước bước của chúng tôi là do 2 ông này phối hợp và chỉ cách chạy án. Các ông này chỉ cho chúng tôi chia nhỏ vụ án ra nhiều khúc mà chạy:

1. Giai đoạn điều tra chạy để cho số tiền thất thoát ít bớt xuống hòng chuyển đổi tội danh. Mọi giao dịch khâu này do ông Dũng chạy. Tôi nhớ là nhà của ông Dũng trong chung cư Bộ Nội Vụ số 237 Nguyễn Văn Cư- Quận 1, SG.

2. Kết thúc điều tra chuyển qua VKS thì chạy để cho VKS truy tố tội danh nhẹ hơn.

3. Xét xử sơ thẩm chạy cho án tử hình thành án chung thân.

4. Xét xử phúc thẩm chạy từ án chung thân thành án 20 năm.

5. Trong trại giam thì chạy án để trưởng trại giam ký lệnh giảm án và quay trở lại tòa án để chánh án chấp nhận.

Bây giờ nói thì dễ nhưng các giai đoạn đó chung chi rất mệt. Không như thời nay trong các lần chạy án thì chỉ việc chuyển tiền vào tài khoản của các nhân vật này. Bây giờ thì tham nhũng tinh vi hơn nhưng lúc đó thì chồng tiền mặt. Đem đến tận nhà giao còn ăn cơm với gia đình của họ nữa.

Trong vụ án của chúng tôi thì những nhân vật sau liên quan đến chuyện nhận tiền của chúng tôi:

1. Giai đoạn điều tra chúng tôi chạy tiền qua ông Dũng ở trong khu tập thể Bộ Nội Vụ (bây giờ là Bộ công an) số 237 Nguyễn Văn Cừ. Ông Dũng lo luôn chạy bên VKS người nhận tiền tên là ông Bộng, bây giờ là chồng Luật Sư Hoàng Mỹ trên đường Võ Thị Sáu.

2. Giai đoạn xét xử sơ thẩm chúng tôi chạy tiền cho thẩm phán Sáu nhà ở gần chợ Bến Thành.

3. Giai đoạn phúc thẩm chúng tôi chạy tiền cho thẩm phán Tấn ở Quận 4.

4. Giai đoạn thi hành án chúng tôi chạy tiền cho ông Nguyễn Trung Binh trưởng trại giam Z30 A ở Xuân Lộc, Đồng Nai.

Mọi giao dịch ở Hà Nội và cả những bài báo trên tạp chí Kiểm Sát thì chúng tôi rất tốn kém cho ông Việt. kể cả những chuyến công tác trong Miền Nạm đi chơi với em út thì ông Việt luôn ép gia đình chúng tôi chung chi. Chính việc tiếp xúc với ông Việt này mà chúng tôi đã có nhiều mối quan hệ quen biết ở Hà Nội trong những lần chạy án tiếp theo.

Dựa vào kinh nghiệm chạy án của tôi thì trường hợp của ông Huỳnh Ngọc Sỹ bây giờ cũng đã được chạy án theo chiến thuật sau:

Tử hình xuống chung thân.
Chung thân xuống 20 năm.
20 năm ra trại thì chỉ 7 năm( tức 1/3 án ) sẽ về nhà.

(còn tiếp)


0 comments:

Powered By Blogger