Thursday, September 15, 2011

Người Việt ở Paris biểu tình phản đối công hàm 1958 & Quận Cam

Tường An, thông tín viên RFA
Đã 53 năm ngày cố Thủ Tướng Phạm văn Đồng ký công hàm 14 tháng 9 năm 1958 công nhận chủ quyền 12 hải lý của Trung Quốc, qua đó coi như công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Photo by Tuong An

Hôm 14/9/2011, tập thể người Việt tại Pháp xuống đường để biểu tình phản đối công hàm của cố TT Phạm Văn Đồng

Nối vòng tay lớn

Người Việt khắp nơi trên thế giới từ Mỹ đến Úc Châu, Âu Châu đã đồng loạt biểu tình để lên tiếng phản đối tính cách pháp lý cũng như giá trị của công hàm này. Hòa vào sinh khí đó, Tại Paris, ngày thứ tư, 14 tháng 9 vừa qua tập thể người Việt tại Pháp cũng đã xuống đường để biểu tình phản đối công hàm này.

Ngày 4/9/1958, Trung Quốc đưa ra Bản Tuyên Bố khẳng định vùng biển Đông với hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa) là lãnh thổ của Trung Quốc. Mười ngày sau, tức ngày 14 tháng 9 năm 1958, cố Thủ Tướng Phạm văn Đồng của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã ký một công hàm để chính thức tuyên bố “tán thành” bản Tuyên bố của Trung Quốc, công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa! Điều đó đồng nghĩa với việc khước từ chủ quyền của Việt Nam trên hai hải đảo này, một chủ quyền mà bao thế hệ cha ông đã đổ máu xương ra để bảo vệ. Mặc dù đã 53 năm qua kể từ ngày công hàm 14 tháng 9 được ký kết, nhưng cho đến bây giờ nó vẫn là một khúc xương khó nuốt trong việc tranh chấp chủ quyền về biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc. Người Việt trong và ngoài nước đã và sẽ liên tiếp xuống đường để phản đối công hàm này.

Tôi nghĩ rằng là một tiếng la tuy nó nhỏ, nhưng tôi hòa nhịp với hàng triệu trái tim yêu nước ở trong nước và hải ngoại đang quan tâm tới vấn đề tình hình Nhân Quyền và vấn đề an ninh của lãnh thổ Việt Nam.

Anh Vũ Thành

Tại Pháp, ngày thứ tư 14 tháng 9 vừa qua, Người Việt tị nạn CS tại đây đã tổ chức 1 cuộc biểu tình trước tòa đại sứ Việt Nam tại Paris để phản đối công hàm 14 tháng 9 của Phạm văn Đồng.

Dù là một ngày trong tuần, mọi người cũng đã hy sinh một ngày làm việc để được gióng lên tiếng nói của mình. Một kỹ sư xây dựng trẻ tên Thành, nói lên cảm nghĩ của anh :

«Hôm nay là một ngày biểu tình trong tuần, thì mọi người Pháp hay Việt Nam đang đi làm, xin nghỉ để mà ra đây biểu tình. Mà hôm nay người Việt mình ra rất là đông đủ cho nên em rất là mừng, rất là hãnh diện là người Việt Nam cho chính quyền Việt Nam biết là mình không thể nào im lặng được trước những hành động bán lãnh hải và lãnh thổ cho Trung Cộng của họ. Khi nào họ vẫn còn bắt bớ thì mình vẫn tiếp tục biểu tình tố cáo những hành động của họ.»

Anh Vũ Thành, chủ một tiệm buôn bán về công nghệ thông tin ở Lognes đã đóng cửa tiệm để về Paris tham gia biểu tình, anh cho biết lý do anh có mặt ở đây:

«Tôi là một người làm trong lãnh vực về thương mại, nhưng hôm nay tôi phải dẹp tất cả cửa hàng của tôi để đến tham dự vì lý do thứ nhất là vấn để biển đảo của Việt Nam chúng ta đang bị đe dọa trước họa xâm lăng của Tàu Cộng và cái thứ hai nữa, tôi phản đối nhà cầm quyền Việt Nam vẫn còn tiếp tục giam cầm những người có tấm lòng yêu nước đã nói lên những sự nguy hiểm của Trung Cộng đã đổ lên trên toàn dân tộc Việt Nam.

Trước cái hiểm họa mất nước đó, hôm nay dù tôi có hy sinh thời gian và công việc của tôi để đến đây, tôi nghĩ rằng là một tiếng la tuy nó nhỏ, không có đủ, nhưng tôi hòa nhịp với tất cả mọi người, hàng triệu trái tim yêu nước của Việt Nam đang còn ở trong nước và tất cả những đồng bào hải ngoại đang quan tâm tới vấn đề tình hình Nhân Quyền và vấn đề an ninh của lãnh thổ Việt Nam. Đó là lý do mà tôi có mặt ngày hôm nay. »

Chị Tuyết Mai, cư ngụ ở Rennes, cách Paris hơn 400 cây số cũng không quản ngại đường xa đến Paris để góp tiếng nói cùng mọi người :

«Ngày hôm nay đáng lẽ tôi đi làm nhưng mà tôi xin nghĩ một ngày để cùng chung những công cuộc đấu tranh của các đàn anh đi trước rồi đến lượt các đàn em đi sau và thế hệ sau nữa. Đối với tôi, tiền là mạch máu nhưng không phải thiếu nó là đau khổ mà mất nước và mất đất đó là điều chúng ta phải quan tâm nhất. Hôm nay tôi kêu gọi những ông Cộng sản, các ông cũng là người Việt, xin hãy thương người Việt và hãy cho những người trẻ những bước đường của nó để nối nghiệp tương lai của Cha Ông để lại, không phải dâng đất cho Tàu hoặc hành hạ tuổi trẻ ngày hôm nay và đàn áp dân trong nước. »

Hướng về quê cha đất tổ

Bên kia đường là tòa đại sứ Việt Nam im lìm với hàng rào cảnh sát bảo vệ, bên này đường là tiếng hô vang, tiếng hát hào hùng làm sống động cả một góc trời, bạn trẻ tên Thành kêu gọi sự lắng nghe của tòa đại sứ Việt Nam:

bieu-tinh-250.jpg
Người Việt tại Pháp xuống đường để biểu tình phản đối công hàm 1958 hôm 14/9/2011. Photo by Tuong An

«Mình cách tòa đại sứ cũng khoảng 100 mét, khi nãy em thấy những người làm trong tòa đại sứ CS Việt Nam, họ đã ra đứng trước tòa đại sứ, họ đang nhìn về phía mình, họ coi thử mình đang làm gì. Họ nhìn, nhưng mà em nghĩ họ cũng rất là xấu hổ, thì em nghĩ không biết họ có còn biết xấu hổ nữa hay không ? Xấu hổ những hành động nhượng lãnh thổ và lãnh hải cho Trung cộng. Nói chung là họ « Hèn với giặc, ác với dân » Em nghĩ là nếu mà họ có tâm hồn thì họ phải xấu hổ những gì họ làm.»
Anh Vũ Thành cũng hy vọng :

«Ở phía bên kia, có thể rằng là ít nhiều họ không có nghe trực tiếp được là vì có thể họ bịt tai, họ không muốn nghe nhưng mà ít nhất họ hiểu được là chúng tôi ở ngoài này chúng tôi đang làm gì, có nghĩ là tiếng nói của chúng tôi sẽ đến tai họ, không ngay lập tức, nhưng có thể rằng là ngày mai hay ngày mốt họ sẽ nghe được tiếng nói của chúng tôi.»

Dù số người tham dự tại Paris không đông như ở Cali hay Houston và các nơi đông người Việt cư ngụ khác. Nhưng sự hy sinh của những người có mặt tại đây cũng nói lên tinh thần đoàn kết và ý chí bảo toàn lãnh thổ của những người Việt xa quê mà lòng vẫn hướng về đất tổ, chị Tuyết Mai nói lên cảm xúc của chị :

«Cái cảm tưởng của tôi là : mặc dù chúng ta hôm nay ở nước Pháp không rộng như ở Cali, nhưng mà chúng ta ít nhất cũng có nhiều người đồng ý kiến cùng chung và đất ta không bao giờ dâng cho giặc như ông cha ta để lại từ xưa bốn ngàn năm văn hiến thì chúng ta phải gìn giữ tới cùng. Chúng ta phải tranh đấu hòn đảo Hoàng Sa Trường Sa của chúng ta cho tới giọt máu cuối cùng. Không có lý do nào mà dâng cho Tàu cộng cả.»

Chúng ta phải tranh đấu hòn đảo Hoàng Sa Trường Sa của chúng ta cho tới giọt máu cuối cùng. Không có lý do nào mà dâng cho Tàu cộng cả.

Chị Tuyết Mai

Đây là cuộc biểu tình đầu tiên trong hàng loạt các cuộc biểu tình sắp tới tại Âu Châu nói riêng và trên thế giới nói chung. Trong những ngày tới, Vương Quốc Bỉ sẽ biểu tình ngày 24 tháng 9, Đức sẽ có 2 cuộc biểu tình ngày 17 tháng 9 tại Franfurt và ngày 1 tháng 10 tại Berlin. Đan Mạch tổ chức biểu tình, hội thảo, cầu nguyện và triển lãm trong suốt tuần lễ từ 11 tháng 9 đến 19 tháng 9 và Paris sẽ tiếp tục biểu tình ngày 1 tháng 10 trước tòa đại sứ Trung Quốc và ngày 16 tháng 10 tại quãng trường Trocadéro. Người kỹ sư trẻ tên Thành sẽ lại tiếp tục có mặt trong các cuộc xuống đường kế tiếp, anh nói :

«Cảm nghĩ của em hôm nay là em rất là…..Lần đầu tiên mà em thấy là cái tinh thần nó rất là cao, cho nên em hy vọng sẽ có những cuộc biểu tình khác, em sẽ tiếp tục đi biểu tình. Trong bất cứ ngày nào, khi nào có thì em vẫn sẽ ra để mà mình ủng hộ những người dân trong nước, họ đang bị bắt bớ và đang bị hành hạ.»

Cuộc biểu tình tại Paris ngày 14 tháng 9 vừa qua chấm dứt vào khoảng 7 giờ chiều trong lời kêu gọi và vang vang tiếng hát của cô MC Thu Sương :

« …..Thể hiện cái tấm lòng của chúng ta, thể hiện cái tình yêu dân tộc, tình yêu đất nước của chúng ta. Không chỉ bằng lời mà chúng ta phải thể hiện qua cái tinh thần, qua cái việc làm của chúng ta ngày hôm nay. Xin quý vị hãy cùng với Thu Sương chúng ta cùng hát bài «Đáp Lời Sông Núi »

__________________________________________________________

Hình ảnh Biểu Tình tại Paris ngày 14.09.2011 và vài nơi …

LÊN ÁN VIỆT GIAN CỘNG SẢN BÁN NƯỚC
HÈN VỚI GIẶC ÁC VỚI DÂN
Hình ảnh : Bắc Ninh
***
Hình Ảnh Biểu Tình (nơi khác)

Nguồn . tonthatphusi.centerblog.net/

***
Người Việt quận Cam phản đối công hàm 1958 và Đảng CSVN
Chúng tôi tụ họp nơi đây là để phản đối công hàm bán nước và Đảng CSVN… Đó là một phần nội dung lời phát biểu của ông Trần Văn Minh thuộc Ban Đại Diện Cộng Đồng Người Việt, lúc 6 giờ chiều thứ Tư ngày 14 tháng 9 năm 2011.

Trong không khí sôi sục trên biển Đông, mặc dù là một ngày giữa tuần, khoảng hai ngàn đồng hương cùng 75 hội đoàn người Việt ở quận Cam đã biểu tình ba tiếng đồng hồ trước khuôn viên Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ vùng Little Sài Gòn, Nam Cali.

Tiến sĩ Lê Minh Nguyên của Mạng Lưới Nhân Quyền nói rằng ngày hôm nay, người Việt phản đối CSVN vì ông Phạm Văn Đồng đã công nhận 12 hải lý theo tuyên bố của Trung Cộng, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Được hỏi làm thế nào để đòi lại quần đảo Hoàng Sa, ông trả lời rằng trong thời gian Trung Cộng đánh chiếm, quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam Cộng Hòa và sau này chúng ta sẽ đòi lại được vì không phải lúc nào Trung Cộng cũng mạnh.

Trả lời cuộc phỏng vấn của phóng viên Khúc Minh đài Bolsa Radio, tiến sĩ Mai Thanh Truyết thuộc Đảng Đại Việt nói rằng, nếu nói theo những người trong nước thì hiện nay là thời điểm của “thời sự sâu sắc”, chúng ta phải ghi nhớ ngày này để thể hiện lòng yêu nước. Ông cho biết tại Houston, cả ngày nay đồng hương Việt cũng đã tổ chức một cuộc biểu tình trước tòa Tổng Lãnh Sự CSVN, vừa chấm dứt hai giờ trước đó.

Được biết, ngày 14 tháng 9 năm 1958, Thủ Tướng CSVN đã ký công hàm ủng hộ đòi hỏi 12 hải lý của Trung Cộng, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Gần đây, Trung Cộng đã cho tàu hải giám cắt cáp tàu Bình Minh và quấy nhiễu vùng biển thuộc hải phận Việt Nam, gây nên hai cuộc biểu tình tại Thành Phố Hồ Chí Minh và mười một cuộc biểu tình tại Hà Nội trong thời gian vừa qua.

Mời coi thêm:

https://picasaweb.google.com/1125964…gKy?feat=email

0 comments:

Powered By Blogger