Sunday, September 4, 2011

Tài Tử Kiều Chinh Phải Bán Nhiều Tác Phẩm Nghệ Thuật Để Giữ Căn Nhà.

Nữ tài tử Kiều Chinh

GARDEN GROVE: Khi cánh cửa lớn bằng gỗ ở mặt tiền căn nhà của bà Kiều Chinh được mở ra, người ta cảm thấy có một sự an lành, êm ả khác hẳn với sự ồn ào nhộn nhịp của thành phố ở bên ngoài.

Căn nhà bốn phòng ngủ của người nữ tài tử Việt Nam nổi tiếng được xây bằng những vật liệu quen thuộc và tối tân. Đối với bà Kiều Chinh căn nhà là nơi lưu giữ những kỷ niệm của thân phụ bà về miền Bắc Việt Nam, một vùng bị chiến tranh tàn phá.

Những viên gạch đỏ phai mầu giống hệt căn nhà của cha bà ở Hà Nội khi bà còn thơ dại, hay chạy nhảy quanh nhà. Năm nay bà Kiều Chinh được 73 tuổi. Trong từng khoảng không gian nhỏ của căn nhà, người ta thấy rất nhiều kỷ niệm được trưng bầy ở khắp nơi, này đây là bộ bàn ghế bằng gỗ gụ, bức tranh luạ tươi sáng, nơi kia là bộ trống đồng, một chiếc áo khoác ngoài thêu long phụng của hoàng tộc Việt Nam, hay một cuốn sách về khoa châm cứu.

Đi dần về phiá sau căn nhà là một miếng vuờn nhỏ để ngồi uống trà. Sân sau của căn nhà trồng ba loại tre trúc khác nhau – xanh, đen và vàng ối. Một lối mòn quanh co để đi thiền hành dẫn đến căn nhà thờ tự đằng sau, hai bên có trồng cây lựu và cây bồ đề, dưới bóng cây bồ đề có một tượng Phật lớn. Tương truyền cây Bồ Đề là nơi Đức Phật đắc đạo, mọc bao quanh một ngôi chùa.

Bên trong gian thờ tự là hai báu vật của bà Kiều Chinh: một cái chuông đồng, một cái mõ để bên cạnh tương Phật ngồi trên toà sen. Mỗi đài sen lại có một tượng Phật nhỏ khắc rất tỉ mỉ trên lá sen.

Bà Kiều Chinh tâm sự: “Từng vật nhỏ bé trong căn nhà này đều làm tôi nhớ về một khoảng thời gian, và một nơi chốn tôi không bao giờ có thể tìm lại được. Những cảnh trí, mùì vị và âm thanh của Việt Nam.”.

Đây không phải là một căn nhà tầm thường như những căn nhà khác, mà là một bảo tàng viện chứa đầy kỷ niệm. Và bà Kiều Chinh vừa là chủ nhà (owner), vừa là người giáng tuyệt (curator) lo chăm sóc, cũng như kẻ ngưỡng mộ (fan)yêu qúi những kỷ vật đó.

Nhưng trong vài tháng gần đây, bà Kiều Chinh đã phải từ từ bán dần đi những kỷ vật trong căn nhà mơ ước của mình.

Nhà của Kiều Chinh tại California

Kiều Chinh từng là tài tử chính trong nhiều bộ phim trên truyền hình như M*A*S*H và những phim xi nê như “The Joy Luck Club”. Hiện bà lâm vào tình trạng tài chính khó khăn, và có thể bị mất căn nhà.

Bà ngậm ngùi nói: “Tôi đau đớn khi phải bán những tác phẩm quí giá này. Nhưng đó là việc tôi phải làm.”.

Đây không phải là lần đầu tiên bà bị mất căn nhà yêu qúi.

Vào hồi giữa thế kỷ trước, thân phụ của Kiều Chinh từng là công chức cao cấp của chính quyền bảo hộ Pháp ở miền bắc Việt Nam. Ông cụ là một người rất sành điệu về ăn mặc, theo bà Kiều Chinh thì những bộ quần áo của các nhà hoạ kiểu thời nay như Amani và Versace đều không thể so sánh được với những kiểu áo quần ông cụ mặc.

Thân mẫu của Kiều Chinh qua đời lúc bà còn nhỏ, nhưng bà lớn lên trong sự thương yêu, và gần gũi đặc biệt với người cha. Các ông anh bà chị của Kiều Chinh đều lớn hơn bà vài tuổi, và không ai ở gần cha nhiều bằng bà.

Hai cha con thường hay cưỡi ngựa với nhau trong cái ấp khá lớn của gia đình có tên là Kim Mã Gia Trang.tức Biệt Thự Ngựa Vàng. Biệt thự của gia đình bà là nơi họp mặt của nhiều tao nhân mặc khách như các hoạ sĩ, thi sĩ và nhạc sĩ, trong lúc cô bé Chinh ngồi trên lòng bố để nghe các chú các bác trao đổi những câu chuyện về văn chương, nghệ thuật.

Nhưng vào năm 1943, khi Kiều Chinh được 6 tuổi, biệt thự của gia đình bị trúng bom của Quân Đội Đồng Minh đánh nhau với quân Nhật đang chiếm đóng miền bắc Việt Nam, thế là cuộc hành trình xa quê hương của Kiều Chinh bắt đầu từ đây.

Cô bé phải tản cư theo gia đình ở trong một căn nhà nhỏ hơn gần vườn Bách Thú Hà Nội, và khi căn nhà đó bị sụp đổ, cô lại phải dọn đến một căn nhà khác trong Hà Nội, và ở đó cho đến năm cô được 16 tuổi.

Sau đó, giống như hàng triệu người miền Bắc phải di cư lánh nạn Cộng Sản, cô bé phải di cư vào Nam. Cô nhớ rõ cái ngày cha cô ấn cô lên chiếc máy bay chở cô vào Nam. Ông dặn cô con gái: “Con phải vào Nam để ở chung với anh con trong Saigon.”

Từ đó trở đi, cô không còn được gặp lại người cha thân yêu nữa.

Khi vào Nam, cô sống chung với các anh chị và bè bạn. Năm cô 18 tuổi, cô lập gia đình. Cô được một đạo diễn người Mỹ tên là Joseph Mankiewicz phát hiện năng khiếu điện ảnh của cô trên vỉa hè của một tiệm cà phê ở Saigon. Với sự giúp đỡ của nhà làm phim Việt Nam, ông Bùi Diễm, cô bắt đầu theo đuổi sự nghiệp đóng phim, và ít lâu sau, tên tuổi cô trở thành nổi tiếng trong mọi gia đình ở Việt Nam.

• Nữ tài tử lừng danh Việt Nam, Kiều Chinh, đứng chụp hình ở vườn tre sau nhà của bà. Đây là một căn nhà được xây cất đặc biệt theo ý muốn của bà để gìn giữ nhiều di sản văn hoá Việt, song vì kinh tế suy thoái, căn nhà của bà sắp bị ngân hàng tịch thu- foreclosure. Bà cần phải bán đi nhiều tác phẩm nghệ thuật Việt Nam hiếm quí trước khi căn nhà bị xiết nợ.


Nhưng cô vẫn chưa được an cư lạc nghiệp.

Kiều Chinh trốn thoát khỏi Việt nam vài ngày trước khi Saigon bị sụp đổ trong tháng Tư năm 1975. Mục đich chính của cô là đi gặp con đang theo học trường nội trú ở Toronto, Canada.

Với hoàn cảnh không có một đồng xu dính túi, và không còn quê hương, cô Kiều Chinh phải đi làm trong một trại nuôi gà ở Canada. Hàng ngày cô phải khoác lên người cái áo mưa, đôi giầy ủng bằng cao su, và dùng vòi xịt nước để rửa phân gà với đồng lương $2.25 xu một giờ. May thay, cô được tài tử Tippy Hedren giúp đỡ. Nữ tài tử Hedren là người đóng trong phim “The Birds” , một phim kinh dị cổ điển của đạo diễn Alfred Hitchcock. Bà Hedren bảo lãnh cho Kiều Chinh sang Hoa Kỳ, và trở thành công dân Mỹ.

Kiều Chinh kể lại: “Tôi được ở trong nhà của bà ở Hollywood trong vài tháng. Tôi phải mặc đỡ quần áo của bà.”.

Nghể diễn xuất cũ của Kiều Chinh có cơ hội bừng sống trở lại. Kiều Chinh được mời đóng trong một số phim, cô và gia đình dọn sang một căn nhà nhỏ thuộc tỉnh Studio City. Sự nghiệp điện ảnh của cô ngày càng phát triển, mặc dù cô li dị với chồng vào năm 1982. Năm 1995, cô dọn về thành phố Newport Beach.

Nhưng ước muốn làm riêng cho mình một bảo tàng viện chất chứa những kỷ niệm Việt Nam vẫn ấp ủ trong lòng.

Năm 2005, bà Kiều Chinh mua một miếng đất rộng nửa mẫu tây trong thành phố Garden Grove, và một năm sau, bà cho xây lên căn nhà. Bà nói: “Đúng là căn nhà theo ý muốn của tôi.”

Căn nhà trở nên một nơi hội họp của bạn bè thân hữu, và cũng là chốn học hành của ba người con, và bốn đứa cháu.

“Các con cháu tôi đến đây có thể hiểu được cội nguồn của mình, và các cháu được ăn cơm do bà nấu.”. Bà mỉm cười kể lại cho chúng tôi nghe.

Cho đến cách đây khoảng hai năm,tình hình tài chánh của Kiều Chinh vẫn còn rất khả quan. Bà thường làm diễn giả trong các buổi hội thào, và hội nghị để lấy tiền diễn thuyết. Bà cũng có hợp đồng quảng cáo với các công ty lớn như Pfizer, MCI Telecommunications, và Kellogg.

Bà hy vọng sẽ được trút hơi thở sau cùng tại căn nhà này, với người thân ở gần, và những kỷ vật còn đầy đủ ở quanh bà.

Kiều Chinh ngồi trước bức ảnh ghép ghi lại sự nghiệp điện ảnh của bà


Nhưng ước mơ của bà lại bị tan vỡ.

“Nhiều năm trước, tôi bị mất nhà mất cửa vì là nạn nhân của hoàn cảnh chính trị. Bây giờ tôi là nạn nhân của hoàn cảnh kinh tế.”. Bà tâm sự với chúng tôi.

Việc đóng phim lúc sau này trở nên khan hiếm, và cách đây khoảng một năm, bà ngỏ ý muốn bán căn nhà của mình qua lời truyền miệng giữa bạn bè, người quen. Bà không muốn ngân hàng đến lấy căn nhà. Theo ý bà: “Ngân hàng họ đâu có thèm để ý gì đến bảo tàng viện của tôi đâu.”.

Thị trường nhà cửa lại không thuận lợi cho người bán nhà. Trong năm ngoái, căn nhà của bà bị mất giá gần một phần ba, bây giờ xuống chỉ còn $1.3 triệu.

Hồi tháng Năm vừa qua, bà chính thức đem căn nhà lên thị trường để bán. Và từ đó, bà phải bán dần những kỷ vật bà yêu qúi. Cho đến nay, bà bán đi 10 tác phẩm mỹ thuật nhỏ.

Cầm lòng không để giọt lệ tuôn ra, bà nói: “Thật là một điều cực kỳ khó khăn cho tôi khi phải làm điều này.”.

Dầu sao, bà Kiều Chinh tin rằng việc dọn nhà là điều không thể tránh được.

Bà coi đó như một phần trong cái khuôn thức thay đổi của đời bà. Cả một đời người long đong dời chuyển từ vùng thượng du Bắc Việt đến Nam California.

Bá Kiều Chinh tỏ ra cương quyết, và nói: “Tôi không còn gì phải lo nữa. Tôi tri ân cuộc đời, đứng thẳng người, và tiếp tục đi tới. Cuộc đời vẫn thay đổi là thường thôi.”.

Nhưng dù có đi đâu chăng nữa, bà vẫn tiếp tục gìn giữ những kỷ niệm về thân phụ, và quê hương của bà luôn luôn sinh động.

Bà mỉm cười, và nói: “Tôi sẽ chuyển từ một bảo tàng viện lớn sang một bảo tàng viện nhỏ hơn một chút.”.

Nguyễn Minh Tâm dịch theo Orange County Register. 30/8/11

0 comments:

Powered By Blogger