Tuesday, June 21, 2011

Báo Trung Quốc đe dọa Việt Nam

HÀ NỘI 20-6 (TH) - Ngay sau khi Việt Nam lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên biển Ðông tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), báo chí Trung Quốc cả chính thức và không chính thức đua nhau đe dọa Việt Nam.

Trong tấm hình này, Haixun-31, tàu tuần biển lớn nhất, hiện đại nhất của Trung Quốc trang bị trực thăng rời cảng Chu Hải của tỉnh Quảng Ðông. Tiếng là đi thăm viếng Singapore từ ngày 15 tháng 6, 2011 nhưng dư luận báo chí quốc tế tin rằng nhiệm vụ chính của chuyến đi này là nhằm đe dọa các nước trung khu vực khi cuộc tranh chấp biển đảo trên biển Ðông ngày một căng thẳng. (Hình: AP photo/Xinhua)

Trong hội nghị lần thứ 21 các quốc gia thành viên công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 đã diễn ra từ ngày 13-17 tháng 6, tại New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đại diện gần 200 quốc gia thành viên công ước, các nước thành viên Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế, TTXVN loan tin nói rằng “Việt Nam lên án Trung Quốc xâm phạm”.

Theo bản tin Thông Tấn Xã Việt Nam, phái đoàn Việt Nam đã tố cáo Bắc Kinh liên tục cho tàu phá hoại hoạt động dò tìm dầu khí của Việt Nam.

“Thứ Trưởng Ngoại Giao Lê Lương Minh khẳng định đây là những hành vi có chủ ý, được tính toán kỹ, nhằm mục đích biến các vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam thành khu vực tranh chấp, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm các quy định và nguyên tắc cơ bản của công ước”, TTXVN viết.

Nguồn tin này cũng thuật lại rằng “Trưởng đoàn Việt Nam cũng bác bỏ đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc ở biển Ðông, khẳng định đường yêu sách này hoàn toàn không có bất cứ cơ sở pháp lý quốc tế nào, đặc biệt là theo công ước luật Biển”.

Ngày Thứ Hai, Lý Hồng Mai, nữ bình luận gia của Nhân Dân Nhật Báo ở Bắc Kinh, cảnh cáo Việt Nam là một nước nhỏ mà có tham vọng “vô bờ”, nhưng Trung Quốc sẽ không nhượng bộ dù chỉ một tí chút trong “lợi ích cốt lõi về chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ và luôn luôn đương đầu với bất cứ giá nào”.

Sau khi nêu ra các hoạt động của Việt Nam từ tập trận hải quân đến biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn, Lý Hồng Mai đe dọa “Việt Nam nên tỉnh táo trước sự nguy hiểm”.

Lý Hồng Mai khuyến cáo Việt Nam “kềm chế tham vọng quá xa về biển Ðông, và cũng đừng trông mong vào nước Mỹ vì một lý do giản dị là một khi Mỹ thấy quyền lợi của họ bị đe dọa, họ sẽ sẵn sàng hy sinh quyền lợi của các nước Á Châu ở cái biển Ðông xa xôi”.

Lời lẽ bài báo vừa nói gián tiếp đả kích lập trường của 7 nước ASEAN (Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Lào) và cũng là thành viên tham dự cuộc họp UNCLOS ở New York đều dùng Công Ước về Luật Biển để đả kích Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo.

Bên cạnh tờ Nhân Dân Nhật Báo, tiếng nói chính thức của đảng Cộng Sản Trung Quốc, tờ Văn Hối báo ở Hongkong kêu gọi Bắc Kinh “làm tốt công tác chuẩn bị quân sự” để “đánh trả mạnh mẽ” khi bị chọc tức quá đáng.

Trong khi đó, theo hãng thông tấn AFP và báo SCMP ở Hongkong hôm Thứ Hai, nhiều báo của Trung Quốc trong đó gồm cả Giải Phóng Quân Báo của quân đội Trung Quốc, Thanh Niên Trung Quốc, Tân Hoa Xã, Ðại Công Báo (Ta Kung Pao) loan báo nhiều cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc từ bờ biển Quảng Ðông đến biển Ðông.

Giải Phóng Quân báo ngày Thứ Bảy tường thuật 12 tàu thực tập vớt mìn. Báo Mirror ở Bắc Kinh loan tin một trung đoàn TQLC tập trận bắn hỏa tiễn chống tăng ở vùng núi sát biển tỉnh Quảng Ðông. Trước đó, Ðại Công Báo loan tin đã có 6 cuộc tập trận khác nhau trong tháng này. Tân Hoa Xã loan tin chiếc tàu tuần lớn nhất của Trung Quốc, Haixun-31, rời cảng Chu Hải tỉnh Quảng Ðông ngày 15 tháng 6, 2011 đi thăm viếng Singapore. Nhưng dư luận báo chí quốc tế tin rằng nhiệm vụ chính của nó là tham gia đe dọa các nước láng giềng.

Các tin tức này được đồng loạt loan tải như một tín hiệu cảnh cáo từ Bắc Kinh đến Việt Nam, cho hiểu Việt Nam biểu diễn tập trận một thì họ tổ chức nhiều lần hơn, qui mô hơn, dữ dằn hơn.

Khi chiếc tàu tuần 3,000 tấn Haixun-31, đến Singapore, thông tấn xã AFP loan tin chính phủ đảo quốc này “thúc giục Bắc Kinh rõ rệt hơn về các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ về biển Nam Trung Hoa” mà Việt Nam gọi là biển Ðông. Bởi vì “tham vọng của Hoa Lục tạo ra âu lo khắp nơi”.

Khi hay tin Trung Quốc đưa thêm một số tàu tuần đến biển Ðông (mà Philippines gọi là biển Tân Philippines), Philippines cử chiếc tàu lớn nhất của họ ra khơi tuần tiễu ở các khu vực tin là có sự xuất hiện của tàu Trung Quốc.

0 comments:

Powered By Blogger