Ls Nguyễn Văn Thân (Danlambao) - Cuối tháng trước, Thủ Tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến Úc trong chuyến công du 5 ngày. Tháp tùng ông là một phái đoàn thương gia hùng hậu. Đề tài thảo luận chính là kinh tế nhưng các vấn đề an ninh và chiến lược cũng nằm trong nghị trình trong bối cảnh Úc đang tiến hành soạn thảo Bạch Thư Ngoại Giao 2017. Đây là chuyến công du Úc Châu thứ hai của ông Lý. Ông đến Úc lần đầu vào năm 2009 trong cương vị phó thủ tướng.
Chỉ trong vòng 24 giờ sau khi đáp xuống thì Thủ Tướng Lý Khắc Cường đã đăng một lá thư ngỏ bằng tiếng Anh trên báo The Australian chuyển tải thông điệp trực tiếp đến người dân Úc. Hiếm có một lãnh tụ Trung Quốc nào làm như vậy. Bản thân ông Lý nói và viết tiếng Anh thành thạo và là người duy nhất trong Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc có khả năng Anh ngữ. Vợ ông bà Trần Hồng là một giáo sư Anh văn. Ông Lý có bằng tiến sĩ kinh tế và đã từng dịch sang tiếng Hoa quyển sách mang tựa đề ''The Due Process of Law'' (Quy Trình Pháp Luật) của Lord Denning là vị thẩm phán tài ba lừng danh của Tòa Án Tối Cao Anh quốc. Lý Khắc Cường được đánh giá như là một nhà kỹ trị hiếm hoi trong Bộ Chính Trị. Ông không xuất thân từ một gia đình ''công thần lập quốc'' của triều đại cộng sản như Tập Cận Bình hoặc Bạc Hy Lai. Sự nghiệp chính trị của ông thăng tiến là nhờ vào sự hậu thuẫn của Đoàn Thanh Niên Cộng sản Thượng Hải mà người đỡ đầu là Hồ Cẩm Đào. Ông cũng được cho là một thủ tướng yếu thế nhất vì không có đồng minh nặng ký trong bộ chính trị. Có tin là ông sẽ không được tiếp tục làm thủ tướng nhiệm kỳ thứ hai. Trong cuộc họp báo ngày 15/3 vừa qua, ông đã chào và nói với ký giả rằng ''hẹn tái ngộ nếu có cơ hội''. Câu nói này làm nhiều người đặt câu hỏi về tương lai chính trị của nhận vật số hai khi Đảng CSTQ chuẩn bị quyết định thành phần nhân sự vào cuối năm nay cho nhiệm kỳ 5 năm kế tiếp.
Trong lá thư ngỏ, ông Lý ghi nhận là chúng ta đang sống trong những ngày tháng bấp bênh với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và làn sóng chống đối toàn cầu hóa, sự cạnh tranh chiến lược giữa các siêu cường và thách thức hệ thống trật tự và tập quán quốc tế. Trong quá khứ, Trung Quốc có lúc đã chọn đóng cửa với thế giới bên ngoài nhưng kết quả chỉ mang lại đói nghèo và đau khổ. Quyết định mở cửa hội nhập với cộng đồng quốc tế trong vài thập niên qua đã giúp Trung Quốc phát triển qua hình thức hợp tác mà mọi bên cùng có lợi. Tiến trình lịch sử này không thể đảo ngược. Từ khi Hiệp Ước Thương Mại Tự Do Trung Úc Trung có hiệu lực vào tháng 12 năm 2015, kim ngạch thương mại hai chiều vượt qua 150 tỷ Úc kim trong năm 2016. Úc xuất cảng hơn 75 tỷ hàng hóa và dịch vụ trị giá gần 11 tỷ sang Trung Quốc. Có hơn 1.4 triệu người du lịch Trung Quốc đến viếng thăm Úc. Hàng hóa xuất cảng từ Úc sang Trung Quốc gồm có sữa bột, rượu đỏ và thuốc bổ đã tăng hơn 50%. Úc là nguồn cung cấp khoáng sản và nhiên liệu giúp đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc.
Vào năm 2013, Thủ Tướng Julia Gillard đã đạt đồng thuận với Trung Quốc là hai nước sẽ có cuộc họp mặt và đối thoại thường niên ở cấp lãnh tụ. Thủ Tướng Malcolm Turnbull đã viếng thăm Trung Quốc hồi tháng tư năm ngoái mang theo hơn 1,000 thương gia. Năm nay, ông Lý Khắc Cường đáp lễ. Ngoài những vấn đề kinh tế, ông Lý cũng muốn tạo ấn tượng một nước Trung Hoa trỗi dậy hiền hòa, chững chạc, có trách nhiệm và có khả năng đóng vai trò lãnh đạo khu vực so với những chính sách khó lường và tiền hậu bất nhất của Hoa Kỳ dưới thời của Tổng Thống Donald Trump. Trung Quốc rất khôn ngoan và không bao giờ muốn đối đầu với một nhóm quốc gia gồm có Hoa Kỳ sát cánh với đồng minh như Úc và Nhật. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã sáng tác ra khái niệm ''nhóm bạn bè chung'' (a common circle of friends) để áp dụng cho quan hệ Úc Trung. Có nghĩa là cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều là bạn thân của Úc. Trung Quốc biết rõ là nếu buộc Úc phải lựa chọn thì sự lựa chọn đó sẽ không có lợi cho Trung Quốc. Mặt khác, một khi Úc nhìn nhận Trung Quốc như một người bạn thân có ơn mưa móc thì không có lý do gì Úc phải hăng hái đứng về phía Mỹ khi có tranh chấp giữa hai siêu cường.
Ngoài ra, ông Lý cũng muốn nêu ra một vài vấn đề liên quan trực tiếp giữa hai nước. Thứ nhất, Trung Quốc không hiểu tại sao Úc luôn rất tích cực kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật lệ và tập quán quốc tế đặc biệt là phán quyết của Tòa án Trọng tài về Luật Biển trong vụ kiện Đường Lưỡi Bò trong khi chính nguyên đơn và bên thắng kiện là Phi Luật Tân thì không muốn nhắc đến phán quyết này. Quan điểm của Trung Quốc là luật quốc tế do phương Tây đặt ra. Trung Quốc muốn cải cách cho phù hợp với thế giới ngày nay phản ánh đúng vai trò và tầm cỡ của Trung Quốc. Nhưng nếu muốn vậy thì Trung Quốc nên tham gia vào vụ kiện và tiến trình diễn giải luật pháp. Đằng này Trung Quốc lại tẩy chay Tòa Án Quốc Tế. Hành động tẩy chay chỉ có thể được xem như là một hình thức khinh mạn coi thường luật pháp và tập quán quốc tế.
Thứ hai là RCEP. Úc đã nhiều lần ngỏ ý đề nghị Trung Quốc tham gia vào TPP thay thế chỗ trống của Mỹ. Nhưng việc này khó thể xảy ra vì bản chất của nền kinh tế Trung Quốc là một công ty quốc gia (China Inc) mà trong đó doanh nghiệp và các công ty nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo. TPP đòi hỏi minh bạch và doanh nghiệp nhà nước phải cạnh tranh công bằng. Điều này không thể nào xảy ra được đối với Trung Quốc. Quyền lực chính trị và kinh tế là do giới chóp bu kiểm soát. Họ không dễ dàng từ bỏ độc quyền và đặc quyền như vậy.
Thứ ba là Nhất Đới Nhất Lộ. Óng Lý muốn lôi kéo Úc gia nhập vào Đại Chiến Lược này qua chương trình phát triển kinh tế Bắc Úc. Nhưng Úc đã thẳng thắn từ chối vì Bắc Úc là căn cứ quân sự của Mỹ. Trước đây, Tổng Thống Obama đã rất bực dọc và bày tỏ sự bất mãn trực tiếp với Thủ Tướng Turnbull sau vụ chính quyền Lãnh Thổ Bắc Úc cho một công ty Trung Quốc thuê cảng Darwin tới 99 năm. Chính quyền Liên Bang Úc sẽ không dại dột làm phật lòng đồng minh của mình thêm một lần nữa.
Thứ tư là chính sách đầu tư ngoại quốc của Úc. Trong thời gian qua, Bộ Kiểm Soát Đầu Tư Ngoại Quốc (Foreign Investment Review Board) của Úc đã nhiều lần phủ quyết ý định của các công ty Trung Quốc thu mua các nông trại hoặc cơ sở điện lực có tầm vóc đáng kể. Ông Lý có thể nêu ra thắc mắc hoặc quan ngại nhưng Úc phải cứng rắn và giữ lập trường. Chỉ cần hỏi lại ông Lý là Trung Quốc có cho phép các công ty của Úc mua lại nông trại, cơ sở điện lực, hải cảng hoặc sân bay của Trung Quốc hay không? Đó là chưa kể các công ty của Úc thuộc về tư nhân không có dính dáng gì tới nhà nước. Trong khi đó, hầu như tất cả các công ty lớn của Trung Quốc đều có chi bộ đảng hoặc ủy viên chính trị nắm vai trò then chốt. Khi có xung đột thì chỉ cần kiểm soát được cơ sở hạ tầng là có thể khống chế được đối thủ.
Thứ năm là Hiệp Ước Dẫn độ. Úc và Trung Quốc ký kết Hiệp Ước Dẫn độ từ năm 2007 nhưng vẫn chưa được Quốc Hội Úc phê chuẩn. Ông Lý muốn thúc đẩy Úc mau sớm thông qua để Trung Quốc có thể bắt về những quan chức tham nhũng đã hạ cánh an toàn tại Úc. Thủ Tướng Turnbull muốn chứng tỏ thiện chí với Trung Quốc và đã trình dự luật phê chuẩn lên Thương Viện nhưng nỗ lực này hoàn toàn thất bại vì ai cũng biết hệ thống tư pháp của Trung Quốc không đủ tiêu chuẩn quốc tế về mặt khả năng phán xét trung thực đáng tin cậy cũng như tư thế độc lập với tỷ lệ buộc tội hơn 99%. Có nhiều luật sư nhân quyền lần lượt vào khám dưới thời cai trị của Hoàng Đế Tập Cận Bình.
Quan điểm về quan hệ Úc Trung hiện nay có hai khuynh hướng: lãng mạn và thực tế. Phe lãng mạn gồm có Giáo sư Hughes White thuộc viện Đại Học ANU và một vài cựu lãnh tụ Lao Động chẳng hạn như cựu Thủ Tướng Paul Keating, cựu Thủ Hiến NSW và Ngoại Trưởng Bob Carr và cựu Thủ Hiến Victoria John Brumby. Họ cho rằng Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ trở thành một siêu cường quốc hiền hòa, dễ chịu, thay thế Mỹ nắm vai trò lãnh đạo thế giới. Tốt nhất là Úc nên xây dựng quan hệ thân thiện với Trung Quốc để có thể 'uốn nắn' Trung Quốc đóng vai lãnh đạo có trách nhiệm. Phe thực tế dẫn đầu là Peter Jennings Giám đốc Viện Chiến Lược thì cho rằng Uc cứ tiếp tục làm ăn với Trung Quốc vì có lợi cho cả hai nhưng Úc không bao giờ có thể tin cậy hoặc làm bạn thân với Trung Quốc được vì hai bên có những giá trị cốt lõi rất khác nhau chẳng hạn như tự do/độc đoán, dân chủ/đảng trị, quyền cá nhânquyền xã hội. Phe lãng mạn thuộc về thiểu số nhưng tiếng nói của họ càng ngày càng có ảnh hưởng và được giới truyền thông chính mạch lưu ý tới nhiều hơn. Một phần là cũng tại Donald Trump. Chính sách cũng như cung cách hành xử của Trump được cho là đi ngược lại những giá trị căn bản của người Úc đó là tôn trọng quyền bình đẳng giới tính, không phân biệt đối xử hoặc kỳ thị tôn giáo, tín ngưỡng, cởi mở kinh tế và thị trường. Thật ra phe lãng mạn cũng không hẳn là thích Trung Quốc nhưng vì không thích Trump nên họ muốn Úc đi theo một hướng hoàn toàn độc lập với Mỹ.
Trong chuyến viếng thăm này, Lý Khắc Cường trấn an thế giới rằng Trung Quốc không có ý đồ quân sự hóa Biển Đông mà chỉ trang bị vũ khí phòng vệ để duy trì 'tự do lưu thông hàng không và hàng hải'. Trước đây, Tập Cận Bình cũng đã cam kết là Trung Quốc sẽ không bao giờ quân sự hóa Biển Đông. Nhưng những bằng chứng hình ảnh không thể chối cãi là Trung Quốc đã xây dựng tàu sân bay trên các đảo nhân tạo và trang bị các giàn phóng hỏa tiễn. Lời nói và việc làm không đi đôi với nhau. Có những sự ngây thơ và lãng mạn chết người như bài học xương máu của người Việt Nam đối với chủ nghĩa cộng sản. Nếu tiếng nói của phe lãng mạn ngày càng trỗi dậy thì không khéo có ngày người Úc cũng phải nếm mùi một bài học cay đắng như người Việt Nam vậy.
8/4/2017
0 comments:
Post a Comment