Monday, January 4, 2016

Xu hướng gia tăng việc chống người thi hành công vụ ở VN

Anh Vũ, thông tín viên RFA / 2016-01-02



Công an đàn áp người biểu tình chống TQ ở Hà Nội hồi năm 2012. AFP
Tình trạng chống người thi hành công vụ đang diễn ra phổ biến ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước và có xu hướng gia tăng phức tạp. Nguyên nhân do đâu và cần giải pháp nào để giảm bớt tình trạng này?
Nguyên nhân
Gần đây ở Việt Nam, tình trạng chống lại người thi hành công vụ đang có xu hướng gia tăng, với các hành vi chống đối ngày càng manh động, liều lĩnh, thể hiện sự coi thường pháp luật và kỷ cương xã hội của một bộ phận người dân.
Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, tình trạng chống người thi hành công vụ, nhất là chống lại lực lượng công an ngày càng gia tăng. Đã xảy ra 922 vụ chống người thi hành công vụ, trong đó 673 vụ chống lại lực lượng công an.
Một nhân viên cảnh sát giao thông ở Hà nội, yêu cầu dấu danh tính cho biết:
“Trong thời gian qua, trong quá trình tuần tra kiểm soát của lực lượng CSGT đã gặp rất nhiều đối tượng tham gia giao thông nhưng không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát. Thậm chí có những hành vi chống lại lực lượng cảnh sát.”
Đánh giá về tình trạng chống người thi hành công vụ hiện nay, từ Hà nội LS Hà Huy Sơn - Giám đốc Cty Luật TNHH Hà Sơn nói với chúng tôi:
“Tình trạng chống người thi hành công vụ hiện nay ở Việt Nam đang có xu hướng gia tăng, nó thường xảy ra trong các lĩnh vực buôn lậu, buôn hàng cấm, giao thông đường bộ, đường thủy, hay việc khai thác tài nguyên khoáng sản và thu hồi đất đai. Với mức độ hết sức nghiêm trọng và xảy ra ở hầu hết các địa phương.”
Theo báo Pháp luật online cho biết, ngày 28/12/2015, phát biểu tại phiên họp trực tuyến Chính phủ và các địa phương, Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, năm 2015 riêng trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đã xảy ra 37 vụ chống CSGT khiến 9 cảnh sát bị thương, còn tính trong 5 năm (2011-2015) thì có 231 vụ khiến 1 CSGT hy sinh, 76 bị thương.
Bình luận về tình trạng chống người thi hành công vụ đang có xu hướng gia tăng hiện nay, ông Mai Dũng, một nhà hoạt động xã hội ở Hà nội nhận xét:
“Theo tôi nghĩ điều đó hoàn toàn phù hợp với logic, tình trạng chống người thi hành công vụ đang diễn ra khá nghiêm trọng. Trong điều kiện những người thi hành công vụ tỏ ra bất chấp pháp luật, còn người dân thì mất niềm tin, dù rằng họ vẫn sợ. Nhưng số có hiểu biết thì họ đã vượt qua được nỗi sợ hãi, thì họ chấp nhận đối kháng và họ sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro.”
Khi được hỏi, nguyên nhân do đâu đã khiến tính trạng chống người thi hành công vụ trở nên hết sức phổ biến?
Một vụ công an cưỡng chế nhà ở Hà Nội. Ảnh minh họa.
Có rất nhiều nguyên nhân và nhiều lý do khác nhau dẫn đến việc người dân bức xúc hay phẫn uất, song thái độ của nhân viên công vụ là nguyên nhân trực tiếp nhất. LS Hà Huy Sơn nhận định:
“Do đời sống người dân hết sức khó khăn, họ bị dồn vào con đường cùng quẫn. Thứ 2 là sự bất công, thiếu công bằng khi mà pháp luật chỉ phục vụ cho một nhóm người mà không phục vụ cho toàn xã hội. Nhiều người có quyền lực trong bộ máy nhà nước đã sử dụng quyền lực để phục vụ lợi ích của cá nhân, vì thế người dân đã phản ứng và chống lại lực lượng thi hành công vụ.”
Giải thích về các quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, về các quy định xử phạt đối với hành vi chống người thi hành công vụ, LS Hà Huy Sơn cho biết: Điều 257 BLHS về tội chống người thi hành công vụ quy định: người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Nếu phạm tội có tổ chức; phạm tội nhiều lần; gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. LS Hà Huy Sơn tiếp lời:
“Khi chưa đến mức độ phải xử lý hình sự thì người ta sẽ tiến hành xử phạt hành chính, hoặc là phạt tiền, tịch thu tang vật và phương tiện. Về mặt xử lý hình sự thì tại điều 257 của Bộ Luật hình sự đã quy định rõ: người nào sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác để cản trở hoặc ép buộc người thi hành công vụ thực hiện các hành vi trái pháp luật.”
Giải pháp
Nói về các giải pháp nhằm hạn chế và giảm thiểu tình trạng chống người thi hành công vụ. LS Hà Huy Sơn đề xuất:
“Nhà nước Việt Nam phải quản lý nhà nước trên cơ sở tôn trọng và tuân thủ các giá trị phổ quát của thế giới, như tôn trọng quyền công dân, tôn trọng nhân quyền. Việt Nam phải xây dựng một nhà nước pháp quyền, để có sự cân bằng giữa 3 cơ quan quyền lực, khi đó công lý mới có thể được đảm bảo và nó mới tránh được cái tình trạng như hiện nay, đó là pháp luật chỉ bênh vực cho một nhóm người thay vì toàn xã hội. Muốn thế phải thực sự tôn trọng quyền làm chủ đất nước của người dân, phải có bầu cử, ứng cử tự do và thực sự.”
Theo báo Lao động online, ThS. Luật học Văn Khắc Hùng, cho rằng để hạn chế tình trạng chống người thi hành công vụ, thì ngay trong lực lượng cảnh sát, nhất là cảnh sát giao thông cũng phải thực hiện nhiều biện pháp điều chỉnh hành vi, tác phong, cách thức giao tiếp, ứng xử để có những kỹ năng giải quyết mâu thuẫn giữa người thực thi pháp luật và người vi phạm, để giảm thiểu nguy cơ gây ức chế, tránh xảy ra các hành vi chống đối.
Nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này là do, chính sách pháp luật cũng như cách hành xử của nhân viên công vụ mang tính chất đàn áp, hòng làm cho sự sợ hãi của dân chúng tăng lên. Ông Mai Dũng khẳng định:
“Một mặt thì chính quyền gia tăng đàn áp để đe dọa nhằm làm cho sự sợ hãi của dân chúng tăng lên. Nhưng trong một xã hội vô pháp như hiện nay thì người dân đã hết sợ hãi rồi, cho nên để giải quyết vấn đề này sẽ hết sức bế tắc. Do vậy, nếu muốn xã hội ổn định thì họ phải chấm dứt việc đàn áp.”
Theo báo Pháp luật online cho biết, tình trạng chống người thi hành công vụ không chỉ trở thành nỗi lo thường trực đối với lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ, mà còn thể hiện sự coi thường kỷ cương, pháp luật và trật tự xã hội của người dân. Việc tấn công nhà ở của các quan chức, như vụ nổ mìn sập nhà Giám đốc Công an Thái nguyên cách đây chưa lâu, hay việc nhà phó trưởng công an Phủ lý bị xả đạn mới đây đã cho thấy điều đó.

------
Nhà riêng Trưởng công an TP Phủ Lý bị xả súng giữa đêm

VOA - 15/12/2015
Tối muộn 14/12, một kẻ lạ mặt đã nổ súng vào nhà riêng ông Lê Đức Tùng - Trưởng Công an TP Phủ Lý, Hà Nam, rất may không ai bị thương.
Tối muộn 14/12, Trung tá Lê Đức Tùng - Trưởng Công an TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, và gia đình đang xem tivi trong nhà thì bị kẻ gian từ ngoài đường bắn vào nhà.
Rất may, vụ nổ súng không gây thương tích cho trung tá Tùng cũng như người thân nhưng đã làm hỏng một chiếc tivi trong nhà.
Nguồn tin cho biết vào thời điểm này, kẻ gian đi qua nhà của trung tá Lê Đức Tùng và nổ súng vào nhà qua cửa sổ khiến các mảnh kính bắn tung tóe và hư hỏng chiếc tivi trong nhà. Mọi người trong gia đình bị một phen hoảng loạn nhưng rất may không ai bị thương tích.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, các cơ quan chức năng của Công an tỉnh Hà Nam đã khẩn trương có mặt tại hiện trường để khám nghiệm, điều tra vụ việc và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho gia đình trung tá Lê Đức Tùng.
Được biết, trung tá Lê Đức Tùng được bổ nhiệm Trưởng Công an thành phố Phủ Lý đã nhiều năm và rất tích cực trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy. Do đó, không loại trừ khả năng các đối tượng xã hội trả thù đối với ông Tùng.
Liên quan đến sự việc này, ông Phạm Hồng Tuyến - Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam cho biết hiện cơ quan công an vẫn đang tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ để kết luận và truy bắt nghi phạm. Khi có kết quả, Công an Hà Nam sẽ cung cấp đến dư luận thông tin đầy đủ về sự việc này.
Ông Tuyến cũng xác nhân trung tá Tùng và gia đình không có ai bị thương trong vụ việc và vẫn đi làm bình thường.
Thông tin sơ bộ cho biết vụ nổ súng vào nhà Trung tá Lê Đức Tùng xảy ra vào khoảng 23h ngày 14/12. Đối tượng đã nổ 3 phát súng, có khả năng từ súng quân dụng K59.
Ông Tùng bị trúng đạn vào phần mềm ở tay và được đưa đến bệnh viện sơ cứu và xuất viện ngay sau đó do thương tích không đáng kể.
Được biết, trước đây ông Tùng là đội trưởng một đội thuộc Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Công an tỉnh Hà Nam, đã từng phá nhiều vụ án về ma túy. Sau đó ông Tùng được điều về làm Phó trưởng Công an TP Phủ Lý, sau đó được bổ nhiệm Trưởng Công an.



Nhà riêng ông Tùng tại Phường Thanh Châu, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Theo M.Quang/Tuổi Trẻ
Nổ lớn tại nhà Giám đốc Công an Thái Nguyên

Một tiếng nổ lớn vang lên trong đêm đã phá tan tầng 1 nhà Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên, hàng loạt nhà bên cạnh cũng bị ảnh hưởng.




Hiện trường vụ việc. Ảnh: VTC.
Sự việc xảy ra vào khoảng 2 giờ sáng nay (07-01), tại khu vực đường Lương Ngọc Quyến, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Vụ nổ được xác định xảy ra tại số nhà 191, đường Lương Ngọc Quyến - là nhà của Đại tá Nguyễn Như Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên.
Tiếng nổ lớn đã làm thức tỉnh toàn bộ người dân trong khu vực, phá tan tầng một nhà ông Đại tá. Tại hiện trường, cửa kính những ngôi nhà xung quanh cũng hoàn toàn vỡ vụn. Rất may, không có ai thương vong trong vụ nổ này.
Một số công nhân vệ sinh đang làm việc tại khu vực này cho biết, vào khoảng thời gian trên, họ đang mải làm thì choáng váng khi nghe thấy tiếng nổ.
Sức ép từ vụ nổ mạnh đến nỗi đã làm những công nhân này ngã xuống đường, thổi bay chiếc xe rác ra xa mấy mét. Sau đó, một đám bụi mùi mịt bao phủ trên đường và cảnh tượng đổ nát.
Theo một người dân khác sống ở khu vực này cho biết, lúc đang ngủ thì họ nghe thấy tiếng nổ lớn phát ra từ ngoài đường, kèm theo đó là những mảnh vỡ.
Ban đầu chỉ nghi là nổ bình gas, tuy nhiên khi bước ra ngoài thì họ thấy nhà ông Tuấn bị méo móp, cửa nhà ông Tuấn và cửa hàng phở bên cạnh bị thổi tung ra vỉa hè. Ngay sau đó, hàng chục xe cảnh sát được điều động đến.
Hiện lực lượng chức năng đang phong toả hiện trường và điều tra, làm rõ vụ việc.
Theo Đại Minh - Đại Trí / VTC

0 comments:

Powered By Blogger