Monday, January 25, 2016

TT Nguyễn Tấn Dũng không có mặt trong Ban chấp hành trung ương khóa XII





Đại hội Đảng lần thứ 12 khai mạc tại Hà Nội, sáng ngày 21/1/2016.
Đại Hội khóa XII bước sang ngày thứ 5 với nghị trình biểu quyết cho phép hay không cho phép những người muốn rút tên sau khi được đề cử vào Ban chấp hành Trung ương trong đó nổi bật nhất là ba người đương nhiệm là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Tin mới nhất liên quan đến Đại hội XII được báo Thanh Niên loan tải vào lúc 3 giờ chiều hôm nay cho biết Đại hội đã bỏ phiếu kín để quyết định đồng ý hay không đồng ý trước đề nghị xin rút tên của 29 người vừa được các đoàn đại biểu dự Đại hội XII đề cử vào ngày hôm qua 24/1.
Có 23 người được đề cử làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương khoá XII, đáng chú ý nhất là tất cả các Ủy viên Trung ương đương nhiệm gồm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đều được đại hội đề cử nhưng cùng xin rút tên.
Hôm nay có lẽ là ngày quan trọng và được chờ đợi nhiều nhất đối với người quan tâm tới quyết định cho phép hay không của đại hội. Sự chờ đợi tập trung vào kết quả đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có được đại hội bỏ phiếu không cho rút tên khỏi danh sách đề cử hay không cho phép. Nếu ông Dũng được Đại hội cho phép rút tên thì chiếc ghế Tổng bí thư xem như dành cho ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ngồi lại thêm ít nhất là 2 năm nữa.
Ngược lại nếu Đại hội biểu quyết không cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rút tên đề cử vào Ban chấp hành khóa XII thì sóng gió lại tiếp tục khoáy động Đại Hội cho tới khi cuộc bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành diễn ra vào ngày mai 26/1, để rồi sau đó ngày 27/1 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII sẽ họp bầu Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại trụ sở Trung ương Đảng.
Hai tiếng đồng hồ trước khi có kết quả chính thức từ Đại hội khóa XII Bác sĩ Hố Hải, một trí thức luôn theo dõi và có những nhận xét về vai trò của Thủ tướng Dũng trong Ban chấp hành khóa XII này cho biết nhận xét của ông:
“Chuyện Đại hội bắt buộc ông Nguyễn Tấn Dũng phải ngồi lại là chuyện đương nhiên phải làm bởi vì nếu ông Dũng rớt xuống thì kinh tế sẽ sụp đổ ngay. Thông tin ngày hôm qua cho biết ông Dũng được đề cử trở lại Ban chấp hành Trung ương 12 thì hôm nay chứng khoán nó lên ào ạt đặc biệt là hai mã dầu khí và ngân hàng thành ra yếu tố kinh tế nó cực kỳ quan trọng, đó là điểm thứ nhất, điểm thứ hai là điểm chính trị, theo tôi biết thì có một sự gặp gỡ giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 2 năm 2016 sắp tới đây để mạn đàm về chuyện kinh tế và TPP. Nếu ông Nguyễn Tấn Dũng rớt kỳ này thì liệu rằng quan hệ giữa hai quốc gia có thể tốt hơn hay không?
Còn việc ông nào làm Tổng Bí thư không quan trọng. Có khi ông Dũng sẽ là chú tịch nước hoặc là một chức gì đó không có nghĩa phải là Tổng bí thư nhưng phải cân bằng quyền lực giữa hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ là quan trọng nhất. Không bao giờ trong suy nghĩ của tôi lại nghĩ rằng ông Dũng sẽ về hưu đợt này.”
Ông Kha Lương Ngãi nguyên phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng cho biết tuy theo dõi từ đầu nhưng không thể biết gì hơn vì mọi thông tin đều bị làm cho rối loạn và không thể tiên đoán được điều gì đang xảy ra bên trong Hội nghị:
“Tôi có theo dõi nhưng người ta dấu giếm, người ta tù mù. Lũng đoạn đủ mọi thứ cho nên tôi không biết không đoán được gì hết. Họ đưa ra quyết định 244 để lũng đoạn Bộ chính trị họ dung cái gọi là sự thống nhất của Bộ chính trị để lũng đoạn Hội nghị Trung ương 13 họ lũng đoạn Hội nghị Trung ương 14 rồi họ tiếp tục lũng đoạn đại hội, tôi thấy rõ cái đó thôi nhưng bên trong còn nhiều thứ tù mù, nhiều thủ đoạn xấu xa lắm không hiểu nỗi, không biết được.”
Tin cuối cùng mà chúng tôi ghi nhận được vào lúc 8 giờ 15 tối hôm nay kết quả biểu quyết cho biết Đại hội XII đã đồng ý cho 29 ứng cử viên, 23 chính thức và 6 dự khuyết rút khỏi danh sách bầu cử. Ông Nguyễn Tấn Dũng cùng nằm trong số được phép rút tên đề cử, có nghĩa là ông sẽ không có mặt trong Ban chấp hành trung ương khóa XII cũng như hai ông Trương Tấn Sang và Nguyễn Sinh Hùng cũng đều được Đại hội chấp nhận ý nguyện.
Như vậy là chính thức chấm dứt sự kỳ vọng vào ứng viên Nguyễn Tấn Dũng của dư luận cũng đồng thời chấm dứt luôn các tranh luận về vai trò mới của ông có thể biến thành một Putin thứ hai cho Việt Nam.

------
 

0 comments:

Powered By Blogger