Monday, January 25, 2016

Trung Quốc đã mất Đài Loan ?




Người dân Đài Loan vui mừng trước thắng lợi của bà Thái Anh Văn, trong cuộc bầu cử 16/01/2016.REUTERS/Olivia Harris 
Liên quan đến thời sự châu Á, nhật báo Le Figaro trở lại cuộc bầu cử tổng thống hôm 16/01/2016 tại Đài Loan đem lại thắng lợi cho bà Thái Anh Văn thuộc đảng Dân Tiến, đảng chủ trương đòi độc lập cho Đài Loan. Sự kiện này đang đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến mối quan hệ giữa Đại lục và hòn đảo Đài Loan, vốn đang xích lại gần nhau dưới thời tổng thống mãn nhiệm Mã Anh Cửu thuộc Quốc Dân Đảng. Bài viết của đặc phái viên của báo tại Đài Loan đặt câu hỏi lớn : « Trung Quốc đã mất Đài Loan ? » Trả lời cho câu hỏi lớn, Le Figaro đi vào lý giải từng câu hỏi nhỏ.
Việc chính đảng ủng hộ độc lập lên nắm quyền mang lại thay đổi gì cho hòn đảo ?
Sau thất bại lần đầu ra ứng cử tổng thống (2012), cũng chỉ vì tỏ rõ lập trường đòi Đài Loan độc lập, lần này bà Thái Anh Văn tỏ ra thực dụng hơn. Bà ý thức được sự phồn thịnh của hòn đảo một phần có liên quan đến quan hệ kinh tế với đại lục, cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới. Nhưng bà chủ trương đa dạng hóa hơn quan hệ thương mại với các nước khác.
Cái khó, theo tác giả, là đa số các cường quốc kinh tế đều muốn giữ chừng mực trong quan hệ với Đài Loan để khỏi làm phật lòng Bắc Kinh. Để không làm căng thẳng quan hệ với Bắc Kinh, tổng thống tân cử duy trì « giữ nguyên hiện trạng » . Lập trường này sẽ xung đột với phe cứng rắn trong đảng Dân Tiến muốn giữ cho Đài loan « một hệ thống dân chủ, nhân quyền » hiện có. Le Figaro dẫn lời cựu bộ trưởng Ngoại giao trong chính quyền của đảng Dân Tiến (2000-2008) Trần Đường Sơn (Mark Chen) nhận định : « Bà Thái sẽ phải chứng tỏ sự can đảm, khéo léo không để mếch lòng Bắc Kinh » .



Tổng thống tân cử Đài Loan, bà Thái Anh Văn.
Thách thức nào cho Bắc Kinh?
Theo tác giả bài viết, Bắc Kinh giữ thái độ kiềm chế sau cuộc bầu cử và chỉ nhắc lại thỏa thuận 1992 giữa Bắc Kinh và Đài Bắc về nguyên tắc « chỉ có một nước Trung Quốc duy nhất» , cho dù mỗi bên vẫn diễn giải khái niệm này theo cách riêng. Tổng thống tân cử cho thấy bà vẫn tôn trọng « tinh thần của thỏa thuận 92 » .
Tuy vậy, không có gì bảo đảm như thế đã đủ cho Tập Cận Bình. Trong bối cảnh của Đài Loan với nền kinh tế đang bấp bênh, quan hệ với các láng giềng trong khu vực cũng co hẹp lại, có thể ông Tập sẽ gây được sức ép với bà Thái bằng công cụ hợp tác kinh tế.
Giới trẻ Đài Loan có cảm thấy mình còn là người Trung Quốc ?
Theo tác giả, « đến giờ thì giới trẻ Đài Loan không bị hấp dẫn bởi viễn cảnh công ăn việc làm do Hoa lục mang đến » . Họ vẫn gắn bó với các giá trị tự do, dân chủ ở Đài loan. Nhà nghiên cứu Du Chấn Hoa (Yu Chen Hua), thuộc Đại học chính trị Đài Bắc nhận xét : « Giới trẻ rất gắn bó với bản sắc Đài Loan và họ ngày càng ít cảm nhận mình là người Trung Quốc » .
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu họ Du nói thêm : « như vậy không có nghĩa là họ tự động tuyên bố độc lập, bởi họ biết Bắc Kinh sẽ rất quyết liệt nếu Đài Loan tiến thêm một bước theo hướng đó » . Bài báo dẫn ra số liệu : 60% người dân trên đảo cảm thấy mình chỉ là người Đài Loan và chỉ có 3,5% tự coi mình như người Trung Quốc. Năm 1992 , chỉ có 18% khẳng định bản sắc riêng và 26% cảm thấy liên quan đến Hoa lục.
Tình hình Hồng Kông có ảnh hưởng đối với Đài Loan ?
Le Figaro khẳng định là thái độ của Bắc Kinh đối với Hồng Kông tất nhiên gây sự ngờ vực ở Đài loan. Đơn giản nếu một ngày nào đó Đài Loan bị sáp nhập về Trung Quốc thì chắc sẽ lại theo mô hình « một đất nước hai chế độ » như đang hiện hành ở Hồng Kông. Người Đài Loan giờ đây có thể quan sát thấy các quyền tự do của người Hồng Kông đang bị thu hẹp thế nào dưới bàn tay của Bắc Kinh.
Hoa Lục có thể dùng vũ lực lấy lại đảo Đài Loan ?
Đây là điều Bắc Kinh không hề loại trừ. Ngay sau kỳ bầu cử vừa qua, Trung Quốc đã có động thái quân sự ngay bằng cách tổ chức tập trận trên quy mô lớn ở Hạ Môn ngay sát nách với hòn đảo. Kịch bản dùng vũ lực khó có thể xảy ra, nhưng người Đài Loan vẫn không thể yên tâm được.
------

0 comments:

Powered By Blogger