Bây giờ các anh phải sống theo cách khác cái lũ già hèn nhát chúng
tôi, phải học chia một véc-bờ khác: Tôi đếch sợ anh, anh đếch sợ tôi,
chúng ta đếch sợ chúng nó... - Nguyễn Tuân
Tưởng Năng Tiến (Danlambao)
- Tôi giao thiệp hơi (quá) rộng. Trong số mấy triệu người Việt
tị nạn đang sống rải rác khắp nơi trên thế giới, tôi quen biết
dám chừng hơn nửa. Còn với qúi đồng hương hay đồng bào (ở quê
nhà) chắc cũng khoảng một phần mười, nghĩa là cỡ đâu mười
triệu - bất kể thành phần xã hội, giới tính, sắc tộc, tôn
giáo, hay chính kiến... - anh Tiêu Dao Bảo Cự và chị Phạm Thị
Bạch Yến là hai trong (vô số) những người này.
Người trông xa, ma trông gần. Bạn bè, tất nhiên, cũng không nên
thân cận quá. Bởi vậy, khi nghe tin anh Bảo Cự và chị Bạch Yến
sẽ ghé Mỹ (chơi) độ... nửa năm, tôi “hết hồn hết vía” và “băn
khoăn” cả buổi!
Hoa Kỳ không phải là nơi để chơi. Ghé qua sáu ngày e thiếu nhưng
ở tới sáu tháng thì sợ là dư. Tôi thực sự lúng túng không
biết làm gì khoảng thời gian (dài đến một trăm tám chục ngày)
khách ở California.
May mà cả anh Tiêu Dao Bảo Cự lẫn chị Bạch Yến (chắc) đều tuổi Ngọ nên rất “chịu” đi. Trong tập bút ký Gặp Gỡ Trên Đất Mỹ, ông cho biết hai người đã “phiêu lưu” qua mười hai tiểu bang và Washington D.C.
Xin xem qua một đoạn văn tác giả viết về Viện Bảo Tàng Báo chí (Newseum) nơi mà hầu như mọi du khách đến thủ đô nước Mỹ cũng đều đã dừng chân:
“Có một bức tường tưởng niệm các nhà báo trên thế giới đã hi sinh
trong khi làm nhiệm vụ, được coi như những anh hùng của nền dân chủ, với
tên tuổi và hình ảnh dày đặc từ gần dưới nền lên cho đến tận trần nhà.
Nhiều câu nói về sự cao quý của nhà báo và nghề báo ghi trên các bức
tường được chọn lọc cẩn thận, đáng suy ngẫm.
Tôi thích nhất các câu: ‘The free press is the cornerstone of
democracy,’ ‘Free press, at its best, reveals the truth’ và điều xác tín
của Rod Dreher, nhà bình luận báo chí: ‘There are three kinds of people
who run toward disaster, not away: cops, firemen and reporters.’ Dĩ
nhiên đây phải là báo chí và nhà báo chân chính. Trong thế giới hiện
nay, cũng không hiếm các báo chí và nhà báo đi ngược lại thiên chức cao
quý của mình...”
Nhà báo là một trong ba loại người chạy đến nơi
xảy ra tai họa chứ không chạy đi. Ảnh và chú thích: TDBC.
Chả hiểu sao cứ mỗi khi nghe nói đến danh xưng “nhà báo chân
chính” và “thiên chức cao qúi” của họ là tôi lại nghĩ ngay đến
“cung cách tác nghiệp” của những người làm báo ở xứ sở của
mình, cùng với một tiếng thở dài - cố nén!
Chớ có người làm báo nào ở Việt Nam chạy đến nơi xẩy ra tai
họa không vậy, Trời? Sao không: trong vụ cưỡng chế đất đai ở Văn
Giang, hai nhà báo của chúng ta đã có ngay mặt tại hiện
trường – và bị công an đánh cho bầm dập, đánh cho tơi tả, “đánh
cho chết mẹ mày đi” - dù họ chỉ đến “với tinh thần ủng hộ chủ trương của tỉnh,” và cho công tác “tuyên truyền có định hướng” của nhà nước, chứ không phải để lên tiếng bênh vực cho những nông dân đang bị đẩy vào bước đường cùng.
Biếm họa: Babui
Toa rập với cường quyền để áp bức lương dân không phải là “sở
trường” duy nhất của những người làm báo ở Việt Nam. Họ còn
sẵn sàng đánh bóng hay nói theo bất cứ chủ trương hoặc chính
sách nào của Nhà Nước - kể cả những chủ trương ngu xuẩn nhất -
bằng những lời lẽ hoàn toàn dối trá và trơ trẽn:
Do được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp mà từ hôm đến Đắk Nông,
hỏi bất cứ người dân nào người ta đều ủng hộ các dự án về bô-xít, chắc
chắn nó sẽ làm thay đổi hẳn bộ mặt tỉnh Đắk Nông trong tương lai.
Từ nhà già làng Điểu Sơn, chúng tôi sang nhà ông Điểu Lônh (Lôi). Nhờ
có tiền đền bù đất mấy trăm triệu, ông xây cho con gái, con rể ngôi nhà
khang trang lát gạch men bóng lộn, xa lông, tủ chè, ti-vi, quạt điện...
làm chúng tôi ngỡ mình đang ngồi ở thành phố chứ không phải là một bon
hẻo lánh của người H’Mông. (Nguyễn Hữu Nhàn. Bô-xít Tây Nguyên, Thấy Gì Ghi Nấy).
Làm sao mà “thấy” một buôn làng của người H’Mông ở Đắc Nông
được mà “ghi” đại vậy, cha nội? Ông Nguyễn Hữu Nhàn, tuy thế, chưa
trơ tráo bằng ông bạn đồng nghiệp Lã Thanh Tùng:
Bauxit của chúng ta khai thác dễ đến nỗi, chỉ cần gạt lớp đất mặt đi
(khoảng 0,9 mét) là đến ngay vỉa quặng dày đến 4 mét. Theo các chuyên
gia, trữ lượng bauxit của Việt Nam có thể khai thác hàng trăm năm, đem
lại lợi nhuận hàng chục tỷ USD... (“Bô-xít Và Những Điều Khác”, Văn nghệ số 44, phát hành ngày 31 tháng 10 năm 2009).
Thiệt là quá đã, và... quá đáng nhưng vẫn chưa đáng tởm bằng cái
thói ngậm máu (hay ngậm cứt) phun người của những người làm
báo ở xứ sở của tôi:
- Thích Quảng Độ móc nối các tổ chức cực đoan lưu vong ở hải
ngoại để dùng “oán trả ơn” bằng cách thông tin vu cáo Việt Nam vi phạm
nhân quyền, không cho tự do tôn giáo. (Sài Gòn Giải Phóng, ngày 28 tháng 8 năm 2007).
- Ông Thích Quảng Độ, người đứng đầu tổ chức không được các tăng
ni, phật tử ở Việt Nam công nhận, là "Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống
nhất", chẳng hiểu căn cứ vào đâu mà cho rằng việc khai thác bôxít sẽ
dẫn đến "nguy cơ huỷ hoại màu xanh Tây Nguyên và đời sống của người Việt
cũng như hàng chục dân tộc ít người". Tiếp theo, ông ta "khẩn cấp báo
động công luận thế giới về đại nạn sinh thái Tây Nguyên Quả là không thể
hiểu nổi, một vị tu hành đến chức Hoà thượng mà lại làm những việc phản
dân hại nước đến vậy. (Công An Nhân Dân, ngày 18 tháng 4 năm 2009).
Rồi sau khi người “người đứng đầu tổ chức không được các tăng ni, phật
tử ở Việt Nam công nhận” được đề cử nhận giải Nobel Hoà Bình
thì Ban Tuyên Giáo Trung Ương hốt hoảng cho ra ngay một bức công
điện (khẩn và mật) nguyên con như thế này đây:
Công điện chỉ đạo đối phó với tình huống Hòa thượng Thích Quảng Độ được
trao giải Nobel Hòa bình do ông Nguyễn Thế Kỷ ký ngày 9 tháng 10 năm 2008.
Ảnh và chú thich: RFA
Ông Vụ Trưởng Báo Chí hùng hổ lên án là một vị tu sĩ (tay không tấc sắt) là “phản dân, hại nước, đi ngược lại ước nguyện hoà bình, hạnh phúc, tiến bộ của nhân dân Việt Nam...”
nhưng trước chuyện lãnh hải bị xâm phạm, và hành vi khiêu
khích trắng trợn của ngoại nhân thì ngôn ngữ cũng như thái độ
của ông Nguyễn Thế Kỷ lại hoàn toàn khác hẳn: “Sao
đã có chủ trương chỉ nói là tàu Trung Quốc lỡ làm đứt cáp thôi, mà có
một số báo lại đưa là nó cố tình cắt cáp, để gây ra kích động nhân dân
biểu tình.”
Chủ trương của nhà nước không chỉ hèn hạ mà còn bất nhất, cứ
sáng đúng, chiều sai, đến trưa lại đúng. Và đây là nét chung
của bất cứ chế độ cộng sản nào, theo nhận xét của George Orwell:
“Nhà thờ ở châu Âu thời Trung cổ buộc bạn vào một tín số điều, nhưng
ít nhất nó cũng cho phép bạn giữ những tín điều ấy từ lúc lọt lòng cho
đến lúc chết. Nó không bao giờ bảo bạn thứ Hai phải tin một điều, thứ Ba
lại phải tin vào một điều hoàn toàn khác. Tình hình cũng tương tự như
vậy đối với các tín đồ Công giáo, đạo Hindu, đạo Phật, đạo Hồi ngày nay.
Chế độ toàn trị hoàn toàn ngược lại. Đặc trưng của nhà nước toàn trị là
tuy nó kiểm soát tư tưởng, nhưng nó lại không xác dịnh dứt khoát tư
tưởng ấy là gì. Nó đưa ra một số tín điều không được tranh cãi, nhưng
các tín điều ấy lại thay đổi hàng ngày. Chế độ cần tín điều vì cần các
thần dân phục tùng một cách tuyệt đối, nhưng nó không thể không thay đổi
theo các nhu cầu của tầng lớp nắm quyền.”
Tại sao cái loại nhà nước toàn trị có thể “đưa ra một số tín
điều không được tranh cãi... nhưng lại thay đổi hàng ngày” mà những
người cầm viết vẫn “chịu phục tùng một cách tuyệt đối” như vậy?
Xin thưa, giản dị, chỉ vì họ... sợ!
Nỗi sợ hãi này đã ám ảnh Nguyễn Tuân cho đến lúc cuối đời: “Bây
giờ các anh phải sống theo cách khác cái lũ già hèn nhát chúng tôi,
phải học chia một véc-bờ khác: Tôi đếch sợ anh, anh đếch sợ tôi, chúng
ta đếch sợ chúng nó...”
Tuy muộn màng, cuối cùng, ước nguyện của ông đã trở thành
hiện thực. Ngày 3 tháng 3 năm 2014, thay mặt sáu mươi bạn đồng
nghiệp nhà văn Nguyên Ngọc tuyên bố thành lập Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam. Bốn tháng sau, BBC đi tin:
“Hội Nhà báo Độc lập, một tổ chức dân sự mới, vừa tuyên
bố thành lập hôm thứ Sáu 4/7... Mục đích của Hội Nhà báo Độc
lập được tuyên bố trước hết là: ‘Phản ánh trung thực và sâu sắc
những vấn đề nóng bỏng của xã hội và đất nước; Phản biện đối với những
chính sách bất hợp lý của nhà nước liên quan đến quản lý xã hội và tự do
báo chí và Tổ chức trao đổi, đối thoại với các cấp chính quyền về tự
do báo chí và quản lý xã hội khi có điều kiện, đồng thuận với những
chính sách, giải pháp hợp lòng dân và có lợi cho đất nước’.
Tổ chức này cũng cam kết ‘Lên tiếng và có hành động cần thiết để
bảo vệ những người làm báo vì tiến bộ xã hội, nhưng bị sách nhiễu, bắt
bớ, tù đày, khủng bố… Đấu tranh yêu cầu Nhà nước Việt Nam hủy bỏ những
điều luật mơ hồ của Bộ Luật Hình sự được dùng để áp chế tự do báo chí
như Điều 258, 88…"
Nguồn ảnh: anhbasam.wordpress
Theo dư luận chung thì sự có mặt của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam là một đáp ứng can đảm và cần thiết trước thời cuộc hay tình thế.
Với riêng tôi, đây còn là một đáp ứng tình cảm đã (bị) mất
mát từ lâu. Mối hảo cảm mà một người dân miền Nam như tôi vẫn
dành cho giới người cầm viết cho đến... tháng 4 năm 1975!
Tôi không dám kỳ vọng gì nhiều vào những hoạt động của hội,
trong tương lai gần, vì biết rằng phần lớn hội viên đang phải
sống trong vòng vây của một bầy lang sói. Nhưng chỉ cần đọc Tuyên Bố Đầu Tiên Của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam Về Việc 6 Ngư Dân Việt Nam Bi Trung Quốc Giam Cầm
cũng đủ khiến cho một độc giả bình thường như tôi cảm thấy vô
cùng an ủi và ấm lòng khi nhận ra một điều vô cùng giản dị:
các anh các chị “đếch sợ chúng nó” nữa.
0 comments:
Post a Comment