Wednesday, August 13, 2014

Mỹ phải trở lại vũng lầy Irak

Chiến đấu cơ F/A-18C Hornet trong đội máy bay  đi oanh kích ở Irak. Ảnh chụp trên Hàng không Mẫu hạm USS George H.W. Bush, tại vùng Vịnh, ngày 08/08/2014
Chiến đấu cơ F/A-18C Hornet trong đội máy bay đi oanh kích ở Irak. Ảnh chụp trên Hàng không Mẫu hạm USS George H.W. Bush, tại vùng Vịnh, ngày 08/08/2014
Reuters
Chiến sự tại Irak đột nhiên sôi động trở lại, buộc Mỹ và phương Tây phải can thiệp. Le Monde hôm nay 11/08/2014 đã dành ảnh lớn trang nhất cho chiếc hàng không mẫu hạm George H-W Bush, với máy bay cất cánh đi oanh kích Lực lượng thánh chiến Nhà nuớc Hồi giáo (EI), với bên trên câu nói của ông Obama : « Sẽ không để hình thành một vương quốc Hồi giáo ở Syria và Irak ». Ở trang sự kiện bên trong, Le Monde nhìn thấy : « Barack Obama trở lại vũng lầy Irak ».
Theo Le Monde, từ khi cho quân đội mở lại chiến dịch ở Irak, câu hỏi đặt ra với chính quyền Mỹ là làm thế nào gây sức ép mạnh mà không sa lầy. Trên vấn đề này, Le Figaro nhận thấy rằng « con đường chật hẹp », tít bài xã luận trang nhất.
Tờ báo ghi nhận trước tiên là liên minh quốc tế mà Hoa Kỳ đã không thiết lập được trước khi tấn công chiếm Irak vào năm 2003, nay đang hình thành một cách tự nhiên để cứu giúp người Thiên chúa giáo vùng Kurdistan Irak chạy nạn. Pháp đã không hưởng ứng lời kêu gọi của George W Bush cách đây 13 năm, lần này đã chủ động vận động Liên Hiệp Quốc, và cử ngay Ngoại trưởng Fabius đến Irak.
Đến giờ các nước chỉ mới đặt ra vấn đề trợ giúp nhân đạo. Tuy vậy, khả năng can thiệp quân sự, dù chưa được chính thức nêu lên, sẽ không khỏi đặt ra một khi các cuộc oanh kích « với mục tiêu chọn lọc » của Mỹ cho thấy giới hạn của nó.
Le Figaro cho là quy mô can thiệp khó lường. Tờ báo so sánh : Ở Libya, Pháp và Anh đã mất nhiều tuần lễ oanh kích ồ ạt lực lượng của ông Khadafi. Bây giờ phải oanh kích như thế nào để cản trở kế hoạch của một ‘vương quốc Hồi giáo’ được võ trang cực kỳ hùng hậu và trên một địa thế rất phức tạp ?
Tờ báo cho rằng ai cũng thấy rõ là một cuộc chiến mới đang bắt đầu ở Irak, và trong một bối cảnh phức tạp, làm cho công việc của phương Tây thêm khó khăn : Họ hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Kurdistan và Bagdad, trong lúc Israel tiếp tục chiến dịch ‘càn quét’ Hamas ở dải Gaza, gây nên nhiều thiệt hại nhân mạng nhưng không gặp trở ngại gì, bất quá là một sự quở trách, về nguyên tắc, của quốc tế.
Trong khi đó, Nga cũng đang nêu lên vấn đề ‘trợ giúp nhân đạo’ khẩn cấp ở Đông Ukraina, để cứu trợ người ly khai thân Nga bị bao vây và ném bom ở Donetsk.
Le Figaro nhắc lại Barack Obama bác bỏ mọi so sánh, nhưng tờ báo nhìn thấy là yếu tố Putin chỉ để lại một con đường eo hẹp cho Mỹ và Châu Âu ở Irak.
Le Figaro, trong hàng tít lớn, thông báo : « Pháp dấn thân vào Irak », nêu bật sự kiện Ngoại trưởng Pháp đã đến Bagdad và Erbil với hàng trợ giúp nhân đạo đầu tiên. La Croix nêu thảm cảnh người sơ tán với hàng tít ‘ Cứu giúp người Irak’.
Dân Nga : Nạn nhân cuộc chiến thương mại Nga-Âu
Báo Pháp hôm nay trở lại với cuộc đối đầu Phương Tây-Nga trên hồ sơ Ukraina, mà Kiev – theo Le Figaro và Les Echos – đang lo ngại Mátxcơva can thiệp vào Donetsk, trong khi La Croix nêu bật trở lại « cuộc chiến thương mại giữa Nga và Châu Âu ».
Trên chủ đề này Le Monde nêu lên khía cạnh khác trong bài báo trang quốc tế : « Ở Matxcơva, cấm vận nông sản của ông Putin đánh thức nổi lo ngại thiếu ăn ». Và như thế theo Le Monde khế ước « tự do chính trị hạn chế đánh đổi lấy tự do tiêu thụ » sẽ bị đặt lại.
Tác giả mở đầu bài phân tích với nhận xét hóm hỉnh : Không còn ô liu Hy lạp nữa rồi, cũng không còn phô mát Mozzarella của Ý hay Camembert của Pháp, thịt jambon Tây Ban Nha… Nguyên nhân là vì Nga đã cấm nhập nông sản từ phương Tây để trả đũa trừng phạt.
Nhưng nạn nhân đầu tiên của biện pháp trả đũa này, theo Le Monde, chính là người Nga. Tờ báo phân tích là đã có một khế ước bất thành văn giữa Putin và người dân Nga từ khi ông vào điện Kremly năm 2000 – nhất là đối với thành phần khá giả nhất – và có thể tóm tắt như sau : Đánh đổi một số quyền tự do – chính trị … để có thể ăn sung mặc sướng, có những sản phẩm có chất lượng, đi du lịch v..v…
14 năm qua, hợp đồng này được tôn trọng : Người Nga đi nghỉ ở Pháp, Ý, du ngoạn Thái Lan là chuyện bình thường.
Hợp đồng này, theo bài báo, hiện đã bị vi phạm, bị tác động trên hai yếu tố cơ bản : sự ổn định và quyền lựa chọn. Cho nên quyết định cấm vận nông sản của Nga sẽ có những hệ quả bất ngờ.
Lãnh đạo Nga theo Le Monde vẫn tỏ ra lạc quan, khẳng định tăng nhập khẩu từ các nước khác như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ… Nhưng trong dân chúng, nhiều người còn bị sự thiếu hụt thời kỳ Liên Xô cũ ám ảnh.
Le Monde nhắc lại : Hồi thập niên 1990, những cửa hàng Matxcơva trống rỗng. Theo tờ báo nhiều người từ hôm thứ Năm vừa qua, đã đổ xô đến các siêu thị lớn ngoại ô để mua thực phẩm về trữ.
Truyền thông Nga quy tội cho phương Tây và cho là Nga chỉ tự vệ mà thôi, và Le Monde ghi nhận là trong cuộc thăm dò dư luận mới đây có đến 61% người Nga đánh giá là đất nước họ bị đe dọa. Nhưng tờ báo nêu câu hỏi : người Nga sẽ chấp nhận trả giá đến đâu, vì lòng ái quốc, cho một cuộc chiến không triển vọng ở Ukraina ?
Le Monde nêu bật một yếu tố khác, là không phải chỉ có vấn đề đơn thuần vật chất mà còn có vấn đề tâm lý. Với đời sống được nâng cao, vấn đề giá cả và chất lượng thức ăn, còn thể hiện sự tôn trọng của bản thân. Nhiều người còn bị hình ảnh trên những kệ dài cửa hàng thời Xô Viết chỉ đầy thức ăn đóng hộp ám ảnh. Dĩ nhiên là sẽ không rơi vào tình trạng thê thảm này nhưng trên mạng, kỷ niệm về thời kỳ này bắt đầu trỗi dậy, sôi nổi, cho thấy chính quyền Nga chưa vẽ được một tương lai cho đất nước.
Trung Quốc : “Tấn công” vào Bắc Cực
Nhìn về Châu Á hôm nay, Le Figaro một mặt chú ý đến Trung Quốc muốn « tấn công vào Bắc Cực ». Nói cách khác, cũng như các nước Nga, Hoa Kỳ, Na Uy, Canada, Bắc Kinh cũng nhòm ngó đến nguyên liêu tại cực này và mơ ước đến những con đường hàng hải đi qua khu vực.
Theo Le Figaro, Trung Quốc có tầm nhìn xa : những tuyến đường này chưa thể mở trong hàng chục năm nữa, nhưng Bắc Kinh đã nhìn xem đó như con đường thay thế trong trường hợp Biển Hoa Đông bị phong tỏa do leo thang với Nhật Bản, và đã mua một tàu phá băng nguyên tử của Nga. Vả lại theo Le Figaro, Nhật cũng vừa đặt mua 3 tàu phá băng.
Indonesia : Mẹ tìm được con sau 10 năm bị mất tích vì sóng thần
Mặt khác tờ báo nhìn sang Indonesia, thuật lai câu chuyện cảm động của một bà mẹ tìm lại được đứa con gái nhỏ sau 10 năm bị…s óng thần cuốn đi. Tờ báo trích thành tựa câu nói của bà mẹ : « Khi thấy nó, tim tôi nói ngay : Đó là con gái tôi ».
Đây là câu chuyện của Jamaliah Rangkuri, sống tỉnh Aceh. Con gái bà bị sóng thần ngày 26/12/2004, cuốn đi. Khi ấy cô bé chỉ mới 4 tuổi.
Bà Rangkuri kể lại câu chuyện như trong một giấc mơ : một hôm bà được người anh thông báo là đã nhìn thấy một em học sinh trên đường về nhà tại một làng ở Aceh, giống như con gái của bà, và đã gởi cho bà bức hình cô gái.
Trả lời phóng viên của Le Figaro bà nhắc đi nhắc lại : « Tôi không tin, không tin, nhưng khi xem bức ảnh, tim tôi nói ngay : đó là con gái của tôi ».
Bà Rangkuri kể lại cảnh kinh hoàng động đất rồi sóng thần đổ ập vào, chồng bà thúc bà kéo mấy đứa con chạy đi, bà lo cho đứa con trai lớn, chồng bà, ông Serpi, ôm đứa con gái nhỏ và một cậu con trai 8 tuổi. Nhưng ông Serpi bị nước cuốn, chỉ kịp để đưa con trai lên một tấm ván, cô bé gái bị nước cuốn đi mất. Bản thân ông Serpi bám được vào một thân cây đang trôi.
Cô bé rốt cuộc đã được một ngư dân cứu và lớn lên trong làng chài, nay đã 14 tuổi.
Bài phóng sự trên Le Figaro kết bằng đức tin và hy vọng của bà mẹ : Tìm lại được con gái như một phép lạ, bà cho biết là sẽ tiếp tục khuấy động trời đất và cầu nguyện để tìm lại người con trai bị nước cuốn đi. Nếu còn sống nay cũng 18 tuổi.
Irak : Phương Tây đánh cuộc trên người Kurdistan
Ukraina với đoàn xe trợ giúp nhân đạo của Nga, và Irak là hai hồ sơ lớn được các báo Pháp dành tít đầu hôm nay. Bên cạnh đó, các báo, không quên ‘vĩnh biệt’ diễn viên Mỹ Robin Williams – như tựa Le Monde trang nhất : “Goodbye Robin Williams” bên cạnh bức ảnh, chơi chữ nhắc lại bộ phim đã làm nghệ sĩ quá cố nổi tiếng : “Good Morning Vietnam“.
Về Irak, nếu le Monde chú ý đến khủng hoảng chính trị, nói đến « đấu tranh vì quyền lực trong Bagdad bị đe dọa », thì Les Echos và La Croix chú ý đến số phận người chạy loạn. Theo Les Echos : « Washington suy nghĩ đến việc sơ tán khẩn cấp thường dân », hàng tít lớn trang nhất, còn La Croix nêu lại thảm cảnh người Thiên chúa giáo Irak « không còn sự chọn lựa ».
Le Figaro thì nhìn chiến trường tại đây, nhận thấy : « Phương Tây đang đánh cuộc trên lực lượng Kurdistan trước quân Thánh chiến ». Tờ báo nêu lên sự kiện là được chiến dịch oanh kích của Mỹ hỗ trợ, các chiến sĩ Kurdistan đã ‘cầm chân’ được cuộc tiến quân của Nhà nước Hồi giáo. Tờ báo nhận định là cuộc chiến này có thể sẽ làm thay đổi các ranh giới trong khu vực.
Trong bài xã luân trang nhất « Ván bài mới », tờ báo trở lại quyết định của Mỹ – mà Châu Âu hưởng ứng – là trang bị vũ khí cho lực lượng Kurdistan Irak để chống lại quân Thánh chiến.
Le Figaro nhìn thấy là trang bị vũ khí cho một phe, trong một nước có chiến tranh thường không phải chính sách tốt. Tờ báo nhắc lại ví dụ của lực lượng Taliban ở Afghanistan từng được Mỹ hỗ trợ.
Tuy nhiên theo Le Figaro, có những tình huống không thể có chọn lựa nào khác như trong trường hợp Irak hiện nay. Phương Tây nhìn thấy lực lượng Kurdistan như chỗ dựa có thể tin cậy, để đẩy lùi quân Thánh chiến, bảo vệ người Thiên chúa giáo, các cộng đồng thiểu số, giữ ổn định Irak.
Có điều, Le Figaro nhìn thấy vấn đề không đơn giản, vì Kurdistan vẫn mơ uớc thành lập một Nhà nước, tập họp người dân rải rác ở nhiều nước từ Thổ Nhĩ Kỳ, Irak, Iran, Syria.
Tờ báo còn nhìn thấy là trong bối cảnh hiện nay, phương Tây còn sẽ phải hỗ trợ cho Jordanie, Liban đang bị quân Thánh chiến đe dọa.
Ván bài mới này, theo Le Figaro sẽ cho thấy hết hệ quả trong 1 hay 2 thập niên tới. Nhưng cũng đã thấy được nó sẽ làm thay đổi cục diện Trung Đông, cho ra đời những liên minh mới và những biên giới mới.
Đông Ukraina : Chiến dịch trợ giúp nhân đạo Nga đáng nghi ngờ
Về Ukraina, một bức ảnh đập mắt trên các báo : đoàn xe chở hàng cứu trợ nhân đạo của Nga trên đường đến cứu giúp người dân ở Donetsk và Lougansk. Các báo cũng bỏ công đếm : 262 chiếc như Le Figaro loan báo, và nói đến « đoàn xe nhân đạo kỳ lạ của Nga ở Ukraina ». Nhìn chung báo giới Pháp nghi ngờ thiện ý của Matxcơva.
Le Figaro đánh giá là ông Putin dường như muốn thay đổi chiến lược, để cho Kiev đóng vai trò kẻ xấu. Báo La Croix nhấn mạnh trên tính chất lộn xộn trong chiến dịch nhân đạo. Libération nói đến « đoàn xe nhân đạo khả nghi của ông Putin ». Ở trang trong, tờ báo cho là Ukraina lo ngại ‘con ngựa thành Troie’, tức là đây chỉ là một sự xâm chiếm trá hình mà thôi, và phương Tây không bị đánh lừa.
Trong bài xã luận trang nhất, tựa đề « Cuộc chiến nhân đạo ở Ukraina », Le Monde nhận định là thoạt nhìn thì một đoàn xe chở hàng nhân đạo đến Lougansk là một tin vui. Thành phố nằm gần biên giới với Nga, là một trong những nơi bị tác hại nhiều nhất trong cuộc đọ sức giữa quân đội Ukraina và phe ly khai.
Nhưng vấn đề là Nga còn phải chứng minh thiện ý trong chiến dịch đơn phương này. Nga đã đảm bảo là được sự đồng ý của Kiev và trợ giúp này đặt dưới sự giám sát của Hồng thập tự Quốc tế.
Theo Le Monde, sự nghi ngờ quốc tế đối với Nga trong chiến dịch này cũng rất chính đáng vì Matxcơva thường có giọng điệu nước đôi. Trong thực tế, tình hình khủng hoảng ở Ukraina do chính Nga gây ra, và đến giờ thì Nga vẵn trang bị vũ khí, xe tăng, trọng pháo và huấn luyện lực lượng ly khai.
Cho nên người ta có lý do để nghi ngờ rằng chiến dich nhân đạo của Nga chỉ là cái cớ để đưa quân đang đóng ở biên giới, can thiệp vào miền Đông Ukraina.
Le Monde phân tích là bất chấp các trừng phạt ngày càng mạnh của phương Tây, ông Putin tỏ vẻ không nao núng, cho dù kinh tế Nga bị tác động. Ông còn trả đũa bằng cấm vận. Ngày nay ông có thể nghĩ đến đi xa hơn nữa, đi đến cả chiến tranh.
Le Monde nhận thấy nạn nhân đầu tiên trong tình hình đó sẽ là người Nga. Tờ báo kết luận bằng lời khuyên ông Putin nên hồi tâm trước khi quá muộn.
Hàn Quốc chuẩn bị đón Đức Giáo hoàng
Nhìn sang Châu Á, báo La Croix quan tâm đến Hàn Quốc đang chuẩn bị đón Giáo hoàng Phanxicô đặt chân đến đây vào ngày mai, trong một chuyến thăm 5 ngày. La Croix nhìn thấy trong hàng tựa :’ Người Hàn Quốc chờ đợi « một sức bật về mặt tâm linh nhân chuyến viếng thăm ».
Bài báo mô tả trước tiên không khí nôn nóng chờ đợi, cả Hàn Quốc như sống theo nhịp chuyến thăm : Chân dung đức Giáo hoàng ở khắp nơi ở Seoul ; những nơi ngài sẽ đi qua được quảng cáo rầm rộ, kể cả các bến tàu điện ngầm ; khoảng 30 nhân vật nổi tiếng Hàn Quốc đều quay clip chào mừng Giáo hoàng đến đây.
Tờ báo nêu mặt trái là Giáo hoàng đến thăm một nước Hàn Quốc bị khửng hoảng, chia rẽ, chia cắt xã hội, chính trị ngày sâu rộng. Xã hội Hàn Quốc là một xã hội tiêu thụ vượt bực, bị ám ảnh về dáng vẻ bề ngoài và địa vị, và ngày sẽ già đi với tỷ lệ sinh đẻ suy sụp (1,25 cho mỗi phụ nữ) và một tỷ lệ kỷ lục về người tự tử.
Thảm kịch phà Sewol làm hơn 300 học sinh thiệt mạng đã cho thấy những lỗ hổng của một mô hình kinh tế, đã quên đi yếu tố con người.
Vả lại theo La Croix, đức Giáo hoàng đã dự kiến gặp gia đình các nạn nhân.
Theo La Croix, Giáo hội Công giáo có một hình ảnh rất tốt ở Hàn Quốc với các hoạt động xã hội và vai trò lịch sử trong việc dân chủ hóa của nước này. Bài báo nhắc lại hoạt động của những người Công giáo đầu tiên ở Hàn Quốc, những người trí thức đã mang về từ Trung Quốc những quyển thánh kinh vào cuối thế kỷ 18, trước khi các nhà truyền giáo Pháp đầu tiên đến đây, biến Hàn Quốc thành một trường hợp cá biệt trong lịch sử Giáo hội Công giáo.
La Croix cho là người Hàn Quốc mong muốn một cử chỉ của đức Giáo hoàng và một lời kêu gọi hòa giải. Không chỉ giữa hai miền, mà nhất là sự hòa giải ngay trong xã hội Hàn Quốc.
Theo La Croix, hiện nay người Công giáo Hàn Quốc chỉ 5 triệu – tức 10% dân chúng – trong khi đạo Tin lành chiếm đến 18%, và Phật giáo 23%.

0 comments:

Powered By Blogger