Friday, August 15, 2014

JOHN McCAIN, BLACKMAIL CỦA CS HÀNỘI?

Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất

John Mccain nguyên là một đại úy phi công của hải quân Hoa Kỳ và hiện nay là một nghị sĩ của Thượng Nghị Viện Mỹ. Tháng 10 năm 1967, chiếc máy bay skyhawk của phi công Mccain bị bắn rơi trên bầu trời Hànội, rớt xuống hồ Trúc Bạch trong một phi vụ oanh tạc Bắc Việt. Ông bị bộ đội và dân quân, du kích đánh đập tàn nhẫn, gẫy cả chân và tay. Truyền tụng rằng vì biết ông là con trai của cựu Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương của Mỹ nên CS Hànội đã đề nghị thả ông và cho hồi hương sớm hơn các bạn đồng tù với ông bị chúng giam giữ, nhưng ông từ chối. Sự việc này khiến ông trở thành anh hùng của quân đội Hoa Kỳ.
Ngày nay, những quân nhân Mỹ từng tham chiến ở VN, phần lớn vẫn giữ thiện cảm đối với chế độ VNCH hơn là đứng về phe ủng hộ CS Hànội. Người mang tinh thần phản chiến tích cực nhất là đương kim Ngoại Trưởng John Kerry. Kerry tuy không có thiện cảm với VNCH nhưng cũng không quyết liệt ủng hộ Hànội trong mọi trường hợp. Trừ ra NS John Mccain thì khác hẳn. Là một nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa, một thành viên trong Ủy Ban Quân Vụ (Armed Services Committee) của thượng viện, nhưng ông lại rất gắn bó với bất cứ hành động nào của Kerry nói riêng, và của chính quyền Mỹ nói chung làm lợi cho cộng sản VN. Bãi bỏ cấm vận, John Mccain có thể nói là người lãnh ấn tiên phuông. Tái lập bang giao, cũng lại John Mccain đi hàng đầu. CSVN gia nhập WTO cũng do sự vận động ráo riết của John Mccain. Từ năm 1991 đến 1993, NS John Kerry làm chủ tịch Ủy Ban Thương Viện giải quyết vấn đề tù binh và các quân nhân Mỹ còn ghi nhận là mất tích. Trong Ủy Ban có John Mccain là một thành viên. Kerry thuộc đảng Dân Chủ và là một tay gian hùng, phản chiến tối mặt, trong khi Mccain đảng Cộng Hòa, nhưng cả hai lại luôn toa rập và nhất trí với nhau trong bất cứ một quyết định nào của Thượng Viện làm lợi cho VGCS (có nghĩa là thiệt hại cho nhân dân VN). Mccain mở cuộc điều tra về vấn đề tù binh và quân nhân Mỹ mất tích tại VN để định đoạt số phận các quân nhân bị coi là mất tích trong thời gian chiến tranh VN. Một báo cáo của Ủy Ban này được Kerry chuẩn y tuyên bố rằng không có bằng chứng nào đủ thuyết phục chứng minh rằng còn có người Mỹ bị VC bắt giữ hiện còn sống. Vì hành động bất nhân này, Mccain đã bị số đông các tù binh Mỹ phản đối và miệt thị. Qua những nỗ lực không mệt mỏi và với bản báo cáo của Mccain, năm 1995, Clinton đã quyết định bình thường hóa bang giao và nối lại các liên hệ ngoại giao vói VGCS.
Và hiện nay, Hànội mua vũ khí sát thương của Mỹ cũng lại là John Mccain đứng ra nhiệt tình môi giới. Phạm Quang Nghị sang Mỹ thì thụt với Mccain xong thì tuần lễ sau, John Mccain bay sang Hànội liền. Vấn đề dân chủ và tự do tôn giáo là những trở ngại cho việc Mỹ bán vũ khí, nhưng tại Hànội, John Mccain trịnh trọng xác nhận, CSVN đã đạt được tiến bộ về những lãnh vực này rồi.
Việc tên bí thư thành ủy Hànội Phạm Quang Nghi đi Mỹ có cái gì đó khác thường và kỳ cục. Nó gây ra không ít thắc mắc khó giải thích trong dư luận người Việt và trong cả giới bình luận quốc tế. Giới bình luận quốc tế thực tế mà nói cũng chỉ là tán hươu tán vượn mà không thể lý giải được sự việc. Còn những nhà “bình loạn” tỵ nạn ta toàn là bốc phét theo câu “sấm ngôn” của lũ phản tỉnh cuội và bọn chính khứa xôi thịt: Mỹ nhất định thắng, Tầu nhất định thua, VGCS muốn sống chỉ có một con đường là đi theo Mỹ.
Người ta nghị luận là phải, bởi vì trong việc này, nhà nước VGCS đã tỏ ra có vẻ rất thiếu tế nhị trong đường lối giao tế quốc tế, và sự việc diễn ra cho thấy hoàn toàn không phù hợp với thực tế của tình hình VN hiện nay. Về mặt giao tế, để thắt chặt giao hảo giữa hai quốc gia, thông thường là những nhân vật đồng chức vụ qua lại thăm viếng nhau. Còn như khi một chính phủ phải nhờ vả, cầu cạnh một chính phủ khác - nói chung là đi thương thuyết - thì vị sử giả được phái đi ít nữa cũng phải là nột chức sắc tầm cỡ trong chính quyền, hay một nhân vật có đầy đủ thế giá và uy tín ở trong nước, được chính quyền phía bên kia ngưỡng mộ.
Vì thế, điều thắc mắc trong chuyến đi này là tại sao không phải là tên ngoại trưởng Phạm Bình Minh hay một ai khác mà lại là Phạm Quang Nghị? Nếu Nghị và John McCain là đôi bạn thân thiết thì đã không có gì để nói. Nghị đi thăm bạn bè là chuyện bình thường. Nhưng cả hai lại không quen biết nhau. Đàng khác, nhiệm vụ sang Mỹ của Nghị rõ ràng là để nhờ vả và cầu cạnh nước Mỹ. Cỡ như Phạm Quang Nghị thì làm sao đủ calíp (calibre) để chu toàn công tác quan trọng này? Vả lại, sang Mỹ phải liên hệ với Hành Pháp Mỹ để thương thuyết mới là hợp lý. Tại sao Nghị lại chỉ gặp John McCain là một nghị sĩ thành viên trong Ủy Ban Quân Vụ của Thượng Nghị Viện? Cái chính phủ VGCS tại Hànội chết hết cả rồi hay sao mà lại phái một tên bí thư thành ủy đi Mỹ lo việc đại sự quốc gia?
Cái lý có thể là ở điểm này. John Mccain nguyên là một tù binh do người dân Hànội bắt được. Do đó, dù sao ông ta cũng được kể là có đôi chút quen biết với người dân Hànội chăng? Như thế thì Phạm Quang Nghị, người lãnh đạo thủ đô, thay mặt nhân dân Hànội sang thăm Mccain vì cái tình xưa nghĩa cũ đó kể cũng là hợp lý. Có thể bọn Hànội nghĩ như thế. Thôi thì cũng được đi, thế nhưng còn những món quà Phạm Quang Nghị đem sang tặng cho McCain thì sao, và nhất là Nghị còn nhắc lại chuyện ông Mccain được nhà văn Nguyễn Tuân phỏng vấn tại “Khách sạn Hilton”, tức nhà tù Hỏa Lò, Hànội? Tặng vật của Phạm Quang Nghị là những tấm hình chụp ông Mccain bị bắt và bị hành hạ, chân tay gẫy và bại liệt. Những kỷ vật này hiển nhiên không gợi lại cho người nhận mảy may nào về một thời gian đã qua đáng gọi là “những ngày xưa thân ái” hai bên quen biết nhau. Mà trái lại, nó chỉ nhắc lại nỗi ô nhục, niềm cay đắng ê chề của một kẻ chiến bại. Có thể là Phạm Quang Nghị muốn làm bẽ mặt ông Mccain? Không những thế, hắn còn muốn thách thức, hoặc giả cố ý khơi lại vết thương lòng của người khách của “Hilton”  ngày xưa?  Đặt mình vào tình trạng một tù binh bị bắt, bị hành hạ, và bị bỏ đói thì mới cảm nhận được điều đó.
Còn việc Phạm Quang Nghị nhắc lại với NS John Mccain chuyện ông được nhà văn Nguyễn Tuân phỏng vấn ở trong tù thì là sao? Chẳng ai đoán ra được ý nghĩa, nhưng dù sao người viết cũng có được một chút manh mối và thử đoán mò xem.
Số là vào khoảng đầu tháng 5-1970, sau khi Quân Đoàn III/QLVNCH hành quân qua biên giới Cambot, đánh vào đồn điền cao su Chup, bản doanh của Cục R của cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thì giới truyền thông báo chí thế giới đổ xô vào VN rất đông. Họ kéo nhau lên Tây Ninh. Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn đặt tại tỉnh lỵ Tây Ninh. Một mình Khối Chiến Tranh Chính Trị do nhà văn Trung Tá Dương Diên Nghị và sĩ quan báo chí đại úy Đỗ Duy Chưỏng (hiện ở Oklahoma city) giải quyết không xuể những yêu cầu của giới báo chí đến để theo dõi cuộc hành quân vượt biên này. Vì thế, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị phải điều động hai sĩ quan báo chí của Khối Thông Tin và Giao Tế Dân Sự là Trung tá Đỗ Việt (hiện ở Paris, Pháp) và người viết, Hà Tiến Nhất, lên Tây Ninh để tiếp tay với TrT Nghị và ĐU Chưởng. Trong thời gian công tác tại Tây Ninh, nhờ sự giới thiệu của ĐU Chưởng với quân cảnh, người viết được dễ dãi tiếp xúc với tù binh CS bị bắt tại Cambốt. Đa số họ đều là người Bắc, rất trẻ. Chúng tôi gặp trong số họ một sĩ quan cấp trung úy tên Cường. Khi hỏi chuyện Cường, tôi được biết anh ta cùng quê Thái Bình với tôi nhưng khác huyện. Cường ở Tiền Hải. Đó là lý do câu chuyện trao đổi giữa chúng tôi trở nên tự nhiên, thành thật, và cởi mở. Tôi mời Cường hút thuốc, uống nước ngọt, và cho Cường biết, đây không phải là công việc khai thác tù binh. Chuyện này có an ninh lo và có lẽ họ đã làm xong rồi, vì thế tôi mới được phép tiếp xúc. Tôi nói chuyện hoàn toàn với tư cách riêng tư, muốn tìm hiểu để biết thêm mà thôi. Cường cho biết cha anh là một nông dân bị qui nhầm địa chủ và bị đấu tố chết. Do chính sách sửa sai, gia đình anh hết còn bị cô lập và anh được CS nâng đỡ cho đi học trường sĩ quan. Thấy vậy, tôi đã giải thích cho Cường và khuyên anh nên xin đổi sang qui chế Chiêu Hồi để ở lại miền Nam. Anh đắn đo lơ lửng có lẽ vì sợ gia đình còn ở ngoài Bắc bị trả thù? Chuyện này không biết về sau ra sao.
Theo tiết lộ của Cường thì những chiến thắng và đặc biệt là những thắng lợi ở quê nhà (miền Bắc) được đơn vị phổ biến thường xuyên và rất sớm cho bộ đội. Chẳng hạn tin máy bay bỏ bom của Mỹ ở Hànội bị bắn rơi, “giặc lái” là một đại úy bị bắt sống, được phổ biến ngay ngày hôm sau khi Cường còn đang trên đất Lào. Cường cho biết rất nhiều tù binh, kể cả hàng sĩ quan, đã đầu hàng, trong đó có viên đại úy “giặc lái”. Vẫn theo Cường, tường thuật của nhà văn Nguyễn Tuân trong Hỏa Lò viết rằng tên “giặc lái” này chịu không nổi những trận đòn thù đã nhận tội và xin vận động bồi thường những thiệt hại do mình gây ra nếu được trở về Mỹ. Tôi hiểu ngay đây là đại úy John Mccain. Tôi không được đọc bài tường thật của nhà văn Nguyễn Tuân, nhưng nghe đâu đây là một cuộc phỏng vấn, và bài phỏng vấn sau này được tác giả hiệu đính thành một bài ký hay truyện ngắn gì đó đặt tên là “Hànội ta đánh Mỹ giỏi”. Bạn đọc trong nước chắc có thể dễ dàng tìm đọc câu chuyện này của ông Nguyễn Tuân. Theo suy nghĩ tự nhiên của người viết thì chỉ với cái tựa đề không thôi “Hànội ta đánh Mỹ giỏi”, người đọc đã có thể tưởng tượng ra được nội dung câu chuyện mà tác giả muốn trình bầy. Đúng như Cường đã nói: Nguyễn Tuân toàn chửi bởi Mỹ và nhục mạ tên “giặc lái” bị bắt. Sự thể có thể hiểu được, vào thời kỳ đó, trong hoàn cảnh đó, dù là một văn hào có tiếng tăm, nhưng Nguyễn Tuân làm sao dám bỏ đi cái lối viết của một nhà văn đã mang vào người cái nghiệp bút nô? Viết được thưởng còn hơn không viết để chịu đói.
Đến đây thì chúng ta có thể trở lại với cái tựa đề để tìm hiểu xem NS John Mccain bị VGCS sử dụng như một thứ blackmail như thế nào?
Thứ nhất, phần lớn các tù binh Mỹ bị VC bắt và giam giữ không có ai bị đánh đập và hành hạ nhiều cho bằng ông Mccain. Ông bị gẫy một chân và cả hai tay, bị từ chối điều trị v.v. tuy về sau VGCS đã thay đổi lối đối xử. Thế nhưng sau khi được thả về lại không có người cựu tù nào thân thiết và nhiệt tình giúp đỡ VGCS  bằng NS John Mccain. Câu hỏi đặt ra là, lòng tốt của NS Mccain phát xuất từ lý do gì? John Mccain là một chính khách chứ không phải là một ông thầy tu. Chắc chắn ông phải hiểu thế nào là cộng sản. Ông luôn luôn rao giảng dân chủ của nước Mỹ nhưng tại sao lại ủng hộ VGCS là một chế độ hoàn toàn phi dân chủ, incorrigible? Như vậy có phải là có cái gì đó đặc biệt lắm hướng dẫn đường lối hoạt động chính trị của John Mccain?
Thứ hai, Phạm Quang Nghị gặp John Mccain đã là một hành động ngoại giao thiếu ngoại giao rồi. Quà tặng của Nghị càng không thể coi là tặng phẩm ngoại giao, mà biểu lộ ra cái trò chơi xỏ lá rất quen thuộc của CSVN. Việc Nghị nhắc lại bài phỏng vấn của nhà văn Nguyễn Tuân như vậy có thể là một tín hiệu nhắc nhớ (reminding signal) mà người ta thường thấy bọn thảo khấu sử dụng với địch thủ. Tín hiệu đó là cái gì, nếu có thì hẳn nó vẫn còn nằm trong hồ sơ khai thác tù binh của bọn an ninh VGCS.
Dù sao thì bối cảnh VN hiện tại cũng không cho phép người ta tin rằng, Phạm Quang Nghị qua Mỹ là thực sự để cầu cứu và đặt mua vũ khí. Việc mua vũ khí chỉ là một trò tiếu lâm, màn hỏa mù để trấn an dư luận trong nước và hạ hỏa tinh thần chống đối của người tỵ nạn tại hải ngoại trước vấn đề tầu cộng xâm lăng nhưng bọn cầm quyền tại Hànội lại tỏ ra quá nhu nhược. Sự thực thì chế độ VGCS đâu có địch thủ hung hiểm cần phải mua thêm vũ khi để chống lại. Chỉ có khối địch thủ thường trực là nhân dân VN, nhưng nhân dân VN thì lại không có súng đạn.
Xem như thế thì công tác của NS John Mccain cũng không có gì là khó khăn lắm. Ông chỉ cần làm sao làm cho nhân dân VN tin được rằng chuyện VN đã có người Mỹ lo. Họ cứ việc mà yên chí lớn, tuyệt đối tin tưởng vào câu “sấm ngôn”: Mỹ nhất định thắng, Tầu nhất định thua, và bọn VGCS đã quay đầu về thờ Mỹ rồi.
Ngày 15 tháng 8 năm 2014
Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất

0 comments:

Powered By Blogger