Một cảnh biểu tình chống Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh ngày 18/05/2014 - Reuters
Thụy My - RFI
Theo hãng tin Pháp AFP, hôm nay 19/05/2014 Bắc
Kinh tiếp tục sơ tán hàng ngàn công dân Trung Quốc khỏi Việt Nam sau các
vụ bạo động vào tuần trước, và các công ty du lịch ngưng các tour đến
Việt Nam. Bắc Kinh đã đình chỉ một phần trao đổi thương mại với Hà Nội
và khẳng định sẽ có những biện pháp trả đũa khác.
Tân Hoa Xã cho biết, chiếc tàu đầu tiên đã rời
cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh hôm nay mang theo 989 người sơ tán. Tàu Ngũ Chỉ
Sơn (Wuzhishan) sẽ về đến cảng Hải Khẩu (Haikou) sáng mai. Chiếc tàu thứ
hai là Đồng Cổ Lĩnh (Tongguling) cũng lên đường hôm nay hướng về Hải
Khẩu, ngoài ra hai tàu khác đang sẵn sàng. Tổng cộng có bốn tàu với khả
năng đón tiếp 1.000 người mỗi chiếc đã được gởi đi để đưa 4.000 công dân
hồi hương. Một số người Trung Quốc bị thương đã được đưa về nước trên
hai chuyến bay.
Các vụ bạo động chưa từng xảy ra từ nhiều thập
kỷ qua đã bùng nổ sau sự kiện Bắc Kinh đưa giàn khoan khổng lồ HD-981
đến vùng biển ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa chiếm được của Việt Nam từ
năm 1974, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước quốc
tế về Luật Biển (UNCLOS). Nhiều nhà máy của Trung Quốc, Đài Loan, Hàn
Quốc, Singapore bị đập phá, hai người Trung Quốc chết và khoảng 140
người bị thương.
Hôm qua, chính quyền Việt Nam đã huy động một
lực lượng hùng hậu để bóp nghẹt các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm
lược Biển Đông. Trước đó, đích thân Bộ trưởng Công an Trung Quốc Quách
Thanh Côn (Guo Shengkun) đã gọi điện thoại cho người đồng nhiệm Việt Nam
Trần Đại Quang với lời lẽ cứng rắn yêu cầu phải có biện pháp triệt để
chấm dứt tình trạng bạo động.
Đến cuối tuần qua, Bắc Kinh đã đưa trên 3.000
công dân về nước. Các công ty du lịch Trung Quốc đã cho ngưng các tour
du lịch đến Việt Nam. Trang mạng hàng đầu về du lịch Trung Quốc là Ctrip
đã đề nghị các khách hàng dự định đến Việt Nam nên hoãn lại, và những
ai đã đặt chỗ có thể được hoàn tiền.
Sau khi lên án Hà Nội « thông đồng » để xảy ra
bạo động, hôm qua Bắc Kinh loan báo ngưng nhiều chương trình trao đổi
song phương. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố :
« Chúng tôi sẽ có những biện pháp khác tùy theo diễn tiến của tình hình
».
Hôm 16/5, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
(TLĐLĐVN) thông báo hầu hết những kẻ kích động bạo loạn đều không phải
là công nhân. Báo chí trong nước dẫn lời ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch
TLĐLĐVN cho biết những người kích động có tổ chức rất chặt chẽ : chuẩn
bị sẵn cờ, áo thun để phát cho công nhân, photocopy bản đồ tất cả các
doanh nghiệp trong khu công nghiệp, có bộ đàm liên lạc, sử dụng bom xăng
để đốt các nhà máy.
Dư luận nghi ngờ chính Bắc Kinh đứng phía sau
các vụ bạo động này vì nhiều mục đích : bôi nhọ Việt Nam, chặn đứng các
cuộc biểu tình chống Trung Quốc, đồng thời phá hoại nền kinh tế Việt Nam
qua việc các nhà máy bị đập phá gây hoang mang cho các nhà đầu tư,
chính quyền bị thất thu thuế, công nhân mất việc làm.
Hãng tin Reuters đưa tin tập đoàn Formosa
Plastics của Đài Loan hôm nay thông báo sẽ yêu cầu chính quyền Việt Nam
bồi thường thiệt hại do bạo động. Theo Formosa, thiệt hại tại một nhà
máy luyện kim đang được xây dựng tại Vũng Áng, Hà Tĩnh lên đến 3 triệu
đô la. Người dân địa phương khi trả lời RFI Việt ngữ tuần rồi nói rằng
lao động của tập đoàn Formosa tại đây hầu hết là người Trung Quốc nhập
cư bất hợp pháp vào Việt Nam.
Báo mạng WantChinaTimes của Đài Loan hôm 15/5
cho biết diễn đàn Thiên Nhai (Tianya) của Trung Quốc ngay từ hôm 18/3 đã
đăng một bài viết công bố ba số điện thoại hỗ trợ giúp các nhân viên
của tập đoàn Hoa Vi (Huawei) tại Việt Nam sơ tán khi bạo động xảy ra.
AFP nhắc lại, Bắc Kinh yêu sách chủ quyền trên
hầu như toàn bộ Biển Đông. Tại đây quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc
dùng vũ lực chiếm năm 1974 làm cho 75 quân nhân Việt Nam Cộng Hòa hy
sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa, và hiện đang tranh chấp quần đảo
Trường Sa.
0 comments:
Post a Comment