Việt Hà, phóng viên RFA
Vị trí của giàn khoan HD 981 trong thềm lục địa của Việt Nam - Files photos
Căng thẳng xung quanh giàn khoan dầu 981 của
Trung Quốc ngoài khơi Việt Nam đã diễn ra hơn hai tuần qua và vẫn chưa
có dấu hiệu lắng dịu. Liệu có một giải pháp nào để hai nước ra khỏi bế
tắc này? Khả năng về một liên minh quân sự giữa Việt Nam và Mỹ ra sao
nếu bế tắc này bùng nổ lớn hơn? Việt Hà phỏng vấn Tiến sĩ Patrick
Cronin, chuyên gia tư vấn cao cấp, Giám đốc chương trình an ninh châu Á
Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Mỹ mới, Hòa Kỳ. Trước hết nói về căng
thẳng hiện tại so sánh với những động thái của Trung Quốc từ trước tới
nay ở biển Đông với các nước, Tiến sĩ Patrick Cronin nói:
Theo tôi những căng thẳng hiện tại là nghiêm
trọng nhưng không phải là chưa từng xảy ra. Chúng ta đã nhìn Trung Quốc
sử dụng quân đội đối với một số đảo trên biển Đông. Đây là một cố gắng
của Trung Quốc nhằm gia tăng chủ quyền của Trung Quốc trên một phần biển
Đông. Trong trường hợp này là đối với nguồn dầu khí quan trọng mà họ
đòi mà chưa từng có hành động khai thác đơn phương trước đó và bây giờ
là giàn khoan của họ mà không có sự giúp đỡ của những tập đoàn quốc tế.
Đây là một điểm mới tức là họ có năng lực tự làm điều này một mình.
Nhưng vấn đề sử dụng lực lượng có trang bị vũ
khí, lực lượng hải giám và tàu cá là một phần trong những gì mà họ đã
làm ở biển Đông để lấn chiếm chủ quyền dựa trên đòi hỏi chủ quyền của họ
về vùng nước lịch sử thay vì luật quốc tế, và để khẳng định khả năng
của mình trên nhiều mặt như xây dựng lực lượng tuần duyên, và khẳng định
mong muốn của Trung Quốc trong việc kiểm soát vùng biển. Nhưng vấn đề
nằm ở chỗ vùng biển này cũng thuộc vùng biển gần của Việt Nam và
Philippines, Malaysia, chứ không riêng gì của Trung Quốc. Vì vậy Trung
Quốc không có bất cứ quyền gì để làm thay đổi thực trạng và sử dụng lực
lượng để xâm lấn đơn phương. Họ cần phải hợp tác dựa trên luật pháp,và
các biện pháp ngoại giao chứ không phải biện pháp xâm lược.
Tiến sĩ Patrick Cronin, chuyên gia
tư vấn cao cấp, Giám đốc chương trình an ninh châu Á Thái Bình Dương
thuộc Trung tâm Mỹ mới, Hòa Kỳ. Courtesy CNAS.ORG
Việt Hà: Dường như Trung
Quốc đang tiếp tục thực hiện chiến thuật salami trong việc đưa giàn
khoan dầu ra ngoài khơi Việt Nam. Ông dự đoán Trung Quốc sẽ làm gì tiếp
theo, liệu họ có rời giàn khoan đi chỗ khác hay sẽ giữ nó ở đó và khoan
tìm dầu?
Dr. Patrick Cronin: Một mặt thì
ông Tập Cận Bình dường như đang kiên quyết thúc đẩy cái mà ông gọi là
quyền lợi biển, lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Phần này dường như sẽ là
liên tục. Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục thách thức
các vùng nước ở biển Đông để gia tăng kiểm soát và khả năng tiếp cận của
Trung Quốc với vùng biển này. Mặt khác, chiến thuật mà ông ta sử dụng
luôn thay đổi. Chiến thuật ở đây dường như mang tính cơ hội. Căn cứ trên
thực tế là Trung Quốc đã cải thiện quan hệ với Việt nam và quan hệ giữa
Trung Quốc với Philippines thì đang xấu trong khi Tổng Thống Barack
Obama vừa đến Philippines và tái khẳng định mối liên minh chặt chẽ hơn
với Philippines, và bây giờ thì Trung Quốc chọn gây hấn với Việt nam.
Đây là một cơ hội cho Trung Quốc không thách
thức Mỹ một cách trực tiếp, mà vẫn tiếp tục lấn lướt đòi chủ quyền với
năng lực mới của mình với một nước mà danh tiếng của Mỹ không bị đe dọa.
Nó không chỉ là vấn đề của Mỹ mà còn là vấn đề chính trị nội bộ của
Trung quốc. Nhưng dù thế nào thì việc gây hấn với một nước như Việt Nam
là nước đang có quan hệ chiến lược phát triển với Mỹ nhưng Tổng thống Mỹ
không đến thăm, thì cũng dễ dàng hơn. Nó cũng giống như việc bắt nạn
Philippines vào năm ngoái cũng dễ hơn. Đó là lý do vì sao mà bây giờ ta
có mối quan hệ khăng khít hơn giữa Mỹ và Philippines, và đó là lý do vì
sao mà Tổng Thống Barack Obama đã đích thân nói rõ ràng điều khoản 5 bao
gồm các đảo ở Đông Hải vì ông muốn loại bỏ những mập mờ mà Trung Quốc
đã tận dụng. Bây giờ Trung Quốc đã tận dụng một sự không rõ ràng khác là
ASEAN và Mỹ không có một cam kết chắc chắn để hậu thuẫn Việt nam dù họ
có chia sẻ những lợi ích trong việc cổ vũ cho việc tuân phủ luật pháp
trong việc giúp đỡ Việt Nam. Trung Quốc đã tận dụng vùng xám này vì họ
có thể làm được điều này.
Việt Hà: Phải chăng Trung
Quốc đang áp dụng chiến thuật mà họ đã áp dụng với bãi Scarborough Shoal
của Philippines hồi năm 2012, khi họ yêu cầu Philippines cùng rút tàu
đi nhưng khi Philippines rút tàu đi rồi thì họ vẫn ở lại và kiểm soát
bãi này?
Dr. Patrick Cronin: Nếu tôi
phải đoán thì tôi sẽ nói là đúng vậy. Trung Quốc đang cố gắng thay đổi
thực tế. Cái giàn khoan đó tương tự như một chiếc tàu chiến trong vùng
tranh chấp, và nếu tôi phải nhìn vào một ví dụ tương tự thì tôi có thể
nhìn vào trường hợp của bãi Scarborough shoal mà Trung Quốc có thể đang
áp dụng. Nó mang tính cơ hội. Trung Quốc nhìn thấy Philippine điều đến
một tàu hải quân để bắt giữ người đánh bắt thủy sản trái phép và thực
thi quyền chấp pháp của họ. Trung quốc dùng lý do đó là một lý do đủ để
họ điều tàu đến để nắm quyền kiểm soát. Trong trường hợp với Việt Nam,
Trung Quốc không nhận được bất cứ hành động mang tính khiêu khích nào từ
phía Việt Nam. Họ quyết định đây là một cơ hội và họ dùng một giàn
khoan nước sâu khổng lồ để bắt đầu việc khoan thăm dò ngay trong vùng
nước đang tranh chấp vì không ai có thể ngăn cản được họ và tôi không
nghĩ là họ sẽ dời đi.
Tàu hải cảnh TQ phun nước vòi rồng qua tàu kiểm ngư Việt Nam để đuổi ra khỏi khu vực. AFP
Việt Hà: Theo ông thì có những giải pháp hay khả năng nào để Việt Nam và Trung Quốc có thể thoát khỏi bế tắc này?
Dr. Patrick Cronin: Việt Nam đã
cố gắng thành công trong đàm phán một số các dàn xếp với Trung Quốc
nhiều năm qua từ Vịnh Bắc bộ đến việc cải thiện quan hệ hai nước kể từ
diễn đàn khu vực ASEAN 2010 khi quan hệ trong khu vực với Trung Quốc
đang xuống thấp do tranh chấp biển Đông. Giả sử nếu Trung Quốc muốn cho
thấy một hình ảnh đẹp của mình trong khu vực, họ có thể ký một kiểu liên
doanh với Việt nam. Vấn đề lúc này là Trung Quốc đã nói rõ rằng không
có bất cứ tranh chấp nào trong vùng nước này. Đây là một lập trường cứng
rắn, và nó sẽ khó khăn cho ông Tập Cận Bình, người vốn rất cẩn trọng
với vị thế chính trị và tính chính danh của mình. Cho nên tôi thấy rất
khó cho Trung Quốc để có thể làm việc này, nhưng họ có thể làm qua một
thỏa thuận giữ thể diện. Nếu điều này không thể được thực hiện, thì có
thể là một dạng hợp tác kinh tế trong một số vùng nước mà giàn khoan
chưa được đặt nhưng điều đó sẽ rất khó cho Việt Nam vì đã có rất nhiều
tức giận và quan ngại với hành động hiện tại của Trung Quốc. Như đã nói,
ngư dân bị thương, Trung Quốc đang sử dụng đội 80 chiếc tàu cả tàu
chiến để tuần tra xung quanh giàn khoan.
Cho nên rõ ràng là họ đang chiếm thế thượng
phong tại khu vực này nơi Việt Nam coi là vùng đặc quyền kinh tế của
mình. Cho nên rất khó cho Trung Quốc dừng lại. Trung Quốc có thể sẽ cố
gắng lấy được một số nhượng bộ nào đó từ Việt Nam. Việt nam đã biết phải
làm việc với Trung Quốc thế nào, họ đã từng giải quyết vấn đề về biên
giới trên biển và trên bộ thì có thể là họ sẽ tìm được một nhượng bộ nào
đó mang tính giữ thể diện, nhưng có điều là Trung Quốc lo lắng phải đối
phó với các nước khác nhiều hơn là chỉ phải đối phó với một mình Việt
Nam. Nhưng vấn đề ở chỗ là các nước khác cũng chỉ mong Trung Quốc quan
tâm đến các nước khác hơn là với chính nước họ. Nhưng Trung Quốc đang sử
dụng chiến thuật salami để thay đổi thực trạng trên biển và trên không
và quản lý nhiều hơn vùng biên trên biển để họ không phải dựa vào các
nước khác về mặt an ninh. Đây không phải là một tình huống dễ để tìm lối
ra và sẽ không có một giải pháp dễ dàng nào cho tình huống này.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng
(giữa) đi cùng đoàn đại biểu đến địa điểm tổ chức lễ bế mạc hội nghị
thượng đỉnh ASEAN 24 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Myanmar ở Naypyidaw
vào ngày 11 tháng 5 năm 2014. AFP
Việt Hà: Tuyên bố mới đây
của ASEAN bày tỏ quan ngại về vấn đề biển Đông và kêu gọi các bên kiềm
chế. Hoa Kỳ lên tiếng chỉ trích Trung Quốc gây hấn nhưng vẫn nói là cả
hai nước đều có quyền đòi chủ quyền. Ông có nghĩ là những hành động này
dường như là không đủ mạnh để gây sức ép lên Trung Quốc?
Dr. Patrick Cronin: tôi biết
nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên lắm khi có một nước nào đó phải hy sinh để
các nước còn lại tỉnh táo hơn. Tôi chưa từng bao giờ nghĩ là 10 nước
ASEAN sẽ đưa ra được một bản tuyên bố mạnh mẽ. Họ quá khác nhau. Việt
Nam có được một số ủng hộ mạnh những cũng có những ủng hộ yếu ớt hoặc
không có ủng hộ từ một số nước ASEAN. Đây là một nhóm chia rẽ. Tuy nhiên
họ cũng có được tuyên bố và đó là bước mở đầu và chúng ta chấp nhận.
Nhưng thực tế là sẽ cần một nhóm nhỏ các nước giúp Việt Nam làm điều gì
đó với vấn đề này. Không một nước nào kể cả Trung Quốc muốn có xung đột
nhưng Trung Quốc có thể sẽ phải gặp xung đột nếu họ không cẩn thận.
Trung Quốc đang có hành động gây hấn và Ngoại trưởng John Kerry nói đây
là hành động nguy hiểm. Có những người ở Washington lo ngại căng thẳng
sẽ bùng nổ hơn nữa, không phải là một cuộc chiến tranh mà là những hành
động pháp lý, và điều này là đáng lo ngại vì Trung Quốc đang hành động
đơn phương. Tôi hy vọng là Việt Nam không phải hy sinh để cho cả thế
giới và khu vực hiểu được vấn đề. Hy vọng là chúng ta hiểu được là khu
vực này sẽ mất nếu ta cho phép bất cứ nước nào được phép viết lại luật
lệ một cách đơn phương bằng cách sử dụng vũ lực và xâm lấn và đó là điều
mà Trung Quốc đang làm với giàn khoan và đội tàu.
Việt Hà: Theo ông, điều gì có thể khiến Mỹ và Việt Nam trở thành một liên minh?
Dr. Patrick Cronin: Nhìn chung
tôi không nghĩ thế giới và khu vực bây giờ tạo ra nhiều liên kết đồng
minh nữa. Nhưng tôi nghĩ là hợp tác về an ninh sẽ phát triển. tôi nghĩ
là một sự liên kết sẽ phát triển nhưng sẽ không mang tính ràng buộc về
mặt pháp lý trong liên minh quân sự. Tôi nghĩ điều này cũng tốt thôi. Cả
Mỹ và Việt nam đều cẩn trọng với những gì mà Trung Quốc coi là phần
ranh giới đỏ. Chúng ta phải nghĩ xem làm gì để cải thiện quan hệ hai
nước hơn về thương mại, năng lượng, an ninh… điều này cũng tương tự
trong quan hệ với các nước như Ấn Độ, Nhật Bản… tức là tăng cường hợp
tác an ninh chứ không phải đồng minh. Nhưng điều có thể làm thay đổi là
hành động sử dụng lực lượng quân đội trực tiếp của Trung Quốc. Nếu bạn
hỏi điều gì xảy ra nếu Trung Quốc xâm lược Việt nam, thì chắc chắn là
tình hình sẽ thay đổi. Nhưng giả sử nếu họ chỉ dùng lực lượng hiện tại
và không đưa đến chiến tranh thực sự thì chúng ta có một thách thức phức
tạp hơn phải xử lý, và lúc này không phải là liên minh quân sự mà là về
chiến lược, với hợp tác nhiều tầng, chúng ta có thể làm điều này mà
không cần phải có liên minh quân sự
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho đài ACTD buổi phỏng vấn.
0 comments:
Post a Comment