Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vẫy chào khi đến dự Hội nghị các Bộ trưởng Mỹ-ASEAN tại Bandar Seri Begawan, Brunei, ngày 1/7/2013.
BRUNEI — Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tuyên bố Trung Quốc đang tiến
hành “các biện pháp quyết liệt” để thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ
chương trình vũ khí hạt nhân. Ông Kerry đã họp với các ngoại trưởng của
Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Triều Tiên tại một diễn đàn của các quốc gia
Ðông Nam Á, nơi các giới chức cũng thỏa luận các chi tiết của một
chương trình theo dõi bị một cựu phân tích gia tình báo Mỹ tiết lộ. Từ
diễn đàn ASEAN ở Brunei, thông tín viên VOA Scott Stearns ghi nhận chi
tiết trong bài tường thuật sau đây.Ngoại trưởng Nam Triều Tiên Yun Byung-se nói áp lục quốc tế đang buộc Bắc Triều Tiên phải thay đổi “sách lược hành động từ thủ đoạn chính trị qua khéo léo bầy tỏ sự hợp tác” trong nỗ lực làm suy yếu mặt trận thống nhất giữa Nam Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ.
Nhưng ông nói điều đó sẽ không xảy ra bởi vì các nước đồng minh đó hiểu rõ rằng các thách thức thông thường đòi hỏi sự khôn ngoan thông thường.
Ông Byung-se nói: “Việc Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân sẽ không bao giờ được chấp nhận. Việc Bắc Triều Tiên đồng thời theo đuổi phát triển hạt nhân và phát triển kinh tế không thể dung thứ và chắc chắn sẽ thất bại. Bắc Triều Tiên sẽ đứng trước sự cô lập nhiều hơn và các hậu quả tai hại trong trường hợp có các hành động khiêu khích.”
Ngoại trưởng Nam Triều Tiên đã họp với Ngoại trưởng Kerry và Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida sau các cuộc hội đàm của ông Kerry với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc hội nghị lần này của Hiệp Hội các Quốc gia Ðông Nam Á, tức ASEAN. Ông Kerry nói Washington, Seoul, Tokyo và Bắc Kinh nhất quyết thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Ông Kerry nói: “Tất cả 4 nước chúng tôi dứt khoát thống nhất và dứt khoát kiên quyết trong việc khẳng định rằng tương lại có liên quan đến Bắc Triều Tiên phải bao gồm việc phi hạt nhân hóa. Trung Quốc đã minh định rõ với tôi rằng họ đã đưa ra các phát biểu rất kiên quyết và có các biện pháp rất kiên quyết để thực thi chính sách đó.”
Ông Kerry nói các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên cần phải hiểu rằng có một con đường tốt đẹp hơn mở ra cho họ.
Ngoại trưởng Kerry cho biết: “Khu vực sẽ khá hơn với sự giải giới hạt nhân. Và các khả năng về quan hệ bình thường không phải chỉ giữa miền Nam và miền bắc hay Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, mà cả giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên và phần còn lại của thế giới nằm ở đầu giao tiếp bên kia trong một tập hợp nghiêm túc các biện pháp giải giới hạt nhân.”
Trong các cuộc bàn luận với ngoại trưởng Trung Quốc, ông Kerry cho biết họ đã thảo luận về trường hợp của cựu chuyên gia tình báo Hoa Kỳ Edward Snowden, người đã đuợc phép rời Hong Kong đi Moscow sau khi Hoa Kỳ yêu cầu dẫn độ ông ta về các cáo trạng có liên quan đến việc ông ta tiết lộ chi tiết về việc Hoa Kỳ theo dõi các cú điện thoại và hồ sơ Internet.
Trước đó trong chuyến công dụ, ông Kerry đã nói về các “hậu quả” đối với Trung Quốc và Nga, khi giúp ông Snowden tránh né công lý của Hoa Kỳ. Nay ông Kerry nói các mối quan ngại đó phải được cân bằng với sự hợp tác về các vấn đề khác trong đó có các tranh chấp về lãnh hại ở vùng Biển Ðông.
Ông Kerry nói tiếp: “Chính quyền Obama tin rằng các bằng hữu của chúng ta ở Trung Quốc thực ra có thể tạo được một sự khác biệt ở đây, nhưng chúng ta có nhiều vấn đề đang phải giải quyết ngay bây giờ.”
Thông tin do ông Snowden tiết lộ bao gồm những tố giác cho rằng Hoa Kỳ đã nghe lén các cuộc đàm thoại của các thành viên Liên Hiệp châu Âu. Ông Kerry nói trưởng ban chính sách đối ngoại EU bà Catherine Ashton đã hỏi ông về sự kiện đó trong các cuộc hội đàm ở diễn đàn ASEAN, và ông nói với bà rằng ông không biết gì về việc ấy bởi vì ông quá bận rộn với các nỗ lực hòa bình Trung Ðông.
Ông Kerry nói ông hứa sẽ tìm ra sự thực và trả lời cho bà biết. Ông đưa ra cho các phóng viên lời bênh vực cho chương trình theo dõi, và nói đó là “điều không có gì là bất thường đối với rất nhiều quốc gia” khi “tiến hành nhiều hoạt động để bảo vệ an ninh quốc gia, và tất cả các loại hình thông tin đóng góp vào công tác đó.”
0 comments:
Post a Comment