Friday, July 20, 2012

Việt kiều về quê cưới vợ

Tác Giả: David Nguyễn/Viễn Đông   
Bởi vậy, câu “trâu già ăn cỏ non” vẫn còn rất thịnh hành.
      Một Việt Nam với cả “bầy yêu nữ” - ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông
Mấy chục năm sống, làm việc cật lực trên đất Hoa Kỳ, nhiều người nhớ những năm đầu sau khi rời bỏ quê hương, người thân, bạn bè. Họ liều mình vượt đại dương đi tìm bến bờ tự do. Nhiều người tự nhủ không biết có ngày trở lại nơi chôn nhau cắt rốn. Thật sự đã có hàng vạn người không còn cơ hội trở lại quê nhà vì đã bỏ mình trong lòng biển cả. Nhưng cũng có hàng trăm ngàn người may mắn đã đến được những đất nước tự do, nổi bật là Hoa Kỳ, một trong những cái nôi cưu mang cho những người tị nạn chính trị. Sau khi đã gầy dựng lại cuộc sống khá vững chắc nơi bến bờ tự do, bươn chải đã đủ trên xứ người, một số người ngày nay lại mong đến cái tuổi về hưu, được về lại Việt Nam sống, an hưởng tuổi già. Có biết bao người suy nghĩ, ước muốn như vậy mà không thể nào thực hiện được vì chế độ cầm quyền cộng sản vẫn còn đó. Một số khác có lẽ làm ngơ được, hay vì những điều kiện vật chất, tinh thần cá nhân, nên họ cũng quay lại xứ sở của mình, cho dù những điều kiện chính trị, xã hội chưa như ý.
              Cá lóc nướng miền Tây - ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông
Ông T.N.D. ở San Jose qua Mỹ định cư vào đầu thập niên 1990. Hơn 26 năm làm việc cũng đã đến tuổi hưu, nay ông muốn quay về Việt Nam để sống những ngày còn lại nơi đất tổ ông bà. Theo ông, với số tiền hưu lãnh mỗi tháng khoảng gần 1.000 Mỹ kim, về Việt Nam “sống ngon lành”. Gia đình người thân của ông vốn ở miền Tây sông nước hữu tình. Ông bỏ ra ít tiền nhờ người thân mua một miếng đất xây nhà ở. Ông nói: “Nhờ con cháu đứng tên và coi sóc, mình chỉ việc cho tiền chúng nó mỗi tháng, rồi muốn ăn uống kiểu nào mà chẳng được, cần đi đâu có người chở, những lúc đau bệnh mướn bác sĩ, y sĩ miệt vườn đến khám, chữa bệnh. Rảnh rồi đi du lịch cho biết đó biết đây. Đến khi nào gần đất xa trời thì về với ông bà tổ tiên cho gần gũi”.
Nơi hẹn hò thường là những quán ăn đồng quê - ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông
Nhìn vào xã hội Mỹ, ông nhận xét: “Ở Mỹ, người già thấy buồn vì cô quạnh quá. Vì con cái mỗi người mỗi nơi mỗi việc, con đường vào nhà dưỡng lão với bao người xa lạ luôn luôn mở rộng phía trước. Nhiều lần đến thăm một vài người quen trong viện dưỡng lão, thấy họ buồn in sâu trong tâm khảm. Nhìn đi ngó lại có nhiều cụ già với những hoàn cảnh éo le khác nhau. Có người cả năm không thấy con cháu đến thăm. Đến khi gần trút hơi thở cuối cùng, mới có người thân đến chứng kiến. Có khi máy bay bị chậm trễ, xe cộ bị kẹt mà không nghe được một lời trăn trối nào của người thân”.
Nàng sửa soạn ăn diện đẹp để đón chàng từ Mỹ về? - ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông
Quả là ở Mỹ kiểu sống có khác hơn so với ở Việt Nam. Ở Việt Nam thì người già cho đến khi nhắm mắt luôn luôn có người thân, con cái, bạn bè bên cạnh. Thậm chí là đến khi chết cũng quàn tại nhà nhiều ngày, rồi đãi tiệc, trống kèn đàn hát rình rang mấy đêm. Nơi yên nghỉ cũng là chốn chôn cất ông bà, người thân, họ hàng. Ở Mỹ thì không được như vậy, phần lớn người già được con cháu đưa vào nhà dưỡng lão để có người chăm sóc và nơi đó đầy đủ tiện nghi hơn ở nhà là chắc. Với người Mỹ chắc là chuyện mấy đời như vậy nên là chuyện thường, còn đối với người Việt dù là sống trên xứ người, nhưng cảm giác vẫn buồn, vì không được chính con cháu săn sóc để gọi là báo hiếu. Khi qua đời lại phải nằm nơi nhà quàn lạnh lẽo xa lạ, có khi cả tuần, mấy ngày mới đến lượt mang đi thiêu hoặc chôn vì đám tang thường phải chờ cuối tuần mới làm lễ, mới có người đến viếng hay đưa đám, do ai cũng phải đi làm.
   Hết nhà hàng rồi xuống quán nhậu vỉa hè - ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông
Nhiều người đã khá lớn tuổi mới được con cái bảo lãnh qua Mỹ. Nhưng khi đến Mỹ rồi, thì họ có cảm giác như mình bị con cái bỏ rơi. Tối ngày ở nhà như bị “cầm tù”. Họ chẳng biết đi đâu, hàng xóm cũng chẳng có ai là Việt Nam, làm sao biết nói chuyện. Con cái thì đi làm hằng ngày. Mấy cháu thì đi học, khi về cũng chẳng nói được với mình vì một bên không biết tiếng Anh, còn một bên thì biết tiếng Việt ít. Cần gì chỉ có ra dấu thôi, hiểu được thì hiểu còn không hiểu thì chịu. Họ cũng chẳng quen gọi điện thoại cho ai, mà ai gọi tới thì cũng chẳng biết nói gì vì toàn là tiếng Anh tiếng u gì không.
Chịu không nổi cảnh bị giam lỏng, hai ông bà T.H. sau hơn 3 tháng đã năn nỉ con cho tiền mua vé để về lại Việt Nam. Cản ngăn kiểu gì cũng bị từ chối. Rồi cuối cùng, con cái phải chiều theo nguyện vọng của ông bà. Tiền lo thủ tục bảo lãnh ông bà sang Mỹ không ít.

          Món ngon vật lạ kêu thoải mái - ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông
Một trường hợp khác, ông bà T.S., quê ở Cần Thơ, được con bảo lãnh sang Mỹ và định cư tại thành phố San Jose. Mặc dù được ở thành phố có đông người Việt sinh sống nhất nhì ở Mỹ. Nhưng sang Mỹ một thời gian, bà vợ thì thích sống ở Mỹ với con cháu. Nhưng đối với ông thì xứ Mỹ này ở tuổi của ông khó hòa nhập được, nên chưa đầy một năm, ông quyết định về lại Việt Nam ở luôn, không muốn sang Mỹ nữa. Rồi sau đó vài năm, sống xa vợ, ông đã tìm được một cô vợ mới, vui vẻ bên người yêu mới bằng một nửa tuổi đời của mình. Ông mặc kệ cho vợ con than phiền, chưởi bới.
Còn ông B.M., khi con có ý định bảo lãnh đi Mỹ thì từ chối ngay. Ông bảo: “Ba mẹ tuổi đã lớn qua bên đó chỉ làm phiền con cháu, tốn tiền thôi chứ được gì. Tôi từ xưa tới giờ bên ruộng vườn, bên mồ mả ông bà quen rồi… Lâu lâu con cháu về thăm là đủ rồi”. Ông bà cũng đã sang Mỹ du lịch một chuyến thăm gia đình con cháu. Nhưng chuyến đi đó ông bà tưởng chừng không về lại được Việt Nam vì bệnh ung thư bao tử và bệnh tim của ông bà tái phát. Kết quả là qua Mỹ nằm bệnh viện một thời gian tốn của con cái một số tiền không nhỏ, cuối cùng mới quay về Việt Nam.

       Vào khách sạn với một cô chân dài - ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông
Phần lớn những người có ý tưởng khi đến tuổi hưu trí thì về Việt Nam sống cũng chỉ là số ít thôi và cũng chỉ là quý ông thôi. Một câu hỏi đặt ra, có phải mấy ông là những người yêu quê hương hơn mấy bà? Một cụ ông tên H. ở Los Angeles biện minh như thế này: “Xứ Mỹ này là xứ ưu tiên số một cho phụ nữ. Trong khi đó ở Việt Nam nhất là già mà có tiền đô thì mới là số một. Muốn thứ gì mà chẳng có, ăn uống thoải mái. Chỉ cần lãnh tiền hưu thôi cũng sống khỏe re”. Nhiều ông Việt kiều về bên ấy sống, già già cũng cưới được, hay cặp bồ được với nhiều cô chân dài có tuổi đời đáng tuổi con cháu. Bởi vậy, câu “trâu già ăn cỏ non” vẫn còn rất thịnh hành.

0 comments:

Powered By Blogger