Tình
hình đất nước hiện nay quả là bi đát và cấp bách nhưng để thay đổi được
lại rất khó khăn. Bế tắt không chỉ vì người dân sợ bạo quyền, thờ ơ mà
còn vì nhiều người còn ngộ nhận nhiều điều. Chính những ngộ nhận này mà
họ không hành động, không ủng hộ hoặc cản trở sự thay đổi. Cần phải giúp
mọi người dù là bình dân nhất: xe ôm, cửu vạn đến sinh viên, công chức
biết những điều lâu nay họ nghĩ là ngộ nhận, là sai.
1. Ngộ nhận về nhân dân, đất nước, chế độ: (Bài tham khảo)
Nhiều người có suy nghĩ cho rằng nhân dân, đất nước, dân tộc Việt Nam
với chế độ, đảng cộng sản và chủ nghĩa xã hội là một. Yêu nước là yêu
chế độ, yêu Đảng cộng sản, yêu chủ nghĩa xã hội. Đây thật ra là chiêu
bài tuyên truyền xảo trá của đảng cầm quyền,
mục đích buột chung đảng vào giá trị dân tộc để người dân lầm tưởng là
bất cứ ai có hành vi chống lại chúng là chống lại dân tộc. Ngay từ xưa
các cụ đã nói “quan nhất thời, dân vạn đại”, đảng cộng sản cũng chỉ là
một tổ chức mới có chưa tới 100 năm nay, không phải là dân tộc.
ĐCS muốn lãnh đạo dân tộc đi theo đường lối họ cho là đúng đắn: chủ
nghĩa cộng sản. CNCS là một chủ thuyết do hai ông Mac-Lenin nghĩ ra, đó
chỉ là một chủ thuyết để trị quốc như thuyết thiên tử xưa kia của phong
kiến. Một vĩ nhân nước Pháp, tướng De Gaulle đã nói “mọi chủ thuyết rồi
sẽ mất đi, chỉ có dân tộc là còn lại”, chủ tịch đảng LDP của Nhật-một
đảng lãnh đạo nước Nhật suốt 60 từ nước bại trận đến quốc gia có nền
kinh tế số 2 thế giới- nói “vì nhân dân Nhật Bản, tôi sẵn sàng đập vỡ
LDP”. Họ là những người hùng dân tộc chân chính, họ đặt đất nước, dân
tộc lên trên đảng phái và chủ thuyết.
Một ngộ nhận nguy hại nữa là ngộ nhận việc của đất nước là việc của
đảng. Ngộ nhận đó dẫn đến suy nghĩ mọi việc có đảng và nhà nước lo. Đây
thật sự là một suy nghĩ sai lầm lớn. Đất nước là của nhân dân, đảng chỉ
là một nhóm người được dân ủy quyền đứng ra lo việc chung. Chính xác họ
chỉ là những người làm thuê, vì làm thuê nên họ có thể lừa dối, làm sai
và phá hoại, thậm chí bán nước. Đảng suy cho cùng là một nhóm người đang
nắm quyền. Lịch sử cho thấy nhiều lần đảng đã đặt lợi ích, đặt sự tồn
vong của đảng, của chế độ lên trên trên quyền lợi của dân tộc. Như vậy
nếu có thay đổi thì họ cũng sẽ thay đổi hướng đi làm sao quyền lợi của
đảng vẫn bảo đảm và quyền lợi nhân dân bị hi sinh. Thật tai hại, việc
này không khác gì trao tương lai mình, con cháu mình vào tay một nhóm
người.
2. Ngộ nhận về công lao ĐCS: Đây là ngộ nhận phổ biến rất tai hại
Công lao giải phóng: Cho rằng thành quả hôm nay là
do đảng, nhờ ơn đảng, có đảng mới có độc lập. Đảng có công giải phóng
dân tộc thì có quyền lãnh đạo đất nước. Đây chính là lối suy nghĩ của
não trạng phong kiến “ơn quan phụ mẫu”. Uống nước nhớ nguồn, bất cứ ai,
tổ chức nào có công với dân tộc đều được tưởng nhớ, vinh danh, từ xa
xưa, lịch sử dân tộc có rất nhiều vị anh hùng “Hai Bà Trưng, Lê Lợi,
Quang Trung,….” được sử sách lưu truyền, ghi công. Ngày nay những vị anh
hùng xả thân vì đất nước cũng được vinh danh tưởng nhớ. Ngộ nhận về
công lao giải phóng và quyền lãnh đạo của đảng là lối suy nghĩ không
hiểu biết lịch sử dân tộc. Dân tộc VN trải qua bao phen nô lệ, bao phen
sắp mất nước, những triều đại có công lớn như nhà Trần, Nhà Lê, nhà
Nguyễn… nhưng khi họ đi vào thối nát, mục ruỗng cản trở sự phát triển
của dân tộc thì đều phải lật đổ, vứt bỏ. Vận động xã hội luôn luôn đổi
mới chứ không phải bất biến, do vậy một đảng phái có thể lãnh đạo tốt
cho đất nước ở giai đoạn này nhưng hại ở giai đoạn khác. Vấn đề là nhân
dân sống như thế nào chứ không phải độc lập là tất cả, nước nhà độc lập
mà dân không thịnh vượng, không tự do thì độc lập là vô nghĩa. Người
cũng dòng giống không có nghĩa là không cai trị tàn bạo. Lịch sử nhân
loại để lại bài học nhiều dân tộc bị đày đọa khủng khiếp lại do chính
người cùng dân tộc cầm quyền gây ra. Nhiều chính quyền do người cùng dân
tộc nắm giữ nhưng vô cùng tàn bạo không khác gì ngoại bang (Bắc Triều
Tiên là một minh chứng).
Công lao xây dựng: Nhiều người cho rằng thành quả
hôm nay: đường ta đi, điện ta dùng, cơm ta ăn, áo ta mặc đều do công ơn
trời biển của đảng. Đây là não trạng của thân tôi đòi, nô lệ. Tất cả
những cái đó muốn có phải trả tiền, phải trao đổi, phải lao động mới có.
Đảng chỉ là một tổ chức cầm quyền ăn lương do dân đóng qua thuế, thực
tế họ đã không làm tốt bổn phận của họ, rất nhiều tệ hại do họ sai lầm
hoặc thành viên của họ tham nhũng rút ruột. Đúng ra họ phải bị truất phế
chứ không phải ngồi chểnh chệ trên đầu, trên cổ nhân dân như vậy. Nếu
không vì cái độc đoán của họ thì nhân dân, đất nước đã không làm những
việc điên khùng:
ngăn sông cấm chợ, tiêu diệt tư bản như thời bao cấp để rồi đói kém
vàng cả mắt. Đói kém dẫn đến giống nòi suy kiệt, chấp nhận lao động cực
nhọc lương thấp (đảng lại ca ngợi cần cù, lao động giá rẻ). Thể trạng
người VN hiện nay rất kém: thấp bé, nhẹ cân.
Công lao giữ ổn định: Nhiều người cho rằng đảng đã
cực khổ lo cho dân, đó là niềm tin mù quáng vào một kẻ vừa ăn cướp vừa
la làng. Lãnh đạo là một nghề như vạn nghề và nghề này rất béo bở, một
người làm quan cả họ được nhờ. Thực tế là nhân dân đóng góp nuôi họ rất
nhiều nhưng họ lãnh đạo không hiệu quả, ngày càng đưa đất nước tụt hậu
so với mức phát triển chung của nhân loại. So với thế giới và lân bang,
Việt Nam tụt hậu rất xa về mọi mặt. Rất nhiều chính sách họ đưa ra lại
kiềm hãm sự phát triển của dân tộc. Đảng đã không ngăn được các quốc nạn
tham nhũng, rút ruột, lãng phí. Rất nhiều công trình, dự án chủ yếu là
để lấy tiền dân, hiệu quả rất thấp. Hãy xem quan chức giàu có còn dân
nghèo mạt thế nào để biết. Nếu họ không độc tài, tiếm quyền và khư khư
ôm lấy quyền thì đất nước này thịnh vượng và ổn định ngàn lần hiện nay.
Ngộ nhận về vai trò lãnh đạo không thể thay thế của đảng:
Nhiều người cho rằng không cá nhân, không tổ chức nào có đủ tài năng để
lãnh đạo đất nước. Suy nghĩ này thật là sai. Dân tộc này không thiếu
người cầm quyền, lãnh đạo, cầm lái để đưa dân tộc tiến bộ. Nhiều người
nói “mong đảng sửa mình để lãnh đạo nhân dân” điều này không khác gì các
quan ngu trung thời xưa “mong vua sửa mình để chăn dắt dân chúng”, ngày
nay không còn Vua, không mong gì hết, làm không nên thì đi chỗ khác để
người khác làm. Điều này giống như việc có một tên tài xế tồi và ẩu cầm
lái, cần phải thay đi. Nó thối nát nên dẹp bỏ.
3. Ngộ nhận về lực lượng, phong trào canh tân đất nước:
Ngộ nhận về động cơ: Cho rằng tất cả những cá nhân,
tổ chức hoạt động chính trị với chủ trương giải thể ĐCS để thực hiện nền
chính trị dân chủ ở VN là những âm mưu chính trị nguy hiểm, là hoạt
động chống phá đất nước. Họ bêu xấu cá nhân đó là có tham vọng chính
trị, phá hoại đất nước. Sự thật là gì? Là có rất nhiều cá nhân thấy được
thực trạng đất nước kiệt quệ, mắc nạn trong tay ĐCS, họ muốn thay đổi.
Họ lên tiếng riêng lẻ hoặc hình thành nên tổ chức. Việc này giống như Lê
Lợi năm xưa đã làm để đánh đuổi quân Minh ra khỏi đất nước. Nên nhớ là
quân Minh cũng để cho nước ta có Vua nhưng đó là vua bù nhìn. Ở các nước
văn minh nếu đảng nào nắm quyền nhưng làm không tốt thì bị dân phế
truất và đưa đảng đối lập lên thay, đây là một hoạt động bình thường chứ
không phải là chống phá.
ĐCS VN tiếm quyền, xưng vương, xưng bá nên khi làm sai không ai nói
được, vì ai lên tiếng thì bị nó chụp cho cái mũ là phản động và chống
đối. Trong trường hợp này muốn cứu dân, cứu nước phải hoạt động bí mật,
âm thầm, đó là điều hợp lý chứ không phải là âm mưu. Dân hay ngộ nhận âm
mưu đồng nghĩa với bất minh, xấu xa. Trong trường hợp này không đúng.
Chúng ta nên hoan nghênh ủng hộ những “âm mưu” này, hoan nghênh bất cứ
cá nhân nào có tham vọng giải tỏa độc tài toàn trị để nước nhà tiến lên
dân chủ, thịnh vượng. Lật được ĐCS là mở ra trang sử dân chủ cho nước.
Xưa dân tộc ta kém phát triển, mất cơ hội canh tân vì đã có nhiều ngộ
nhận những bậc anh hùng vì dân vì nước là giặc là làm loạn (trường hợp
Nguyễn Trường Tộ), bài học này hôm nay toàn dân phải cảnh giác.
Ngộ nhận tính pháp lý: Họ cho rằng bất cứ hoạt động
gì mà không được sự cho phép của đảng, của chính quyền là phi pháp, cần
phải xin phép đảng, chính phủ mới làm. Suy nghĩ này mà làm cách mạng thì
giống như việc cải lương, làm sao mà họ cho phép những việc làm dẫn đến
dẹp bỏ họ, dù có thối nát, khốn nạn đến mấy con người không thể lấy búa
ghè vào chân. Suy nghĩ đúng là: Đảng như một băng nhóm cầm quyền, họ
làm sai, làm hại đất nước cần phải dẹp đi. Mưu cầu sự tồn vong, mưu cầu
hạnh phúc, hưng thịnh của dân tộc là việc làm chính nghĩa nhất, có tính
pháp lý cao nhất.
4. Ngộ nhận về thay đổi đất nước:
Bạo động và lật đổ: Đây là từ ngữ đảng cầm quyền
hiện nay dùng để dọa dân chúng về viễn cảnh loạn lạc. Họ kêu gọi giữ ổn
định để phát triển. Đây là lối nói ngụy biện giống như việc cơ thể có
bệnh cần phải nhận diện điều trị thì lờ đi, uống thuốc giảm đau, bệnh sẽ
ngày càng nặng và đến lúc không cứu được phải chết. Đảng cộng sản tuyên
truyền viễn cảnh bạo loạn, giết chóc xảy ra do để dân chúng sợ loạn lạc
mà không hành động nhằm củng cố sự cai trị bất hợp pháp, duy trì sự
thối nát, duy trì quyền lợi của chúng. Trên thực tế có rất nhiều cuộc
thay đổi chính trị ở các nước đã diễn ra trong hòa bình, sự sụp đổ của
thành trì cộng sản Liên Xô, Đông Âu là một minh chứng, gần đây là sự sụp
đổ độc tài ở Tunisia sau 7 ngày dân xuống đường là mở ra tương lai cho
đất nước.
Chỉ có đảng cộng sản với thuyết đấu tranh giai cấp man rợ nên luôn
nhầm tưởng bất cứ thay đổi gì cho đất nước, cho nhân dân là bạo lực là
đấu tranh giai cấp, là giết chóc. Lịch sử VN và thế giới cho ta nhiều
bài học đổi ngôi xảy ra trong trật tự, hòa bình. Nếu kẻ cầm quyền ngoan
cố thì chúng ta quyết không sợ. Dân tộc này, tổ quốc này mang ơn những
người con dũng cảm hy sinh để mở ra tương lai tươi sáng. Độc tài và độc
ác như Gaddafi hay Assad thì cuộc chiến này cũng chỉ hy sinh một số dân
không nhiều hơn số người chết vì tai nạn giao thông ở nước ta trong một
năm. Còn độc tài toàn trị chúng ta chết vì giao thông vì ngộ độc thực
phẩm, vì đói nghèo còn nhiều hơn hàng chục lần. Hãy xem có đến hơn 3
triệu người Triều Tiên đã chết thật uổng phí: chết đói; trong khi triều
đại nhà Kim đã tồn tại đến 3 đời.
Ngộ nhận về hướng đi: Nhiều người có suy nghĩ rằng
ai, tổ chức nào lên cũng thế thôi, khi vận động nhân dân quần chúng thì
hứa ngon ngọt nhưng nắm quyền thì cũng tham lam, rút ruột, độc tài.
Không thể tin được “bố con thằng nào”. Suy nghĩ là đúng với thực tế thời
gian qua, rất nhiều phe cánh trong đảng đấu đá nhau, hạ bệ nhau để ngoi
lên và kết quả cuối cùng thì không có gì thay đổi có lợi cho dân. Đó là
một thực tế. Tuy nhiên người dân không thấy được bản chất bên trong.
Với chủ trương hướng đến chính trị đa nguyên, tự do báo chí, kinh tế dân
doanh. Sự thay đổi này không chỉ là hình thức người lãnh đạo mà là sự
thay đổi căn bản của cấu trúc chính trị, kinh tế. Sự thay đổi này sẽ đưa
đất nước biến đổi từ độc đài đến dân chủ. Trong môi trường chính trị
này, những cá nhân xấu xa, tham lam, bất tài sẽ bị loại bỏ.
Ngộ nhận về vai trò cá nhân: Nhiều người cho rằng:
chính trị là việc lớn, thay đổi đất nước là việc vô cùng khó khăn. Một
mình họ có quan tâm thì cũng không giải quyết được gì. Đây là lối suy
nghĩ của nhiều người. Họ không biết rằng tất cả những cơn đại hồng thủy
khủng khiếp nhất đều bắt nguồn từ những hạt nước nhỏ bé. Quyền lực chính
trị to lớn đến từ sự ủng hộ của người dân. Từng người dân thì nhỏ bé,
yếu nhưng tập hợp lại thì rất mạnh. Nếu ta tránh việc thì ai làm? Từng
tiếng nói lẻ tẻ hợp lại thành sức mạnh, từng hành động nhỏ nhặt: truyền
tin, giới thiệu bạn bè, tham gia xuống đường, hô khẩu hiệu,… là những
hành động ai cũng có thể làm được để giúp đất nước thay đổi. Tình hình
đất nước hiện nay là cực kỳ bi đát và nguy cấp, tất cả người dân Việt
Nam hãy quan tâm đến tình hình đất nước để lo lắng, lên tiếng, ủng hộ
những phong trào do những cá nhân tâm huyết phát động, ngõ hầu tập trung
sức mạnh cộng đồng để giải quyết. Xưa Thánh Gióng lớn mạnh là nhờ ăn
cơm của dân, uống nước của làng. Không có sự ủng hộ thì mọi phong trào,
dù có tính khoa học cũng bị chết từ trong trứng nước.
Ngộ nhận về những đức tính xấu của dân tộc: Nhiều
người cho rằng người Việt Nam có nhiều thuộc tính xấu: tư lợi, bè phái,
tham quyền cố vị, tranh giành quyền lực,…. Nhiều người còn lấy lý do dân
trí còn thấp. Chấp nhận mọi cái xấu, cái dở, cái tệ hại của xã hội, của
đất nước là do bản chất dân tộc. Câu cửa miệng hay nghe là “Việt Nam là
thế”. Từ nhận định đó nên nhiều người suy nghĩ là thay đổi cũng không
ích gì “ai lên cũng vậy” và dân chủ sẽ sinh loạn lạc. Thật là sai lầm
trong việc này. Con người ở đâu cũng có những đức tính trên. Liên Xô,
Đông Âu, Cuba thậm chí một dân tộc văn minh như người Đức nhưng khi nằm
dưới chế độ CS thì người dân vẫn bị bần cùng và giả dối. Vấn đề là thiết
chế, là môi trường tốt thì cái tốt sẽ tự đến, cái xấu sẽ bị diệt. Hãy
so sánh thái độ bán hàng của cô mậu dịch viên thời bao cấp với nhân viên
siêu thị hiện nay để biết nguyên nhân của sự khác biệt.
Ngộ nhận về sự tiến bộ của đất nước: Cho rằng đất
nước ta hiện nay là giàu nhất trong lịch sử, từ đói kém nô lệ lần than,
nhà tranh, vách đất, tăm tối đến điện đường sáng choang, ăn ngon, mặc
đẹp, đường sá, nhà cửa bê tông khang trang. So với xưa đói kém, giặc giã
nay hòa bình vậy là tiến bộ, hạnh phúc quá nhiều. Những bất cập hiện
nay chỉ là nhỏ lẻ và đảng sẽ khắc phục để đất nước tiến lên. Đây là lối
suy nghĩ phổ biến ở những người tầm 50 tuổi trở lên, họ là lớp người
kinh qua giai đoạn khổ đau nhất của dân tộc: chiến tranh, bao cấp nên họ
thấy thành quả ngày nay quả là như mơ. Và đặc biệt nữa là họ là những
người bị ảnh hưởng đến tuyên truyền mạnh nhất về sự tốt đẹp của đảng và
họ cũng là lớp người có uy tín, địa vị, sức mạnh về kinh tế nhất hiện
nay, và cũng oái ăm là họ cũng là lớp người ít tiếp xúc với mạng nhất
hiện nay.
Nếu thế hệ con cháu mở mang trí tuệ, tiếp xúc thông tin đa chiều mà
có ý kiến khác về các hình tượng như HCM, ĐCS thì họ sẽ bị rầy la và cho
là nhiễm tư tưởng phản động, bị thế lực nước ngoài âm mưu và giật dây.
Họ có niềm tin là bất cứ ai nói đảng sai, chính sách không đúng làm phản
động. Những điều họ thấy, họ nghĩ, họ nhìn nhận là đúng. Điều ngộ nhận
xảy ra là do họ chưa thấy được cái toàn cục, so ta với ta mà không thấy
lân bang đã giàu mạnh thế nào? Họ thấy thành quả nhưng họ không thấy
công sức bỏ ra của toàn dân. Nếu nước nhà dân chủ thì thành quả còn
nhiều lần hơn thế. Họ không thấy sự cản trở phát triển của chế độ chính
trị độc đảng toàn trị. Họ bị vẻ bề ngoài làm lóa mắt mà không thấy thực
trạng bên trong.
5. Kết luận:
Đất nước là của nhân dân, hoàn toàn không phải của đảng,
họa mất nước nhân dân phải gánh chịu. Đất nước này không chỉ của chúng
ta mà còn của con cháu mình. Sinh hoạt chính trị là một hoạt động của
con người văn minh thể hiện sự quan tâm đến mọi người, đến cộng đồng chứ
không phải việc xấu xa. Từng ủng hộ nhỏ sẽ tạo nên sức mạnh để làm được
việc lớn chứ đừng nghĩ rằng có quan tâm cũng không được gì. Hãy tiếp
xúc thông tin đa chiều để tránh là con cừu ngây thơ trong cuộc chơi bịt
mắt của đảng. Không ai thương mình bằng chính mình, công ơn trời biển,
nỗi lo của đảng cho dân cho nước chỉ là chiêu bài tuyên truyền mị dân.
Trước hãy vì quyền lợi mình và con cháu mình, sau vì quyền lợi cộng
đồng, giống nòi mà lên tiếng, ủng hộ phong trào chính nghĩa để giúp thay
đổi đất nước. Nước Pháp huy hoàng, cường quốc trong Hội đồng bảo an
Liên hợp Quốc dù dân số chỉ 60 triệu người là nhờ ơn những người dũng
cảm đã nổi dậy cướp ngục Baxti năm xưa. Những hành động của chúng ta hôm
nay, không chỉ thay đổi vận mệnh cho chúng ta mà còn thay đổi số phận
con cháu chúng ta. Nhiều bậc ông bà, cha mẹ đã âm thầm hy sinh cho tương
lai con cháu không ngại khó khăn, gian khổ; hành động thay đổi đất nước
chính là hành động mang lại tương lai tươi sáng, vững bền nhất cho con,
cho cháu.
Nguyễn Văn Thạnh
0 comments:
Post a Comment