Friday, July 27, 2012

Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un cưới 'Ðồng chí Ri Sol Chu'


Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và 'Ðồng chí Ri Sol Chu' đến tham quan một công viên giải trí mới được xây dựng ở Bình Nhưỡng, ngày 25/7/2012
Truyền hình nhà nước Bắc Triều Tiên nói rằng phụ nữ bí ẩn, người đã đi cùng tân lãnh đạo Kim Jong Un trong những sự kiện gần đây, là phu nhân của ông.
Tin tức truyền hình Triều Tiên nói rằng ông Kim Jong Un và 'Ðồng chí Ri Sol Chu' đã đi tham quan một công viên giải trí mới được xây dựng ở Bình Nhưỡng.

Ðây có vẻ là lần đầu tiên truyền thông Bắc Triều Tiên đề cập tới phu nhân của vị lãnh đạo này.

Người phụ nữ bí ẩn lần đầu được thấy ngồi cạnh ông Kim khi xem một buổi trình diễn được phát sóng trên truyền hình nhà nước hôm 6/7/2012.
Ri Sol Chu, phu nhân nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un
Ri Sol Chu, phu nhân nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un
Ông Kim đã đảm nhận quyền lãnh đạo đất nước cô lập này từ thân phụ của ông là Kim Jong Il, người đã qua đời hồi tháng 12.

Trong khi đó, Tổ chức Khủng hoảng quốc tế, ICG, tường trình rằng không có dấu hiệu rõ ràng cho thấy có âm mưu lật đổ ông Kim, bất chấp việc ông bất ngờ bãi bỏ chức vụ của người đứng đầu quân đội hồi đầu tháng này.


Phân tích gia cấp cao của ICG Daniel Pinkston nói với đài VOA rằng ông không thấy 'có những thay đổi chính sách đáng kể' trong tương lai, và ông Kim Jong Un đã nắm giữ quyền lực 'một cách chắc chắn'.


Báo cáo của ICG cảnh báo rằng Bình Nhưỡng có thể thực hiện các vụ phóng phi đạn tầm xa hoặc bom hạt nhân trong một nỗ lực nhằm củng cố uy quyền của ông Kim.

Ông Kim Jong Un đang xây dựng hình ảnh của riêng mình

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và phu nhân Ri Sol Chu
Bắc Triều Tiên đã xác nhận rằng nhà lãnh đạo Kim Jong  Un đã kết hôn, chấm dứt nhiều tuần phỏng đoán về danh phận của một người phụ nữ bí ẩn đã đi cùng tân lãnh đạo trong những sự kiện gần đây.

Truyền hình nhà nước nói rằng ông Kim Jong Un và “Ðồng chí Ri Sol Chu” đã đi thăm quan một công viên giải trí mới được xây dựng ở Bình Nhưỡng.

Ðây là lần đầu tiên truyền thông Bắc Triều Tiên đề cập tới phu nhân của vị lãnh đạo này và nêu tên bà.

Tuy nhiên, bản tin không nói về việc hai người kết hôn khi nào hay cho biết thêm các chi tiết khác.

Ông Kim đã đảm nhận quyền lãnh đạo đất nước cô lập này từ thân phụ của ông là Kim Jong Il, người đã qua đời hồi tháng 12.

Ri Sol Chu, phu nhân nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un
​ ​Việc giới thiệu về đệ nhất phu nhân Bắc Triều tiên là một hành động mới nhất trong hàng loạt các hành động khác biệt so với phong cách lãnh đạo bí mật và khó lay chuyển của cố lãnh đạo Kim Jong Il.

Ông Kim Jong Un cũng đã phát biểu trước công chúng và trò chuyện với các binh sĩ và người dân.

Thông tín viên đài VOA Steve Herman ở Seoul nói rằng các phân tích gia tin rằng nhà lãnh đạo mới của Bắc Triều Tiên đang tìm cách chứng tỏ bản thân.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland nói rằng Washington vẫn lo ngại về số phận của người dân nghèo khó của Bắc Triều Tiên.

Một dấu hiệu khác cho thấy ông Kim Jong Un đang xây dựng hình ảnh của riêng mình là loan báo hồi tuần trước rằng ông đã được trao chức danh Nguyên soái, chức danh cao nhất trong quân đội nước này.

Trong khi đó, Tổ chức Khủng hoảng quốc tế, ICG, tường trình rằng không có dấu hiệu rõ ràng cho thấy có âm mưu lật đổ ông Kim, bất chấp việc ông bất ngờ bãi bỏ chức vụ của người đứng đầu quân đội hồi đầu tháng này.

Phân tích gia cấp cao của ICG Daniel Pinkston nói với đài VOA rằng ông không thấy 'có những thay đổi chính sách đáng kể' trong tương lai, và ông Kim Jong Un đã nắm giữ quyền lực 'một cách chắc chắn'.

Báo cáo của ICG cảnh báo rằng Bình Nhưỡng có thể thực hiện các vụ phóng phi đạn tầm xa hoặc bom hạt nhân trong một nỗ lực nhằm củng cố uy quyền của ông Kim.

Cuộc chuyển giao quyền lực ở Bắc Triều Tiên đã hoàn tất

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un
Một bản phúc trình về Bắc Triều Tiên do Nhóm Khủng hoảng Quốc tế công bố ngày hôm nay kết luận rằng cuộc chuyển giao quyền lực cho ông Kim Jong Un đã hoàn tất. Phúc trình của tổ chức nghiên cứu độc lập này cũng dự báo rằng triển vọng cải cách ở Bắc Triều Tiên khá u ám và nhân vật lãnh đạo trẻ tuổi này có thể sẽ nắm quyền rất lâu trong lúc kho vũ khí hạt nhân mỗi ngày một lớn. Từ Seoul, thông tín viên Steve Herman của đài chúng tôi gởi về bào tường thuật sau đây.

Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho rằng tuy một nhân vật cấp cao trong quân đội Bắc Triều Tiên đã bị cách chức hồi gần đây nhưng không có dấu hiệu rõ ràng nào về một âm mưu nhằm lật đổ tân lãnh tụ trẻ tuổi Kim Jong Un.

Trong vài ngày qua, truyền thông ở Nam Triều Tiên và các nơi khác trích dẫn những nguồn tin không nêu danh tánh nói rằng một cuộc tranh giành quyền lực đang diễn ra ở Bình Nhưỡng.

Có tin cho hay một vụ chạm súng đã xảy ra trong lúc Phó Thống chế Ri Yong Ho bị cách chức hôm 16 tháng 7. Tờ Dong-A Ilbo ở Seoul cho biết ông Ri Yong Ho, nguyên Tổng tham mưu trưỏng quân đội, đã bị thanh trừng sau khi người ta nghe thấy trong một đoạn băng ghi âm những lời chỉ trích của ông đối với kế hoạch của ông Kim Jong Un nhằm mở cửa quốc gia bị cô lập này.

Giáo sư Daniel Pinkston, tác giả chính của bản phúc trình của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cho đài VOA biết rằng thân phụ của ông Kim Jong Un đã thực hiện những nỗ lực đáng kể để bảo đảm cho con trai ông giữ vững quyền lực.

Giáo sư Pinkston nói: "Ông Kim Jong Un vẫn nắm vững quyền lực trong tay bất chấp việc Phó Thống chế Ri Yong Ho bị thanh trừng. Và tôi tin rằng chướng ngại đối với một hành động tập thể để chống lại ông Kim Jong Un và gia đình họ Kim là một chướng ngại rất lớn. Chúng tôi không nhận thấy có những sự thay đổi đáng kể về chính sách của Bắc Triều Tiên trong tương lai gần."

Nhiều người tin rằng các giới chức chính trị và quân sự cấp cao ở Bình Nhưỡng đang nắm trong tay những hoạt động kinh doanh béo bở trong nền kinh tế do nhà nước kiểm soát. Ông Pinkston cho biết một số giới chức đang thụ hưởng rất nhiều lợi lộc và ông Kim Jong Un đang tìm cách cân bằng việc dành những cơ hội cho một liên minh mới của những người ủng hộ trong lúc tiếp tục tranh thủ sự hậu thuẫn của một số nhân vật thuộc thế hệ của thân phụ ông.

Ông Pinkston nói: "Quí vị có thể hình dung những vụ đấu đá hoặc tranh giành trong nội bộ đối với quyền sở hữu tài sản và quyền tiếp cận các nguồn lực. Và đó rất có thể là điều đã xảy ra cho ông Ri Yong Ho. Có lẽ ông Kim Jong Un và ông Ri Yong Ho đã cãi cọ với nhau về vấn đề nguồn lực và cách thức chia chác những nguồn lực này hoặc về những hoạt động kinh doanh nào mà ông Ri muốn nắm. Hoặc giả ông ấy đã quá tham lam và muốn có thêm những ngân khoản phụ trội."

Ông Pinkston và các nhà phân tích khác cho rằng mặc dù có những lời đồn đoán về sự bất đồng ý kiến về đường lối chính sách hoặc thậm chí về một cuộc tranh giành quyền lực ở Bắc Triều Tiên, nhưng việc này chưa có bằng chứng cụ thể nào cả.

Phúc trình của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế kết luận rằng “triển vọng cải cách” ở Bắc Triều Tiên khá u ám. Ông Pinkston cho biết những sự kiện rời rạc ở Bình Nhưỡng không đủ để hậu thuẫn cho nhận định là Bắc Triều Tiên đang bắt đầu thay đổi.

Ông Pinkston cho biết: "Những sự thay đổi đơn giản không đồng nghĩa với cải cách. Theo tôi,  cải cách có nghĩa là thay đổi cách thức cai trị, thay đổi các định chế, lệ thuộc nhiều hơn vào thị trường để phân bổ nguồn lực. Nó có nghĩa là tiến tới chế độ pháp trị, trao quyền cho các doanh nghiệp và người dân để họ có thể tham gia thị trường và tiến hành những hoạt động kinh doanh. Chúg tôi chưa nhận thấy những việc đó xảy ra ở Bắc Triều Tiên."

Một nguồn tin tình báo Tây phương cho đài VOA biết rằng tuy chưa có chỉ dấu về sự thay đổi cơ bản nhưng những sự kiện lý thú đang diễn ra ở Bình Nhưỡng hầu như mỗi ngày. Những sự kiện này bao gồm việc thuyên chuyển những giới chức cấp cao và những hành động nhằm đề cao uy tín của nhân vật lãnh đạo thiếu kinh nghiệm, và việc lập lại những lời chỉ trích gay gắt đối với Tổng thống Lee Myung Bak của Nam Triều Tiên.

Một mối quan tâm chính của cộng đồng tình báo là Bình Nhưỡng sẽ tập trung nỗ lực để giải quyết các vấn đề nội bộ hay là lại tìm cách tạo ra một vụ khủng hoảng bên ngoài, chẳng hạn như một vụ gây hấn quân sự, một vụ thử nghiệm phi đạn dưới bình phong phóng vệ tinh, hay là một vụ thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất, để nâng cao uy tín của ông Kim Jong Un.

Giáo sư Pinkston cho biết thêm: "Nếu giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên, và đặc biệt là ông Kim Jong Un, nghĩ rằng những người xung quanh ông cho rằng ông là người nhu nhược và ông cảm thấy cần phải chứng tỏ sức mạnh của mình, thì Bắc Triều Tiên có thể tìm cách thực hiện một vụ khiêu khích quân sự. Và họ có thể làm như vậy nếu họ tin rằng điều đó có thể ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống ở Nam Triều Tiên theo chiều hướng có lợi cho họ."

Cử tri Nam Triều Tiên sẽ đi bầu vào tháng 12 tới đây để chọn người lên thay cho Tổng thống Lee Myung Bak. Hiến pháp hiện hành ở Nam Triều Tiên qui định tổng thống chỉ được nắm quyền trong một nhiệm kỳ 5 năm.

Hàn Quốc đề cao cảnh giác sau các thay đổi trong quân đội Triều Tiên

Dân Hàn Quốc xem tin tức về Triều Tiên tại nhà ga xe lửa ở Seoul
Những thay đổi bất ngờ trong hệ thống đẳng cấp quân đội Triều Tiên dường như có gây xáo động đôi chút trong các giới chức ở nước đối thủ Hàn Quốc. Từ Seoul, thông tín viên VOA Steve Herman ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Hàn Quốc thừa nhận đã đặt lực lượng quân đội trong tình trạng cảnh giác cao hơn.

Ông Kim Min-seok là phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.

Ông Kim nói tư thế sẵn sàng đã được “nâng thêm đôi chút” và quân đội đang “thận trọng phân tích những gì đang diễn ra tại Triều Tiên,” sau nhiều thông cáo bất ngờ khác nhau từ phía Bình Nhưỡng trong tuần này. Ông Kim cho biết thêm các cuộc thảo luận đang được xúc tiến về việc liệu lực lượng Hàn Quốc nên chuẩn bị cho những tình huống nào, trong bối cảnh của những thay đổi đã được báo cáo và những gì đang quan sát được.

Những thay đổi nhân sự và chức vụ được chính phủ khép kín và thiếu minh bạch thông báo ở Bình Nhưỡng thông báo đã được đưa lên hàng đầu tin tức khơi ra nhiều lời đồn đoán trong những ngày gần đây.

Một tư lệnh quân đội kỳ cựu là phó thống soái Ri Yong Ho đã bị tước bỏ hết mọi chức vụ. Trong thông báo hôm thứ hai, lý do được nêu lên là “đau ốm” Thông báo này nói rằng quyết định được đưa ra tại một cuộc họp rõ ràng đã được triệu tập một cách vội vàng của bộ chính trị trung ương đảng.

Một ngày sau đã có một thông báo cũng ngắn gọn tương tự cho thấy một vị tướng lãnh ít được biết tới là Hyon Yong Chol đã thay thế ông Ri.

Một bất ngờ khác tiếp theo là vào ngày thứ tư, khi lãnh tụ Kim Jong Un được công bố là thống soái Triều Tiên.

Ông Ri, người cũng từng là tổng tham mưu trưởng quân đội, hồi đầu tháng này đã công bố một tối hậu thư gửi cho Hàn Quốc. Ông tuyến bố Seoul sẽ phải đối mặt với “một cuộc thánh chiến tàn bạo” nếu không chịu xin lỗi về những điều được coi là lăng mạ miền Bắc.

Chỉ hơn một tháng trước lời đe dọa đó, Bình Nhưỡng đã loan báo đang chuẩn bị cho một “chiến dịch đặc biệt” chống lại Seoul.

Các nguồn tin chính thức từ Hàn Quốc nói rằng lực lượng Hoa Kỳ đã tăng cường việc thu thập tin tức tình báo từ trên không phận Triều Tiên trong tuần này, nhưng chưa phát hiện thay đổi nào đáng kể về những chuyển dịch quân đội.

Một người phát ngôn của lực lượng Hoa Kỳ ở Hàn Quốc, bà Jennifer Buschick, nói với đài VOA rằng: “Vì vấn đề chính sách, chúng tôi không thảo luận về tư thế an ninh của chúng tôi. Chúng tôi tiếp tục theo dõi tình hình với các đối tác Cộng hòa Triều Tiên. Ban tư lệnh tiếp tục đánh giá và thực hiện việc điều chỉnh khi cần thiết để bảo vệ lực lượng của chúng tôi.”

Giáo sư Kim Yeon-soo tại trường Ðại học Quốc phòng Hàn Quốc nói chính phủ ở Seoul đang phản ứng một cách thận trọng hơn so với những năm trước đây.

Giáo sư Kim nói việc tăng cường tư thế sẵn sàng tương ứng với sự theo dõi sát hơn các hoạt động ở miền Bắc kể từ sau vụ đắm chiếc tàu Cheonan của hải quân và vụ pháo kích vào đảo Yeonpyeong, cả hai đều xảy ra vào năm 2010.

Một số phân tích gia lập luận rằng có phần chắc đang diễn ra một cuộc tranh giành quyền lực nội bộ ở Bình Nhưỡng. Những người khác bác bỏ lập luận đó và nói rằng tất cả sự kiện này có thể chỉ là một nhà lãnh đạo trẻ tuổi đang thận trọng xúc tiến việc khẳng định vị trí của mình trong bộ máy chính quyền.

Giáo sư Kim nói khó mà đưa ra kết luận nào bởi vì chưa thấy xung đột nội bộ nào rõ ràng.

Theo ông Kim, dường như quân đội Triều Tiên ổn định và có sự đoàn kết trong giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng. Ông cho rằng Triều Tiên đang bắt đầu đi theo con đường cải cách của Trung Quốc vì sự sống còn lâu dài và Bắc Kinh đang thúc đẩy Bình Nhưỡng cải cách và mở cửa ra thế giới bên ngoài.

Tưởng cũng cần nhắc lại là hai nước Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao. Một cuộc nội chiến kéo dài 3 năm hồi đầu thập niên 1950 đã chấm dứt mà không đi đến kết cục dứt khoát. Trong cuộc xung đột gây nhiều tàn phá này, Trung Quốc đã ủng hộ Triều Tiên trong khi Hoa Kỳ cùng với lực lượng của Liên Hiệp Quốc đã chiến đấu bên cạnh Hàn Quốc.

Triều Tiên duy trì một quân đội với hơn 1 triệu binh sĩ hiện dịch. Hàn Quốc có khoảng 650 ngàn binh sĩ hiện dịch với hơn 28 ngàn nhân viên quân đội Mỹ trú đóng trong nước.

Các nhà tổ chức Olympic xin lỗi Bắc Triều Tiên vì treo nhầm quốc kỳ

Các nhà tổ chức Olympic London treo nhầm cờ Nam Triều Tiên trước trận đấu bóng đã nữ. Ðội Bắc Triều Tiên đã không chịu ra sân sau khi phát hiện lỗi này
Các nhà tổ chức Olympic London đã xin lỗi Bắc Triều Tiên sau khi họ đã treo nhầm cờ Nam Triều Tiên trước một trận đấu bóng đã nữ.

Ðội Bắc Triều Tiên đã không chịu ra sân sau khi phát hiện lỗi này, làm trì hoãn trận đấu ngày hôm qua giữa đội Bắc Triều Tiên và Colombia hơn 1 tiếng đồng hồ.

Ðội Bắc Triều Tiên sau đó đã tiếp tục thi đấu và giành thắng lợi 2-0.

Các nhà tổ chức nói rằng họ sẽ có biện pháp để đảm bảo rằng lỗi như vậy sẽ không bao giờ xảy ra lần nữa.

Trong một trận khác ngày hôm qua, đương kim vô địch Hoa Kỳ đã bị đội Pháp dẫn trước 2 bàn, nhưng sau đó họ đã lật ngược lại thế trận với tỷ số 4-2 trong đó có hai bàn thắng của Alex Morgan.

Anh đánh bại New Zealand 1-0 tại thủ phủ Welsh của vùng Cardiff.

Cuộc tranh tài sẽ tiếp tục ngày hôm nay với các trận bóng đá nam.

Lễ khai mạc Olympic London sẽ được tổ chức vào ngày mai.

Trong khi đó, Liên đoàn Ðiền kinh Quốc tế đã đình chỉ 9 vận động viên điền kinh vì vi phạm qui định dùng doping, trong mộc cuộc kiểm tra việc sử dung các chất cấm trước các trận đấu trong khuôn khổ Olympic.

Hơn 10.000 vận động viên sẽ tranh tài trong 26 bộ môn thể thao tại Olympic lần này.

Các trận thi đấu sẽ kéo dài đến ngày 12/8.

Trung Quốc dọa 'trừng phạt' những người chỉ trích chính phủ trên mạng

Người sử dụng internet tại một quán cà phê internet ở Bắc Kinh
Giám đốc cơ quan công an Bắc Kinh đe dọa 'trừng phạt nghiêm khắc' những người sử dụng Internet ‘công kích’ Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tuyên bố này làm tăng mối lo ngại về một chiến dịch tăng cường đàn áp tự do ngôn luận trước cuộc chuyển tiếp chính trị đầy nhạy cảm ở nước này.

Ông Phó Chính Hoa, Cục trưởng Cục Công an Bắc Kinh, đã phát biểu như vậy hồi đầu tuần này tại một cuộc họp liên quan tới chiến dịch kéo dài cả tháng, mới được chính phủ công bố, với mục đích được gọi là 'làm trong sạch' mạng Internet.

Ông Phó nói: ‘Những ai bịa đặt và loan truyền các tin đồn về chính trị, công kích Đảng và các nhà lãnh đạo trong chính phủ và cơ quan công quyền sẽ nhận được cảnh báo công khai hoặc bị trừng phạt nghiêm khắc theo pháp luật’.

Tờ Hoàn cầu Thời báo của Đảng Cộng sản đưa tin ông Phó không nói cụ thể thế nào thì bị coi là tin đồn hay công kích chính trị, và lưu ý rằng một số người sử dụng web của Trung Quốc quan ngại rằng chiến dịch 'làm trong sạch' là một mưu toan bóp nghẹt những lời chỉ trích chính phủ trên mạng.

Bản tin được đăng một ngày sau khi giới hữu trách Trung Quốc thông báo đã bắt giữ hơn 10.000 người bị nghi là tội phạm mạng và đã xóa hơn 3,2 triệu thông tin ‘có hại’ trên mạng kể từ khi triển khai chiến dịch qui mô lớn để chống tội phạm mạng hồi tháng Ba.

Cải cách chính trị Trung Quốc không cùng nhịp với tiến bộ kinh tế

Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Nhân quyền Michael Posner phát biểu tại một buổi họp báo
Các giới chức Hoa Kỳ nói những cải cách chính trị Trung Quốc không theo kịp những tiến bộ kinh tế.

Đại diện của hai nước thảo luận về nhân quyền tại cuộc đối thoại hàng năm diễn ra trước đây trong tuần.

Trưởng phái đoàn Hoa Kỳ,Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Nhân quyền Michael Posner, nói với các phóng viên hôm thứ Tư là tình trạng nhân quyền tổng quát tại Trung Quốc tiếp tục xuống cấp:

“Chúng ta công nhận thành tích phi thường về phát triển kinh tế của Trung Quốc trong 3 thập niên qua. Trong thời kỳ đó, hàng triệu công dân Trung Quốc thoát khỏi cảnh nghèo khó và đây là một thành tựu đáng kể. Đồng thời chúng ta thấy cải cách chính trị tại Trung Quốc không theo kịp những tiến bộ kinh tế. Cũng như người dân ở khắp mọi nơi, người dân Trung Quốc muốn được đối xử với phẩm giá. Điều này có nghĩa là người dân trong khi mưu tìm cơ hội kinh tế và việc làm, tìm kiếm một con đường hợp pháp để nói lên những thống khổ chính đáng và có một vai trò có ý nghĩa trong việc phát triển chính trị trong xã hội của họ.”

Ông nói một số người đã bị cầm giữ tại Trung Quốc nằm trong khuôn khổ của một cuộc lùng bắt rộng lớn những người thách thức những hành động và chính sách của các giới chức.

Ông Posner cho biết trong những buổi gặp hôm thứ Hai và thứ Ba, Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho các nhà hoạt động dân chủ và các luật sư bị cầm tù vì thân chủ của họ đã chỉ trích những hành động của các giới chức nhà nước.

“Trong số những trường hợp chúng tôi nêu ra có trường hợp của luật sư Cao Trí Thịnh và Nia Vọng, bị cầm tù vì bênh vực thân chủ của họ có những lập trường gây tranh cãi và chỉ trích hành động của các giới chức. Chúng tôi thúc đẩy chính phủ Trung Quốc trả tự do cho những luật sư đó cũng như những nhà hoạt động dân chủ bị cầm tù như Lưu Hiểu Ba, Trần Vĩ và Trần Hi là những người muốn cởi mở chính trị và khuyến khích những quyền tự do căn bản cho người dân Trung Quốc.”

Ông Posner nói, ngoài những người đó, Hoa Kỳ còn bày tỏ quan tâm về việc Trung Quốc đối xử với những người sắc tộc tại Tây Tạng và Tân Cương. Ông nói Hoa Kỳ nói rõ là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục nêu lên vấn đề này.

Tân Hoa Xã hôm thứ Tư nói hai bên mô tả cuộc đối thoại hai ngày là “cởi mở, thành thật và xây dựng.”

Tân Hoa Xã cũng nói phía Trung Quốc giới thiệu những nỗ lực gần đây để cải thiện luật pháp, thủ tục tòa án và đời sống của người dân, trong khi Hoa Kỳ bày tỏ mong muốn làm việc với Trung Quốc để giải quyết những khác biệt và phát triển sự tin cậy lẫn nhau.

Mưa lũ kéo theo bất ổn chính trị ở Trung Quốc

Các công nhân dùng những bao cát để chặn nước lũ tràn vào một trạm thu phí ở quận Phòng Sơn, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 23/07/2012
Người sử dụng Internet Trung Quốc đang công kích sự thiếu chuẩn bị và thiếu thông tin đáng tin cậy sau khi những cơn mưa tầm tã mới đây gây lụt lội nghiêm trọng ở Bắc Kinh và những khu vực xung quanh.

Cơn mưa lớn nhất từng được ghi nhận trong nhiều thập kỷ này đã làm ít nhất 37 người thiệt mạng.

Người sử dụng Internet cho đăng video và hình ảnh những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất và công dân thành phố đang tổ chức những hoạt động cứu trợ tình nguyện.

Truyền thông nhà nước loan tin Bí thư Đảng ủy Bắc Kinh, ông Quách Kim Long, và Phó thị trưởng Bắc Kinh, ông Cát Lâm, đã xin từ chức.

Tin tức chính thức không nói rõ lý do tại sao hai ông này ra đi, nhưng một số "cư dân mạng" Trung Quốc phỏng đoán rằng việc ứng phó kém trước cơn bão là nguyên nhân đằng sau sự thay đổi lãnh đạo này.

Hôm thứ Tư, một người dùng Internet bình luận trên tài khoản microblog của mình: "Một cơn mưa to, hai lãnh đạo thành phố mất chức."

Tìm kiếm tên hai vị lãnh đạo bị mất chức này có vẻ như đã bị chặn lại trên mạng Weibo, một loại dịch vụ giống như Twitter phổ biến nhất ở Trung Quốc.

Bộ Dân chính nói từ ngày 20 tháng 7, đợt mưa này đã ảnh hưởng tới 22 tỉnh ở Trung Quốc và nghiêm trọng nhất là ở Bắc Kinh hôm thứ bảy tuần trước. Cơn mưa khiến nhiều tuyến đường chính bị ngập lụt, một số nơi còn ngập sâu đến bốn mét và giao thông tê liệt ở trung tâm thành phố suốt vài giờ.

Những vùng ngoại thành gánh chịu hậu quả nặng nề nhất, nhiều người chết vì nhà sập và bị lũ cuốn. Các quan chức thành phố cho biết 37 người đã thiệt mạng sau cơn mưa và hơn 77.000 người khác buộc phải sơ tán.

Thư Thái Phong, một nhà báo và bình luận viên có tiếng, đang ở quận Phòng Sơn, một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nhất do bão. Người này thường xuyên đăng tin tức cập nhật và hình ảnh những gì ông đã chứng kiến.

"Khu vực này vẫn không có điện nước và bùn thì đang đóng dày hơn. Chính quyền có gửi bắp cải tới vào ngày hôm qua, nhưng không có gas thì cũng không nấu được,” ông Thư viết trên tài khoản microblog của mình ngày hôm nay. Ông còn cho đăng lên hình ảnh một người phụ nữ đứng giữa các đống đổ nát.

Ông Thư cho biết tình nguyện viên đã mang nước khoáng tới. Người dân rất cảm kích nhưng vẫn kêu gọi chính phủ tỏ ra có trách nhiệm hơn, cung cấp thêm nước và điện.

Chính phủ thành phố đã phân bổ hơn 15 triệu đô la vào quỹ cứu trợ, còn các tình nguyện viên thì đã thành lập những trung tâm hiến tặng không chính thức.

Anh Antonio Lý, người dân quận Phòng Sơn, đi từ trường đại học của mình ở Bắc Kinh đến làng Bắc Xa Doanh cùng những tình nguyện viên khác trên năm chiếc xe chở đầy những nhu cầu yếu phẩm hàng ngày. Mặc dù ngôi làng mà anh tới không có thương vong, nhưng anh gọi những gì anh nhìn thấy là “hết sức hỗn độn.”

Anh nói rằng nhiều đồ đạc trong nhà đã bị nước cuốn trôi, thậm chí cả xe ô tô và cửa sắt cũng chịu chung số phận.

Anh Lý vẫn thường cập nhật tin tức và hình ảnh chuyến đi của mình đến Phòng Sơn. Anh nói anh nhìn thấy nhiều tình nguyện viên khác cũng ở làng, bao gồm một nhóm khoảng 30 người hâm mộ đội bóng đá Quốc An của Bắc Kinh.

Anh Lý nói rằng mặc dù chính phủ đã không hành động kịp thời cảnh báo nguy hiểm cho dân cư, nhưng hiện giờ thì họ đang giúp đỡ bằng cách gửi nước và sửa chữa các tuyến đường.

Cảnh báo nguy hiểm vẫn nằm ở mức cao và dự báo sẽ mưa thêm ở Bắc Kinh cuối ngày thứ Tư và thứ Năm. Cục khí tượng Bắc Kinh cảnh báo những khu vực như Phòng Sơn sẽ còn hứng chịu nhiều thiệt hại nữa.

Ấn Ðộ: Hàng ngàn người chạy trốn các vụ xung đột sắc tộc

Dân làng bày tỏ sự phẫn nộ đối với tình trạng bạo lực ở bang Assam tại trại cứu trợ Bijni ở thị trấn Chirang, ngày 26/7/2012
Hàng ngàn người đang đổ vào các trại cứu trợ ở đông bắc Ấn Ðộ, nơi các cuộc xung đột sắc tộc đã làm ít nhất 41 người chết trong tuần trước.

Lực lượng an ninh tiếp tục tuần tra tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng bạo lực ở bang Assam, nơi thành viên của bộ lạc Bodo và những người định cư Hồi giáo đã giao tranh trong vài ngày.

Quân đội đã được lệnh nổ súng và một lệnh giới nghiêm đã được áp đặt để dập tắt bạo động.

Bất ổn gần biên giới Bhutan đã nổ ra hồi tuần trước sau một loạt các vụ tấn công được châm ngòi từ những mâu thuẫn lâu nay giữa bộ lạc Bodo và người Hồi giáo Bengali.

Giới hữu trách cho biết khoảng 200.000 người đã bỏ chạy khỏi vụ bạo động. Bộ trưởng bang Assam Tarun Gogoi đã tới thăm những khu vực bị ảnh hưởng ngày hôm nay.

Thủ tướng Ấn Ðộ Manmohan Singh cũng dự kiến sẽ đến bang này vào ngày thứ Bảy.

Tình trạng thù địch và các cáo buộc lấn chiếm đất đai lâu nay vẫn sôi sục ở khu vực này giữa các thành viên của cộng đồng sắc tộc Bodo và hàng ngàn người Hồi giáo Bengali đến định cư, nhiều người trong số họ đến từ Ðông Pakistan cũ trước khi vùng này trở thành Bangladesh vào năm 1971.

Giao tranh tiếp diễn ở thành phố lớn nhất Syria

Chiến binh của Lực lượng Giải phóng Syria bên trong một đồn cảnh sát bị đốt cháy ở thành phố Aleppo, ngày 25/7/2012
Các nhân vật tranh đấu Syria cho biết những vụ đụng độ giữa phe nổi dậy và các lực lượng chính phủ tiếp tục diễn ra ở Aleppo, thành phố lớn nhất nước, và ở các khu vực quan trọng khác trong cuộc nổi dậy chống chính phủ kéo dài 16 tháng nay.

Đài Quan sát Nhân quyền Syria ở Anh cho biết những vụ pháo kích vào thành phố Aleppo ngày hôm nay giết chết một bé gái và gây thương tích cho nhiều người khác.

Tổ chức này cũng cho biết những vụ đụng độ đang diễn ra ở thành phố Hama và tỉnh Dier Ezzor, cùng với những vụ nổ bom nhắm vào các loại xe cộ của quân đội ở tỉnh Idlib.

Mặt khác, có dấu hiệu cho thấy phe nổi dậy đã giải phóng thành phố Azaz. Ông Abu Khaled, một cư dân của thành phố này, nói với đài VOA như sau:

Ông Khaled cho biết: "Máy bay của Assad bắn phá chúng tôi suốt ngày suốt đêm và xe tăng của ông ấy cũng nã đại pháo vào thành phố chúng tôi từ hướng bắc và hướng tây. Chúng tôi không có điện nước gì cả và điều kiện sinh hoạt ở đây vô cùng khó khăn. Chúng tôi cầu xin Thượng Đế đừng để cho tình cảnh này xảy ra một lần nữa, nhưng chúng tôi cũng cảm ơn Thượng Đế vì chúng tôi đã đạt mục tiêu và đã giải phóng Azaz."

Các nhà tranh đấu nói rằng chính phủ đã dùng trực thăng vũ trang và xe tăng trong những cuộc giao tranh xảy ra ở Aleppo trong vài ngày qua.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jay Carney hôm thứ tư nói rằng những chiến thuật mà chính quyền Syria sử dụng là dấu hiệu cho thấy mức độ tuyệt vọng của Tổng thống Bashar al-Assad.

Trong khi đó, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu cam kết hỗ trợ người dân Syria chống lại sự đàn áp của chính quyền. Ông nói như sau:

Ông Davutoglu nói: "Mọi người đều được phán xét qua sự lựa chọn của mình. Nếu ông ấy chọn lựa việc tấn công người dân bằng cách ra lệnh cho quân đội tấn công người dân bằng đại pháo và xe tăng, giết chết 20.000 người anh em của chúng tôi, thay vì đoàn kết với họ, thì chúng tôi chỉ có một sự lựa chọn duy nhất. Chúng tôi quyết định sát cánh với những người anh em Syria bị đàn áp và sẽ tiếp tục sát cánh với họ."

Cũng trong ngày thứ tư, các nhà ngoại giao của khối Ả Rập cho biết họ đang chuẩn bị đệ nạp cho Đại hội đồng Liên hiệp quốc một nghị quyết về Syria. Nghị quyết này có phần chắc sẽ đề cập tới những tuyên bố của Syria hồi tuần này là họ có thể sử dụng vũ khí hóa học để chống lại những kẻ tấn công từ bên ngoài.

Các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hiệp quốc không có tính chất cưỡng hành và không thể bị phủ quyết. Nga và Trung Quốc đã ba lần phủ quyết các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về Syria.

Syria: Giao tranh lớn tiếp tục tại các thành phố Aleppo, Damascus

Hình ảnh từ đoạn video nghiệp dư cho thấy xe tăng của lực lượng chính phủ Syria tại Aleppo, Syria, 24/7/2012
Những người hoạt động đối lập Syria nói rằng lực lượng an ninh của chính phủ đang sử dụng các máy bay trực thăng tấn công và súng máy để oanh tạc các mục tiêu quân nổi dậy ở thủ đô Damascus và Aleppo, thành phố lớn nhất của Syria.

Phe đối lập nói quân đội Syria đã điều hàng ngàn binh sĩ tới Aleppo và giao tranh đã nổ ra tại đó.

Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Hoa Kỳ Jay Carney gọi tin về việc sử dụng máy bay trực thăng tấn công và xe tăng tại Aleppo là một dấu hiệu về hành động rất kém đạo đức của Tổng thống Bashar al-Assad.

Ông Carney cũng nói rằng Hoa Kỳ đã xác nhận là có thêm hai nhà ngoại giao Syria – là đại sứ Syria tại Cộng Hòa Síp và Liên Hiệp Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất – đã đào tị.

Ông Carney gọi đây là một chỉ dấu nữa cho thấy ngày tàn của ông Assad đang tới gần.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đóng các cửa khẩu biên giới quan trọng dành cho hàng hóa thương mại từ Syria tới, nhưng nói rằng các cửa khẩu này vẫn mở cho dân tị nạn.

Mỹ đẩy mạnh nỗ lực giúp phe nổi dậy Syria

Ngoại trưởng Clinton nói Hoa Kỳ cung cấp cho phe nổi dậy những trợ giúp “không giết người”
Ngoại trưởng Mỹ cho biết Hoa Kỳ đang tăng các nỗ lực để giúp phe nổi dậy ở Syria trong cuộc đấu tranh của họ để lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.

Ngoại trưởng Clinton không tiết lộ thêm chi tiết nào, nhưng hôm thứ Ba bà nói Hoa Kỳ cung cấp cho phe nổi dậy những sự trợ giúp “không giết người”, chẳng hạn như thuốc men và các hỗ trợ về mặt thông tin liên lạc.

Bà nói Washington đang làm việc ngoài khuôn khổ Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, nơi Trung Quốc và Nga đã phủ quyết 3 nghị quyết mà nếu được thông qua, đã đề ra những bước hành động mạnh mẽ hơn chống chính phủ của ông Assad.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói phe đối lập Syria ngày càng kiểm soát được nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn hơn, mà bà nói sau này sẽ trở thành những địa điểm an toàn và căn cứ để có thể tăng cường các hoạt động của họ.

Ngoại trưởng Clinton nói phe đối lập phải chuẩn bị bắt tay vào việc thành lập một chính phủ lâm thời sẽ bảo vệ các quyền của mọi người dân Syria, đồng thời bảo vệ các kho vũ khí hóa học và sinh học của Syria.

Giới hoạt động đối lập Syria nói các lực lượng chính phủ đã bố ráp nhiều khu vực tại thủ đô Damacus hôm thứ Ba, và pháo kích những vùng khác, kể cả thị trấn Herak ở phía Nam Syria. Tin nói rằng ít nhất ba trẻ em đã thiệt mạng.

0 comments:

Powered By Blogger