Trên dưới 30 năm trước, toàn thế giới đã phải đặc biệt chú tâm đến Việt Nam, nơi mà hàng ngàn và hàng ngàn con người quyết tâm rời bỏ quê hương, rời bỏ gia đình, tài sản và kỷ niệm, để vượt biển ra đi trên những con tàu mong manh chưa biết đi đâu về đâu và chấp nhận mọi hiểm nguy trên biển.

Biến cố 30/4/1975


Làn sóng người mà hành trang mang theo chỉ là một quyết tâm rời bỏ quê hương yêu dấu đã làm thành sự kiện độc nhất vô nhị trên thế giới, và những thảm cảnh mà họ gặp trên đường hải hành đã gây xúc động sâu xa cho mọi người, đã đánh động lương tâm nhân loại.


Theo số liệu của Cao Uỷ Tin Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), tính tới năm 2000 đã có 796.310 thuyền nhân đến được các trại tị nạn, trong số này 720.000 người đã được định cư tại một nước thứ ba trong số trên 15 quốc gia mở rộng vòng tay đón nhận họ.


Những con người can đảm và may mắn này đã xây dựng thành một Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại lớn mạnh, đáng ngưỡng mộ.


Nhưng còn những người ra đi mà không đến thì sao? Bao nhiêu người đã bỏ mình trong cuộc hải hành trên Biển Đông? Không ai biết được con số chính xác.


Nhưng nếu ra đi một sống hai chết và số người thành công là gần
800.000 thì số người thất bại e cũng gần bằng con số ấy.

Thuyền nhân Việt Nam trong 1/4 cuối Thế Kỷ XX là một sự kiện lịch sử không thể xoá nhoà và mong sẽ không bao giờ lập lại.


Nhân ngày kỷ niêm 30 Tháng Tư năm nay, Ban Việt Ngữ - Đài Á Châu Tự Do xin gửi đến quý thính giả loạt bài về thuyền nhân để ghi lại sự kiện vô tiền khoáng hậu ấy.


Đây cũng là nén nhang tưởng nhớ những người đã đi mà không đến và bó hoa dâng tặng Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại đã tự khẳng định bằng chính sinh mạng và công sức của mình.


"...Yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà hãy bình tĩnh, ngưng nổ súng, và ở đâu ở đó..."


Những chuỗi âm thanh mà quý thính giả vừa nghe là diễn tiến dồn dập tại Miền Nam Việt Nam vào cuối Tháng Tư 1975.


Một trong những người rời nước bằng tàu Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà ngày 29, luật sư trẻ Nguyễn Hiền hồi năm 1975, hồi tưởng:


"Nha Trang thất thủ, gia đình chúng tôi vào Sài Gòn. Sau những toan tính bất thành tìm đường ra đi như nhiều gia đình khác lúc bấy giờ thì sự đi khỏi Việt Nam kịp lúc của gia đình chúng tôi trước khi Sài Gòn thất thủ hoàn toàn do may mắn.


Nhờ anh tôi trong binh chủng hải quân mà gia đình chúng tôi đi được gần hết. Sự may mắn vào phút chót đó phải nói không tiền bạc nào có thể mua được.


Chúng tôi ra đi để không phải sống dưới chế độ tàn bạo cộng sản chỉ biết có thù hận dù những thù hận đó do chính họ tưởng tượng ra. Hầu hết người dân Miền Nam có thể nói đều muốn xa lánh cộng sản, nhất là những người đã xa lánh cộng sản lần thứ nhất năm 1954 như gia đình tôi.


Chiếc tàu thuộc Hải Quân Việt Nam đưa chúng tôi đi từ bến Bạch Đằng (Sài Gòn) vào đêm 29 rạng 30-4-1975, chỉ vài tiếng đồng hồ trước khi Sài Gòn hoàn toàn bị xâm chiếm.


Chuyến đi vất vả, thiếu thốn, tinh thần hoang mang trong mấy ngày đầu. Nhưng bây giờ nhìn lại mới thấy nhẵng khổ sở của chúng tôi lúc đó không thể so sánh với cảnh địa ngục trần gian mà nhiều đồng bào boat people của chúng tôi phải trải qua trong những chuyến vượt biên những năm sau đó.


Tàu lớn được Hạm Đội 7 Mỹ đón tiếp ngoài khơi, sau cùng chuyển chúng tôi sang tàu dân sự và đưa chúng tôi đến đảo Guam an toàn. Chúng tôi không hề phải lo lắng về an toàn sinh mạng của mình."


http://www.rfa.org/vietnamese/Specia...e-BoatPeople-N
...