Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
Gần như cùng lúc, cả Việt Nam và Trung Quốc đều báo động về nạn đình trệ kinh tế.Trong khi tờ Nhân dân Nhật báo tại Hà Nội xác nhận là đã có dấu hiệu suy giảm sản xuất trong bốn tháng đầu năm thì tại Trung Quốc, chính Thủ tướng Ôn Gia Bảo kêu gọi là nên đặt ưu tiên cao hơn cho tăng trưởng. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về nguyên nhân của tình trạng đó qua phần trao đổi của Vũ Hoàng với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa của đài Á châu Tự do.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, hai tháng trước, qua chương trình phát thanh ngày 28 Tháng Ba, chúng ta tìm hiểu về một quyết định của Quốc hội Trung Quốc là từ năm nay sẽ giảm chỉ tiêu tăng trưởng xuống mức 7,5% một năm thay vì giữ tốc độ 8% như trong tám năm qua, để còn cải tổ lại cơ chế kinh tế. Khi ấy, ông nhận định rằng cuối cùng, xứ này vẫn có đà tăng trưởng cao và gặp bất lợi vì càng khó cải cách. Quả nhiên, cuối tuần qua thì Thủ tướng Ôn Gia Bảo phát biểu tại Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc, là dù phải tiếp tục thi hành chính sách công chi và tiền tệ một cách thận trọng, Trung Quốc vẫn cần đẩy mạnh ưu tiên tăng trưởng.
Cùng lúc đó, thưa ông, tờ Nhân dân Nhật báo của đảng Cộng sản Việt Nam cũng vừa xác nhận là kinh tế đã có dấu hiệu suy giảm, và nhiều nhà nghiên cứu kinh tế trong nước nói đến viễn ảnh sẽ hụt mất chỉ tiêu tăng trưởng từ sáu đến 6,5% và chỉ còn 4% hay 4,5% là nhiều. Đồng thời nỗi khó khăn và thậm chí phá sản của cả vạn doanh nghiệp phải được các đại biểu lưu tâm trong kỳ họp thứ ba của Quốc hội khoá XIII vào tháng này.
Giữa bối cảnh còn u ám của kinh tế thế giới, chúng tôi đề nghị diễn đàn chuyên đề của chúng ta sẽ tìm hiểu về những khó khăn này của Trung Quốc và Việt Nam. Cụ thể là tại sao như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng sinh hoạt kinh tế các nước có thể nhất thời trôi vào chu kỳ suy trầm và cần một số biện pháp điều chỉnh. Kinh tế thế giới lại đang gặp cảnh hy hữu hơn một chu kỳ suy trầm, do hiện tượng các nước công nghiệp hóa chi tiêu quá mức và mắc nợ quá nhiều từ mấy chục năm nay nên đến lúc phải trả. Đó là cảnh suy trầm kéo dài của Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước Âu Châu. Khi ấy thế giới hy vọng các nước đang phát triển, đứng đầu là Trung Quốc, sẽ là những đầu máy thay thế. Nhưng sự thể lại không được vậy vì như Việt Nam, Trung Quốc vẫn cần xuất khẩu vào các thị trường công nghiệp hoá nên cũng bị hiệu ứng trì trệ.
Thật ra, cả hai nền kinh tế này không chỉ bị hậu quả chu kỳ, là chỉ gặp khó khăn giai đoạn, mà còn có nhược điểm nằm trong cơ cấu và gặp hoàn cảnh đình trệ thì các nhược điểm mới phát tác. Vì thế, họ không chỉ bị đà tăng trưởng thấp mà còn gặp nhiều chuyện nguy ngập hơn, nên có thể phải rà soát lại toàn bộ cơ chế kinh tế, chiến lược phát triển và nhất là tổ chức chính trị. Có lẽ lãnh đạo Bắc Kinh thấy ra điều ấy, còn nhà cầm quyền Hà Nội thì e rằng chưa và đấy mới là chuyện đáng sợ hơn cả.
Tăng trưởng và cải cách
Vũ Hoàng: Như vậy chúng ta sẽ lần lượt nói về chuyện tăng trưởng và cải cách của Trung Quốc trước khi tìm hiểu về trường hợp Việt Nam. Thưa ông, đâu là những nhược điểm về cơ cấu của Trung Quốc như ông nói?Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trung Quốc có cơ cấu kinh tế chính trị xin tạm gọi là "tập trung chính trị mà phân quyền kinh tế". Theo mô hình này, trung ương giữ độc quyền chính trị qua hệ thống lý luận và tổ chức của đảng, mà cho các địa phương, từ cấp tỉnh, thành phố và quận huyện, nhiều quyền hạn về kinh tế.
Cụ thể thì đảng bổ nhiệm nhân sự tại các địa phương và ở dưới, đảng viên thăng quan tiến chức nếu đạt thành tích tại địa phương mà họ quản lý và thật ra họ chỉ chịu trách nhiệm với cấp trên chứ không do dân chúng ở dưới bầu lên. Hình thái ấy không mấy khác tổ chức hành chính công quyền của xứ này vào thời cổ. Kết quả thì đảng bảo đảm được quyền lãnh đạo của mình, còn các địa phương thì linh động giải quyết yêu cầu kinh tế ở dưới, thậm chí còn phát huy sáng kiến và tranh đua với nhau vì ai thành công thì được ở trên cất nhắc lên vị trí cao hơn.
Vũ Hoàng: Nghe ông trình bày thì thính giả có thể hiểu vì sao mà có tỉnh thì theo hướng này, tỉnh khác lại có đường lối khác. Cũng vì vậy mà khi là Bí thư Trùng Khánh từ năm 2007 thì ông Bạc Hy Lai hành xử khác với người tiền nhiệm là Uông Dương nay đang là Bí thư Quảng Đông.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa vâng, vì cơ chế kinh tế chính trị đó mà dưới sự quan sát của trung ương, các địa phương đều thi đua hay thử nghiệm sáng kiến để tìm mức tăng trưởng cao. Đấy là lý do khiến kỳ trước mình nói rằng khi nào tốc độ tăng trưởng của các địa phương cũng cao hơn chỉ tiêu do trung ương đề ra từ một đến ba phần trăm. Then chốt là trung ương cần địa phương tạo ra việc làm và giữ gìn ổn định xã hội và khi cả tỷ người bung ra sản xuất như vậy thì kinh tế có sản lượng tăng vọt làm thế giới cho là phép lạ.
Nhưng dù có lấy đó làm thành tích biện minh cho vai trò cần thiết của đảng độc quyền, lãnh đạo Trung Quốc có thấy tăng trưởng cao mà vẫn thiếu phẩm chất, bị lãng phí và gây ô nhiễm. Trong khi mỗi nơi lại phát triển một hướng nên lại gây ra bất công lẫn bất ổn vì dị biệt quá lớn giữa các địa phương hay thành phần kinh tế. Khi lên lãnh đạo từ năm 2003, thế hệ thứ tư như Hồ Cẩm Đào hay Ôn Gia Bảo đã muốn tập trung quyền lực về trung ương để phần nào tái phân lợi tức và tài nguyên cho cân bằng hơn mà không nổi.
Thế rồi nạn tổng suy trầm toàn cầu từ năm 2008 mở ra mâu thuẫn giữa tăng trưởng và cân đối, với ưu tiên lại dồn vào tăng trưởng nhờ lượng công chi và tín dụng vĩ đại. Được bơm phương tiện mà ít năng suất thì biện pháp kích thích thổi lên lạm phát. Chế độ phân quyền cho địa phương còn đưa tới nạn bong bóng địa ốc và tư bản thân tộc, kèm theo lối vận động chính trị để tranh đoạt quyền bính tại trung ương như chúng ta đã thấy qua vụ Bạc Hy Lai. Hãy nghĩ đến tham vọng của Ngô Tam Quế trấn thủ tại Vân Nam khi thấy Khang Hy còn quá trẻ ở Bắc Kinh!
Ba mục tiêu của TQ
Vũ Hoàng: Từ bối cảnh phức tạp đó, thưa ông, người ta có cảm tưởng như lãnh đạo Bắc Kinh chưa thoát khỏi mâu thuẫn giữa tăng trưởng và cân đối mặc dù đảng và Quốc hội đều nói tới yêu cầu cải tổ cơ cấu. Câu hỏi mà nhiều người thắc mắc là sau kỳ họp Quốc hội vào Tháng Ba, ông Ôn Gia Bảo nhấn mạnh tới cải cách và hạ chỉ tiêu tăng trưởng mà bây giờ ông lại nói đến ưu tiên cao hơn một chút cho tăng trưởng. Thế thì chuyện gì đang xảy ra vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trong chuyến tham quan Vũ Hán vào cuối tuần qua, Thủ tướng Trung Quốc chỉ thị là phải cẩn trọng xử lý cả ba mục tiêu là duy trì tăng trưởng, tái cấu trúc kinh tế và kiềm chế lạm phát. Lời phát biểu ấy cho thấy những khó khăn trầm trọng của xứ này.
Trước hết, sản lượng công nghiệp trong Tháng Tư sụt tới mức thấp nhất từ hai năm nay, lượng đầu tư cố định thì tăng ít nhất kể từ một chục năm và niềm tin của thị trường giảm sút đáng kể. Trong khi ấy, lại có tin là bốn ngân hàng lớn nhất bỗng dưng giảm mức tín dụng tới 99% trong hai tuần đầu của Tháng Năm, là chuyện rất lạ và cực nguy. Các doanh nghiệp đều vay mượn quá nhiều và tồn tại nhờ vay thêm để trả nợ cũ, tức là chỉ đổi nợ thôi. Khi tình hình sản xuất sa sút mà ngân hàng lại ngưng cho vay thì nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản, thất nghiệp tăng vọt và động loạn xã hội sẽ lan rộng. Gặp hoàn cảnh này thì làm sao có thể giảm đà tăng trưởng qua hạn chế tín dụng? Ôn Gia Bảo nhắc tới ưu tiên tăng trưởng là theo ý đó, nhưng cũng nhắc nhở là phải thận trọng, chỉ vì bóng ma của lạm phát và nạn đầu cơ địa ốc vẫn rình rập.
Vũ Hoàng: Nếu quả như vậy thì sau 30 năm tăng trưởng ngoạn mục, Bắc Kinh đang ngõ cụt, vì ngả nào cũng có chướng ngại kinh tế lẫn xã hội và chính trị, dù bên ngoài cứ ngợi ca phép lạ Trung Quốc và lãnh đạo xứ này vẫn ra vẻ uy hiếp các nước lân bang. Theo như ông nhận xét thì họ còn có thể làm gì để thoát hiểm?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta thật khó có câu trả lời và có lẽ còn phải chờ đợi thêm ít lâu.
Bản thân tôi thì không đánh giá thấp trình độ lãnh đạo của xứ này nên nghĩ rằng họ sẽ dám làm chuyện táo tợn, đó là đành cho kinh tế suy trầm, là đạt tăng trưởng thấp hơn, với rủi ro là doanh nghiệp kém hiệu năng sẽ phá sản hàng loạt và thất nghiệp có thể tăng vọt. Nếu vượt qua được khó khăn này, Trung Quốc mới thực sự cải tiến khả năng cạnh tranh và có được nền kinh tế quân bình hơn. Điều ấy cũng có nghĩa là họ sẽ phải có thay đổi về chính trị từ trên xuống. Nếu không vượt nổi những thách đố ấy, Trung Quốc vẫn bị suy trầm kinh tế mà còn bị loạn to.
Vũ Hoàng: Ta bước qua Việt Nam vì thưa ông hình như xứ này cũng có một số điểm tương đồng về những khó khăn trước mắt với doanh nghiệp phá sản, ngân hàng rung rinh và kinh tế sa sút...
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa nói về kích thước thì Việt Nam chỉ bằng một tỉnh của Trung Quốc, mà về trình độ thì dù đau lòng tôi phải cho rằng lãnh đạo xứ này mới chỉ ở cấp quận huyện của lân bang đáng ngại kia. Lãnh đạo Hà Nội vẫn còn lối tư duy của phó lý trương tuần trong làng xã thời xưa nên chỉ bo bíu nghĩ đến đỉnh chung trước mắt trong khi coi dân như rác.
Thuần về kinh tế, Việt Nam có ưu thế và hoàn cảnh thật ra dễ hơn Trung Quốc để vừa ra khỏi bóng rợp của họ vừa vượt lên thành một nước "tân hưng" Đông Nam Á. Từ hai chục năm nay, các định chế quốc tế đã có cả ngàn khuyến cáo về cải cách mọi mặt, đi cùng viện trợ cả tài chính lẫn kỹ thuật. Nhưng tài chính thì bỏ túi, kỹ thuật thì bỏ qua và họ tráng men tiến trình công nghiệp hoá ngoài vỏ, với cùng chiến lược là ép dân lấy đất, bóp lương để đạt lợi thế nhân công rẻ. Đấy là thành quả kinh tế tồi tàn do trạng thái tâm lý nghèo nàn của lãnh đạo khi họ ru ngủ nhau với cách xoa đầu ngợi khen của giới đầu tư quốc tế. Sự thể nay đã khác...
Tình hình Việt nam
Vũ Hoàng: Ông nói rằng nay đã khác thì khác như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin đi từ xa đến gần, từ thấp lên cao để chúng ta thấy ra điều ấy.
Việt Nam chỉ cải cách sau năm 1991, tức là 20 năm trở lại thôi, sau năm năm thả nổi và dọ dẫm từ Đại hội VI, và phải đổi mới vì Liên bang Xô viết đã tan rã. Ngay từ đó, hai nhu cầu đã được đặt ra và được quốc tế viện trợ để tiến hành, là cải cách hành chính công quyền và cải cách doanh nghiệp nhà nước. Hai chục năm sau, doanh nghiệp nhà nước vẫn tồn tại và lớn mạnh trong một sự phung phí vĩ đại, điển hình mà không duy nhất chính là tập đoàn Vinashin. Khi nội vụ bùng nổ từ bốn năm qua, ta mới thấy nhiều kẽ hở khó hiểu của nền hành chính công quyền vì không xác định nổi trách nhiệm pháp lý và chuyên môn của các cơ quan chủ quản hay giám sát.
Đây là chuyện đỉnh chung hay bạc tiền của quan chức trong hệ thống nhà nước, vì nhiều nhóm lợi ích đã sống nhờ các cơ sở này, dưới sự bảo kê của đảng ở trên. Thành thử hệ thống kinh tế chính trị xứ này chỉ là một tổ chức kinh tài có độc quyền bạo lực, một đảng 'mafia' khoác cờ đỏ. Từ 20 năm nay người ta đã thấy là nếu không tách đảng ra khỏi pháp quyền nhà nước thì tình trạng này vẫn tồn tại. Nếu không giải trừ tư tưởng công hữu và cải tổ luật lệ về đất đai thì nạn cướp đất rồi xua công an và lính tráng đi đàn áp nạn nhân sẽ còn tiếp tục.
Vũ Hoàng: Thưa ông, trường hợp này có khác gì với Trung Quốc hay chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng có mà không. Có là khi cơ chế chính trị đó dẫn tới hiện tượng tư bản thân tộc, đám quý tộc đảng độc quyền trục lợi và dùng quan hệ đó làm ung thối hệ thống tư doanh. Hiện tượng "Thái tử đảng" trở thành đại gia kinh tế là một thí dụ dễ thấy nhất.
Nhưng có khác là lãnh đạo Trung Quốc quan sát các sáng kiến xấu tốt của địa phương và tìm cách điều chỉnh. Việt Nam thì định chế hóa gần như vĩnh viễn loại giải pháp gọi là "thí điểm". Người ta thử nghiệm một giải pháp và khi các nhóm lợi ích đó thấy có lợi là duy trì luôn. Vì vậy, giải pháp "Tập đoàn Kinh tế Nhà nước" hay "Tổng công ty Nhà nước" vẫn được bảo vệ dù có năng suất đầu tư rất thấp và tỷ lệ tham nhũng rất cao.
Nguyên nhân là không chỉ nắm quyền và thế, các nhóm lợi ích còn chi phối chính sách quản lý, gây lệch lạc trong thị trường và dẫn tới lạm phát cùng bong bóng đầu tư. Khả năng quản lý vĩ mô đã kém, với loại khí cụ thô thiển, mà đường hướng còn nhằm bảo vệ các ngân hàng và tập đoàn nhà nước, làm không gian sinh hoạt của tư nhân bị lũng đoạn, tư doanh phá sản hàng loạt.
Doanh nghiệp nhà nước như tế bào ung thư đang hủy hoại các tế bào lành lặn và triệt phá tiềm năng phát triển của cả nước. Vì vậy, vấn đề không chỉ là suy trầm kinh tế có tính chất chu kỳ. Nạn suy trầm đó cho thấy Việt Nam phải thay đổi, nhưng lãnh đạo vẫn cưỡng chống sau các khẩu hiệu rỗng rang như người ta thấy từ kỳ họp vừa qua của Ban chấp hành Trung ương.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc trao đổi này.
0 comments:
Post a Comment